Hàng hóa Việt Nam đang ngày càng đối diện nhiều hơn với các vụ điều tra phòng vệ thương mại (PVTM) khi xuất khẩu. Tình hình này đòi hỏi Cục Phòng vệ thương mại tăng cường các thông tin cảnh báo sớm tới doanh nghiệp có khả năng phải đối diện với vụ việc điều tra PVTM.
Theo Báo cáo thường niên năm 2023 của Cục Phòng vệ Thương mại, Bộ Công thương công bố, đến hết tháng 12/2023, Hoa Kỳ đã điều tra 59 vụ việc PVTM đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, chiếm khoảng gần 25% tổng số vụ việc nước ngoài điều tra với hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Số vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu Việt Nam theo quốc gia năm 2024 |
Trong năm 2023, Hoa Kỳ đã khởi xướng điều tra mới 7 vụ việc, trong đó có 4 vụ điều tra chống bán phá giá (CBPG), 1 vụ việc điều tra chống trợ cấp (CTC) và 2 vụ việc điều tra phạm vi sản phẩm/chống lẩn tránh thuế PVTM (CLT). Các mặt hàng bị điều tra đa dạng, gồm các sản phẩm như: nhôm đùn, dây cáp nhôm, giá để đồ bằng thép, bánh xe kéo bằng thép, máy xịt rửa áp lực cao, túi giấy, tôm... Ngoài ra, Hoa Kỳ cũng tiến hành rà soát một số biện pháp PVTM đã áp dụng trước đó, như rà soát hành chính thuế CTC với lốp xe, rà soát hành chính thuế CBPG với mật ong nhập khẩu từ Việt Nam (trong đó có xem xét vấn đề kinh tế thị trường của Việt Nam).
Tương tự, tính đến hết tháng 6/2023, Canada đã điều tra 18 vụ việc PVTM với hàng nhập khẩu từ Việt Nam, gồm: ống thép hàn cacbon, thép cán nguội, thép cốt bê tông, khớp nối bằng ống đồng, thép tấm chống ăn mòn, ống đúc dẫn dầu và ghế bọc đệm.
Mặc dù Mexico và Việt Nam cùng là thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Song kể từ sau khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực, Mexico đã điều tra 3 vụ việc CBPG với Việt Nam, gồm: thép mạ (khởi xướng năm 2021), thép cuộn cán nguội (khởi xướng năm 2022) và dây hàn (khởi xướng năm 2023).
Năm 2024, theo số liệu thống kê từ Cục PVTM, Bộ Công Thương, đến nay, đã có 273 vụ việc điều tra PVTM từ 25 thị trường và vùng lãnh thổ điều tra đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, đứng đầu là các vụ điều tra chống bán phá giá (149 vụ việc), tiếp đó là các vụ việc tự vệ (55 vụ việc), chống lẩn tránh biện pháp PVTM (39 vụ việc) và chống trợ cấp (30 vụ việc). Tính riêng năm 2024, số vụ việc PVTM là 29 đến từ 12 thị trường. Đáng chú ý, điều tra PVTM không chỉ đến từ các thị trường lớn, mà ngay cả các thị trường nhỏ như Australia, khối ASEAN, gồm 4 nước: Malaysia, Philippines, Indonesia và Thái Lan.
Việt Nam đang tận dụng hiệu quả lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) để gia tăng quy mô xuất khẩu hàng hóa |
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, hàng Việt liên tục bị điều tra là bởi Việt Nam đang tận dụng hiệu quả lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) để gia tăng quy mô xuất khẩu hàng hóa. Trong khi tình hình thế giới diễn biến phức tạp, kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, sự gia tăng về lượng và quy mô hàng hóa Việt Nam đã gây sức ép cạnh tranh với sản xuất nội địa của các nước nhập khẩu. Do vậy, các nước nhập khẩu gia tăng điều tra và áp dụng biện pháp PVTM để bảo vệ ngành sản xuất trong nước của họ. Không chỉ số lượng vụ việc tăng mà phạm vi điều tra sản phẩm ngày càng đa dạng, không chỉ dừng lại ở các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn, mà cả với những mặt hàng có giá trị và lượng xuất khẩu nhỏ.
Để bảo vệ sản xuất trong nước và hỗ trợ các doanh nghiệp bị điều tra và áp dụng biện pháp PVTM, năm 2024, Bộ Công Thương đã tiếp tục triển khai các nhiệm vụ thường xuyên được giao tại Quyết định số 824/QĐ-TTg ngày 04/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp PVTM và gian lận xuất xứ, Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 31/12/2019 của Chính phủ về một số biện pháp cấp bách nhằm tăng cường quản lý nhà nước về phòng chống gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp.
Các hoạt động thuộc các đề án liên quan được triển khai đồng bộ, có hệ thống nhằm tiếp tục phổ biến sâu rộng, nâng cao kiến thức của các đối tượng liên quan về xu hướng áp dụng biện pháp PVTM, khuyến cáo các doanh nghiệp về nguy cơ bị điều tra khi sử dụng nguyên liệu từ các nước đang bị áp dụng biện pháp PVTM và cách thức ứng phó với các vụ việc điều tra của nước ngoài.
Do vậy, tuy số lượng các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có xu hướng tăng lên nhưng nhờ có sự chủ động của các doanh nghiệp cũng như sự hỗ trợ tích cực của Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan, nhiều vụ việc đã đạt được kết quả tương đối tích cực như doanh nghiệp không bị áp thuế phòng vệ thương mại hoặc bị áp thuế ở mức thấp, từ đó tiếp tục giữ được thị trường xuất khẩu.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam ghi nhận, với sự hỗ trợ, phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước, sự kiên trì và chủ động của các doanh nghiệp nên mặc dù các mặt hàng cá tra - basa và tôm vẫn tiếp tục bị Hoa Kỳ áp dụng biện pháp chống bán phá giá nhưng nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã có thuế suất 0% và duy trì được lượng xuất khẩu ổn định sang thị trường này.
Bên cạnh đó, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương tiếp tục theo dõi và cung cấp danh sách cảnh báo một số mặt hàng xuất khẩu có nguy cơ bị điều tra PVTM, điều tra lẩn tránh biện pháp PVTM và gian lận xuất xứ, danh sách cập nhật vào tháng cuối hàng quý gửi các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, Hiệp hội, doanh nghiệp liên quan để phối hợp theo dõi.
Kể từ thời điểm lần đầu tiên Bộ Công Thương công bố danh sách cảnh báo vào tháng 7/2019 tới nay, đã có nhiều sản phẩm nằm trong danh sách cảnh báo bị nước ngoài điều tra PVTM, cụ thể là gỗ dán có nguyên liệu làm từ gỗ cứng, tủ gỗ, đệm mút, lốp xe ô tô, ống đồng, mật ong, thép chống ăn mòn, gạch men, ghế bọc đệm, pin năng lượng mặt trời, ống thép, ghim dập, dây cáp nhôm, thanh nhôm định hình…
Trên cơ sở danh sách cảnh báo, các cơ quan chức năng của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công an, UBND các tỉnh, thành phố đã phối hợp, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xác minh việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ, khai báo xuất xứ khi thông quan, đăng ký đầu tư nước ngoài... Đồng thời, các Hiệp hội, doanh nghiệp liên quan có thể chủ động xây dựng chiến lược sản xuất, xuất khẩu, chuẩn bị nguồn lực, xây dựng kế hoạch ứng phó trong trường hợp vụ việc xảy ra.
Bộ Công Thương cũng đã phối hợp với Tổng cục Hải quan và Cơ quan điều tra nước ngoài (Hoa Kỳ, EU, Thổ Nhĩ Kỳ) làm rõ các cáo buộc lẩn tránh biện pháp PVTM; tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin nhằm chống lẩn tránh PVTM, gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp, lẩn tránh biện pháp PVTM; đưa ra các khuyến nghị cho doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nhằm tránh bị các nước khác điều tra PVTM, lẩn tránh biện pháp PVTM.
Theo nhận định của Cục PVTM, công tác cảnh báo sớm cũng như hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với các vụ việc PVTM do nước ngoài khởi xướng điều tra đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam thời gian qua đã đem lại một số kết quả tích cực. Các doanh nghiệp xuất khẩu không bị áp thuế PVTM hoặc bị áp thuế ở mức thấp. Bên cạnh đó, Cục PVTM đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp xử lý hiệu quả giữa các doanh nghiệp xuất khẩu không bị áp thuế PVTM hoặc bị áp thuế ở mức thấp, góp phần giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét