Thứ Hai, 30 tháng 12, 2024

Cơ sở phân kỳ hình thái kinh tế xã hội cộng sản chủ nghĩa

 


Trong tác phẩm “Phê phán cương lĩnh Gôta” viết năm 1875, lần đầu tiên C.Mác trình bày rõ sự phát triển của hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa qua hai giai đoạn: giai đoạn thấp (hay còn gọi là giai đoạn đầu) và giai đoạn cao, sau này gọi là chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản (hay xã hội xã hội chủ nghĩa xà xã hội cộng sản chủ nghĩa). Và giữa xã hội tư bản chủ nghĩa và xã hội cộng sản chủ nghĩa là một thời kỳ quá độ chính trị từ xã hội nọ sang xã hội kia. Đó là một xã hội vừa thoát thai từ xã hội tư bản chủ nghĩa, do vậy, còn mang nhiều dấu vết của xã hội tư bản. C.Mác khẳng định: “Giữa xã hội tư bản chủ nghĩa và xã hội cộng sản chủ nghĩa là một thời kỳ cải biến cách mạng từ xã hội nọ sang xã hội kia. Thích ứng với thời kỳ ấy là một thời kỳ quá độ chính trị, và nhà nước của thời kỳ ấy không thể là cái gì khác hơn là nền chuyên chính cách mạng của giai cấp vô sản”[1].

Trung thành, bảo vệ và phát triển tư tưởng của C.Mác và Ph.Ăngghen về các giai đoạn của hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa, V.I.Lênin trong tác phẩm “Nhà nước và cách mạng”, đã viết:

“I. Những cơn đau đẻ kéo dài.

II. Giai đoạn đầu của xã hội cộng sản chủ nghĩa.

III. Giai đoạn cao của xã hội cộng sản chủ nghĩa”[2].

Theo V.I.Lênin, sự phát triển của hình thái kinh tế - xã hội công sản chủ nghĩa gồm một thời kỳ (thời kỳ quá độ) và hai giai đoạn (chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản, chỉ rõ thời kỳ quá độ nằm trong giai đoạn đầu và bao gồm nhiều bước quá độ nhỏ.

Tựu trung lại, chủ nghĩa Mác - Lênin khẳng định, hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa hình thành và phát triển qua một thời kỳ (thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội) và hai giai đoạn (giai đoạn thấp hay giai đoạn đầu - chủ nghĩa xã hội hay xã hội xã hội chủ nghĩa, giai đoạn cao - chủ nghĩa cộng sản hay xã hội công sản chủ nghĩa).

Thực tiễn các nước xây dựng chủ nghĩa xã hội đều phải trải qua thời kỳ quá độ - chủ nghĩa xã hội - chủ nghĩa cộng sản. Trong đó thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là thời kỳ khó khăn, phức tạp, lâu dài, không thể nôn nóng đốt cháy giai đoạn. Hiện nay, các nước xã hội chủ nghĩa trên thế giới như Trung Quốc, Việt Nam, Cu Ba… đều đang trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

.



[1] C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 19, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội - 1995, tr. 47.

[2] V.I.Lênin, Toàn tập, tập 33, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội - 2005, tr. 223.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét