Lịch sử nhân loại đã trải qua 4 hình thái
kinh tế - xã hội: Cộng sản nguyên thủy, chiếm hữu nô lệ, phong kiến và tư bản
chủ nghĩa. Từ giữa thế kỷ XIX, lực lượng sản xuất có bước phát triển mạnh mẽ.
Đó là sự ra đời của nền công nghiệp hiện đại. Đại công nghiệp là nền sản xuất với
kỹ thuật hiện đại dựa trên sự phát triển của khoa học với những phát minh mới
nhất thường xuyên cách mạng hóa. Đến nay, lực lượng sản xuất đã đạt tới trình độ
sản xuất hiện đại, “kinh tế tri thức” ra đời, khoa học ngày càng trở thành lực
lượng sản xuất trực tiếp và có vai trò ngày càng quan trọng trong sản xuất và đời
sống con người. Trí tuệ nhân tạo (AI) xuất hiện và đóng vai trò ngày càng lớn,
làm biến đổi phương thức hoạt động, thay thế con người ở nhiều lĩnh vực.
Trước sự phát triển như vũ bão của lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa
ngày càng trở thành lực cản cho sự phát triển xã hội. Mâu thuẫn giữa lực lượng
sản xuất xã hội hóa ngày càng cao với quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa đòi hỏi
phải xóa bỏ quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa, xác lập quan hệ sản mới tiến bộ
hơn - đó là quan hệ sản xuất cộng sản chủ nghĩa mà giai đoạn đầu là quan hệ sản
xuất xã hội chủ nghĩa.
Hình thái kinh tế
- xã hội cộng sản chủ nghĩa đã hình thành, phát triển từ sau Cách mạng Tháng
Mười Nga năm 1917 và tồn tại đến ngày nay. Trong quá trình xây dựng chủ nghĩa
xã hội, các nước xã hội chủ nghĩa đã thu được những thành tựu to lớn không thể
phủ nhận được trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội,
khoa học - công nghệ và quân sự. Điều đó không chỉ khẳng định sự ra đời và phát
triển của hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa là một tất yếu lịch sử,
mà còn cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh của nhân dân lao động vì mục tiêu hoà
bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Tuy nhiên, do sai lầm nghiêm
trọng về đường lối chính trị, tư tưởng và tổ chức trong cải tổ, cải cách và sự
chống phá quyết liệt của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch, chủ nghĩa
xã hội hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu đã sụp đổ, điều đó làm cho con đường tiến lên
chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản của nhân loại trở nên quanh co, phức
tạp. Song tuyệt nhiên điều đó không có nghĩa là “sự kết thúc của lịch sử” thế
giới. Thành tựu xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Trung Quốc, Việt Nam, Cu
Ba đã và đang đạt được những thành tựu quan trọng, tạo nên những chuyển biến
tích cực và khẳng định sự tồn tại, phát triển, triển vọng của chủ nghĩa xã hội.
Chủ nghĩa tư bản đang cố gắng “tự điều chỉnh” và sử dụng triệt để những
thành tựu của cách mạng khoa học và công nghệ, nên đã đạt được những thành tựu
nhất định. Những thành tựu đó nói lên rằng chủ nghĩa tư bản hiện tại vẫn còn
những tiềm năng phát triển, nhưng đó không phải là chế độ tương lai của nhân
loại, bởi chủ nghĩa tư bản không thể khắc phục nổi những mâu thuẫn vốn có và
những mâu thuẫn mới đang phát sinh, nó vẫn là chế độ bóc lột, phản dân chủ, vô
nhân đạo làm tha hoá con người. Điều đó đã chứng tỏ sự ra đời và phát triển của
hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa là tất yếu lịch sử, hợp quy luật
vận động phát triển của xã hội loài người.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét