Dân tộc là một
phạm trù lịch sử được hình thành và phát triển trong những điều kiện lịch sử
khách quan nhất định, đó là sau khi xã hội có sự phân chia giai cấp và
hình thành nhà nước. Trước khi cộng đồng dân tộc xuất hiện, loài người đã trải
qua những hình thức cộng đồng từ thấp đến cao: Thị tộc, bộ lạc, bộ tộc. Lịch sử
tiến hóa nhân loại đã chứng minh, dân tộc là sản phẩm của quá trình phát triển
xã hội loài người, cộng đồng dân tộc ra đời trên cơ sở kế thừa, phát triển cao
hơn những nhân tố tộc người ở bộ lạc, bộ tộc. Hiện nay, khái niệm dân tộc
thường được hiểu theo hai nghĩa phổ biến sau:
Dân tộc (tộc người): Là
một cộng đồng người ổn định được hình thành trong lịch sử, có chung một nguồn
gốc, đặc điểm sinh hoạt kinh tế, có chung một ngôn ngữ, một nền văn hóa và ý
thức tự giác tộc người.
Dân tộc - tộc người thường được nhận biết qua những đặc trưng chủ yếu
như: Các thành viên trong cùng một dân tộc có chung một phương thức sinh hoạt
kinh tế; có một ngôn ngữ chung (thường là tiếng mẹ đẻ); có chung đặc điểm sinh
hoạt văn hóa; có chung một ý thức tự giác dân tộc được biểu hiện cao nhất ở
việc tự nhận tên gọi của dân tộc mình. Trên thực tế, có tộc người có đủ các đặc
trưng trên, nhưng có tộc người không còn đủ các đặc trưng, trong trường hợp đó,
ý thức tự giác tộc người là tiêu chí nhận biết còn lại cuối cùng của dân tộc.
Dân tộc (quốc gia dân tộc): Là một cộng đồng người ổn
định hợp thành nhân dân một nước, có lãnh thổ quốc gia, chế độ chính trị và nền
kinh tế thống nhất, chung một ngôn ngữ và một nền văn hóa.
Theo nghĩa này,
dân tộc có các đặc trưng sau: Có một lãnh thổ chung, được phân định bằng đường
biên giới giữa các quốc gia, mà trên lãnh thổ đó có một hay nhiều tộc người
cùng sinh sống; có đời sống kinh tế chung, với một thị trường, một đồng tiền
chung thống nhất làm nền tảng, điều kiện vật chất cơ bản bảo đảm sự cố kết bền
chặt của quốc gia dân tộc; có một ngôn ngữ giao tiếp chung, trong quốc gia dân
tộc - quốc ngữ, thường là ngôn ngữ của dân tộc đa số được chọn làm ngôn ngữ
chung trong giao tiếp; có tâm lý chung biểu hiện ở nền văn hóa, tạo nên bản sắc
văn hóa của dân tộc, là yếu tố cơ bản sống còn đối với các quốc gia dân tộc; có
một thể chế chính trị với một nhà nước thống nhất để quản lý, điều hành mọi
hoạt động của quốc gia dân tộc và quan hệ với các quốc gia dân tộc khác, đây là
đặc trưng quan trọng quy định bản chất chính trị và sự phát triển của quốc gia
dân tộc.
Nghiên cứu vấn đề dân tộc, phong trào dân tộc trong điều kiện của chủ
nghĩa tư bản, V.I.Lênin đã chỉ ra hai xu hướng khách quan của sự phát triển các
dân tộc:
Xu hướng thứ nhất, các dân tộc tách ra để trở thành
các dân tộc độc lập, các cộng đồng dân cư tách ra để xác lập cộng đồng dân tộc
độc lập.
Trong thực tế, xu
hướng này biểu hiện thành phong trào đấu tranh chống áp bức dân tộc, thành các
quốc gia độc lập mà ở đó, mỗi dân tộc có quyền quyết định vận mệnh chính trị và
con đường phát triển của dân tộc mình. Xu hướng này nổi lên trong giai đoạn đầu
của chủ nghĩa tư bản như: Phong trào đấu tranh chống áp bức, bóc lột để thành
lập các quốc gia dân tộc độc lập.
Xu hướng thứ hai, liên hiệp lại
với nhau giữa các dân tộc.
Đó là xu hướng các tộc người trong cùng một quốc gia hoặc nhiều dân tộc ở
các quốc gia muốn liên hiệp lại với nhau. Xu hướng này do nhu cầu phát triển
của lực lượng sản xuất, khoa học và công nghệ, giao lưu kinh tế, văn hoá và xu
thế toàn cầu hoá. Xu hướng này tác động mạnh mẽ khi chủ nghĩa tư bản bước sang
giai đoạn đế quốc chủ nghĩa.
Trong thời đại
hiện nay, hai xu hướng của sự phát triển dân tộc được biểu hiện rất phong phú
và đa dạng trên phạm vi toàn thế giới:
Xét trong phạm vi các quốc gia xã hội chủ nghĩa có
nhiều dân tộc (tộc người), hai xu hướng này phát huy tác dụng cùng chiều, bổ sung hỗ trợ
cho nhau và diễn ra trong từng tộc người và trong cả cộng đồng dân tộc. Sự xích
lại gần nhau trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng giữa các dân tộc. Tuy nhiên, sự
hoà quyện đó không xoá bỏ sắc thái và những đặc thù của dân tộc. Ngược lại, nó
bảo lưu, giữ gìn và phát huy những tinh hoa, bản sắc dân tộc. Trong chế độ xã
hội chủ nghĩa cả hai xu hướng trên đều loại trừ các tư tưởng và hành vi kỳ thị
dân tộc, chia rẽ dân tộc, tự ti dân tộc, dân tộc hẹp hòi…
Xét trên phạm vi thế giới, hai xu hướng này biểu hiện nổi bật ở
phong trào đấu tranh của các dân tộc bị áp bức, nô dịch đòi giành lấy quyền tự
quyết định vận mệnh của dân tộc mình. Thời đại ngày nay, còn có xu hướng các
dân tộc muốn xích lại gần nhau để hợp thành một quốc gia thống nhất. Các dân
tộc có lợi ích chung mang tính khu vực dựa trên những yếu tố gần nhau về địa
lý, giống nhau về môi trường thiên nhiên, tương đồng về mặt văn hoá…đều có nhu
cầu nguyện vọng liên kết với nhau để phát triển.
Dân tộc xã hội chủ nghĩa là loại hình dân tộc phát
triển cao nhất trong lịch sử được ra đời, phát triển gắn liền với thắng lợi của
cách mạng xã hội chủ nghĩa. Thắng lợi của Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga năm
1917 và sự ra đời của Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô - viết (Liên Xô)
đã trở thành mốc đánh dấu cho sự ra đời của loại hình dân tộc xã hội chủ nghĩa
đầu tiên trên thế giới. Dân tộc xã hội chủ nghĩa mang đầy đủ các đặc trưng cơ
bản của dân tộc nói chung. Tuy nhiên, dân tộc xã hội chủ nghĩa còn có những đặc
điểm riêng như sau: Giai cấp tiêu biểu đại diện cho dân tộc xã hội chủ nghĩa là
giai cấp công nhân; nhân dân lao động là người làm chủ xã hội, làm chủ đất
nước; chế độ người bóc lột người dần dần bị thủ tiêu; các tộc người trong mỗi
quốc gia dân tộc đều bình đẳng, đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ; lợi ích
dân tộc gắn liền với lợi ích giai cấp, có sự liên minh chặt chẽ giữa giai cấp
công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức; có nền văn hoá tiên tiến,
đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất đa dạng, kết hợp truyền thống với hiện đại.
Những đặc điểm riêng nói trên đã nói lên tính ưu việt của các dân tộc xã hội
chủ nghĩa so với các dân tộc trước đó. Tuy nhiên, để thể hiện rõ bản chất tốt
đẹp và tính ưu việt của dân tộc xã hội chủ nghĩa so với dân tộc tư bản chủ
nghĩa, đòi hỏi các Đảng Cộng sản và Nhà nước xã hội chủ nghĩa phải luôn luôn
quan tâm chăm lo tới vấn đề dân tộc và có đường lối, chính sách đúng đắn, phù
hợp trong giải quyết vấn đề dân tộc và quan hệ dân tộc trong tình hình hiện
nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét