Thứ Tư, 25 tháng 12, 2024

TÌNH CẢM ẤM ÁP CỦA BÁC HỒ VỚI ĐỒNG BÀO CÔNG GIÁO

 Ngày nay, Lễ Giáng sinh không chỉ là ngày lễ hàng năm của đồng bào công giáo mà còn là ngày hội văn hóa của người dân mọi miền, thể hiện sự đoàn kết trong niềm vui chung. Ôn lại những bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào công giáo, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người, chúng ta cảm nhận muôn vàn tình thương yêu của Người dành cho đồng bào, vững tin bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Lời hiệu triệu, kêu gọi đoàn kết dân tộc
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao các giá trị văn hóa, đạo đức của tôn giáo, tín ngưỡng, quan tâm đến đời sống tinh thần của giáo dân. Sau ngày Độc lập, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 3.9.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu 6 vấn đề cấp bách, trong đó có vấn đề thứ sáu: “Tôi đề nghị Chính phủ ta tuyên bố: Tín ngưỡng tự do và lương giáo đoàn kết”. Theo Người, đó là một quyền tự do cơ bản của con người.
Trong thời khắc thiêng liêng của đất trời mùa Giáng sinh, chuẩn bị bước sang năm mới 2025, chúng ta nhớ về 79 năm trước, trong dịp Lễ Noel đầu tiên sau ngày nước nhà độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh - trên cương vị Chủ tịch Chính phủ Dân chủ Cộng hòa Việt Nam đã viết thư gửi các vị linh mục và đồng bào công giáo cả nước. Bằng tình cảm ấm áp, sự kính trọng và am hiểu sâu sắc, Người viết:
“Cách một nghìn chín trăm bốn mươi nhăm năm trước, cũng ngày hôm nay, một vị thánh nhân là đức Chúa Giêsu ra đời. Suốt đời Ngài chỉ hy sinh phấn đấu cho tự do, cho dân chủ. Từ ngày Ngài giáng sinh đến nay đã gần 2000 năm, nhưng tinh thần thân ái của Ngài chẳng những không phai nhạt mà tủa ra đã khắp, thấm vào đã sâu”. Trong thư, Người ca ngợi đồng bào toàn quốc, công giáo và ngoại công giáo, đều đoàn kết chặt chẽ, nhất trí đồng tâm như con một nhà, ra sức tranh đấu để giữ gìn nền độc lập của Tổ quốc! “Ở khắp nước, thì đồng bào công giáo và ngoại công giáo đương đem cả lực lượng giúp vào cuộc kháng chiến và kiến quốc! Tinh thần hy sinh phấn đấu tức là noi theo tinh thần cao thượng của đức Chúa Giêsu. Trong lịch sử Việt Nam ta, lần này là lần đầu mà đồng bào công giáo ta làm lễ Noel một cách vui vẻ sung sướng trong nước Việt Nam độc lập tự do. Tôi chắc rằng dưới sự lãnh đạo sáng suốt của các vị Giám mục Việt Nam, đồng bào công giáo quyết một lòng với Nhân dân toàn quốc để giữ vững nền tự do độc lập đó".
Bức thư không chỉ thể hiện tấm lòng và sự quan tâm của Người với đồng bào công giáo, mà còn truyền đi lời hiệu triệu, kêu gọi đoàn kết dân tộc, đoàn kết lương giáo vì mục tiêu giữ vững độc lập dân tộc, kháng chiến, kiến quốc.
Trong giai đoạn này, nền độc lập của đất nước vừa giành được đang đối diện với muôn vàn khó khăn, thử thách của giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm. Tháng 11.1946, thực dân Pháp chính thức xâm lược miền Bắc nước ta. Ngày 19.12.1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, toàn dân đứng lên chống thực dân xâm lược với tinh thần bất khuất: Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.
Lễ Noel năm 1946 diễn ra trong điều kiện kháng chiến, nhưng Người không quên gửi thư cho đồng bào Công giáo, cùng đồng bào toàn quốc: “Trong lúc này, thực dân Pháp gây cuộc chiến tranh, chúng mong cướp nước ta lần nữa. Chúng làm trái hẳn với lòng bác ái của Đức Giêsu. Toàn thể đồng bào ta, không chia lương, giáo, đoàn kết chặt chẽ, quyết lòng kháng chiến, để giữ gìn non sông Tổ quốc, mà cũng để giữ gìn quyền tôn giáo tự do”. Các dịp Lễ Noel từ 1947 đến 1954, tuy điều kiện kháng chiến gian khổ, ác liệt, nhưng năm nào Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng thay mặt Chính phủ, dành thời gian viết thư thăm hỏi, chúc phúc đồng bào.
Đề cao tinh thần đoàn kết lương giáo
Năm 1950, khi cục diện chiến tranh đã có những chuyển biến mới có lợi cho ta trên các mặt trận kinh tế, chính trị, ngoại giao. Nhân dịp Lễ Noel, Người viết Thư gửi đồng bào công giáo, kêu gọi “chúng ta càng phải ghi nhớ lời dạy của Đức Chúa Phải thương yêu nhau, đùm bọc nhau để chống kẻ hung ác”. “Ngày nay, cuộc kháng chiến cứu nước đang chuyển sang giai đoạn mới, đồng bào càng phải vì Đức Chúa, vì Tổ quốc mà đoàn kết chặt chẽ hơn nữa, kháng chiến hăng hái hơn nữa, để sớm đến ngày thắng lợi và thái bình. Tôi kính cầu Đức Chúa ban cho đồng bào mọi phúc lành”.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, kết thúc cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ, chấm dứt ách thống trị hàng thế kỷ của thực dân Pháp, trong thư chúc mừng đồng bào công giáo nhân lễ Noel năm đó, Người khẳng định lập trường xuyên suốt và chính sách, pháp luật của Nhà nước ta liên quan đến tôn giáo:“Nhân dịp này, tôi xin nhắc lại cho đồng bào rõ: Chính phủ ta thật thà tôn trọng tín ngưỡng tự do”, “Nhân dịp Lễ Noel, tôi gửi đồng bào lời chúc mừng thân ái và xin Chúa ban cho đồng bào mọi phúc lành”.
Hai bức thư sau cùng Bác Hồ gửi các hàng giáo sĩ và đồng bào công giáo được viết dịp Noel 1955, 1956, trong thư (1956) có đoạn: “Nhân dịp lễ sinh nhật này, tôi mong các hàng giáo sĩ và đồng bào, đã đoàn kết nay càng đoàn kết hơn, đoàn kết giữa Nhân dân và cán bộ, giữa đồng bào giáo và đồng bào lương”,… “thực hiện củng cố miền Bắc thắng lợi, do đó mà mau thống nhất nước nhà, cho Bắc Nam sum họp như lời cầu nguyện của Chúa Kirixitô: "Nguyện cho hết thảy đồng bào hoàn toàn hợp nhất với nhau"".
Nội dung xuyên suốt thông qua những bức thư nêu trên, Người ca ngợi Đức Thiên chúa giáng thế đã hy sinh cho tự do và bác ái của loài người, cứu loài người khỏi ách nô lệ, đưa loài người về với hạnh phúc, bình đẳng, bác ái, tự do. Đồng thời, Người đề cao tinh thần đoàn kết lương giáo - nhân tố quyết định tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
Với tinh thần “Kính Chúa, yêu nước”, bày tỏ tình cảm và sự kính trọng đối với Bác Hồ, đồng bào Công giáo Việt Nam luôn đi theo đường hướng “Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc”, “Tốt đời, đẹp đạo”, “Sống Phúc âm phụng sự Thiên Chúa, phụng sự Tổ quốc và dân tộc” đã đoàn kết cùng đồng bào cả nước, đóng góp sức người, sức của vào công cuộc kháng chiến giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc./.
St

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét