Thứ Hai, 30 tháng 12, 2024

Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, bảo đảm các quyền công dân và quyền con người trong quá trình mở rộng và phát huy dân chủ.

 


Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách nhằm phát huy mạnh mẽ dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân dân”[1]. Pháp luật là công cụ đầy hiệu lực của quản lý, bảo đảm cho quyền lực của nhân dân được thực hiện, thông qua sức mạnh của Nhà nước. Pháp luật không tách rời dân chủ, cũng như không có dân chủ nào ở bên ngoài pháp luật. Sự vận động và phát triển lành mạnh của dân chủ đòi hỏi sự hiện diện của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, trong đó, pháp luật là giới hạn, là hành lang vận động của dân chủ. Mọi tổ chức trong xã hội, mọi công dân và công chức phải hoạt động theo đúng chuẩn mực luật pháp, hợp hiến và hợp pháp. Sự kiểm soát, điều tiết hành vi của mỗi cá nhân cũng như hoạt động của từng tổ chức không chỉ có sự tác động của luật pháp, mà còn được định hướng bởi đạo đức.

Để xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, bảo đảm các quyền công dân, quyền con người trong quá trình mở rộng và phát huy dân chủ cần: Củng cố cơ sở pháp lý về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc xây dựng, ban hành kịp thời, đồng bộ và tổ chức thực thi các pháp luật, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên về quyền con người, quyền công dân trong các lĩnh vực dân sự, chính trị, kinh tế, văn hoá - xã hội; hoàn thiện chế độ bảo hộ của Nhà nước đối với các quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, chế độ trách nhiệm của cơ quan nhà nước, nhất là toà án trong việc bảo vệ các quyền đó; xây dựng các đạo luật về lập hội, biểu tình nhằm xác định rõ quyền, trách nhiệm của công dân trong việc thực thi quyền dân chủ và trách nhiệm của Nhà nước trong việc duy trì, bảo đảm kỷ cương, trật tự công cộng; hoàn thiện pháp luật về quyền giám sát của các cơ quan dân cử, quyền trực tiếp giám sát, kiểm tra của công dân đối với các hoạt động của cơ quan, cán bộ, công chức; mở rộng các hình thức dân chủ trực tiếp để người dân tham gia vào công việc của Nhà nước; ban hành Luật về trưng cầu ý dân; không ngừng nâng văn hóa chính trị, văn hóa dân chủ và năng lực thực hành dân chủ của quần chúng nhân dân lao động.

Quân đội nhân dân Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện được xây dựng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Trong đó, việc thực hành dân chủ là một nội dung quan trọng, góp phần to lớn vào sự trưởng thành, chiến thắng của quân đội ta. Dân chủ trong quân đội chính là sự giải phóng con người, sự đề cao con người lên trình độ làm chủ xã hội và làm chủ chính bản thân mình; được tổ chức, lãnh đạo chặt chẽ, luôn thống nhất với kỷ luật quân đội. Ở đó, quyền làm chủ thuộc về cán bộ, chiến sĩ, mỗi quân nhân và luôn có sự thống nhất giữa quyền và nghĩa vụ, không có sự khác biệt, đối lập nhau về lợi ích, địa vị chính trị, đặc quyền, đặc lợi.

Thực tiễn ý thức dân chủ và trình độ làm chủ của quân nhân đã được nâng cao; các thiết chế dân chủ ngày càng được hoàn thiện; sự đồng thuận, đoàn kết, kỷ luật trong nội bộ cơ quan, đơn vị được tăng cường; niềm tin của cán bộ, chiến sĩ vào cấp ủy, lãnh đạo, chỉ huy các cấp được củng cố vững chắc, tạo không khí phấn khởi thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện,... Tuy nhiên, còn một bộ phận quân nhân chưa nhận thức đúng vai trò, nội dung, cách thức thực hiện dân chủ cơ sở; việc xây dựng và thực hiện Quy chế Dân chủ cơ sở ở một số cơ quan, đơn vị còn biểu hiện dân chủ hình thức, cá biệt có đơn vị còn xảy ra mất đoàn kết...

Từ thực tế trên, để việc phát huy dân chủ ở đơn vị cơ sở trở thành động lực góp phần xây dựng, nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của Quân đội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, đòi hỏi cấp ủy, chỉ huy các cấp cần quán triệt, vận dụng linh hoạt, sáng tạo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về dân chủ xã hội chủ nghĩa, trong đó tập trung thực hiện một số giải pháp như: Đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền tạo chuyển biến về nhận thức cho bộ đội về Quy chế Dân chủ cơ sở; tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các quy định, quy chế dân chủ phù hợp với pháp luật hiện hành, đáp ứng yêu cầu của đơn vị; tăng cường sự lãnh đạo của tổ chức đảng các cấp trong thực hiện dân chủ và duy trì kỷ luật tại đơn vị cơ sở; nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng quân nhân; thường xuyên đổi mới phương pháp, tác phong công tác của cán bộ ở đơn vị cơ sở.

 

 

 

 



[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội - 2021, tr. 336.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét