Sau 5 tháng kể từ thời điểm khởi đăng từ đầu tháng 7-2024 đến nay, Diễn đàn “Danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ-Xứng đáng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia” do Báo Quân đội nhân dân (QĐND) tổ chức đã để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng độc giả.
Số lượng hơn 40 bài viết sâu sắc của các tướng lĩnh, chuyên gia, nhà văn hóa, văn nghệ sĩ uy tín và đại sứ các nước Lào, Cuba, Nga, nhà nghiên cứu Hoa Kỳ... về danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ thêm một lần khẳng định ý nghĩa, giá trị cao quý của danh hiệu này không chỉ góp phần làm rạng rỡ truyền thống hào hùng, phẩm chất tốt đẹp của QĐND Việt Nam mà còn là một di sản văn hóa đặc sắc trong thời đại Hồ Chí Minh.
Quy tụ những tên tuổi uy tín trong và ngoài Quân đội
Với mong muốn tạo ta kênh thông tin bổ ích và lan tỏa những năng lượng tích cực, giá trị tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, từ đầu tháng 7-2024, Báo QĐND tổ chức Diễn đàn với chủ đề “Danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ-Xứng đáng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”.
Việc tổ chức diễn đàn nhằm tập hợp ý kiến rộng rãi của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà văn hóa, tướng lĩnh, cán bộ, chiến sĩ LLVT và bạn đọc về giá trị danh xưng, danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ; khơi dậy niềm tự hào và phát huy giá trị cao quý danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ trong sự nghiệp củng cố quốc phòng, xây dựng Quân đội và bảo vệ Tổ quốc. Có thể nói, đây là đợt diễn đàn có quy mô lớn nhất về danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ được tổ chức trong dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam (22-12-1944 / 22-12-2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22-12-1989 / 22-12-2024).
Với tình cảm yêu mến đặc biệt đối với QĐND Việt Nam và Bộ đội Cụ Hồ, diễn đàn thu hút sự tham gia nhiệt tình, tâm huyết của nhiều chuyên gia, nhà khoa học uy tín trong nước. Có thể kể đến những gương mặt như: GS, TS Đinh Xuân Dũng, nguyên Phó chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương; PGS, TS Phạm Quang Long, nguyên Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội; GS, TS Nguyễn Chí Bền, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; PGS, TS Nguyễn Toàn Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; PGS, TS Phạm Thành Hưng, Đại học Quốc gia Hà Nội; Nghệ sĩ Ưu tú Khúc Hà Linh, nguyên Hiệu trưởng Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật tỉnh Hải Dương; TS Mai Thị Hồng Tuyết, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2,...
Tham gia diễn đàn còn có sự góp mặt nhiều chuyên gia đã, đang giữ trọng trách là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri và nhân dân cả nước, như: PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội; Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Thị Thu Đông, đại biểu Quốc hội, Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam; Tiến sĩ khoa học (TSKH) Nguyễn Quốc Hưng, nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.
Đặc biệt hơn, diễn đàn lần này còn có sự tham gia của nhiều đại sứ, nhà nghiên cứu của nước ngoài, đó là: Ông Bezdetko Gennady Stepanovich, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga tại Việt Nam; bà Latana Sihalaj, Phó đại sứ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào tại Việt Nam; ông Joy Puentes Saldise, Phó đại sứ nước Cộng hòa Cuba tại Việt Nam; nhà nghiên cứu Thomas Eugene Wilber (Hoa Kỳ).
Bên cạnh đó, diễn đàn cũng có sức hút đối với nhiều vị tướng từng trải qua trận mạc và đảm đương nhiều vị trí quan trọng trong Quân đội, như: Thượng tướng, Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Trung tướng Phùng Khắc Đăng, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam; Trung tướng Phạm Tuân, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng; Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu, nguyên Chính ủy Tổng cục Kỹ thuật; Trung tướng, PGS, TS Phạm Quốc Trung, nguyên Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Chính trị; Thiếu tướng, GS, TS Nguyễn Văn Tài, nguyên Phó giám đốc Học viện Chính trị.
Ngoài ra, còn có nhiều tướng lĩnh là nhà khoa học, nhà lãnh đạo, quản lý như: Trung tướng, PGS, TS Lê Thu Hà, nguyên Chính ủy Bệnh viện Trung ương Quân đội 108; Trung tướng, TS Lê Văn Duy, Chính ủy Trường Sĩ quan Lục quân 1; Thiếu tướng, GS, TS Trần Xuân Nam, Phó giám đốc Học viện Kỹ thuật Quân sự; Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Huy Hoàng, Phó hiệu trưởng Trường Sĩ quan Chính trị; Thiếu tướng Đinh Quốc Hùng, Chính ủy Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (nay là Chính ủy Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng); Thiếu tướng Trần Trọng Tuyến, Chính ủy Học viện Phòng không-Không quân.
Tiếp tục làm sáng tỏ tầm vóc, giá trị danh xưng, danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ
Theo các chuyên gia, giá trị danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ không chỉ là sự hội tụ, kết tinh những phẩm chất tốt đẹp nhất của QĐND Việt Nam như: Lòng trung thành, đức hy sinh, tình yêu nước, thương dân, kỷ luật "thép", tinh thần mưu trí, dũng cảm, ý chí quyết chiến, quyết thắng, tình đồng chí, đồng đội, mối quan hệ máu thịt quân dân, tấm lòng chí nghĩa chí tình với bạn bè quốc tế,... mà còn được “chưng cất” từ những giá trị văn hóa, đạo đức của con người Việt Nam như: Sự tinh tế, chuẩn mực trong giao tiếp, ứng xử; sự chân thật, giản dị; tinh thần lạc quan, yêu đời; ý thức ham học hỏi, cầu tiến bộ...
Từ góc độ của một nhà nghiên cứu lâu năm về văn hóa quân sự Việt Nam, GS, TS Đinh Xuân Dũng trong loạt 3 bài mở đầu diễn đàn có tựa đề: “Bộ đội Cụ Hồ-một giá trị độc đáo của văn hóa Việt Nam hiện đại”, khẳng định: “Bộ đội Cụ Hồ là sản phẩm chính trị, đạo đức, văn hóa, mang ý nghĩa nhân dân sâu sắc, được chính nhân dân cảm nhận, đúc kết, khẳng định và truyền tụng, đồng thời có cội nguồn sâu xa từ lịch sử đặc biệt của dân tộc. Đó là di sản, là sản phẩm, là tài sản tinh thần vô giá chứa đựng những giá trị văn hóa cao đẹp, bền vững, đồng thời mang tính độc đáo của lịch sử dân tộc”.
Dưới góc nhìn của một người nghiên cứu biểu tượng văn hóa, trong loạt 3 bài “Danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ-Biểu tượng văn hóa quân sự thời đại Hồ Chí Minh”, PGS, TS Nguyễn Thanh Tú cho rằng: “Đất nước ta nửa cuối thế kỷ 20 trải qua hai cuộc kháng chiến cực kỳ ác liệt chống kẻ thù xâm lược. Lịch sử trao cho bộ đội sứ mệnh đứng ở vị trí tuyến đầu đuổi giặc để giành lại hòa bình, độc lập, tự do. Từ góc nhìn lý thuyết nào thì Bộ đội Cụ Hồ cũng là một biểu tượng văn hóa trung tâm của thời đại. Là nhân tố góp phần cơ bản, chủ yếu kiến tạo nên thời đại anh hùng, Bộ đội Cụ Hồ là biểu tượng văn hóa đích đáng cho thời đại anh hùng”.
Từ mạch nguồn đó, nhiều bài viết của các chuyên gia đi sâu làm rõ nguồn gốc, nội dung, ý nghĩa, giá trị của danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ, với rất nhiều khía cạnh sâu sắc, tinh tế, điển hình là các bài: “Danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ-nguồn mạch nguyên khí quốc gia trong thời đại Hồ Chí Minh” (PGS, TS Nguyễn Toàn Thắng); “Nhân cách văn hóa và danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ hội tụ các giá trị chân, thiện, mỹ” (Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Huy Hoàng); “Danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ truyền cảm hứng về tình yêu nước và niềm tự hào về lãnh tụ Hồ Chí Minh” (TSKH Nguyễn Quốc Hưng); “Bộ đội Cụ Hồ-hình tượng vinh quang, danh hiệu cao quý và tinh thần bất diệt” (PGS, TS Bùi Hoài Sơn); “Danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ xứng đáng được đề nghị công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia” (đại biểu Quốc hội Trần Thị Thu Đông); “Danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ-một di sản tỏa sáng trong lòng nhân dân” (TS Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch),...
Không chỉ được nhân dân Việt Nam thừa nhận mà người nước ngoài cũng ngưỡng mộ danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ với tình cảm trân quý sâu sắc. Đây là bằng chứng thuyết phục về sức sống, sức lan tỏa của danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ đã vượt ra phạm vi biên giới Việt Nam. Làm sáng tỏ vấn đề này là các bài viết: “Bộ đội Cụ Hồ-một danh hiệu cao quý mà nhân dân và LLVT Cuba quý mến, ngưỡng mộ” (Phó đại sứ Cuba Joy Puentes Saldise); “Hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ vượt ra ngoài biên giới quốc gia, trở thành một biểu tượng cao đẹp” (Phó đại sứ Lào Latana Sihalaj); “Quân đội nhân dân Việt Nam được thế giới biết đến với danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ” (Đại sứ Nga Bezdetko Gennady Stepanovich); “Danh xưng, danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ đại diện cho những điều tốt đẹp” (nhà nghiên cứu Thomas Eugene Wilber, Hoa Kỳ).
Mong muốn, kỳ vọng danh hiệu “Bộ đội Cụ Hồ”trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Sau khi phân tích, làm rõ nội hàm giá trị, ý nghĩa cao đẹp của danh xưng, danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ, nhiều chuyên gia, nhà khoa học mong muốn, đề nghị cơ quan chức năng nghiên cứu, xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị xem xét, công nhận danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Đề xuất vấn đề này xuất phát từ căn cứ thực tiễn và cơ sở khoa học, bởi vì theo GS, TS Nguyễn Chí Bền: “80 năm qua, sau khi Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân ra đời ngày 22-12-1944, trong văn hóa giao tiếp, ứng xử của con người Việt Nam xuất hiện một danh xưng thân thiết, trìu mến là Bộ đội Cụ Hồ. Từ danh xưng đó dần trở thành danh hiệu cao quý Bộ đội Cụ Hồ. Với những phẩm chất quý báu và hội tụ những giá trị đạo đức cao đẹp của con người Việt Nam trong thời đại mới, nhiều người dân mong muốn các cơ quan có thẩm quyền công nhận, tôn vinh danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”.
Cùng chung quan điểm này, TSKH Nguyễn Quốc Hưng khẳng định: “Bảo tồn và phát huy giá trị danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ không chỉ là việc làm cần thiết để duy trì, phát huy truyền thống mà còn là nhiệm vụ quan trọng để bảo đảm sự phát triển bền vững của Quân đội và đất nước trong tương lai. Không những vậy, danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ đã, đang và sẽ tiếp tục là hình mẫu, biểu tượng sinh động thiết thực thúc đẩy mọi người noi theo những giá trị tốt đẹp của Bác Hồ và Bộ đội Cụ Hồ”.
Từ góc nhìn của một chuyên gia nghiên cứu văn hóa và người làm công tác lập pháp, PGS, TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh: “Mỗi người chúng ta, bằng cách sống đúng với những giá trị của Bộ đội Cụ Hồ-lòng yêu nước, sự kiên trì, lòng dũng cảm và tinh thần đoàn kết-sẽ góp phần làm cho hình tượng này mãi mãi sống động, không chỉ trong ký ức mà còn trong từng hành động hằng ngày. Hãy để hình tượng và danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ trở thành nguồn cảm hứng, soi sáng con đường mà chúng ta đang đi, và là động lực để chúng ta xây dựng một tương lai tươi sáng hơn cho chính mình và cho đất nước”.
Điều có ý nghĩa sâu sắc hơn, như đại biểu Quốc hội Trần Thị Thu Đông nhấn mạnh: “Một khi danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia sẽ có tác dụng lớn trong giáo dục chính trị, nhân lên niềm tự hào về truyền thống vẻ vang cho cán bộ, chiến sĩ toàn quân và nhân dân cả nước, góp phần xây dựng Quân đội ta ngày càng hùng mạnh”.
Để khép lại bài viết này, cũng là tổng kết Diễn đàn “Danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ-Xứng đáng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”, chúng tôi xin trích lời khẳng định của TS Trịnh Thị Thủy: “Việc tôn vinh danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ là tình cảm, trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân ta, qua đó góp phần làm cho giá trị cao quý này được lan tỏa tới các thế hệ người dân và bạn bè quốc tế. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi nhận, đánh giá cao những hoạt động, cách làm nhằm tôn vinh danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ của các cơ quan, đơn vị trong Quân đội; trong đó Báo QĐND đã tiên phong chủ trì tổ chức nhiều cuộc tọa đàm, diễn đàn rất thiết thực, bổ ích nhằm giúp nhân dân hiểu hơn về nguồn gốc, nội dung, ý nghĩa, giá trị danh xưng, danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ”./.
St
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét