Học tập lý luận vừa giúp cán bộ, đảng viên “sáng mắt, sáng lòng” vừa tạo “kháng thể” trước “nọc độc tư tưởng” của kẻ thù. Tuy nhiên, vẫn còn một số cán bộ, đảng viên xem nhẹ học tập lý luận. Xem nhẹ sẽ dẫn đến lười học tập và suy thoái. Vì thế, nhận diện rõ các biểu hiện và tìm giải pháp khắc phục “bệnh” xem nhẹ học tập lý luận là yêu cầu cấp thiết hiện nay.
Lý luận cách mạng là điều kiện tiên quyết để hình thành và thúc đẩy
phong trào cách mạng. V.I. Lênin cho rằng: “Không có lý luận cách mạng thì
không có phong trào cách mạng”. Đồng thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh:
“Đảng ta còn có nhiều nhược điểm mà một trong những nhược điểm lớn là trình độ
lý luận còn thấp kém... vì trình độ lý luận thấp kém cho nên đứng trước nhiệm
vụ cách mạng ngày càng mới và phức tạp, trong việc lãnh đạo, Đảng ta không khỏi
lúng túng, không tránh khỏi sai lầm, khuyết điểm”. Người còn chỉ rõ: “Vì kém lý
luận, cho nên gặp mọi việc không biết xem xét cho rõ, cân nhắc cho đúng, xử trí
cho khéo. Không biết nhận rõ điều kiện hoàn cảnh khách quan, ý mình nghĩ thế
nào làm thế ấy. Kết quả thường thất bại”. Do đó, “Đảng ta phải tự nâng cao mình lên nữa, mà muốn tự nâng cao mình thì
phải tổ chức học tập lý luận trong toàn Đảng, trước hết là trong cán bộ cốt cán
của Đảng”. Học tập lý luận không những giúp cán bộ, đảng viên “sáng mắt,
sáng lòng” mà còn tạo “kháng thể” tự bảo vệ bản thân trước “nọc độc tư tưởng”
của kẻ thù.
Xuất phát từ thực trạng và nguyên nhân của “bệnh” xem nhẹ học tập lý
luận, để khắc phục tình trạng này cần triển khai thực hiện một số giải pháp
sau:
Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm
của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp và cán bộ, đảng viên về học tập lý luận.
Nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, của đội ngũ cán bộ,
đảng viên chưa cao là nguyên nhân của tình trạng xem nhẹ học tập lý luận. Do
đó, cần chú trọng hơn nữa công tác giáo dục, tuyên truyền để các cấp ủy, tổ
chức đảng và nhất là người đứng đầu nhận thức rõ việc học tập, bồi dưỡng nâng
cao trình độ lý luận là quyền lợi và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên; coi đó
là nhu cầu tự thân, việc làm thường xuyên, liên tục, bền bỉ suốt đời. Phải làm
cho mọi cán bộ, đảng viên ở các cơ quan, đơn vị nhận thức rõ vai trò quan trọng
của lý luận trong nâng cao năng lực, trình độ và phương pháp tư duy, năng lực
lãnh đạo, để từ đó xây dựng động cơ, ý thức, trách nhiệm trong học tập lý luận.
Cần lựa chọn nội dung, thời gian, hình thức bồi dưỡng phù hợp cho từng cấp,
từng đối tượng. Kiên quyết đấu tranh, khắc phục triệt để cách nhìn nhận học lý
luận vì lý do thăng tiến, để được đề bạt, bổ nhiệm.
Hai là, coi trọng hơn nữa việc đào tạo,
bồi dưỡng, rèn luyện, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên lý luận các cấp
Đội ngũ giảng viên lý luận là người trực tiếp tương tác, truyền thụ
thông tin, kiến thức, truyền cảm hứng và gợi mở cho cán bộ, đảng viên, học
viên. Thực tiễn cho thấy, đội ngũ giảng viên lý luận có phẩm chất đạo đức và
tài năng, thực sự là tấm gương “tự học và sáng tạo”, am tường lý luận sâu sắc,
dày dạn kinh nghiệm thực tiễn, có năng lực sư phạm tốt, phương pháp truyền đạt
hấp dẫn, cuốn hút người học sẽ góp phần khắc phục bệnh xem nhẹ học tập lý luận
của cán bộ, đảng viên.
Bên cạnh đó, cần coi trọng bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ giảng viên lý
luận cả về phẩm chất chính trị và đạo đức, lối sống. Đây cũng là vấn đề rất
quan trọng, góp phần thiết thực trong khắc phục tình trạng xem nhẹ học tập lý
luận chính trị trong cán bộ, đảng viên hiện nay. Bởi lẽ, khi thuyết trình về
chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh mà bản thân giảng viên lại chưa tiêu
biểu về đạo đức, lối sống, thiếu niềm tin, thậm chí sa vào chủ nghĩa cá nhân
thì không ai tin cả.
Ba là, cấp ủy các cấp duy trì thực hiện
nghiêm quy định, chế độ học tập lý luận hằng năm cho cán bộ, đảng viên.
Đảng ta yêu cầu: “Có kế hoạch học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý
luận bắt buộc hằng năm đối với cán bộ, đảng viên gắn với việc cung cấp thông
tin, cập nhật kiến thức mới phù hợp từng đối tượng, từng cấp, từng ngành, từng
địa phương”. Theo đó, cấp ủy các cấp phải duy trì và thực hiện đúng các quy
định, chế độ về học tập lý luận chính trị, phải coi đó là nghĩa vụ đối với mọi
cán bộ, đảng viên và phải được quy định thành chế độ để mọi người tự giác thực
hiện. Đưa chế độ tự học tập, nghiên cứu lý luận thành tiêu chí bắt buộc trong
hoạt động của cán bộ, đảng viên; phòng, chống triệt để tình trạng xem nhẹ học
tập lý luận. Phát huy vai trò nêu gương trong học tập lý luận của người đứng
đầu, của cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp nhằm tạo sức hút và sự lan toả thành
phong trào sâu rộng trong thực tiễn.
Bốn là, phát huy tính tích cực, chủ động
của mỗi cán bộ, đảng viên trong tự học tập, tự nghiên cứu lý luận
Mỗi cán bộ, đảng viên cần dành thời gian nghiên cứu, thu hoạch các tác
phẩm kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Gắn những tri
thức thu được vào thực tiễn cuộc sống, vào nhiệm vụ ở cơ quan, đơn vị, tránh lý
luận suông. Mỗi cán bộ, đảng viên cần khiêm tốn học hỏi, chống thỏa mãn, dừng
lại với những kiến thức đã có. Trong học tập, nghiên cứu lý luận chính trị cần
tránh giáo điều, tiếp thu lý luận một cách máy móc “kinh viện”, không biết vận
dụng sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế. Đồng thời, phải tránh chủ nghĩa kinh
nghiệm, tuyệt đối hóa vai trò của kinh nghiệm, xem nhẹ vai trò của lý luận. Gắn
việc tự học, tự nghiên cứu với tích cực, chủ động phê phán với các quan điểm
sai trái để đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế
lực thù địch hiện nay.
Năm là, tăng cường công tác kiểm tra,
giám sát, đánh giá; lấy kết quả học tập lý luận chính trị làm thước đo để đánh
giá, xếp loại cán bộ, đảng viên.
Các cấp ủy, tổ chức đảng ở các cơ quan, đơn vị cần tăng cường kiểm tra
và quản lý chặt chẽ chất lượng học tập lý luận, quán triệt triển khai các nghị
quyết của Đảng bảo đảm nền nếp, thực chất, hiệu quả thiết thực. Trong tổ chức
học tập lý luận cần coi trọng khâu kiểm tra, đánh giá kết quả; kiên quyết loại
bỏ các biểu hiện thờ ơ, xem nhẹ hoặc hời hợt, qua loa. Đánh giá khách quan,
chặt chẽ các bài thu hoạch của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp
ủy, tổ chức Đảng. Bên cạnh đó, cần biểu dương những tổ chức Đảng và cán bộ,
đảng viên gương mẫu thực hiện tốt việc học tập, nghiên cứu lý luận; đồng thời,
góp ý, phê bình nghiêm khắc những cán bộ, đảng viên có biểu hiện xem nhẹ học
tập lý luận. Thực hiện nghiêm quy định lấy kết quả thu hoạch học tập lý luận
làm căn cứ để đánh giá, xếp loại, phân loại cán bộ, đảng viên và bình xét thi
đua.
Lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là “kim chỉ
nam” soi đường hành động cho mọi tổ chức và mỗi cán bộ, đảng viên. Không nắm
chắc lý luận thì không thể có bản lĩnh chính trị vững vàng, không xây dựng được
tinh thần “7 dám”, từ đó sa vào chủ nghĩa cá nhân. Không có bản lĩnh chính trị
thì cán bộ, đảng viên rất dễ bị gục ngã trước những “viên đạn bọc đường”. Học
tập lý luận là cơ sở để đảng viên nắm chắc đường lối, chủ trương; loại bỏ chủ
nghĩa cá nhân; ngăn chặn “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; từ đó, cống hiến tích
cực, hiệu quả hơn cho sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân
ta hiện nay./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét