Chủ nghĩa xã hội là giai đoạn thấp của hỉnh thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa, là kết quả trực tiếp của
thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội với những cơ sở kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội
tương ứng bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội tồn tại và phát triển lên chủ nghĩa cộng sản.
Các nhà kinh điển
của chủ nghĩa Mác - Lênin đã tập trung vào những vấn đề cơ bản nhất, vạch rõ
những đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa theo một tư duy khoa học và biện
chứng để khẳng định tính đúng đắn trong học thuyết của mình, để sau đó căn cứ
vào sự phát triển của thực tiễn mà tiếp tục bổ sung những khía cạnh cần thiết.
Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, xã hội xã hội chủ nghĩa có
những đặc trưng cơ bản sau:
Một là, cơ sở vật chất - kỹ thuật của
chủ nghĩa xã hội là nền công nghiệp hiện đại
Mỗi một chế độ xã hội đều có một cơ sở vật chất - kỹ thuật tương ứng,
không những bảo đảm cho nó tồn tại và phát triển mà còn phản ánh trình độ phát
triển kinh tế - kỹ thuật của nó. Cơ sở vật chất - kỹ thuật là một tiêu chí quan
trọng để phân biệt các thể chế xã hội - chính trị khác nhau.
Cơ sở vật chất - kỹ thuật của các xã hội tiền tư bản chủ nghĩa là nền sản
xuất với trình độ lạc hậu, thủ công. Chủ nghĩa tư bản ra đời khi nó đã có một
cơ sở vật chất- kỹ thuật là nền đại công nghiệp cơ khí. Chủ nghĩa xã hội nảy
sinh với tính cách là phủ định biện chứng chủ nghĩa tư bản, thì đương nhiên cơ
sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội phải là nền công nghiệp hiện đại.
Hai là, chủ nghĩa xã hội xoá bỏ chế
độ tư hữu tư bản chủ nghĩa xây dựng chế độ công hữu về tư liệu sản xuất
Theo các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin, xoá bỏ chế độ tư hữu là
cách nói vắn tắt nhất, tổng quát nhất về thực chất của cuộc cải tạo xã hội theo
lập trường giai cấp vô sản. Nhưng chủ nghĩa xã hội không xoá bỏ chế độ tư hữu
nói chung, mà xoá bỏ chế độ tư hữu tư bản chủ nghĩa. Vì chính nó là nguyên nhân
sâu xa của sự áp bức, bóc lột bất công, của mọi tai họa đối với người lao động.
Cùng với việc xoá bỏ chế độ tư hữu tư bản chủ nghĩa là xây dựng chế độ công hữu
về tư liệu sản xuất phù hợp với tính chất, trình độ phát triển của lực lượng
sản xuất. Điều đó không chỉ phản ánh bản chất của chủ nghĩa xã hội mà còn bảo
đảm cho sự tồn tại và phát triển của xã hội xã hội chủ nghĩa. V.I.Lênin đã chỉ
rõ: “Khi các tư liệu sản xuất đã thuộc về xã hội, khi giai cấp vô sản với tư
cách là giai cấp, đã thắng giai cấp tư sản, thì chế độ của những xã viên hợp
tác xã văn minh là chế độ xã hội chủ nghĩa”[1]. Xoá bỏ chế độ tư hữu tư bản
chủ nghĩa, xây dựng chế độ công hữu về tư liệu sản xuất là một đặc trưng cơ bản
của chủ nghĩa xã hội.
Ba là, chủ nghĩa xã hội tạo ra cách tổ chức lao động và
kỷ luật lao động mới
Để khắc phục những tàn dư của tình trạng lao động bị
tha hoá, xây dựng thái độ lao động mới phù hợp với địa vị làm chủ xã hội của
người lao động và không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả lao
động, chủ nghĩa xã hội nhất thiết phải tạo ra cách tổ chức lao động và kỷ luật
lao động mới. Đó là lao động được tổ chức chặt chẽ, có kế hoạch và kỷ luật lao
động tự giác, tự nguyện, nghiêm minh.
Bốn là, chủ nghĩa xã hội thực hiện
nguyên tắc phân phối theo lao động
Theo nguyên tắc này, mỗi người sản xuất sẽ được nhận từ xã hội một số
lượng sản phẩm tiêu dùng trị giá ngang số lượng, chất lượng và hiệu quả lao
động mà họ đã cống hiến cho xã hội, sau khi đã trừ đi một khoản đóng góp nhất
định cho các hoạt động vì lợi ích chung. Điều đó thực sự mang lại lợi ích chính
đáng về vật chất và tinh thần cho mỗi cá nhân trên cơ sở kết quả lao động của
họ. Đây không chỉ là đặc trưng của chủ nghĩa xã hội, mà còn là nhân tố quan
trọng trực tiếp kích thích người lao động tích cực, tự giác, sáng tạo trong lao
động xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa.
Năm
là, nhà nước trong xã hội xã hội chủ nghĩa là nhà nước kiểu mới, mang bản chất
giai cấp công nhân, đại biểu cho lợi ích, quyền lực và ý chí của nhân dân lao
động
Nhà nước trong chủ nghĩa xã hội là nhà nước kiểu mới, mang bản chất giai
cấp công nhân, thực hiện nhiệm vụ của chuyên chính vô sản. Thực chất của chuyên
chính vô sản là sự lãnh đạo chính trị của chính đảng của giai cấp công nhân đối
với nhà nước và toàn xã hội nhằm bảo vệ và phát triển nền dân chủ xã hội chủ
nghĩa, bảo đảm quyền lực xã hội thuộc về nhân dân, trước hết là nhân dân lao
động. Nhân dân làm chủ trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội trước hết và chủ
yếu bằng nhà nước, thông qua nhà nước xã hội chủ nghĩa. Đảng lãnh đạo nhà nước
cũng nhằm một mục đích duy nhất là nhân dân được làm chủ, nhà nước hoạt động vì
lợi ích của nhân dân, thể hiện quyền lực và ý chí của nhân dân.
Sáu là, con người được giải phóng
khỏi áp bức, bóc lột, bình đẳng trước pháp luật và có điều kiện phát triển toàn
diện
Chủ nghĩa xã hội xoá bỏ chế độ tư hữu tư bản chủ nghĩa, thiết lập chế độ
công hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu. Nhờ đó mà chủ nghĩa xã hội xoá bỏ được
đối kháng giai cấp, loại bỏ tình trạng người bóc lột người, tình trạng nô dịch
và áp bức dân tộc, thực hiện được sự công bằng, bình đẳng xã hội, trước hết là
bình đẳng về địa vị xã hội của con người, thực hiện mối quan hệ bình đẳng và
hữu nghị giữa các dân tộc. Toàn bộ quá trình cải biến xã hội lịch sử đó sẽ tạo
ra những điều kiện cần thiết để từng bước tiến tới giải phóng triệt để con
người khỏi mọi ách bóc lột về kinh tế và nô dịch về tinh thần, để con người
phát triển toàn diện.
Những đặc trưng bản chất mà chủ nghĩa xã hội cần
phải có với tư cách là một chế độ xã hội kiểu mới của hình thái kinh tế - xã
hội cộng sản chủ nghĩa đã được các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin vạch
rõ trên cơ sở tư duy khoa học và biện chứng. Đó chính là những tiêu chí cơ bản
và có tính hệ thống để phân biệt chủ nghĩa xã hội với chủ nghĩa tư bản và các
thể chế xã hội - chính trị khác, nghĩa là chỉ có những thuộc tính đó thì chủ
nghĩa xã hội mới là nó, mới trở thành chính nó. Nếu quốc gia nào, trong quá
trình xây dựng chủ nghĩa xã hội không thể hiện và bảo vệ được những đặc trưng
đó thì quốc gia đó đã chệch hướng xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, bất cứ nước nào
trong sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa cũng phải triệt để tuân theo những
đặc trưng ấy. Tuy nhiên, trong các điều kiện lịch sử cụ thể khác nhau lại có sự
vận động thông qua các mô hình xây dựng cụ thể, các con đường, hình thức và
biện pháp riêng biệt khác nhau lên chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản.
V.I.Lênin đã chỉ rõ: “Tất cả các dân tộc đều sẽ đi đến chủ nghĩa xã hội, đó là
điều không thể tránh khỏi, nhưng tất cả các dân tộc đều tiến tới chủ nghĩa xã
hội không phải một cách hoàn toàn giống nhau; mỗi dân tộc sẽ đưa đặc điểm của
mình vào hình thức này hay hình thức khác của chế độ dân chủ, vào loại này hay
loại khác của chuyên chính vô sản, vào nhịp độ này hay nhịp độ khác của việc
cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với các mặt khác nhau của đời sống xã hội”[2].
Trên cơ sở trung thành và phát triển một cách sáng
tạo những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về
chủ nghĩa xã hội, kinh nghiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội trên thế giới và trong
nước, với một thế giới quan khoa học và phương pháp xem xét đúng đắn, Đại hội
XI của Đảng ta đã chỉ rõ: “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là
một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm
chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan
hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc;
con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn
diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và
giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân
dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và
hợp tác với các nước trên thế giới”[3].
[1] V.I.Lênin, Toàn tập, tập 45, Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội - 2005, tr. 425.
[2] V.I.Lênin, Toàn tập, tập 30, Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội - 2006, tr. 160.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại
biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật,
Hà Nội - 2011, tr. 70.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét