Thứ Hai, 30 tháng 12, 2024

Tính tất yếu khách quan của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội

 


Hình thái kinh tế xã hội cộng sản chủ nghĩa phát triển từ thấp lên cao qua hai giai đoạn, giai đoạn thấp và giai đoạn cao. Giữa xã hội tư bản chủ nghĩa và xã hội cộng sản chủ nghĩa là thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa cộng sản. C.Mác khẳng định: “Giữa xã hội tư bản chủ nghĩa và xã hội cộng sản chủ nghĩa là một thời kỳ cải biến cách mạng từ xã hội nọ sang xã hội kia. Thích ứng với thời kỳ ấy là một thời kỳ quá độ chính trị, và nhà nước của thời kỳ ấy không thể là cái gì khác hơn là nền chuyên chính cách mạng của giai cấp vô sản”[1]. Khẳng định quan điểm của C.Mác, V.I.Lênin cho rằng: “Về lý luận không thể nghi ngờ gì được rằng giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cộng sản, có một thời kỳ quá độ nhất định”[2]. “Xây dựng chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, tạo ra sự biến đổi về chất của xã hội trên tất cả các lĩnh vực là sự nghiệp rất khó khăn, phức tạp, cho nên phải trải qua một thời kỳ quá độ lâu dài với nhiều chặng đường, nhiều hình thức tổ chức kinh tế, xã hội có tính chất quá độ”[3]

Xã hội trong thời kỳ quá độ là một xã hội vừa thoát thai từ chủ nghĩa tư bản, còn mang nặng những “dấu vết” của xã hội cũ mà nó vừa lọt lòng. Những “dấu vết” đó chỉ mất đi thông qua hoạt động tự giác của giai cấp công nhân và nhân dân lao động thực hiện cải tạo cái cũ trên toàn bộ lĩnh vực của đời sống xã hội, từng bước xây dựng cái mới của chủ nghĩa xã hội. Để đảm bảo những tiền đề vật chất, văn hoá và tinh thần cần thiết cho chủ nghĩa xã hội phát triển trên cơ sở của chính nó, thì sau khi giai cấp công nhân và nhân dân lao động trở thành chủ thể cầm quyền, phải trải qua một quá trình “cải biến cách mạng” sâu sắc toàn bộ các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đó là quá trình tổ chức, xây dựng và đấu tranh để từng bước cải tạo các quan hệ kinh tế - xã hội cũ, phát triển lực lượng sản xuất và hoàn thiện quan hệ sản xuất mới tương ứng, hình thành và phát triển một cơ cấu xã hội tiến bộ, đời sống văn hoá tinh thần lành mạnh nhằm giải phóng triệt để con người. V.I.Lênin đã khẳng định: “Mục đích đó, người ta không thể đạt ngay tức khắc được; muốn thế cần phải có một thời kỳ quá độ khá lâu dài từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội, vì cải tổ sản xuất là một việc khó khăn, vì cần phải có thời gian mới thực hiện được những thay đổi căn bản trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, và vì phải trải qua một cuộc đấu tranh quyết liệt, lâu dài mới có thể thắng được sức mạnh to lớn của thói quen quản lý theo kiểu tiểu tư sản và tư sản”[4].

Thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở các nước đã chứng minh tính tất yếu của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là một thời kỳ khó khăn và phức tạp, lâu dài, không thể nôn nóng đốt cháy giai đoạn.

Trong điều kiện lịch sử mới được hình thành sau Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, V.I.Lênin đã khẳng định: Với sự giúp đỡ của giai cấp vô sản các nước tiên tiến, các nước lạc hậu có thể tiến tới chế độ Xôviết và qua những giai đoạn phát triển nhất định, tiến tới chủ nghĩa cộng sản, không phải trải qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa[5]. Xuất phát từ quan điểm đó, về hình thức quá độ lên chủ nghĩa xã hội, V.I.Lênin đã nêu ra hai hình thức quá độ: quá độ trực tiếp và quá độ gián tiếp. Theo V.I.Lênin, chỉ ở các nước tư bản phát triển cao, giai cấp công nhân đã trưởng thành mới có đủ những tiền đề kinh tế, xã hội cho sự quá độ trực tiếp lên chủ nghĩa xã hội. Trái lại, các nước lạc hậu, các nước tiền tư bản chỉ có thể đi lên chủ nghĩa xã hội bằng quá độ gián tiếp. Đối với những nước thực hiện quá độ lên chủ nghĩa xã hội theo con đường quá độ bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, V.I.Lênin đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết phải trải qua nhiều bước trung gian, quá độ mới có thể xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội “chúng ta phải hiểu những đường lối, thể thức, thủ đoạn và phương sách trung gian cần thiết để chuyển từ những quan hệ tiền tư bản lên chủ nghĩa xã hội”[6].



[1] C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 19, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội - 1995, tr. 47.

[2] V.I.Lênin, Toàn tập, tập 39, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội - 2005, tr. 309.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội - 2001, tr. 85.

[4] V.I.Lênin, Toàn tập, tập 38, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội - 2006, tr. 464.

[5] V.I.Lênin, Toàn tập, tập 41, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội - 2006, tr. 295.

[6] V.I.Lênin, Toàn tập, tập 43, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội - 2005, tr. 274.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét