Thứ Hai, 30 tháng 12, 2024

Tuân thủ Cương lĩnh dân tộc của V.I.Lênin trong giải quyết vấn đề dân tộc hiện nay

 

 

Cương lĩnh dân tộc của V.I.Lênin được thể hiện trong tác phẩm “Quyền dân tộc tự quyết”, viết năm 1914. Nội dung cơ bản trong cương lĩnh dân tộc của V.I.Lênin bao gồm ba vấn đề chính như sau:

Các dân tộc đều có quyền bình đẳng: Bình đẳng là quyền thiêng liêng của các dân tộc, các dân tộc dù đa số hay thiểu số, trình độ phát triển kinh tế - xã hội cao hay thấp đều có nghĩa vụ và quyền lợi ngang nhau, không một dân tộc nào được giữ đặc quyền đặc lợi và áp bức bóc lột dân tộc khác. Thực chất của bình đẳng dân tộc theo V.I.Lênin là xoá bỏ nạn nô dịch của dân tộc này đối với dân tộc khác, để trên cơ sở đó mà dần dần từng bước xoá bỏ sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa các dân tộc. Bình đẳng giữa các dân tộc là một yêu cầu rất cơ bản không chỉ giữa các dân tộc trong một quốc gia dân tộc, mà còn là mối quan hệ giữa các dân tộc trên thế giới. V.I.Lênin chỉ rõ: Người nào không thừa nhận và không bảo vệ quyền bình đẳng giữa các dân tộc và bình đẳng giữa các ngôn ngữ, không đấu tranh chống mọi áp bức hay mọi bất bình đẳng dân tộc, người đó không phải là người mác-xít, thậm chí cũng không phải là người dân chủ nữa.

Trong phạm vi giữa các quốc gia dân tộc trên thế giới, cuộc đấu tranh cho sự bình đẳng giữa các dân tộc phải gắn liền với cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa sô vanh nước lớn; gắn liền với cuộc đấu tranh xây dựng một trật tự thế giới mới, chống lại sự áp bức, bóc lột của các nước tư bản chủ nghĩa phát triển đối với các nước chậm hoặc kém phát triển.

Các dân tộc đều có quyền tự quyết: Quyền dân tộc tự quyết là quyền làm chủ của mỗi dân tộc đối với vận mệnh của dân tộc mình, quyền tự quyết định, lựa chọn chế độ chính trị-xã hội và con đường phát triển của dân tộc mình mà không một dân tộc nào khác có quyền can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và cùng tôn trọng nhau, giúp đỡ nhau cùng phát triển. Quyền dân tộc tự quyết bao gồm quyền tự quyết định tách ra thành lập một quốc gia dân tộc độc lập và quyền tự nguyện liên hiệp với các dân tộc khác trên cơ sở bình đẳng cùng có lợi. Khi xem xét và giải quyết quyền tự quyết của các dân tộc, phải đứng vững trên lập trường của giai cấp công nhân, đảm bảo lợi ích dân tộc và lợi ích của giai cấp công nhân; triệt để ủng hộ các phong trào dân tộc tiến bộ, kiên quyết đấu tranh chống mọi âm mư­u, thủ đoạn lợi dụng chiêu bài dân tộc tự quyết để can thiệp vào công việc nội bộ của các dân tộc, kích động chia rẽ, ly khai dân tộc, chống phá cách mạng. V.I.Lênin đã chỉ rõ: “Chúng tôi đòi quyền tự do tự quyết, nghĩa là đòi quyền độc lập, nghĩa là đòi quyền tự do phân lập cho những dân tộc bị áp bức, như thế không phải là vì chúng tôi mơ tưởng xé nhỏ ra về phương diện kinh tế hay mơ tưởng thành lập những nước nhỏ bé, mà ngược lại, vì chúng tôi muốn có những nước lớn, chúng tôi muốn cho các dân tộc gần lại với nhau và thậm chí hợp nhất với nhau nhưng trên một cơ sở thực sự dân chủ, thực sự quốc tế chủ nghĩa, cơ sở này không thể có được nếu không có quyền tự do phân lập”[1].

Liên hiệp công nhân tất cả các dân tộc lại: Đây là một nội dung cơ bản, quan trọng trong cương lĩnh dân tộc của V.I.Lênin, phản ánh bản chất quốc tế của phong trào công nhân, phản ánh sự thống nhất giữa sự nghiệp giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp. Nó bảo đảm cho phong trào dân tộc có đủ sức mạnh để giành thắng lợi.

Liên hiệp công nhân tất cả các dân tộc là điều kiện tiên quyết thực hiện quyền bình đẳng và quyền tự quyết của các dân tộc. Liên hiệp, đoàn kết giai cấp công nhân các dân tộc là đoàn kết lực lượng nòng cốt của phong trào đấu tranh cho tiến bộ, hoà bình và phát triển. Liên hiệp công nhân tất cả các dân tộc là cơ sở vững chắc để đoàn kết các tầng lớp nhân dân lao động thuộc các dân tộc trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc vì độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội, là sức mạnh để phong trào dân tộc và giai cấp công nhân hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình. Vì lợi ích của giai cấp công nhân, đòi hỏi công nhân thuộc tất cả các dân tộc trong quốc gia và công nhân của các quốc gia phải đoàn kết, tập hợp lại trong một tổ chức, thể hiện rõ sự kết hợp tinh thần yêu nước chân chính với tinh thần quốc tế vô sản trong sáng cao cả. V.I.Lênin chỉ rõ: “Lợi ích của giai cấp công nhân đòi hỏi công nhân thuộc tất cả các dân tộc ở trong một nước nhất định phải hợp nhất lại trong các tổ chức vô sản thống nhất, như tổ chức chính trị, công đoàn, hợp tác - giáo dục, v.v... Công nhân thuộc các dân tộc khác nhau có hợp nhất lại trong những tổ chức thống nhất như thế, thì giai cấp vô sản mới có thể tiến hành được một cuộc chiến đấu thắng lợi chống tư bản quốc tế và thế lực phản động”[2].

Các nội dung của cương lĩnh dân tộc của V.I.Lênin vừa có tính độc lập tương đối vừa quan hệ chặt chẽ, thống nhất với nhau. Trong đó, bình đẳng dân tộc là mục tiêu, là cơ sở cho quyền tự quyết dân tộc, liên hiệp đoàn kết giai cấp công nhân tất cả các dân tộc. Quyền tự quyết dân tộc là điều kiện thực hiện bình đẳng dân tộc, đoàn kết giai cấp công nhân tất cả các dân tộc. Liên hiệp đoàn kết giai cấp công nhân tất cả các dân tộc thể hiện lập tr­ường, bản chất giai cấp công nhân, tạo sức mạnh để thực hiện sự đoàn kết toàn thể dân tộc quốc gia và thực hiện đầy đủ hơn quyền tự quyết dân tộc.

Ngày nay, mặc dù tình hình thế giới đã có nhiều thay đổi, thậm chí sự thay đổi đó có lợi cho chủ nghĩa đế quốc và cách mạng thế giới đang gặp nhiều khó khăn, nhưng những nội dung trong Cương lĩnh dân tộc của V.I.Lênin vẫn còn nguyên giá trị, và nóng hổi tính thời sự. Cương lĩnh dân tộc của V.I.Lênin vẫn là cơ sở lý luận của đường lối, chính sách dân tộc của các Đảng Cộng sản và các nhà nước xã hội chủ nghĩa trên thế giới trong quá trình giải quyết vấn đề dân tộc và quan hệ dân tộc, nhằm góp phần vào sự nghiệp xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước, cũng như trên phạm vi toàn thế giới.



[1] V.I.Lênin, Toàn tập, tập 27, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội - 2005, tr. 86.

[2] V.I.Lênin, Toàn tập, tập 24, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội - 2005, tr. 77.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét