Thứ Tư, 25 tháng 12, 2024

ĐẤU TRANH BẢO VỆ TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH TRONG TÌNH HÌNH MỚI

 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khẳng định: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là linh hồn, ngọn cờ thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong suốt hơn nửa thế kỷ qua. Cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng ta, nhân dân ta. Tư tưởng Hồ Chí Minh mãi mãi soi sáng con đường cách mạng Việt Nam, con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội của toàn dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam”.

Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại; là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi. Thực tiễn cách mạng Việt Nam đã chứng tỏ, mặc dù tình hình trong nước và thế giới có những thay đổi nhanh chóng và sâu sắc, nhưng tính đúng đắn, sức sống, sự sáng tạo, phù hợp với đặc điểm của cách mạng Việt Nam và xu thế thời đại của tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị. Chính vì vậy, trong nhiều văn kiện của Ðảng và Nhà nước đã khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ có giá trị đối với nước ta mà còn mang ý nghĩa và giá trị thời đại.

Hiện nay dưới ảnh hưởng của cuộc cách mạng 4.0, sự bùng nổ thông tin trong điều kiện mạng Internet rộng khắp, cùng với việc đẩy mạnh thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, các thế lực thù địch  ra sức xuyên tạc, chống phá tư tưởng Hồ Chí Minh bằng nhiều cách thức khác nhau như: Viết bài, trả lời phỏng vấn, xuất bản sách, cắt ghép tán phát các hình ảnh, video clip làm sai lệch hình ảnh con người và tư tưởng Hồ Chí Minh trên Internet, mạng xã hội. Tài liệu “Việt Nam nhất định phát triển” khi lãnh đạo và cả Dân tộc đồng lòng “Xây dựng một nước Việt Nam” của Viện Thinktank SENA (tháng 11/2020) là một ví dụ điển hình.

Thứ nhất, tài liệu đưa ra dẫn chứng trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đề cập đến mục tiêu xây dựng “Một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”, để cho rằng “Mục tiêu của Bác Hồ” không phải là “thực hiện thành công chủ nghĩa xã hội” ở Việt Nam. Luận điểm này của Viện Thinktank SENA là sự suy diễn thiếu căn cứ, cố ý làm sai lệch nội dung tư tưởng của Bác và hoàn toàn không đúng với thực tế. Bởi lẽ, ngay khi đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, Bác đã khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”2 và trong Chánh cương vắn tắt của Đảng do Người soạn thảo (năm 1930), đã nêu rõ chủ trương của cách mạng Việt Nam là “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”. Hơn nữa, mục tiêu xây dựng nước Việt Nam như trong Di chúc của Hồ Chí Minh thực chất là thực hiện những nội dung căn bản trong quan điểm của Người về chủ nghĩa xã hội. Hồ Chí Minh diễn đạt mục tiêu xây dựng đất nước như trong Di chúc là để mọi người dễ hiểu, dễ thực hiện và cụ thể hóa phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

Thứ hai, tài liệu đã trích dẫn, bình luận các quan điểm của Hồ Chí Minh không đầy đủ, không đặt trong điều kiện cụ thể để hướng lái người đọc theo dụng ý của người viết. Chẳng hạn, từ năm 1919, trong bản yêu sách tám điểm gửi Hội nghị Véc-xây (Pháp) đòi các quyền tự do, dân chủ cho nhân dân Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc nêu những điều liên quan đến pháp quyền, đòi thực dân Pháp phải cải cách nền pháp lý ở Đông Dương, bãi bỏ chế độ cai trị bằng các sắc lệnh để thay thế bằng các đạo luật. Theo đó, năm 1922, Nguyễn Ái Quốc phát hành bản “Việt Nam yêu cầu ca”, chuyển thể nội dung Bản yêu sách thành những vần ca dao và yêu sách thứ 7 đã chuyển thành hai câu thơ lục bát “Bảy xin Hiến pháp ban hành/ Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”. Thực chất của hai câu thơ này là Người muốn đề cập đến việc phải thượng tôn pháp luật trong quản lý xã hội thay cho các sắc lệnh. Tuy nhiên, tài liệu lại chỉ dẫn ra vế thứ hai của câu và cho rằng theo Nguyễn Ái Quốc “Trăm điều phải có thần dân pháp quyền” và bình luận sai lệch theo hướng tôn giáo hóa vấn đề.

Đây là điều rất nguy hiểm, bởi nó đã lợi dụng niềm tin đặc biệt của cán bộ, đảng viên và nhân dân ta vào chủ tịch Hồ Chí Minh để dẫn ra những câu nói, câu viết của Người nhưng đã cắt xén, làm sai lệch nội dung. Điều đó làm cho người ít nghiên cứu về Hồ Chí Minh cùng với bản lĩnh không vững vàng sẽ dễ tin theo, dễ bị lôi kéo, chia rẽ, kích động, gây hoang mang, làm suy giảm niềm tin vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, sự lãnh đạo của Đảng và con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn.

Chúng ta cần hiểu rõ rằng, nhận thức của Đảng ta về tư tưởng Hồ Chí Minh là một quá trình phát triển toàn diện và ngày càng hoàn thiện hơn, phù hợp với tình hình thực tiễn đất nước. Đại hội lần thứ VI của Đảng (1986), nhấn mạnh: “Muốn đổi mới tư duy, Đảng ta phải nắm vững bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, kế thừa di sản quý báu về tư tưởng và lý luận cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh...”3. Đại hội lần thứ VII của Đảng (1991) có điểm mới là “nêu cao tư tưởng Hồ Chí Minh”, và khẳng định “Tư tưởng Hồ Chí Minh chính là kết quả của sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác -  Lênin trong điều kiện cụ thể của nước ta, và trong thực tế tư tưởng Hồ Chí Minh đã trở thành một tài sản tinh thần quý báu của Đảng và của dân tộc ta”4. Trong Cương lĩnh 1991 xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội, được thông qua tại Đại hội lần thứ VII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động”. Đại hội lần thứ IX của Đảng (2001), tư tưởng Hồ Chí Minh chiếm phần quan trọng trong đường lối chiến lược của Đảng. Lần đầu tiên, khái niệm tư tưởng Hồ Chí Minh được trình bày khá đầy đủ trong Vǎn kiện của Đại hội, đó là: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa vǎn hoá của nhân loại. Đó là tư tưởng về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người; về độc lập dân tộc gắn nền với chủ nghĩa xã hội, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; về sức mạnh của nhân dân, của khối đại đoàn kết dân tộc, về quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng Nhà nước thật sự của dân, do dân, vì dân; về quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, về phát triển kinh tế và vǎn hoá, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; về đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; về chǎm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau; về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, cán bộ, đảng viên vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân...”5 Đại hội XI của Đảng (2011) khái niệm tư tưởng Hồ Chí Minh được khái quát lại, bổ sung hoàn chỉnh: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam; kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi”6. Đại hội XII, khi rút ra một số bài học sau 30 năm đổi mới, Đảng ta không chỉ đặt lên hàng đầu bài học về kiên định “mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”, không chỉ khẳng định cơ sở lý luận, tư tưởng của mục tiêu này là “chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh” mà đã mở rộng ra, đến “kế thừa và phát huy truyền thống dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, vận dụng kinh nghiệm quốc tế phù hợp với Việt Nam”7. Đại hội XIII (năm 2021), Đảng ta chỉ rõ: “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng... để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”8.

Cuộc đấu tranh bảo vệ tư tưởng Hồ Chí Minh - nền tảng tư tưởng của Đảng có mối quan hệ mật thiết với cuộc đấu tranh bảo vệ Đảng, chế độ xã hội chủ nghĩa. Các văn kiện của Đảng thể hiện rõ và nhất quán quan điểm, nhận định, đánh giá về giá trị, cống hiến của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đối với dân tộc Việt Nam và nhân loại. Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị quan trọng về việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người. Nhà nước đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, qua đó tạo cơ sở, khuôn khổ pháp lý để ngăn ngừa và xử lý hành vi vi phạm. Điều 4 Hiến pháp năm 2013 ghi rõ: Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng. Trong các bộ luật, các luật có điều khoản quy định về xử lý hành vi truyền bá, xuyên tạc tư tưởng và đường lối của Đảng, trong đó có xuyên tạc lãnh tụ Hồ Chí Minh, lãnh đạo Đảng và Nhà nước, như tại Điều 117, Điều 331 Bộ luật Hình sự, sửa đổi, bổ sung năm 2017; Điều 10 Luật Xuất bản năm 2012; Điều 16 Luật An ninh mạng năm 2018…

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét