Với mục tiêu làm mục ruỗng tâm lý xã hội, đảo lộn đời
sống tâm lý, tinh thần của nhân dân, các thế lực thù địch, phản động sử dụng
nhiều chiêu trò, thủ đoạn tinh vi, ở mọi lúc, mọi nơi, len lỏi vào từng người,
từng nhóm xã hội nhằm “lung lạc” nhận thức, “gặm nhấm” tình cảm, điều khiển ý
chí và hành động, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. “Thao túng tâm lý”
là một thủ đoạn điển hình như vậy.
Ở nước ta, theo thống kê, đến nay có khoảng 77 triệu
người dùng mạng xã hội (MXH), tương đương 78,1% dân số, chiếm 97,8% dân số từ
13 tuổi trở lên, trong đó người dùng Facebook là 70,4 triệu người. Theo đó, các
thế lực thù địch, phản động triệt để lợi dụng cơ chế “thao túng tâm lý” và đặc
tính của MXH để thao túng, kiểm soát tâm trí con người. Có thể chỉ ra một số
cách thức của thủ đoạn “thao túng tâm lý” mà các thế lực thù địch, phản động đã
và đang tiến hành.
Đưa thông tin sai sự thật, xuyên tạc, bịa đặt. Thông
qua các trang web, blog, các trang MXH như: Facebook, Zalo, YouTube, TikTok...
chúng ra sức tuyên truyền, bịa đặt về các phe phái trong Đảng, nhất là lợi dụng
công cuộc đấu tranh chống tham nhũng để xuyên tạc, hòng hạ uy tín của cán bộ,
phá vỡ khối đoàn kết trong Đảng, sự đồng thuận của xã hội, chia rẽ Đảng với
nhân dân. Chúng thường xuyên dựng chuyện, thổi phồng những sai lầm, thiếu sót
của một số cán bộ, đảng viên, qua đó gây hoang mang, tạo bức xúc trong dư luận
xã hội, kích động người dân gây rối an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Giả mạo thông tin. Chúng lập những tài khoản giả mạo
trên MXH, website giả mạo các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo một số
bộ, ngành, địa phương, những người có uy tín, nhân vật nổi tiếng trong xã hội,
qua đó đưa tin bịa đặt, gieo rắc sự hoài nghi trong xã hội, nhất là trước những
vấn đề nhạy cảm.
Lèo lái thông tin. Chúng sử dụng các website, dịch vụ
thư điện tử (e-mail) và các trang MXH để lèo lái thông tin. Cách thức tiến hành
của chúng thường là tổng hợp tin tức từ các báo chính thống để tạo ra sự khách
quan, sau đó cài những thông tin xấu độc theo tỷ lệ tăng dần cả về số lượng và
mức độ bịa đặt, bóp méo sự thật. Cùng với đó là những phân tích, bình luận
tưởng như khách quan nhưng thực chất là tạo ra “bẫy thông tin” khiến người tiếp
nhận dễ bị dẫn dắt theo mưu đồ xấu của chúng.
Tung tin đồn, gây kích động, chia rẽ. Lợi dụng những
sự kiện nhạy cảm liên quan đến các vấn đề phân định biên giới, lãnh thổ, tranh
chấp Biển Đông, ô nhiễm môi trường, hay những vấn đề liên quan đến công tác
phòng, chống tham nhũng, công tác cán bộ... chúng tung tin thất thiệt trên các
trang MXH gây hoang mang trong dư luận, tạo nên sự hiểu nhầm của người dân, sự
hoài nghi vào cấp ủy, chính quyền các cấp. Các tin đồn tác động mạnh vào cảm
xúc, kích động những nhóm đối tượng thiếu hiểu biết hoặc hiểu biết chưa đầy đủ
để tạo sức mạnh chống phá.
Để phòng, chống có hiệu quả thủ đoạn này, giải pháp
hàng đầu là quan tâm xây dựng sự vững vàng về tâm lý cho cán bộ, đảng viên và
quần chúng nhân dân. “Vững vàng tâm lý” thể hiện ở kiến thức, quan điểm và niềm
tin vào Đảng, Nhà nước và chế độ; là khả năng kịp thời nhận diện, phản bác
thông tin xấu độc, bịa đặt, thủ đoạn tuyên truyền chính trị của kẻ thù; khả
năng nắm vững quan điểm chính trị trong ứng xử các vấn đề xã hội. “Vững vàng
tâm lý” hoàn toàn khác với các hiện tượng “đứng ngoài chính trị”, “thờ ơ chính
trị”.
Từ thủ đoạn “thao túng tâm lý”, các thế lực thù địch
luôn tiến công vào những nơi mà ý thức của con người mù mờ nhất, tập trung chủ
yếu vào lĩnh vực tâm lý xã hội và tâm lý cá nhân, đánh vào những nhu cầu, mong
muốn, ước vọng không được thỏa mãn của con người. Để có được sự “vững vàng tâm
lý”, cần hạn chế, thu hẹp đến mức nhỏ nhất những “mảnh đất màu mỡ” cho thủ đoạn
này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét