Đại tướng-nhà cách mạng Nguyễn Quyết, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, đã về với Bác Hồ, với Đại tướng Võ Nguyên Giáp hồi 21 giờ 9 phút ngày 23-12-2024 để lại niềm tiếc thương vô hạn cho Đảng, Nhà nước, Quân đội, nhân dân ta!
Tên thật là Nguyễn Tiến Văn, sinh ngày 20-8-1922 trong một gia đình nông dân ở xã Chính Nghĩa, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên, cả một đời cống hiến cho cách mạng, Đại tướng đã hội tụ đầy đủ nhân cách “Trí-dũng-nhân-tín-liêm-trung”, được đánh giá là người của những quyết sách chiến lược, có nhiều đóng góp quan trọng ở hầu hết giai đoạn lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thế kỷ 20.
Tròn tuổi 15, chàng trai Tiến Văn lên Hà Nội làm thư ký kiêm phát hành Báo Đuốc Tuệ (Trung tâm Phật giáo Bắc Kỳ). Tiếp xúc với báo chí cách mạng, hiểu về lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tiến Văn được giác ngộ và tham gia cách mạng. Năm 1939, được Đảng giao nhiệm vụ trở về Hưng Yên xây dựng phong trào. Năm 1940, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương phụ trách Bí thư Thanh niên phản đế Kim Động. Năm 1941, được Xứ ủy Bắc kỳ gọi trở lại Hà Nội phụ trách công tác vận động công nhân làm nòng cốt gây dựng phong trào. Sau khi tham dự lớp học quân sự chỉ gần một tháng tại Thái Nguyên, giữa năm 1944, Nguyễn Quyết được phân công phụ trách công tác quân sự Hà Nội. Tháng 11-1944, được Trung ương Đảng và Bác Hồ chỉ định làm Bí thư Thành ủy Hà Nội, khi mới ngoài 22 tuổi.
Xin phép được hình dung cuộc đời Đại tướng có 4 giai đoạn vẻ vang, gắn liền, ghi dấu son vào sự nghiệp cách mạng chung của dân tộc.
Vị Bí thư Thành ủy quyết đoán, bản lĩnh, sáng tạo
Mới chỉ vài tháng làm nhiệm vụ, đêm 17-8-1945, dưới sự chủ trì của Bí thư Nguyễn Quyết, Thành ủy Hà Nội họp và ra quyết định lịch sử: Bằng lực lượng tại chỗ, Hà Nội khởi nghĩa vào ngày 19-8-1945. Nắm vững thời cơ, hiểu rõ thế và lực quân địch và tình hình cách mạng, Hà Nội khởi nghĩa đúng kế hoạch, giành thắng lợi triệt để, như là ánh sáng soi tới các địa phương khác cùng quật khởi vùng lên.
Sự kiện này đi vào lịch sử cách mạng Việt Nam trở thành bài học khởi nghĩa bản lĩnh, sáng tạo, kiên quyết, kịp thời và triệt để hành động theo Chỉ thị của Đảng và Bác Hồ “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Đặt trong bối cảnh năm 1945, Hà Nội-vị trí chiến lược, đầu não của quân Pháp càng thấy khởi nghĩa thắng lợi ở Hà Nội mang ý nghĩa quyết định để Cách mạng Tháng Tám thành công. Sau này đồng chí Trường Chinh đánh giá rất cao Bí thư Nguyễn Quyết và tập thể Thành ủy Hà Nội là “thông tuệ”, “sắc sảo”...!
Vị chỉ huy Liên khu 5 kiên cường, anh dũng
Cách mạng Tháng Tám thành công, giặc Pháp quay trở lại Nam Bộ, với lòng yêu nước và kinh nghiệm lãnh đạo khởi nghĩa, chỉ huy quân sự, Nguyễn Quyết xin Trung ương vào Nam chiến đấu. Từ năm 1946 đến 1950, với cương vị Chính ủy Trung đoàn 108, phụ trách mặt trận Quảng Nam-Đà Nẵng, đồng chí chủ trương sử dụng lực lượng chủ lực hợp đồng chặt chẽ với quân dân địa phương chiến đấu lập nhiều chiến công oanh liệt.
Cuối năm 1953, để cứu vãn tình hình bất lợi, quân Pháp mở chiến dịch Át-lăng nằm trong tổng thể Kế hoạch Nava nhằm “xóa” vùng tự do Liên khu 5 để làm bàn đạp đánh chiếm Bắc Bộ. Đồng chí Nguyễn Quyết là một trong bộ ba chỉ huy trực tiếp chống chiến dịch lớn chưa từng có này của Pháp. Quân ta chiến đấu quyết liệt, tăng cường lực lượng chính quy cho chiến trường Phú Yên, giải phóng Kon Tum, đánh vỗ mặt các cuộc hành binh của Pháp. Quân Pháp thất bại, buộc phải phân tán lực lượng, bị động đối phó, không thể tập trung cho chiến trường Điện Biên Phủ.
Quân dân Liên khu 5 được Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi điện khen ngợi “đã tích cực hoạt động, tiêu hao và tiêu diệt nhiều sinh lực địch, bảo vệ tính mạng và tài sản nhân dân”. Chiến thắng Chiến dịch Át-lăng thực sự là một “kỳ tích”, bởi giữ cho Liên khu 5 là hậu phương vững chắc, góp công lớn vào Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Vị Tư lệnh Quân khu 3 “làm giàu, đánh thắng”
Năm 1955, Quân đội điều Nguyễn Quyết về làm Chính ủy Quân khu Tả Ngạn (tiền thân của Quân khu 3). Suốt gần 30 năm, ông cùng Bộ tư lệnh Quân khu chủ động tiến hành xây dựng nền quốc phòng toàn dân ngay trong điều kiện hòa bình, kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế, hình thành thế trận toàn dân đánh giặc với lực lượng vũ trang nòng cốt 3 thứ quân. Trên cơ sở phát triển một cách sáng tạo đường lối chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện, Quân khu có sự chuyển biến tích cực to lớn về nhiều mặt, nhanh chóng, cơ động chuyển hướng từ thời bình sang thời chiến để chiến thắng đế quốc Mỹ.
Nghiên cứu các bài viết và soi vào thực tiễn lịch sử Quân khu 3 sẽ thấy đóng góp nổi bật của ông là tất cả các lực lượng đều có khả năng cơ động cao, trong tác chiến, trong thực hiện các nhiệm vụ đột xuất, khẩn cấp. Các đơn vị chủ lực phải cơ động trên phạm vi rộng để thực hiện những nhiệm vụ mang tính quyết định. Những ai dưới quyền ông đều thấy một phong cách nổi bật là hết sức sâu sát thực tế, luôn có mặt ở những đơn vị khó khăn nhất, các điểm nóng hoặc những nơi có nhân tố mới để nghiên cứu, tìm hiểu, từ đó đưa ra các giải pháp khắc phục kịp thời hay nhân rộng, phát huy. Đặc biệt quan tâm đến vấn đề biển, đảo, những dịp Tết, ông thường xuyên đi tìm hiểu tình hình và chúc Tết quân, dân những nơi đảo xa. Ở những năm của thế kỷ 21 này nhìn về những năm 80 của thế kỷ trước càng thấy các quyết sách của ông trong Phong trào “Làm giàu, đánh thắng”, “Vươn ra Biển Đông làm giàu, đánh thắng” mang tính chiến lược, đi trước thời gian.
Nhà quân sự, nhà chính trị - những quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân
Năm 1986, Thượng tướng Nguyễn Quyết về nhận nhiệm vụ Phó chủ nhiệm rồi Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Có tầm nhìn chiến lược, nhạy bén, thấu hiểu tình hình, ông được Trung ương, Quốc hội trao thêm trọng trách Bí thư Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Với bản lĩnh người lính Cụ Hồ, ông phát huy hết tài năng, tâm huyết, đi khắp đất nước, đến với những nơi khó khăn, biên giới, hải đảo, đến cả các đơn vị Quân tình nguyện Việt Nam ở Lào và Campuchia...
Tháng 5-1989, ông ra Trường Sa và khẩu hiệu thiêng liêng: “Cả nước vì Trường Sa, Trường Sa vì cả nước” ra đời. Là nhà lãnh đạo nghiên cứu sâu lý luận Chủ nghĩa Mác một cách hệ thống, triệt để học và làm theo tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, am hiểu kỹ càng, tường tận thực tế, những chủ kiến khoa học của ông góp phần làm sáng rõ nhiều vấn đề, thuyết phục Trung ương, Bộ Chính trị có những nghị quyết kịp thời, đúng đắn về quân sự-quốc phòng, kinh tế, đối ngoại,... không chỉ phù hợp tình hình trong nước, khu vực mà với cả thế giới. Với những công lao to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ông được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh cùng nhiều phần thưởng cao quý khác!
Do nhiều cơ duyên may mắn trong nghề nghiệp, người viết bài này vinh dự được tiếp xúc một số lần với Đại tướng, được nghe ông kể về Bác Hồ, về cách mạng trước năm 1945. Một lần xin phép, tôi hỏi ông có biết vì sao, khi mới ngoài 22 tuổi, ông đã được Bác Hồ giao chức Bí thư Thành ủy Hà Nội. Ông hóm hỉnh trả lời, điều này chỉ Bác Hồ biết.
Lại hỏi tên gọi Nguyễn Quyết có phải Bác Hồ đặt không. Ông trầm ngâm nói, bí danh ấy do các đồng chí đặt để nhắc nhở lòng quyết tâm đuổi Pháp. Ông được tiếp xúc trực tiếp với Bác không nhiều nhưng mỗi lần được gặp như được thay đổi, được lớn lên. Như tâm sự với chính mình, giọng vị Đại tướng từng trải trận mạc chợt trầm lắng, thành kính, thiêng liêng: “Bác vĩ đại, lớn lao lắm, những gì tôi được gọi là có đóng góp cho cách mạng, cho nhân dân là nhờ Bác, nhờ Đảng”. Cho đến hôm nay, những dòng chữ nắn nót của vị Đại tướng gần 100 tuổi mà vẫn mẫn tiệp, tinh anh, hiền hậu như một vị tiên, ở trang đầu cuốn sách ông tặng người lính trẻ, với tôi là vô giá!./.
St
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét