Gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, hơn 30 năm thực hiện
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, đất nước
ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử; đất nước phát triển
mạnh mẽ, toàn diện hơn. Có được những thành tựu đó là nhờ sự lãnh đạo sáng
suốt của Đảng, đã kiên trì tư tưởng “trọng dân” và vận dụng sáng tạo bài học
“Dân là gốc”, “Nước lấy dân làm gốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong huy động sức
mạnh nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Trải qua các nhiệm kỳ Đại hội,
Đảng ta đều nhấn mạnh vị trí, vai trò quan trọng của nhân dân trong chiến lược
phát triển đất nước, trong toàn bộ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Quá
trình đổi mới, chúng ta đã tạo được thế và lực của đất nước, nâng tầm vị thế quốc
gia ở khu vực và trên trường quốc tế; với thời cơ, vận hội mới, chúng ta đã hội
tụ đủ những điều kiện cần thiết và đang đứng trước cơ hội lịch sử đưa đất nước
bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, thực hiện thắng lợi
các mục tiêu chiến lược 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, 100 năm thành lập nước,
phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập
cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
1- Xây dựng, hoàn thiện cơ chế bảo đảm cho nhân dân tham gia
xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Xác định trách nhiệm của nhân dân và của
các tổ chức chính trị - xã hội của nhân dân; xác định những nội dung, lĩnh vực
mà nhân dân tham gia xây dựng Đảng, đề ra những quy trình, chuỗi công việc nhân
dân tham gia xây dựng Đảng. Việc xây dựng và hoàn thiện cơ chế sẽ tạo điều kiện
cho hành động cách mạng của các tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên được
diễn ra một cách bài bản. Điều đó tạo ra nền nếp thường xuyên trong công tác
xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Nó chỉ ra được nội dung, phương thức, vị trí, vai
trò, trách nhiệm cụ thể của Đảng ở các cấp nói riêng và các thành viên khác
trong hệ thống chính trị nói chung, cũng như trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng
viên; đồng thời, làm rõ thêm trách nhiệm của người dân. Căn cứ vào cơ chế này,
các cấp ủy, tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên xây dựng cho mình chương trình,
kế hoạch triển khai trong việc dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng. Nếu làm được
như vậy, sẽ phòng và chống được căn bệnh hình thức, chiếu lệ, qua loa, đại
khái, làm đối phó. Cơ chế này phải thường xuyên được xem xét, bổ cứu, bổ sung,
hoàn thiện khi thực thi nhiệm vụ được giao.
2- Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, bằng việc
nhân dân tham gia đóng góp ý kiến về mọi mặt cho Đảng; trong đó, có việc xây dựng
chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đảng và
chính quyền phải thật tâm lắng nghe ý kiến của nhân dân, tiếp thu những ý kiến
phù hợp, nghĩa là phải thực sự có nghiên cứu, có tổng kết và đối thoại với nhân
dân về những ý kiến nhân dân đóng góp, với những hình thức phù hợp. Hiệu quả của
công việc này sẽ được nâng lên rõ rệt, nếu các tổ chức trong hệ thống chính trị
và đội ngũ cán bộ, đảng viên có tâm, có tầm khi triển khai trên thực hiện nhiệm
vụ.
3- Dựa vào nhân dân trong việc nhân dân giới thiệu những người
ưu tú để Đảng xem xét kết nạp vào Đảng, bố trí vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản
lý quan trọng ở các cấp của hệ thống chính trị. Sức mạnh, chất lượng của Đảng
và hệ thống chính trị là sự tổng hợp từ nhiều yếu tố; trong đó, có số lượng, đặc
biệt là chất lượng của đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức của Đảng và Nhà nước.
Tăng cường kiểm tra, giám sát để hệ thống chính trị xem xét đưa những phần tử yếu
kém, tham nhũng, tiêu cực, cơ hội chính trị ra khỏi bộ máy; phải dựa vào nhân
dân để tạo ra những phong trào cách mạng, từ đó nhân dân giới thiệu những người
ưu tú thuộc các tầng lớp, các giới, các ngành, các lĩnh vực, các lứa tuổi, các
vùng… để tổ chức xem xét bổ sung lực lượng cho hệ thống chính trị của từng cơ
quan, đơn vị, địa phương.
4- Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, phải có sự
hướng đích cho mục tiêu. Mục tiêu của cách mạng Việt Nam là: Hòa bình, thống nhất,
độc lập, dân chủ, giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp chung cách mạng
thế giới (như điều mong muốn cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh được viết trong
Di chúc); dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Mọi sức mạnh đại
đoàn kết toàn dân tộc đều hướng véc-tơ lực như thế, các biểu hiện chệch mục
tiêu đó là làm yếu sức mạnh, như những hành vi dù nhỏ, chống lại sự phát triển
bền vững đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa; hành vi chia rẽ khối đại
đoàn kết, khơi dậy hận thù, kỳ thị dân tộc, vùng miền, tôn giáo, (kể cả hận thù
các dân tộc quốc tế),… Không thể chấp nhận sức mạnh cố kết theo kiểu “lợi ích
nhóm”, theo lối phường hội, gia đình, họ hàng gia tộc, “cánh hẩu”. Không thể chấp
nhận sức mạnh nhân dân dùng vào việc đấu tranh, biểu tình vụ lợi riêng, chống
người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng, xâm phạm chủ quyền an ninh
quốc gia./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét