Sự phát triển nhận thức của Đảng ta về tham nhũng, tiêu cực và công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có ý nghĩa và ảnh hưởng rất lớn đến quyết tâm chính trị, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước ta đối với công tác này. Qua gần 40 năm đổi mới, Đảng ta không chỉ nhận diện đúng hơn về bản chất, nguy cơ, tác hại của tham nhũng, tiêu cực, mà còn nhận thức đầy đủ hơn về ý nghĩa của cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực, cách thức phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần quan trọng vào quá trình xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, củng cố niềm tin của nhân dân.
Nhận diện đúng và sâu sắc hơn về tham nhũng, bản chất của tham nhũng
Ngay từ những ngày đầu mới giành được chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ, tham nhũng là hành vi “ăn cắp của công làm của tư”, là gian lận, tham lam, đục khoét của nhân dân, ăn bớt của bộ đội. Tiêu ít mà khai nhiều, lợi dụng của chung của Chính phủ để làm quỹ riêng cho địa phương mình, đơn vị mình. Người chỉ ra rằng, sở dĩ có nạn tham ô là vì chủ nghĩa cá nhân. Do cá nhân chủ nghĩa mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa, mắc bệnh quan liêu…. Từ nhận thức đó, Người đã ký Sắc lệnh số 223/SL, ngày 27-11-1946, quy định về việc xử phạt đối với tội hối lộ, phù lạm, biển thủ công quỹ với mức hình phạt lên đến 20 năm tù khổ sai.
Bước vào thời kỳ đổi mới, tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước có nhiều thay đổi. Nhận thức của Đảng và Nhà nước ta về tham nhũng, bản chất của tham nhũng cũng dần thay đổi do các hình thức tham nhũng ngày càng trở nên tinh vi và phức tạp hơn. Năm 1998, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh Chống tham nhũng, trong đó xác định rõ, người có chức vụ, quyền hạn gồm những ai, 11 hành vi tham nhũng là gì và nhất là lần đầu tiên trong một văn bản pháp lý xác định rõ bản chất, nội hàm của hành vi tham nhũng(3). Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 ra đời, trong đó quy định ngắn gọn về tham nhũng nhưng có tính chính xác, khái quát cao hơn, phạm vi điều chỉnh của Luật được mở rộng, đáp ứng được yêu cầu công tác phòng, chống tham nhũng: “Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi” (khoản 2, Điều 1). Như vậy, hành vi tham nhũng được xác định với ba yếu tố cơ bản: Yếu tố chức vụ, quyền hạn; yếu tố lợi dụng chức vụ, quyền hạn và yếu tố vụ lợi; đồng thời, mở rộng thành 12 loại hành vi tham nhũng. Đến Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, bên cạnh việc giữ nguyên 12 hành vi tham nhũng, còn bổ sung thêm hành vi tham nhũng là “thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi” (điểm l, khoản 1, Điều 2).
Về vấn đề tiêu cực, tại các kỳ đại hội, Đảng ta nhận thấy có một số hiện tượng tiêu cực nảy sinh trong đội ngũ cán bộ, đảng viên nhưng chưa làm rõ được mối quan hệ giữa tham nhũng và tiêu cực; chưa chỉ rõ được nguyên nhân sâu xa, thực chất của tham nhũng là do tiêu cực. Đến Đại hội IX, Đảng ta nhấn mạnh: “Tình trạng tham nhũng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên là rất nghiêm trọng. Nạn tham nhũng kéo dài trong bộ máy của hệ thống chính trị và trong nhiều tổ chức kinh tế là một nguy cơ lớn đe dọa sự sống còn của chế độ ta”. Đại hội XII của Đảng nhận thức rõ hơn về tiêu cực, mối gắn kết chặt chẽ giữa phòng, chống tiêu cực với phòng, chống tham nhũng. Từ đó, Đảng ta cũng nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn về bản chất của tham nhũng. Theo đó, tham nhũng (tham ô, nhũng nhiễu) là hiện tượng xã hội tiêu cực mà thời nào, chế độ nào, quốc gia nào cũng có, là “bóng tối vươn theo quyền lực”, “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực; bản chất của tham nhũng là lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi; xảy ra cả trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước. Cùng với sự phát triển của đất nước và quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, hành vi tham nhũng, tiêu cực được dự báo ngày càng tinh vi, phức tạp, khó lường hơn...
Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng chỉ rõ: “Tham nhũng là một loại hành vi tiêu cực do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện, là loại biểu hiện cụ thể của suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Tham nhũng và tiêu cực, nhất là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống có mối quan hệ gắn bó mật thiết, chặt chẽ với nhau; nguyên nhân cơ bản, trực tiếp của tham nhũng là do suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; tiêu cực là môi trường làm nảy sinh tham nhũng; tham nhũng tác động trở lại làm trầm trọng hơn tình trạng tiêu cực”. Từ đó, đồng chí cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Phòng, chống tiêu cực, mà trọng tâm là phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, tức là trị tận gốc của tham nhũng”. Đây cũng là tư tưởng chủ đạo của Đảng ta và đã được hiện thực hóa qua các kỳ đại hội gần đây. Việc bổ sung phòng, chống tiêu cực bên cạnh phòng, chống tham nhũng; khẩn trương thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực... là những bước đi quyết liệt, đúng đắn, cho thấy nhận thức ngày càng đầy đủ của Đảng ta về bản chất của tham nhũng, tiêu cực.
Nhận thức rõ hơn, toàn diện, đầy đủ hơn về nguy cơ, tác hại và mục đích, ý nghĩa của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Trong quá trình lãnh đạo đất nước, Đảng ta sớm nhận thức được nguy cơ, tác hại của tham nhũng, tiêu cực đối với sự tồn vong của Đảng, chế độ và sự nghiệp xây dựng đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân. Nó làm chậm trễ công cuộc kháng chiến và kiến quốc của ta. Nó làm hỏng tinh thần trong sạch và ý chí khắc khổ của cán bộ ta. Nó phá hoại đạo đức cách mạng của ta là cần, kiệm, liêm, chính… Những kẻ tham ô, lãng phí và quan liêu thì phá hoại tinh thần, phí phạm sức lực, tiêu hao của cải của Chính phủ và của nhân dân.
Khẳng định tác hại nghiêm trọng của tham nhũng, trong những năm đầu của thời kỳ đổi mới, Đảng ta xác định, những hành vi tham nhũng của một số cán bộ và nhân viên nhà nước chưa bị trừng trị nghiêm khắc, kịp thời đã góp phần “làm giảm lòng tin của quần chúng đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự điều hành của các cơ quan nhà nước”. Đặc biệt, đến Hội nghị Trung ương 3 khóa X, Đảng ta có những nhận thức mang tính bước ngoặt về tác hại của tham nhũng, khẳng định tham nhũng không chỉ “làm giảm sút lòng tin của nhân dân”, mà còn “là một trong những nguy cơ lớn đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta”. Đảng ta cũng chỉ ra nhiều tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc về “tính nghiêm trọng, sự nguy hại của tệ tham nhũng, lãng phí” nên “lãnh đạo không chặt chẽ, thiếu kiểm tra, đôn đốc, thậm chí còn nể nang, né tránh, dung túng, bao che cho tham nhũng, lãng phí”.
Tại các kỳ Đại hội XI và XII, nhận thức của Đảng ta về nguy cơ, tác hại của tham nhũng ngày càng rõ rệt, cụ thể: Từ “đe dọa sự ổn định, phát triển của đất nước”; đến “là thách thức nghiêm trọng đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực quản lý của Nhà nước, đe dọa sự tồn vong của chế độ”. Đến Đại hội XIII, Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ”. Đó là những nhận thức rất sáng suốt và sâu sắc về nguy cơ, tác hại của tham nhũng trong bối cảnh hiện nay.
Việc nhìn nhận tham nhũng trước đây thường chú ý nhiều đến tác hại mà nó gây ra trên phương diện kinh tế như giá trị tài sản bị thiệt hại, bị chiếm đoạt, thất thoát, liên quan đến các vụ án, vụ việc tham nhũng lớn. Theo thời gian, việc nhìn nhận tham nhũng ngày càng trở nên chính xác và đúng bản chất hơn, không chỉ trên phương diện kinh tế, quản lý nhà nước, mà còn trên các phương diện chính trị, văn hóa, xã hội...
Ở giai đoạn đầu của thời kỳ đổi mới, Đảng ta nhận thấy, đấu tranh chống tham nhũng, chống buôn lậu là những việc làm cần thiết để chống thất thoát tài sản, lợi ích của Nhà nước. Sau 10 năm đổi mới, Đảng ta đã từng bước nhận thức rõ: “Đấu tranh chống tham nhũng là một bộ phận cấu thành quan trọng trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta hiện nay; góp phần nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng Đảng và kiện toàn bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh, thực hiện quyền dân chủ của nhân dân”. Nhiều chủ trương, chính sách, quy định của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng đã được ban hành và triển khai thực hiện. Qua 20 năm đổi mới, Đảng ta xác định, đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, quan liêu, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên là một nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Sau 30 năm đổi mới, Đảng ta khẳng định, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng Đảng, là nhiệm vụ trực tiếp, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Sau 35 năm đổi mới, Đảng ta chỉ rõ, đấu tranh phòng, chống tham nhũng là “một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.
Mục đích chủ yếu trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chuyển từ thiên về xử lý nghiêm khắc nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm, thành “trị bệnh cứu người”, “kỷ luật một vài người để cứu muôn người”, “truy tố một vụ để cảnh tỉnh cả một vùng”; từ đó, để cảnh báo, răn đe, giáo dục, phòng ngừa là chính. Tại Đại hội XII, Đảng ta xác định, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí là “nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng đồng thời là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, lâu dài; là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, và của toàn bộ hệ thống chính trị”; Đại hội XIII của Đảng nêu rõ: “Thực hiện quyết liệt, nghiêm minh, có hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng”. Từ sự phát triển nhận thức về những vấn đề nêu trên, Đảng ta đề ra các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, với bước đi, lộ trình phù hợp cho từng giai đoạn phát triển của đất nước…
Nhận thức toàn diện, đồng bộ hơn về các biện pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Những năm đầu đổi mới, Đảng và Nhà nước ta chủ trương chỉ tập trung chống 3 loại hành vi tham nhũng: tham ô, hối lộ hoặc cố ý làm trái pháp luật vì động cơ vụ lợi (Pháp lệnh chống tham nhũng năm 1998), tuy vậy, việc chống tham nhũng cần phải chứng minh hành vi tham nhũng “gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, tập thể và cá nhân, xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức”. Để bảo đảm giải quyết các hành vi tham nhũng ngày càng đầy đủ, cụ thể hơn, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 quy định rõ 12 hành vi tham nhũng cần phải chống và Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã bổ sung thêm hành vi tham nhũng là “thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi” (Điều 2).
Qua các kỳ đại hội, Đảng ta dần nhận thấy, không chỉ có tham nhũng, mà buôn lậu, lãng phí, quan liêu cũng cần phải chống. Đại hội VIII của Đảng xác định: “Đấu tranh chống tham nhũng phải gắn với đấu tranh chống buôn lậu, lãng phí, quan liêu”. Trong những kỳ đại hội gần đây, nhất là tại Đại hội XIII, Đảng ta xác định, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí còn phải gắn với đấu tranh phòng, chống tiêu cực. Nội dung “tiêu cực” lúc này không chỉ dừng lại ở “buôn lậu”, “lãng phí”, “quan liêu” mà đã mở rộng hơn rất nhiều, trong đó trọng tâm là phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Ngày 16-9-2021, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 32-QĐ/TW, “Về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực” (thay thế cho Quy định số 211-QĐ/TW, ngày 25-12-2019), bổ sung chức năng phòng, chống tiêu cực cho Ban Chỉ đạo. Tiếp đó, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 69-QĐ/TW, ngày 6-7-2022, “Về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm”; Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ban hành Hướng dẫn số 25-HD/BCĐTW, ngày 1-8-2022, “Một số nội dung về công tác phòng, chống tiêu cực”.
Những văn bản nêu trên đã tạo cơ sở pháp lý, chính trị quan trọng để công tác phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý tham nhũng, tiêu cực ngày càng đồng bộ, thống nhất và gắn bó chặt chẽ với nhau. “Nếu như trước đây, chúng ta mới chỉ có quy định, chế tài xử lý các hành vi tham nhũng, thì nay đã có cả quy định, chế tài xử lý các hành vi tiêu cực; nếu như trước đây, cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng còn lúng túng trong nhận thức, triển khai công tác phòng, chống tiêu cực, thì hiện nay đã có quy định, hướng dẫn cụ thể giúp các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng thống nhất nhận thức trong triển khai thực hiện”.
Đặc biệt, công tác phòng, chống tham nhũng không chỉ ở trong khu vực nhà nước mà còn mở rộng ra cả khu vực ngoài nhà nước. Điều này xuất phát từ tình hình thực tế là tham nhũng ở khu vực ngoài nhà nước đã và gây ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động cạnh tranh lành mạnh, môi trường đầu tư, kinh doanh, cản trở hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta. Khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước vốn có mối quan hệ chặt chẽ, như “bình thông nhau”, trong nhiều trường hợp, khu vực ngoài nhà nước chính là nơi trú ẩn, “sân sau” của những người có hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước. Bởi vậy, việc phòng, chống tham nhũng sẽ không thể triệt để nếu bỏ qua khu vực ngoài nhà nước. Kết luận số 10-KL/TW, ngày 26-12-2017, của Bộ Chính trị, “Về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí” nêu rõ yêu cầu: “từng bước mở rộng hoạt động phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước”. Thể chế hóa quan điểm này, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 lần đầu tiên quy định các hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức thuộc khu vực ngoài nhà nước thực hiện bao gồm: tham ô tài sản; nhận hối lộ; đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức mình vì vụ lợi (khoản 2, Điều 2); đồng thời, dành 5 điều (Chương VI) quy định về phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức ở khu vực ngoài nhà nước. Nhờ đó, thời gian gần đây, rất nhiều đại án tham nhũng được phát hiện và xử lý, qua đó khẳng định chủ trương của Đảng ta về từng bước mở rộng hoạt động phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước là hoàn toàn đúng đắn và đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay, đồng thời là lời cảnh tỉnh cho các doanh nghiệp, tổ chức ở khu vực ngoài nhà nước.
Nếu trước đây tập trung vào “chống” tham nhũng, thì nay tập trung cả vào các biện pháp “phòng ngừa” tham nhũng; kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa, chủ động phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời những người có hành vi tham nhũng, bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, can thiệp, cản trở việc chống tham nhũng theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Trong đó, phòng ngừa là chính, cơ bản, lâu dài; phát hiện, xử lý là quan trọng, cấp bách. Việc xử lý cũng lấy giáo dục, răn đe, phòng ngừa làm chính. Kết quả chỉ đạo xử lý nghiêm minh các vụ án, vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp thời gian qua đã góp phần cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, ngăn ngừa tham nhũng rất có hiệu quả.
Các mũi nhọn trong công tác phòng ngừa tham nhũng hiện nay được Đảng và Nhà nước ta tập trung thực hiện bao gồm: 1- Thực hiện văn hóa liêm chính; 2- Kiểm soát tài sản, thu nhập; 3- Kiểm soát quyền lực; 4- Thực hiện tốt công tác cán bộ; 5- Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng; 6- Xây dựng, nâng cao năng lực các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đặc biệt, xây dựng văn hóa liêm chính là một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhất là trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Văn hóa liêm chính là nền tảng xây dựng ý thức và thực hành liêm chính của cán bộ, đảng viên, xây dựng văn hóa liêm chính là để “không muốn” tham nhũng, tiêu cực. Muốn xóa bỏ triệt để, tận gốc tham nhũng, tiêu cực, việc xây dựng văn hóa liêm chính với tinh thần “danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất” chính là giải pháp căn cơ, lâu dài.
Ngày 27-10-2023, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 131-QĐ/TW, “Về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán” và Quy định số 132-QĐ/TW, “Về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án”. Những quy định này đã tạo ra sự đột phá, là một bước tiến mới về nhận thức phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và kiểm soát quyền lực nhà nước, góp phần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của các cơ quan này trong tiến trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Các quy định thể hiện rõ quyết tâm của Đảng ta trong việc tạo cơ sở pháp lý vững chắc để kiểm soát quyền lực, “nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế”, siết chặt thể chế để “không thể tham nhũng”, “không dám tham nhũng”.
Công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế trước đây chưa được quan tâm đúng mức nên kết quả đạt được còn thấp. Mục đích chính của các cơ quan tố tụng trong điều tra, xử lý tội phạm tham nhũng chủ yếu là để phát hiện, xử lý tội phạm. Đến Hội nghị Trung ương 3 khóa X, Đảng ta xác định phải: “Chú trọng thu hồi tài sản tham nhũng. Áp dụng chính sách khoan hồng đối với những người phạm tội nhưng có thái độ thành khẩn, đã bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả kinh tế, hợp tác tốt với cơ quan chức năng. Nghiên cứu sửa đổi pháp luật hình sự theo hướng khoan hồng hơn đối với những người đưa hoặc người nhận hối lộ nhưng đã tự giác khai báo và nộp lại tài sản trước khi bị phát hiện…; chú trọng tới các chế tài phạt tiền nhằm tăng khả năng thu hồi tài sản tham nhũng”(22). Tiếp đó, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 50-CT/TW, ngày 7-12-2015, “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng”, trong đó nhấn mạnh: “Trong xử lý tham nhũng phải xác minh rõ, chính xác tài sản của người có hành vi tham nhũng; áp dụng kịp thời các biện pháp thu hồi tối đa tài sản do tham nhũng mà có trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Xử lý nghiêm minh những cán bộ không tích cực thu hồi hoặc cản trở hoạt động thu hồi tài sản tham nhũng”.
Đặc biệt, ngày 2-6-2020, Ban Bí thư đã ban hành một văn bản riêng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế (Chỉ thị số 04-CT/TW). Theo đó, trên cơ sở đánh giá những kết quả, hạn chế, bất cập trong công tác thu hồi tài sản tham nhũng và tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng thực hiện nghiêm túc một số giải pháp, nhiệm vụ để tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác này.
Từ sự thay đổi nhận thức nêu trên, kết quả thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế đã cao hơn nhiều so với trước đây. Trước năm 2013, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng trung bình chỉ đạt khoảng 10% trên tổng số phải thu hồi. Giai đoạn 2013 - 2020, tỷ lệ này bình quân đạt hơn 26%.
Có thể nói, qua gần 40 năm đổi mới đất nước, vấn đề tham nhũng, phòng, chống tham nhũng đã được Đảng ta phát triển thành một hệ thống lý luận về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trở thành tư tưởng, quan điểm chỉ đạo mang tính tổng thể, xuyên suốt, “kim chỉ nam” trong hành động của cấp ủy, tổ chức đảng và các cơ quan chức năng. Qua đó, góp phần tạo bước đột phá trong công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực. Đây là cuộc chiến chính nghĩa, công kiên, đòi hỏi toàn hệ thống chính trị phải vào cuộc với quyết tâm cao, hành động quyết liệt. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là yêu cầu, nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên, phải được tiến hành liên tục, bền bỉ, bài bản, không có ngoại lệ. Mặc dù có nhiều khó khăn, nhưng chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân, nhất định tham nhũng, tiêu cực sẽ được ngăn chặn, đẩy lùi hiệu quả./.
ST.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét