Suốt những năm tháng gắn bó với ngành y, Thượng tá, bác sĩ chuyên khoa II Ngô Thị Tuyết Mai luôn đặt hết tâm huyết, trách nhiệm của mình vào những công trình nghiên cứu khoa học thực tiễn có tính ứng dụng cao.
Bác sĩ Ngô Thị Tuyết Mai sinh năm 1977 (quê ở Ninh Bình), hiện đang công tác tại Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và sản xuất thuốc của Học viện Quân y. Đây là nơi chuyên nghiên cứu ứng dụng để đưa ra các sản phẩm phục vụ chăm sóc sức khỏe bộ đội và nhân dân. Ngay từ nhỏ, chứng kiến những công việc thầm lặng mà vinh quang, trị bệnh cứu người của bố mình là bác sĩ quân y, chị mong ước sau này sẽ trở thành đồng nghiệp của bố. Tuyết Mai vào đào tạo tại Học viện Quân y năm 29 tuổi và luôn tự hào vì được học tập và rèn luyện ở chính ngôi trường mà bố chị từng theo học. Con nhỏ, chồng chị cũng là bộ đội, thường xuyên phải đi công tác xa nên việc sắp xếp, bố trí thời gian để hoàn thành tốt chương trình đào tạo cũng là một trong những áp lực lớn. Được sự ủng hộ của gia đình, Tuyết Mai đã xuất sắc hoàn thành khóa học, trở thành bác sĩ y học cổ truyền loại giỏi và tiếp tục các chương trình đào tạo bác sĩ chuyên khoa cấp I, bác sĩ chuyên khoa cấp II.
Ngày mới tốt nghiệp, bác sĩ Ngô Thị Tuyết Mai được phân công về Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và sản xuất thuốc của Học viện Quân y. Ban đầu, chị chưa thực sự hứng thú với môi trường nghiên cứu bởi muốn được trực tiếp khám, chữa bệnh tại bệnh viện. Cho tới khi thấy được vai trò của đơn vị nghiên cứu y học cổ truyền hiện đại, chị đã tìm tòi, nghiên cứu, cải tiến các sản phẩm thuốc y học cổ truyền áp dụng vào thực tiễn. Do đó, các nhược điểm của dạng bào chế truyền thống, đơn giản như thuốc sắc, cao đơn, hoàn tán... dần được thay thế tối ưu bằng sản phẩm hiện đại. Chị từng bước nâng cao năng lực chuyên môn và đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Suốt 15 năm gắn bó với Trung tâm, bác sĩ Ngô Thị Tuyết Mai đã chủ trì 1 đề tài nghiên cứu cấp Bộ Quốc phòng, 1 đề tài nhánh cấp Nhà nước về nghiên cứu quy trình công nghệ bào chế viên nang cứng GK1 điều trị suy thận mãn từ bài thuốc GK1. Ngoài ra, bác sĩ Ngô Thị Tuyết Mai còn tham gia 10 đề tài nghiên cứu các cấp (cấp Nhà nước có 4 đề tài; cấp Bộ Quốc phòng có 4 đề tài; 2 đề tài cấp thành phố) và là đồng tác giả của 20 bài báo khoa học trong nước, quốc tế.
Trong số những đề tài khoa học đã được công bố, Thượng tá Ngô Thị Tuyết Mai tâm đắc nhất là Đề tài “Nghiên cứu bào chế và đánh giá tác dụng tăng cường khả năng chịu đựng gánh nặng nhiệt, hỗ trợ phòng, chống say nóng cho bộ đội của viên nang giải thử khang GN16” từ bài thuốc y học cổ truyền. Đây là đề tài cấp Bộ Quốc phòng, bác sĩ Tuyết Mai trực tiếp đề xuất và chủ trì thực hiện. Kết quả đã hiện đại hóa được dạng bào chế viên nang, từ đó đánh giá được tác dụng trên thực nghiệm và thử tác dụng trên bộ đôi đặc công huấn luyện trong điều kiện khắc nghiệt, nắng nóng dễ ảnh hưởng tới sức khỏe. Kết quả nghiên cứu cho thấy sản phẩm viên nang chống say nắng, say nóng GN16 có dạng bào chế hiện đại, dễ sử dụng, bảo quản, đồng thời có tác dụng tăng cường sức chịu đựng nhiệt của cơ thể, tăng khả năng thích nghi với biến đổi nhiệt độ cao về nhịp tim, huyết áp, nhịp thở... Sản phẩm đã góp phần tăng cường thể trạng, giúp cán bộ, chiến sĩ tỉnh táo hơn, ăn ngon hơn, nhanh hồi phục hơn so với những người không dùng sản phẩm.
Thượng tá, bác sĩ chuyên khoa II Ngô Thị Tuyết Mai chính là tấm gương sáng trong Phong trào thi đua “Phụ nữ Quân đội đoàn kết-sáng tạo, hoàn thành tốt nhiệm vụ, xây dựng gia đình hạnh phúc, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”.
Bài và ảnh: TUẤN DŨNG
nguồn báo quân độ nhân dân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét