Thứ Ba, 24 tháng 12, 2024

DẤU ẤN TRONG CHẶNG ĐƯỜNG 80 NĂM CỦA QUÂN ĐỘI TA - BÀI 1: LÀM NÒNG CỐT CÙNG TOÀN DÂN GIÀNH CHÍNH QUYỀN KHI CHƯA ĐẦY “MỘT TUỔI”

Quân đội ta do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện. Trải qua 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự nuôi dưỡng, đùm bọc, chở che của nhân dân, sự phối hợp của các cơ quan, đoàn thể, sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, Quân đội ta luôn tỏ rõ bản lĩnh của một đội quân cách mạng, cùng toàn Đảng, toàn dân làm nên những chiến thắng vĩ đại trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn hòa bình khu vực và thế giới.

Nhân Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944 / 22-12-2024), 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22-12-1989 / 22-12-2024), Báo Quân đội nhân dân giới thiệu loạt bài: “Dấu ấn trong chặng đường 80 năm của Quân đội ta”.

Bài 1: Làm nòng cốt cùng toàn dân giành chính quyền khi chưa đầy “một tuổi”

Tháng Tám năm 1945, mặc dù ra đời chưa đầy một năm, nhưng Quân đội đã phát huy vai trò nóng cốt, hỗ trợ, thúc đẩy quần chúng cách mạng tiến hành Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền về tay nhân dân, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.

Từ những chiến thắng đầu tiên...

Khi ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam không có sẵn một đơn vị vũ trang nào làm vốn quân sự cho mình, mà phải bắt tay từ đầu xây dựng cơ sở chính trị, tổ chức lực lượng vũ trang từ nhỏ đến lớn, từ thấp đến cao, từ chưa hoàn chỉnh đến hoàn chỉnh.

Qua thực tiễn phong trào cách mạng 1930 - 1931, mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ-Tĩnh các Đội tự vệ Đỏ - mầm mống của lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam đã xuất hiện và tỏ rõ sức mạnh là lực lượng nòng cốt trong việc thực hiện chức năng bảo vệ các cuộc đấu tranh cách mạng của quần chúng. Tháng 5-1941, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định thành lập các đội tự vệ cứu quốc và những tiểu tổ du kích cứu quốc làm lực lượng xung kích trong phong trào cách mạng ở địa phương.

Ngày 22-12-1944, tại huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân đã được thành lập với lực lượng ban đầu gồm 34 cán bộ, chiến sĩ. Ngay sau khi thành lập, Đội đã giành hai thắng lợi liên tiếp Phai Khắt (25-12-1944) và Nà Ngần (26-12-1944).

Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945), Đảng đã phát động cao trào kháng Nhật, cứu nước, toàn quốc bước vào thời kỳ tiền tổng khởi nghĩa, nhiều địa phương đã khởi nghĩa từng phần.

Ngày 15-5-1945, tại huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, thực hiện chủ trương của Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ (4-1945), Việt Nam Giải phóng quân được thành lập, trên cơ sở thống nhất các đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, Cứu Quốc quân và các đơn vị vũ trang trong cả nước, gồm 13 đại đội và các đội vũ trang tập trung ở các tỉnh, huyện. Trước khi Tổng khởi nghĩa, đã có hàng chục đại đội Giải phóng quân là bộ đội chủ lực hoặc bộ đội địa phương ở các tỉnh, huyện thuộc Khu giải phóng Việt Bắc (khoảng 5.000 chiến sĩ); nhiều đội du kích tập trung ở các chiến khu và căn cứ vũ trang khác; hàng vạn tự vệ, du kích chiến đấu ở các làng, xã, xí nghiệp, đường phố.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phối hợp với lực lượng chính trị quần chúng tập hợp đông đảo trong Mặt trận Việt Minh, các lực lượng vũ trang đã tích cực, chủ động tuyên truyền, đấu tranh, tiêu diệt địch, thu vũ khí. Chỉ trong gần hai tuần lễ nửa cuối tháng Tám năm 1945, bằng sức mạnh như vũ bão, dưới sự lãnh đạo của Đảng, các ủy ban khởi nghĩa trực tiếp chỉ huy, các lực lượng vũ trang - mà nòng cốt là Việt Nam Giải phóng quân, các đơn vị vũ trang của các chiến khu, đã cùng nhân dân cả nước nổi dậy, thiết lập chính quyền mới của nhân dân trên phạm vi cả nước.

...đến vai trò nòng cốt, dẫn dắt, hỗ trợ quần chúng Tổng khởi nghĩa giành chính quyền

Trong Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, các đội quân cách mạng đóng vai trò nòng cốt, tiên phong, dẫn dắt, hỗ trợ đắc lực cho quần chúng cách mạng tiến hành giành chính quyền về tay nhân dân:

Thứ nhất, lực lượng vũ trang cách mạng, nhất là Việt Nam Giải phóng quân và các đơn vị vũ trang các chiến khu, thực sự là nòng cốt trong tuyên truyền, vận động nhân dân, tạo động lực mạnh mẽ cho quần chúng nổi dậy giành chính quyền.

Sau ngày Nhật đảo chính Pháp, cuộc khởi nghĩa từng phần đã diễn ra ở nhiều địa phương có phong trào cách mạng phát triển mạnh, lập các khu giải phóng để tiếp tục phát triển phong trào cách mạng, xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang các địa phương. Khi biết tin Nhật đầu hàng Đồng minh, Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh đã phát động Tổng khởi nghĩa trên phạm vi cả nước. Các đơn vị Giải phóng quân đã nhanh chóng tỏa về các địa phương, phối hợp chặt chẽ với lực lượng vũ trang tại chỗ, các đội du kích, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân nổi dậy giành chính quyền. Tại các địa bàn trọng yếu, lực lượng vũ trang thực sự là các mũi xung kích tuyên truyền để toàn thể nhân dân nhận rõ thời cơ lịch sử, tiến hành các biện pháp đấu tranh phù hợp với tình hình và với các đối tượng để giành chính quyền.

Quá trình vận động, tuyên truyền, lực lượng vũ trang cách mạng luôn sát cánh với quần chúng, kiên quyết đấu tranh, vô hiệu hóa các tổ chức phản động, chống phá cách mạng... Từ đó, quần chúng nhân dân thấy rõ kẻ thù, phối hợp với lực lượng vũ trang cách mạng tiêu diệt hoặc bao vây, cô lập, khi cần thì thương lượng để quân Nhật nằm im, tạo điều kiện cho quần chúng cách mạng lật đổ chính quyền cũ, thành lập chính quyền của nhân dân. 

Thứ hai, các đơn vị Việt Nam Giải phóng quân nói riêng và các lực lượng vũ trang cách mạng nói chung thực sự đóng vai trò xung kích, chủ lực trong đấu tranh vũ trang, trực tiếp xóa bỏ chính quyền địch, góp phần đưa cách mạng đến thành công.

Thời điểm tháng 8 năm 1945, dù đã đầu hàng Đồng minh, nhưng quân đội Nhật ở Đông Dương vẫn còn trên 6 vạn tên. Ở nhiều nơi, lấy cớ chưa nhận được lệnh cấp trên, chúng không những không buông vũ khí mà còn thẳng tay đàn áp phong trào cách mạng. Trước tình hình đó, Tổng bộ Việt Minh và các ủy ban khởi nghĩa đã chỉ đạo các đơn vị Giải phóng quân và du kích từ căn cứ địa, các chiến khu và căn cứ vũ trang nhanh chóng tỏa về các địa phương, phối hợp chặt chẽ với lực lượng tại chỗ, các tổ (đội) bán vũ trang tổ chức trấn áp, tiêu diệt địch ở các mục tiêu trọng yếu, tạo điều kiện và cùng với lực lượng quần chúng nhân dân xóa bỏ chính quyền địch, tổ chức chính quyền cách mạng.

Các đơn vị Giải phóng quân đã tập trung lực lượng tiến công giải phóng các tỉnh lỵ, tạo khí thế, thúc đẩy phong trào ở các địa phương khác. Đặc biệt, tại tỉnh Quảng Ngãi, từ chiến khu Vĩnh Sơn, Núi Lớn, hai đại đội du kích: Phan Đình Phùng và Hoàng Hoa Thám, với quân số hạn chế, vũ khí thô sơ, nhưng với quyết tâm cao đã lần lượt tiến đánh và giải phóng các huyện lỵ, các đồn: Ba Tơ, Minh Long, tiến tới làm chủ tỉnh lỵ Quảng Ngãi. Như vậy, hoạt động của Việt Nam Giải phóng quân, các đội quân cách mạng ở các chiến khu nói riêng và các lực lượng vũ trang cách mạng nói chung không những đã cổ vũ toàn dân vùng lên, mà còn chiến đấu, đập tan sự kháng cự ngoan cố, khiến kẻ địch khiếp sợ, đầu hàng và nhanh chóng thất bại, thúc đẩy các cuộc mít tinh, biểu tình giành chính quyền trên toàn quốc diễn ra mạnh mẽ và nhanh chóng giành thắng lợi.

Thứ ba, Việt Nam Giải phóng quân, các đội quân cách mạng ở các chiến khu nói riêng và các lực lượng vũ trang cách mạng nói chung còn đóng vai trò hỗ trợ, bảo vệ, là chỗ dựa vững chắc cho lực lượng chính trị quần chúng nổi dậy giành chính quyền.

Ở nhiều địa phương, mặc dù Giải phóng quân chưa đến kịp, nhưng với lực lượng chính trị mạnh mẽ của nhân dân, có lực lượng vũ trang và bán vũ trang tại chỗ trợ lực, các cấp đảng bộ và các ủy ban khởi nghĩa đã vận dụng linh hoạt sách lược đấu tranh, đưa khởi nghĩa đến thắng lợi hoàn toàn. Chính từ sự hỗ trợ đắc lực của lực lượng vũ trang mà lực lượng quần chúng dù vũ khí thô sơ vẫn vùng lên, tổ chức các cuộc mít tinh, biểu tình, tuần hành thị uy, biểu tình vũ trang, rồi phát triển chiếm các cơ quan chính quyền của địch, thiết lập chính quyền của nhân dân.

Đây là một trong những phương thức đấu tranh chủ yếu, quyết định đến thắng lợi nhanh gọn, đồng loạt của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám. Tiêu biểu cho phương thức này là cuộc nổi dậy của nhân dân các thành phố: Hà Nội, Huế và Sài Gòn. Đặc biệt, tại Hà Nội - nơi đặt trụ sở của Thống sứ Pháp ở Bắc Kỳ, đại diện triều đình nhà Nguyễn, Chính phủ Trần Trọng Kim và Bộ Chỉ huy quân Nhật (với quy mô khoảng 10.000 tên), nhưng ta chỉ có 3 chi đội tự vệ chiến đấu cùng đông đảo quần chúng đối phó với địch. Trước tình hình đó, Đảng bộ Hà Nội đã tổ chức các đội tự vệ, xung kích đi đầu, dẫn dắt hàng chục vạn quần chúng nhân dân mít tinh, biểu tình, tuần hành thị uy, biểu tình vũ trang. Trước khí thế tiến công như vũ bão của quần chúng cách mạng, dưới sự chỉ huy của Ủy ban Quân sự cách mạng, tự vệ và quần chúng cách mạng nhanh chóng chiếm phủ Khâm Sai, tòa Thị chính, Kho bạc, Bưu điện, trại Bảo an binh… đưa cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội giành thắng lợi to lớn, thúc đẩy nhiều địa phương trên cả nước tiến hành khởi nghĩa và giành chính quyền về tay nhân dân.

Như vậy, trong Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quần chúng nhân dân là lực lượng đông đảo nhất và giữ vị trí quyết định thắng lợi của cuộc cách mạng. Trong đó, vừa mới ra đời chưa đầy 1 năm, Việt Nam Giải phóng quân, các đội quân của các chiến khu và lực lượng vũ trang cách mạng nói chung, tuy số lượng chưa nhiều, trang bị, vũ khí và trình độ tác chiến còn hạn chế, đã đóng vai trò rất quan trọng. Các đơn vị vũ trang vừa tuyên truyền, vận động, hỗ trợ quần chúng nổi dậy, vừa tiến hành các trận đánh vào các vị trí quan trọng của chính quyền địch, thực sự là lực lượng chủ lực, xung kích, tạo thế, tạo xung lực mạnh mẽ cho lực lượng chính trị của quần chúng cách mạng nổi dậy giành chính quyền một cách nhanh chóng và ít đổ máu.

Đóng góp vô cùng quan trọng đó góp phần làm nên thành công của cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, dẫn đến sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tạo bước ngoặt vĩ đại, đưa dân tộc Việt Nam vào thời đại mới - thời đại Hồ Chí Minh; nhân dân Việt Nam thực sự làm chủ vận mệnh của mình - là nền tảng tạo nên những thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam./. 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét