Hiện nay, công tác chuẩn bị đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng bắt đầu được triển khai với khối lượng công việc rất lớn và hệ trọng; trong đó, công tác nhân sự có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đòi hỏi các cấp ủy, tổ chức đảng cần nhận thức sâu sắc, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc, kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, nhất là nhận diện, đấu tranh làm thất bại mọi chiêu trò, luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch.
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 10, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN |
Nhiệm vụ “then chốt của mọi then chốt”, “hệ trọng nhất trong những việc hệ trọng”
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”; “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Thấm nhuần sâu sắc tư tưởng đó, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta vẫn luôn đặc biệt quan tâm đến công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ và khẳng định đây là nhân tố đặc biệt quan trọng, khâu then chốt trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, “mắt xích trọng yếu trong toàn bộ hoạt động của Đảng” có vai trò quyết định sự thành bại của sự nghiệp cách mạng, sự tồn - vong của chế độ, thịnh - suy của đất nước. Trong thực tiễn, đội ngũ cán bộ chính là “cầu nối” giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân, là lực lượng lãnh đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện, quyết định việc đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước đi vào cuộc sống; đồng thời, nắm bắt tình hình đề xuất với Đảng, Nhà nước đề ra chủ trương, chính sách phù hợp nguyện vọng, lợi ích chính đáng của nhân dân. Đội ngũ cán bộ ở mọi lĩnh vực, địa phương, cơ quan, đơn vị, nhất là bí thư, phó bí thư cấp ủy, người đứng đầu luôn là nhân tố quan trọng, quyết định kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị, sự ổn định, phát triển, vững mạnh của địa phương, cơ quan, đơn vị đó cả trước mắt và lâu dài.
Là mặt công tác trọng yếu của Đảng, công tác cán bộ gồm nhiều khâu, bước; trong đó, lựa chọn, sắp xếp, bố trí sử dụng cán bộ là khâu có ý nghĩa hết sức quan trọng. Hiện nay, công tác chuẩn bị đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030 tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng bắt đầu được triển khai. Đại hội là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, sự kiện chính trị có ý nghĩa trọng đại của đất nước; là dịp để chỉnh đốn đội ngũ, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong Đảng và hệ thống chính trị. Một nhiệm vụ trọng tâm của kỳ đại hội là bầu ra hệ thống cơ quan lãnh đạo của Đảng từ Trung ương (Ban Chấp hành Trung ương) đến cơ sở (ban chấp hành đảng bộ, chi bộ cơ sở). Đó là bộ tham mưu chiến đấu, hạt nhân chính trị, trung tâm đoàn kết, thống nhất, cơ quan lãnh đạo cao nhất giữa hai kỳ đại hội ở mỗi cấp, có vai trò hoạch định chủ trương, đường lối, biện pháp lãnh đạo, quyết định đến toàn bộ hoạt động lãnh đạo của tổ chức đảng trong nhiệm kỳ tới. Không chỉ vậy, Đảng ta là một đảng cầm quyền, có vai trò, sứ mệnh lãnh đạo Nhà nước và xã hội, nên nhân sự cấp ủy cũng chính là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, chủ trì, chủ chốt ở từng bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị. Do đó, công tác nhân sự đại hội đảng các cấp có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, được Đảng ta xác định là “then chốt của mọi then chốt”, “hệ trọng nhất trong những việc hệ trọng”. Đúng như lời cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc nhở: “Cần phải thấm nhuần sâu sắc vị trí, ý nghĩa của công việc cực kỳ quan trọng này không chỉ đơn thuần đối với việc tổ chức một đại hội Đảng mà đây là công việc có ý nghĩa chiến lược gắn liền với vận mệnh của Đảng, sự tồn vong của chế độ và sự phát triển của đất nước”.
Nhìn lại các kỳ đại hội, công tác nhân sự luôn được Đảng ta quan tâm đặc biệt và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, với nội dung, yêu cầu ngày càng cao, phương pháp tiến hành ngày càng chặt chẽ, khoa học. Qua đó, lựa chọn được đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cấp ủy các cấp, nhất là cấp chiến lược, thực sự là lực lượng rường cột, ưu tú nhất của Đảng, có năng lực lãnh đạo toàn diện, sức chiến đấu cao, nhận thức đầy đủ, sâu sắc nghĩa vụ, trách nhiệm trước Đảng, trước Nhân dân, luôn đặt lợi ích của Đảng, của quốc gia, dân tộc, của Nhân dân lên trên hết, trước hết. Đó là một trong những nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam, để đất nước ta đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, “...chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Bên cạnh đó, thực tiễn cũng cho chúng ta những bài học, kinh nghiệm hết sức sâu sắc và bổ ích rút ra từ những hạn chế, khuyết điểm trong công tác nhân sự, nhất là khi chủ quan, xem nhẹ, lơ là kiểm tra, giám sát thiếu chặt chẽ, dẫn đến việc lựa chọn, bố trí cán bộ không đủ đức, đủ tài, cá nhân chủ nghĩa vào cơ quan lãnh đạo ở một số bộ, ngành, địa phương và cả Trung ương. Từ đó, gây ra những hậu quả tai hại khôn lường, làm suy yếu tổ chức, ảnh hưởng đến uy tín, thanh danh của Đảng, sự phát triển của bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị và đất nước, tạo dư luận xấu trong xã hội, làm giảm sút niềm tin của quần chúng, cán bộ, đảng viên vào sự lãnh đạo của Đảng; tạo cớ để các thế lực thù địch, cơ hội chính trị xuyên tạc, chống phá, v.v.
Công tác nhân sự đại hội đảng các cấp là vấn đề cực kỳ hệ trọng, không chỉ tiến hành trước và trong thời gian tổ chức đại hội mà trong suốt cả nhiệm kỳ, nhưng giai đoạn chuẩn bị đại hội là thời điểm có ý nghĩa quan trọng đặc biệt. Tuy nhiên, đó cũng là công việc “hết sức phức tạp, khó khăn, nặng nề, vì nó liên quan đến con người, là "công tác con người”. Vì vậy, để lựa chọn đúng những người thực sự tiêu biểu nhất, có đủ bản lĩnh, năng lực, trí tuệ bầu vào cấp ủy các cấp, đặc biệt là Ban Chấp hành Trung ương để đảm đương sứ mệnh lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, tiếp tục đưa đất nước phát triển lên tầm cao mới, trực tiếp trong nhiệm kỳ tới là hoàn thành thắng lợi các mục tiêu hướng đến kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng vào năm 2030, đòi hỏi các cấp ủy, tổ chức đảng và hệ thống chính trị phải quán triệt, thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị, quy chế, quy định, hướng dẫn của Trung ương về công tác chuẩn bị đại hội nói chung, công tác nhân sự nói riêng. Trên cơ sở đó, tăng cường hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo và đề cao vai trò, trách nhiệm đối với công tác nhân sự.
Thực hiện định hướng chỉ đạo: “Phải làm tốt công tác nhân sự từ đại hội đảng bộ các cấp để góp phần chuẩn bị tốt nhân sự cho Đại hội XIV của Đảng”, các cấp ủy cần chủ động rà soát, xây dựng phương án nhân sự đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị trong những năm tới. Đây là công việc rất hệ trọng đòi hỏi các cấp ủy phải nắm vững nguyên tắc, quy trình, quy chế, tiêu chí, tiêu chuẩn,… để rà soát, lựa chọn, giới thiệu những cán bộ thật sự ưu tú, thật sự tiêu biểu, “vừa hồng vừa chuyên” tham gia cấp ủy nhiệm kỳ tới. Việc chuẩn bị nhân sự cấp ủy phải trên cơ sở quy hoạch, lấy quy hoạch làm căn cứ xây dựng phương án nhân sự, nhưng cần chú trọng phát hiện, giới thiệu những nhân tố mới có đủ tiêu chuẩn, điều kiện. Quá trình tiến hành, kết hợp hài hòa, chặt chẽ giữa lựa chọn nhân sự tại chỗ với điều động, luân chuyển cán bộ, kiện toàn tổ chức biên chế trước khi bước vào đại hội, thực hiện gắn xây dựng cấp ủy với xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, chủ trì, chủ chốt các cấp. Cần mạnh dạn lựa chọn, quy hoạch nhân sự là cán bộ trẻ có năng lực, triển vọng tốt, đảm bảo cấp ủy có sự kế thừa, ổn định, đổi mới, phát triển liên tục. Chú trọng đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy, nhất là với địa bàn, đầu mối quan trọng, lĩnh vực đặc thù; xử lý hài hòa, hiệu quả mối quan hệ giữa tiêu chuẩn và cơ cấu, số lượng và chất lượng. Trong đó, phải luôn đặt tiêu chuẩn lên hàng đầu, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn, không chạy theo số lượng cơ học thuần túy. Đặc biệt, phải: “Lấy tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và hiệu quả công tác, uy tín của bản thân và gia đình làm thước đo chủ yếu”. Tuy nhiên, quá trình lựa chọn, bố trí, sắp xếp đối với từng nhân sự cụ thể cần thống nhất quan điểm: không quá cầu toàn, không quá tuyệt đối hóa, tránh để xảy ra tình trạng quá “tả”, quá “hữu”, sợ trách nhiệm không dám giới thiệu đề cử, ứng cử hoặc rập khuôn máy móc, ngẫu hứng, cảm tính cá nhân dẫn tới thiếu sót thậm chí sai lầm làm hỏng cả công tác nhân sự.
Cùng với đó, thực hiện nghiêm quy định về bảo vệ chính trị nội bộ của Đảng, tổ chức thẩm định, kiểm tra, giám sát, rà soát kỹ lưỡng, kết luận rõ ràng tiêu chuẩn chính trị đối với nhân sự được giới thiệu tham gia cấp ủy các cấp. Về nguyên tắc, phải kiên quyết sàng lọc, không để lọt vào cấp ủy những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, chạy chức, chạy quyền; phẩm chất, năng lực, uy tín giảm sút; thiếu gương mẫu, mất đoàn kết, cục bộ, phe cánh, lợi ích nhóm; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế, quy định của Đảng, Nhà nước; chuyên quyền, độc đoán, bảo thủ, trì trệ, làm việc kém hiệu quả, nói không đi đôi với làm; bản thân hoặc vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính, v.v. Đồng thời, cần rà soát kỹ, không để sót những cán bộ thực sự có đức, có tài, có uy tín cao, có tư duy đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và luôn hết lòng vì Tổ quốc, vì nhân dân, luôn đặt lợi ích của tập thể, lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết.
Công tác nhân sự phải được đặt trong tổng thể công tác chuẩn bị đại hội các cấp; phải tiến hành chu đáo, toàn diện, đồng bộ, khoa học, chặt chẽ, chắc chắn ở tất cả các khâu, các bước theo một quy trình thống nhất, góp phần nâng cao chất lượng nhân sự cấp ủy các cấp và chuẩn bị nhân sự cho Trung ương. Đây là nhiệm vụ rất nặng nề nhưng rất vinh dự và lớn lao, đòi hỏi các cấp ủy, tổ chức đảng phải thật sự dân chủ, khách quan, trách nhiệm, công tâm và phải "có con mắt tinh đời" như lưu ý của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đặc biệt, phải tuyệt đối giữ vững vai trò lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng; thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; phát huy dân chủ đi đôi với tăng cường kỷ cương, kỷ luật Đảng, nâng cao chất lượng kiểm tra, giám sát, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của cấp ủy và người đứng đầu trong công tác nhân sự. Cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước cấp ủy cấp trên và trước Đảng về nhân sự do cấp mình đề xuất, giới thiệu. Mỗi cán bộ, đảng viên cần thấy rõ trách nhiệm chính trị cao cả, nêu cao tính chiến đấu, vai trò tiền phong, gương mẫu, tham gia tích cực, có chất lượng vào công tác nhân sự theo quy định của Đảng; đồng thời, tích cực tuyên truyền, vận động quần chúng đẩy mạnh thực hành dân chủ, tham gia xây dựng Đảng, góp phần vào thành công của kỳ đại hội.
Đi liền với đó, cần chủ động phòng ngừa, kiên quyết khắc phục cách làm tùy tiện, qua loa đại khái, sai nguyên tắc, nhất là vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ. Đấu tranh với biểu hiện chuyên quyền, độc đoán, dân chủ hình thức, chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ; tư tưởng cá nhân, cục bộ địa phương, lợi ích nhóm, cũng như thái độ bàng quan, thờ ơ, vô cảm về chính trị, “mũ ni che tai”, “dĩ hòa vi quý” trong giới thiệu đề cử, ứng cử, lựa chọn, bố trí, sắp xếp nhân sự, v.v. Thực hiện tốt các nội dung trên đây có ý nghĩa rất quan trọng; một mặt, nâng cao uy tín, danh dự của Đảng, tạo cơ sở củng cố niền tin cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; mặt khác, giúp khắc phục những tồn tại, hạn chế, bịt kín mọi kẽ hở, khoảng trống trong công tác nhân sự.
Nhận diện, đập tan những mưu đồ đen tối, luận điệu xuyên tạc, chống phá công tác nhân sự đại hội đảng các cấp
Đã thành quy luật, thời điểm chuẩn bị đại hội đảng các cấp, nhất là trước thềm Đại hội Đảng toàn quốc, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị lại “mở chiến dịch” chống phá trên tất cả các lĩnh vực, các môi trường, bằng nhiều thủ đoạn, cách thức tinh vi, thâm độc. Trong đó, công tác nhân sự là một trọng điểm chúng tập trung chống phá quyết liệt, với quy mô, cấp độ, tần suất cao, lưu lượng tin, bài dày đặc. Chiêu trò, thủ đoạn chủ yếu của chúng là tung lên các nền tảng mạng xã hội đủ loại thông tin bịa đặt, xuyên tạc, bóp méo sự thật, làm sai lệch bản chất công tác nhân sự của Đảng; suy diễn, quy chụp cho rằng quy hoạch nhân sự chỉ mang tính hình thức, thực chất đã được an bài, “áp đặt từ trên xuống”; quy trình các bước chỉ là hợp thức hóa việc “sắp xếp”, “thỏa thuận” giữa các phe, nhóm hoặc những màn “đấu đá nội bộ”, v.v.
Đặc biệt, lợi dụng công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” của Đảng ta, nhất là thời gian gần đây nhiều đại án được điều tra, đưa ra xét xử, nhiều cán bộ, đảng viên tha hóa, biến chất, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, kể cả cán bộ cấp cao đã phải từ chức, bị kỷ luật, vướng vòng lao lý thì chúng ra sức “khen ngợi”, bày tỏ sự “nhất trí cao” rồi giở trò “mượn gió bẻ măng”, “lập lờ đánh lận con đen” cho rằng chống tham nhũng thực chất là “đấu đá tranh giành quyền lực”, “thanh trừng nội bộ”, “trấn áp bất đồng chính kiến”, “củng cố ê-kíp”! Thâm hiểm hơn, chúng khoét sâu vào những bức xúc của quần chúng nhân dân trước tình trạng một bộ phận cán bộ lãnh đạo cơ quan công quyền tham nhũng, tiêu cực. Từ những vụ việc cụ thể, đơn lẻ ở một số bộ, ngành, địa phương chúng suy diễn: cả hệ thống chính trị cứ đụng tới chỗ nào là “dính” chỗ đó, rồi chụp mũ cho công tác cán bộ, trực tiếp là công tác nhân sự “có vấn đề”, “hiệu quả thấp” và rêu rao, đả phá, cho rằng đó là “sản phẩm tất yếu” của độc đảng cầm quyền, áp đặt, mất dân chủ!
Chúng còn lợi dụng dân chủ đòi “cho tranh cử, ứng cử”; lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để đơm đặt, tán phát đơn, thư nặc danh, mạo danh, vu khống, bôi nhọ danh dự, uy tín của cán bộ trong quy hoạch nhân sự đại hội. Không chỉ vậy, chúng còn tự cho mình “quyền” quy hoạch cán bộ, rồi tung ra “danh sách nhân sự” bộ máy lãnh đạo ở bộ nọ, ngành kia kiểu “thông tin rò rỉ” kích thích sự chú ý, tò mò, tạo dư luận, gây tâm lý hoài nghi, kích động chia rẽ, mâu thuẫn, mất đoàn kết nội bộ các cơ quan, tổ chức, v.v.
Để chuẩn bị cho Đại hội lần thứ XIV của Đảng dự kiến tổ chức vào quý I/2026, Hội nghị Trung ương 8 (khóa XIII) đã xem xét một số vấn đề về quy hoạch nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIV. Đây là công việc hoàn toàn bình thường, diễn ra theo Chương trình hoạt động toàn khóa của Đảng. Vậy nhưng, một số tổ chức phản động ngay lập tức rêu rao: “Nội bộ Đảng bắt đầu cuộc chiến tranh giành quyền lực”! Đặc biệt, sau kỳ họp bất thường của Trung ương và Quốc hội, trước sự biến động nhân sự cấp cao của Nhà nước và Quốc hội chúng ngang nhiên dựng chuyện, tung thông tin sặc mùi phản động: “thượng tầng chính trị Việt Nam đấu đá hạ bệ nhau” và cho rằng nhân sự cấp cao của Đảng, Nhà nước “không còn” người quê ở miền Nam là hệ quả của tư tưởng cục bộ địa phương, phân biệt vùng, miền sâu sắc, v.v.
Những luận điệu xuyên tạc trắng trợn, bỉ ổi đó được tạo dựng và tung ra ở thời điểm cấp ủy và hệ thống chính trị các cấp đang xúc tiến công tác chuẩn bị cho kỳ đại hội khiến không ít người hoài nghi, hoang mang. Thực tế các kỳ đại hội trước đây, đã có không ít quần chúng và cả cán bộ, đảng viên do thiếu hiểu biết, tư duy giản đơn, thiếu thông tin đã bị dư luận xấu dẫn dắt nên ngộ nhận, a dua hùa theo, cá biệt còn “hăng hái” tham gia bình luận, chia sẻ trên các trang mạng xã hội, vô tình trở thành những “con rối” phụ họa, tiếp tay cho chúng.
Nhìn nhận một cách toàn diện, có hệ thống, chúng ta dễ dàng thấy những luận điệu mà các thế lực thù địch, cơ hội chính trị rêu rao là những chiêu trò cũ rích đã được “tung ra” trước nhiều kỳ đại hội đảng, đến thời điểm này chúng thêm mắm, thêm muối để “xào đi, nấu lại”, thực chất chỉ là “bình mới, rượu cũ”. Các luận điệu đó không có gì mới nhưng được chúng ngụy tạo, núp bóng dưới nhiều hình thức, chiêu trò hết sức tinh vi. Các thông tin xấu, độc được chúng cắt ghép, đan cài cùng thông tin chính thống làm cho môi trường thông tin trắng - đen, thật - giả lẫn lộn. Có thông tin mới nghe tưởng chỉ nhằm vào một vài cá nhân đơn lẻ và vô hại, nhưng sâu xa thì vô cùng thâm độc, nguy hiểm, bởi mục tiêu cuối cùng chúng hướng đến là xuyên tạc, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, lung lạc niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Càng đến gần thời điểm đại hội đảng các cấp, các luận điệu đó sẽ được chúng phát tán với mật độ cao, tác động trực tiếp đến tư tưởng, niềm tin, ý chí, tình cảm của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, gieo rắc tâm lý hoài nghi, hoang mang, thiếu tin tưởng, gây chia rẽ trong Đảng, trong nhân dân, tạo dư luận xấu trong xã hội.
Bên cạnh sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, chúng ta cũng cần đặc biệt lưu ý đến sự gây rối, phá hoại ngay chính từ trong nội bộ cơ quan, tổ chức thời điểm trước đại hội. Một số phần tử là những cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, tham vọng quyền lực lợi dụng dân chủ đưa ra những phát ngôn lệch lạc, trái chiều, thiếu tính xây dựng về công tác nhân sự đại hội của Đảng. Với động cơ cá nhân không trong sáng, ích kỷ, hẹp hòi, kèn cựa địa vị, họ trực tiếp thực hiện hoặc xúi giục, kích động, tiếp tay cho người khác gửi đơn, thư nặc danh, mạo danh, tung thông tin bịa đặt, vu khống để hạ uy tín của đồng chí, đồng đội. Đây là những “mầm cỏ dại” ẩn núp trong nội bộ hết sức nguy hiểm, chúng ta cần đề cao cảnh giác để phát hiện và xử lý nghiêm minh. Trên thực tế, đã có không ít trường hợp như nói ở trên bị kỷ luật, thậm chí bị xử lý hình sự ở các mức độ khác nhau. Đó thực sự là những bài học cảnh tỉnh nghiêm khắc, đắt giá.
Sự chống phá điên cuồng của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị hòng phá hoại công tác nhân sự đại hội Đảng các cấp càng cho chúng ta thấy tầm quan trọng đặc biệt và mức độ phức tạp, khó khăn của công tác “then chốt của mọi then chốt”, “hệ trọng nhất trong những việc hệ trọng” này. Mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân phải nêu cao cảnh giác, chủ động trang bị cho bản thân những lý luận, kiến thức, kỹ năng cần thiết để không chỉ nhận biết và “miễn dịch” mà còn tích cực đấu tranh làm thất bại mọi chiêu trò, luận điệu xảo trá của chúng.
Nhìn lại quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng, công tác cán bộ nói chung, công tác nhân sự nói riêng luôn được Đảng ta quan tâm đặc biệt. Điều đó được thể hiện qua việc Đảng ta luôn coi trọng xây dựng, hoàn thiện các quy chế, quy định, quy trình, tiêu chí, tiêu chuẩn,… nhằm chuẩn hóa công tác cán bộ; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền, v.v. Đồng thời, phát huy cao nhất dân chủ để bảo đảm công tác nhân sự được thực hiện nghiêm túc, chất lượng nhất. Để chuẩn bị nhân sự đại hội đảng các cấp, Trung ương luôn chỉ đạo rất cụ thể từng khâu, từng bước theo một quy trình bài bản, nghiêm túc, thận trọng, kỹ lưỡng, đồng bộ, khoa học. Mặt khác, có cơ chế giám sát chặt chẽ ngay từ cơ sở, đảm bảo phát huy ý chí, nguyện vọng tập thể theo nguyên tắc tập trung dân chủ, thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, cá nhân phục tùng tổ chức chứ không phải sự tùy tiện, việc làm theo ý chí chủ quan của một bộ phận, một cá nhân nào. Thế nên công tác nhân sự không phải là việc “dàn xếp”, “mặc cả” hay “chia chác quyền lực” giữa phe nọ, cánh kia như chúng rêu rao. Thực tế những năm qua, công tác nhân sự có nhiều đổi mới và những bước tiến lớn. Cán bộ trong diện lựa chọn, sắp xếp quy hoạch được chuẩn bị kỹ ở tất cả các khâu và trải qua quy trình quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, thử thách, rèn luyện qua thực tế công tác rất nghiêm túc. Chất lượng nhân sự cấp ủy các cấp được nâng cao; nhiều điểm tồn tại, khoảng trống, kẽ hở trong công tác nhân sự đã được khắc phục. Để lựa chọn nhân sự tham gia cấp ủy, các bộ, ngành, địa phương, đơn vị phải tiến hành cân nhắc, đánh giá, lựa chọn kỹ lưỡng theo quy trình 5 bước trong đề cử, ứng cử với trình tự, thủ tục, nội dung, nguyên tắc giới thiệu, lựa chọn rất cụ thể, thực sự phát huy dân chủ trong Đảng, bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch, công bằng. Vì vậy, bất kể là ai, là tổ chức nào dù vô tình hoặc cố tình muốn can thiệp hay tác động tiêu cực đến công tác nhân sự cũng không dễ và không thể làm được. Luận điệu xuyên tạc: công tác nhân sự đại hội là “sự áp đặt từ trên xuống” hay “chỉ là hình thức”, “mất dân chủ” như các thế lực thù địch, phản động đang hô hào chỉ là những phát ngôn hàm hồ, lố bịch.
Đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Đảng ta xác định là một nhiệm vụ cấp bách, phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục, không ngừng nghỉ với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” để loại ra khỏi hàng ngũ những cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, quan liêu, tham nhũng, v.v. Đó là việc làm bình thường mà bất cứ nhà nước, chế độ chính trị nào muốn tồn tại, phát triển đều phải làm và làm nghiêm túc không riêng ở Việt Nam. Công cuộc chống tham nhũng, tiêu cực do Đảng ta khởi xướng và tiến hành là việc làm mà theo cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “…là để “trị bệnh, cứu người”, kỷ luật một vài người để cứu nhiều người, truy tố một vụ để cảnh tỉnh cả một vùng, một lĩnh vực”. Đó là công việc cần làm và phải làm vì sự nghiệp chung, đảm bảo sự nghiêm minh kỷ luật của Đảng, thượng tôn pháp luật Nhà nước, đáp ứng ý nguyện của Nhân dân. Trên thực tế, việc xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm đều được thực hiện trên nguyên tắc sai đến đâu xử lý đến đó, xử lý đúng người, đúng tội, không có bao che, giấu diếm, không khoan nhượng, thỏa hiệp,… được nhân dân tin tưởng, đánh giá cao. Chính vì thế, luận điệu cho rằng chiến dịch “đốt lò” phòng, chống tham nhũng là “đấu đá nội bộ”, “thanh trừng phe phái”, “tranh giành quyền lực” là sự suy diễn trắng trợn, cố tình xuyên tạc, phủ nhận quan điểm, chủ trương, đường lối và kết quả công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta. Bởi vậy, mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân cần tinh tường nhận thức rõ sự thật, tiếp tục đoàn kết, vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng, không ngộ nhận, mắc mưu hèn, kế bẩn của chúng.
Công tác nhân sự đại hội đảng các cấp là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị hiện nay. Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, cả hệ thống chính trị và toàn dân, toàn quân cần phát huy sức mạnh tổng hợp để thực hiện tốt nhất, hiệu quả nhất công tác đặc biệt quan trọng này. Đó là trách nhiệm, vinh dự to lớn; đồng thời, cũng là hành động thiết thực đập tan mọi luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị, góp phần bảo vệ Đảng, đảm bảo cho đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030 thành công tốt đẹp, tạo tiền đề vững chắc để tổ chức thành công Đại hội lần thứ XIV của Đảng - một dấu mốc rất quan trọng trên con đường phát triển của Đảng và dân tộc, đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Qua đó, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiếp tục đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội./.
ST.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét