Thứ Ba, 31 tháng 12, 2024

HOÀNG VĂN HOAN - NGUYÊN ỦY VIÊN BỘ CHÍNH TRỊ - KẺ PHẢN BỘI TỔ QUỐC BỊ TỬ HÌNH VẮNG MẶT

 Nhiều người thắc mắc đặt câu hỏi: Vì sao bức ảnh phong quân hàm năm 1958 mà nhóm phục dựng, lại "bỏ sót" một người? Bạn có biết gì về câu chuyện này không?

Hoàng Văn Hoan (1905 - 1991), nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Nguyên Phó chủ tịch Quốc hội Việt Nam.

Hoàng Văn Hoan sinh ra tại huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, tên thật là Trần Xuân Phong. Năm 1926, Hoan tham gia lớp huấn luyện cách mạng do Chủ tịch Hồ Chí Minh mở ở Trung Quốc. Năm 1930, gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương.

Sau Cách mạng Tháng Tám, là Thứ trưởng Bộ quốc phòng và Ủy viên chính trị toàn quốc Vệ quốc quân.

Từ năm 1950 đến năm 1957 làm Đại sứ đầu tiên của Việt Nam tại Trung Quốc kiêm Đại sứ tại Triều Tiên và Mông Cổ. Hoan có vị trí hơn một đại sứ bình thường vì thường được Mao Trạch Đông tiếp riêng để bàn thảo các vấn đề hai nước, kể cả chiến lược đánh miền Nam của Bộ Chính trị.

Năm 1951, Hoàng Văn Hoan được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và từ năm 1956 đến năm 1976 là Ủy viên Bộ chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

Năm 1976 khi quan hệ Việt Nam - Trung Quốc xấu đi và không thể hàn gắn về vấn đề Campuchia và Hoàng Sa, khi đó Hoàng Văn Hoan theo đường lối Maoist, hoàn toàn ủng hộ phái bảo thủ tại Trung Quốc. Nên năm 1976, Hoan bị cho ra khỏi Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Ngày 11 tháng 6 - 1979, lấy cớ sang Cộng hòa Dân chủ Đức để chữa bệnh, với sự giúp sức của tình báo Trung Quốc, Hoàng Văn Hoan đã bỏ trốn tại sân bay Karachi (Pakistan) rồi sang Bắc Kinh.

Tại Bắc Kinh, ông ta đã xuyên tạc tình hình trong nước, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, "tố cáo" Việt Nam đã đối xử với người Việt gốc Hoa còn "tệ hơn cả cách Hitler đối xử với người Do Thái". Ông ta liên tục hô hào lật đổ chính quyền ở Việt Nam để thực hiện một cuộc cách mạng mới. Ông ta đã "vẽ đường" cho chính quyền Bắc Kinh khi đó thực hiện chiến tranh xâm lược, phá hoại, giết hại đồng bào ta.

Sau sự kiện này, Hoan đã trở thành biểu tượng của sự phản bội. Truyền thông Việt Nam lúc đó đã so sánh Hoàng Văn Hoan với Lê Chiêu Thống, Trần Ích Tắc. Đó là thời điểm quan hệ Việt - Trung căng thẳng khi Trung Quốc xua quân xâm lược Việt Nam hồi đầu năm.

Không lâu sau, nhà nước Việt Nam lần lượt hủy bỏ các chức vụ và xóa Đảng tịch Đảng cộng sản Việt Nam của Hoan. Ngày 26 tháng 6 năm 1980, Việt Nam tuyên bố xử tử hình vắng mặt Hoàng Văn Hoan.

Năm 1990, với sự nỗ lực cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, quan hệ Việt - Trung được khôi phục. Cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đã cho đưa người nhà của Hoàng Văn Hoan sang Trung Quốc để Hoan được đoàn tụ với gia đình vào những năm tháng cuối đời.

Hoàng Văn Hoan chết tại Bắc Kinh năm 1991 và được Trung Quốc tổ chức lễ tang cấp nhà nước, xác được chôn tại nghĩa trang Bát Bảo Sơn, nơi chôn cất của các quan chức cao cấp của Trung Quốc. Sau này hài cốt của Hoan đã được con trai chuyển về Việt Nam.

Lịch sử chứng kiến, bên cạnh những tấm gương xả thân hy sinh vì đại nghĩa để bảo vệ Tổ quốc, chúng ta cũng không quên những kẻ mãi quốc cầu vinh, vì mưu lợi riêng, tham công danh phú quý mà cúi đầu làm tay sai, bán rẻ Tổ quốc, dòng họ tổ tiên. Quyết định không phục dựng màu nhân vật này, tuy nhiên không xóa đi bởi đó là 1 phần của lịch sử./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét