Quan điểm về bảo vệ Tổ quốc là bộ phận đặc biệt quan trọng trong hệ thống quan điểm của Đảng. Đảng ta khẳng định trong khi đặt lên hàng đầu nhiệm vụ xây dựng đất nước, không được một phút lơi lỏng nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Quan điểm này thể hiện sự trung thành, vận dụng sáng tạo lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ thành quả cách mạng, kế thừa, phát huy truyền thống dựng nước đi đôi với giữ nước của dân tộc ta.
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã nhận thức rõ hơn yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, chủ động nắm bắt thuận lợi, thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu và đạt được nhiều kết quả, thành tựu rất quan trọng, toàn diện. Kinh tế tăng trưởng khá, chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, quốc phòng, an ninh tiếp tục được giữ vững và tăng cường; quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đạt nhiều thành tựu nổi bật. Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố; dân chủ xã hội chủ nghĩa tiếp tục được phát huy. Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa có nhiều tiến bộ, hoạt động hiệu lực và hiệu quả hơn; tổ chức bộ máy lập pháp, hành pháp và tư pháp tiếp tục được hoàn thiện. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả rõ rệt. Việt Nam đang ngày càng chứng tỏ uy tín và tiếng nói có trọng lượng của mình trong cộng đồng chính trị quốc tế, thúc đẩy vị thế chiến lược mới của nước ta trong khu vực và trên thế giới.
Tuy nhiên, việc thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc có nội dung còn chậm. Kinh tế – xã hội phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của đất nước. Việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa có lúc, có nơi chưa được quan tâm đúng mức. Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam có mặt chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội và quản lý đất nước trong tình hình mới.
Hiện nay, thế giới đang trải qua những biến động to lớn, diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo. Cục diện thế giới đa cực, đa trung tâm hình thành ngày càng rõ nét hơn; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, toàn diện, thậm chí đối đầu. Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, bên cạnh thời cơ, thuận lợi cũng gặp không ít những khó khăn, thách thức. Bốn nguy cơ mà Đảng ta đã từng cảnh báo vẫn còn hiện hữu, có mặt diễn biến phức tạp và gay gắt hơn. Các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị trong và ngoài nước cấu kết, tăng cường chống phá công khai và trực diện, với âm mưu, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Trước bối cảnh đó, để tiếp tục thực hiện tốt hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam, Ban Chấp hành trung ương (Khóa XIII) đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 44- NQ/TW ngày 24 /11/2023, Về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Nghị quyết chỉ rõ, phải: Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia – dân tộc trên cơ sở bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ thành quả cách mạng, sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá; bảo vệ nền văn hoá và uy tín, vị thế quốc tế của đất nước; bảo vệ an ninh quốc gia, an ninh con người, an ninh kinh tế, an ninh mạng; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; triệt tiêu các nhân tố gây mất ổn định chính trị từ bên trong, kiên quyết không để hình thành các tổ chức chính trị đối lập ở trong nước, dập tắt nguy cơ xung đột quân sự, chiến tranh; giữ vững, củng cố, tăng cường môi trường hoà bình để xây dựng, phát triển đất nước; đóng góp tích cực vào gìn giữ hoà bình khu vực, thế giới.
Để thực hiện tốt Nghị quyết của Trung ương, cấp ủy, chính quyền các cấp, ngành cần tổ chức nghiêm túc việc nghiên cứu, quán triệt và xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng địa phương, cơ quan, đơn vị; định kỳ kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết, đồng thời, chú trọng một số nội dung sau:
Một là, kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội và đường lối đổi mới, tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và thực hiện các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Hai là, nâng cao hiệu quả xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Nâng cao năng lực thể chế hoá đường lối, chủ trương của Đảng và lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả. Phát huy tốt vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ba là, tiếp tục hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao chất lượng mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế. Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Gắn kết hài hoà, hiệu quả thị trường trong nước và ngoài nước.
Bốn là, xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Đến năm 2025, cơ bản xây dựng Quân đội, Công an tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; bảo đảm chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu cao, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong mọi tình huống.
Năm là, thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả. Ưu tiên quan hệ với các nước láng giềng có chung biên giới. Tích cực tham gia củng cố, xây dựng, định hình các cơ chế đa phương, luật pháp quốc tế. Tham gia các cơ chế đa phương về quốc phòng, an ninh theo tư duy mới về bảo vệ Tổ quốc.
Cùng với quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện thắng lợi những chủ trương, quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Đảng về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, chúng ta cần nêu cao cảnh giác, đấu tranh làm thất bại những âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch. Gắn kết chặt chẽ “ý Đảng” với “lòng dân”, phát huy truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn, tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam là con đường duy nhất đúng đắn để bảo vệ vững chắc Tổ quốc và “xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh” theo Di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét