Tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược đã được thông qua với nhiều điểm mới, được kỳ vọng khắc phục tình trạng thiếu thuốc, tạo đà cho ngành dược phát triển. Đa số đại biểu đều thống nhất rằng, việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược nhằm bảo đảm người dân được tiếp cận thuốc chất lượng, kịp thời, giá cả hợp lý.
Mặt khác, sẽ kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật trong hoạt động quản lý thuốc; bảo đảm thuốc cho phòng, chống dịch bệnh và các trường hợp cấp bách phát sinh trong thực tiễn. Cùng với đó, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động về dược, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư các dự án nghiên cứu, sản xuất trong lĩnh vực dược.
Luật mới được thông qua thể hiện rõ chính sách của Nhà nước về dược được tiếp tục hoàn thiện, thể chế hóa quan điểm của Đảng nhằm mục tiêu phát triển ngành công nghiệp dược Việt Nam thành ngành công nghiệp mũi nhọn. Theo đó, luật này mang tính đột phá hơn so với Luật Dược năm 2016 để thu hút đầu tư và thúc đẩy hơn nữa việc nghiên cứu phát triển sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc.
Đáng lưu ý, về chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trong phát triển công nghiệp dược, luật quy định thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực dược theo quy định của pháp luật về đầu tư. Dự án đầu tư thành lập mới (bao gồm cả việc mở rộng dự án thành lập mới đó) trong phát triển công nghiệp dược có tổng vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 1.000 tỷ đồng trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư thì được áp dụng ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt.
Các dự án dạng này bao gồm: Nghiên cứu phát triển công nghệ, sản xuất hoặc chuyển giao công nghệ để sản xuất thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền từ nguồn dược liệu trong nước, dược chất, thuốc mới, thuốc biệt dược gốc, thuốc hiếm, thuốc generic đầu tiên sản xuất trong nước, thuốc công nghệ cao, vaccine, sinh phẩm; nuôi trồng dược liệu tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; nghiên cứu để bảo tồn, phát triển nguồn gen dược liệu quý, hiếm, đặc hữu trong nước; tạo giống mới từ nguồn gen dược liệu có giá trị kinh tế cao.
Thực tế, thời gian qua, việc cung ứng thuốc cho người dân thiếu do đứt gãy nguồn cung trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, nguyên nhân quan trọng dẫn tới thiếu thuốc là do khâu đấu thầu thuốc, vật tư còn nhiều vướng mắc. Do đó, nhiều cử tri mong muốn với những điểm mới tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược sẽ giải quyết được căn cơ những tồn tại, bất cập trong công tác quản lý nhà nước về dược, giúp ngành dược tiếp tục phát triển mạnh mẽ, bảo đảm cung ứng kịp thời thuốc có chất lượng, an toàn, hiệu quả và giá cả hợp lý.
THU HƯƠNG
nguồn báo quân đội nhân dân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét