Đặc điểm nổi bật của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã
hội là sự cùng tồn tại, đan xen lẫn nhau những nhân tố của xã hội mới và những “dấu
vết” của xã hội cũ trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội: “Thời kỳ quá độ ấy
không thể nào lại không phải là một thời kỳ đấu tranh giữa chủ nghĩa tư bản
đang giãy chết và chủ nghĩa cộng sản đang phát sinh; hay nói một cách khác,
giữa chủ nghĩa tư bản đã bị đánh bại, nhưng chưa bị tiêu diệt hẳn và chủ nghĩa
cộng sản đã phát sinh nhưng vẫn còn rất non yếu”[1]. Đôi
khi “cái cũ” còn lấn át cả “cái mới”, nên sự phát triển của chủ nghĩa xã hội
phải trải qua những bước trung gian, quá độ, khó khăn, phức tạp và lâu dài.
Tính chất quá độ đó thể hiện cụ thể trên các lĩnh vực của đời sống xã hội: kinh
tế, chính trị - xã hội, tư tưởng - văn hoá. Trong thời kỳ quá độ, “các nhân tố xã
hội chủ nghĩa được hình thành, xác lập và phát triển đan xen, cạnh tranh với
các nhân tố phi xã hội chủ nghĩa, gồm cả các nhân tố tư bản chủ nghĩa trên một
số lĩnh vực. Sự đan xen, cạnh tranh này càng phức tạp và quyết liệt trong điều
kiện cơ chế thị trường và mở cửa, hội nhập quốc tế. Bên cạnh các mặt thành tựu,
tích cực, sẽ luôn có những mặt tiêu cực, thách thức…”[2]
Trên lĩnh vực kinh tế: trong thời kỳ quá độ lên chủ
nghĩa xã hội còn tồn tại đan xen nhiều thành phần kinh tế, những bộ phận kinh
tế của cả chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản, vận động trong sự tác động hỗ
trợ, hợp tác và
đấu tranh với nhau để dần dần chuyển hoá thành các thành phần kinh tế của chủ
nghĩa xã hội. Theo V.I.Lênin, trong thời kỳ quá độ ở nước Nga đã tồn tại 5
thành phần kinh tế: kinh tế gia trưởng, kinh tế hàng hoá nhỏ, kinh tế tư bản,
kinh tế tư bản nhà nước, kinh tế xã hội chủ nghĩa.
Trên lĩnh vực chính trị - xã hội: tương ứng với các thành phần
kinh tế là sự tồn tại nhiều giai cấp, tầng lớp xã hội trong thời kỳ quá độ. Và
do đó, lợi ích cơ bản của họ có sự khác biệt nhau, thậm chí đối lập nhau. Sự
quá độ chính trị diễn ra quá trình thay thế nền dân chủ tư sản bằng nền dân chủ
vô sản. Hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa được thiết lập, không ngừng củng cố
hoàn thiện để bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân lao động và tổ chức xây dựng
đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đó là quá trình vừa liên minh, hiệp
tác, vừa đấu tranh chuyển hóa lẫn nhau giữa các giai cấp, tầng lớp xã hội. Cuộc
đấu tranh giữa giai cấp công nhân và nhân dân lao động với giai cấp tư sản,
giữa con đường phát triển lên chủ nghĩa xã hội hay lên chủ nghĩa tư bản diễn ra
trong điều kiện mới với nội dung mới và hình thức mới. Tăng cường sự lãnh đạo
của đảng cộng sản, vai trò quản lý của
nhà nước xã hội chủ nghĩa và phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động để
khắc phục dần sự đối lập giữa các giai tầng xã hội, sự cách biệt giữa thành thị
và nông thôn, giữa lao động trí óc và lao động chân tay, từng bước thực hiện
bình đẳng và công bằng xã hội.
Trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa: trong thời kỳ quá độ lên chủ
nghĩa xã hội vẫn còn tồn tại đan xen nhiều loại hình tư tưởng, văn hóa tinh
thần khác nhau, thậm chí đối lập nhau. Nền văn hoá mới đang hình thành phát
triển trên cơ sở hệ tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin ngày càng giữ vai trò
chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội, bên cạnh đó có sự tồn tại, ảnh hưởng
của hệ tư tưởng cũ và tâm lý, thói quen, tập quán, hủ tục lạc hậu của chế độ cũ
còn rơi rớt lại. Quá trình đó diễn ra đồng thời với sự tồn tại dai dẳng và níu
kéo tinh vi của “cái cũ” làm cho tính chất quá độ trên lĩnh vực này càng phức
tạp, khó khăn, lâu dài hơn, đòi hỏi phải tiến hành cải biến cách mạng hết sức
kiên trì, linh hoạt và toàn diện.
[2] Nguyễn Phú Trọng, Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội - 2022, tr. 15.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét