NHỮNG BÀI
THƠ XUÂN THẮM TÌNH DÂN - NƯỚC CỦA BÁC HỒ
Hằng năm,
cứ đầu Xuân hay trước những sự kiện lớn của đất nước, Bác Hồ thường có thơ gửi
tặng đồng bào và chiến sĩ cả nước. Những bài thơ vừa như chào mừng, vừa có ý
nghĩa tổng kết, đánh giá thành tích, thắng lợi vừa là định hướng chiến lược và
đề ra phương hướng nhiệm vụ cách mạng thời gian tới; là những lời động viên, cổ
vũ toàn dân tộc cùng nhau đoàn kết một lòng, vững bước tiến lên trong đấu tranh
cách mạng, trong lao động - sản xuất và sáng tạo để xây dựng quê hương, đất nước;
là niềm hy vọng, lạc quan, tin tưởng “Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua”, là động
viên khích lệ “Tiến lên toàn thắng ắt về ta!”.
|
Thơ chúc Tết Kỷ Dậu 1969 của
Bác Hồ. |
Đầu năm Nhâm
Ngọ (năm 1942), những ngày Xuân đầu tiên trở về Tổ quốc, ở hang Cốc Bó sau 30
năm bôn ba tìm đường cứu nước, Bác có bài thơ 10 câu in trên báo Việt Nam độc lập
số 114, ngày 1-1-1942. Trong đó ý tưởng về Quốc kỳ đã được tượng hình:“Chúc
toàn quốc ta trong năm này/ Cờ đỏ sao vàng bay phấp phới”. Và như một dự báo
thiên tài: “Năm này là năm rất vẻ vang/ Cách mệnh thành công khắp thế giới”.
Đầu năm Giáp
Thân (năm 1944), Bác viết bài “Chào Xuân” in trên báo Đồng Minh, ký tên Hồ Chí
Minh. Bài viết theo thể văn xuôi nhưng chất thơ như tiếng gọi Xuân hồ hởi, gọi bạn
vui vẻ. Xuân Ất Dậu (năm 1945), nhân dịp Tết Độc lập Bác viết thơ Xuân xốn
sang, tràn ra ngoài câu chữ: “Xuân ơi, Xuân hỡi, hỡi Xuân/ Từ xa tới gần, Xuân
khắp mọi nơi”. Đầu Xuân, Báo Quốc gia - cơ quan ngôn luận của một nhóm nhân sỹ
yêu nước, xuất bản tại Hà Nội - đến xin Bác thơ để đăng báo và Người đã tặng
bài thơ ký tên Hồ Chí Minh: “Rót cốc rượu Xuân, mừng cách mạng/ Viết bài chào Tết,
chúc thành công!”.
Xuân Bính Tuất
(năm 1946), mừng Cách mạng Tháng Tám, mừng nước Việt Nam mới ra đời, Bác viết
thư và thơ chúc Tết: “Hỡi các chiến sĩ yêu quí,... Bao giờ kháng chiến
thành công/ Chúng ta cùng uống một chung rượu đào/ Tết này ta tạm xa nhau/ Chắc
rằng ta sẽ Tết sau sum vầy...
Chúc đồng bào/ Trong nǎm Bính Tuất mới/ Muôn việc đều tiến tới/ Kiến quốc mau
thành công/ Kháng chiến mau thắng lợi.../ Việt Nam độc lập muôn nǎm!”.
Xuân
Đinh Hợi (năm 1947), thể hiện lòng tự hào, tư thế hiên ngang, toàn dân toàn diện
kháng chiến, lạc quan, tin tưởng vào chủ trương trường kỳ kháng chiến nhất định
thắng lợi, Bác Hồ viết: “Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió/ Tiếng kèn
kháng chiến vang dậy non sông/ Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến/ Chí
ta đã quyết, lòng ta đã đồng/ Tiến lên chiến sĩ! Tiến lên đồng bào!/ Sức ta đã
mạnh, người ta đã đông/ Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi!/ Thống nhất
độc lập, nhất định thành công!”.
Xuân Mậu Tý
(năm 1948), thơ Bác là lời chúc và động viên đồng bào cả nước đoàn kết, thống
nhất ý chí và hành động thì chắc chắn độc lập sẽ thành công: “Nǎm Hợi đã đi
qua/ Nǎm Tý vừa bước tới/ Gửi lời chúc đồng bào/ Kháng chiến được thắng lợi/
Toàn dân đại đoàn kết/ Cả nước dốc một lòng/ Thống nhất chắc chắn được/ Độc lập
quyết thành công”.
Xuân Kỷ Sửu
(năm 1949), để động viên và huy động sức mạnh vật chất cũng như sức mạnh tinh
thần của toàn thể nhân dân Việt Nam vào công cuộc kháng chiến và kiến quốc, Chủ
tịch Hồ Chí Minh đã viết bài thơ Chúc Tết, chúc đồng bào và chiến sĩ cả nước.
Bài thơ và chữ ký của Người được in trên trang nhất của báo Sự thật, số Xuân
năm 1949. “Kháng chiến lại thêm một năm mới/ Thi đua yêu nước thêm tiến tới/
Động viên lực lượng và tinh thần/ Kháng chiến càng thêm mau thắng lợi/ Người
người thi đua/ Ngành ngành thi đua/ Ngày ngày thi đua/ Ta nhất định thắng/ Địch
nhất định thua”.
Xuân Canh Dần
(năm 1950) Bác đã có thơ khẳng định cuộc kháng chiến của nhân dân ta nhất định
thắng lợi: “Kính chúc đồng bào năm mới/ Mọi người càng thêm phấn khởi/ Toàn dân
xung phong thi đua/ Đẩy mạnh cuộc chuẩn bị tới/ Chuyển mau sang tổng phản công/
Kháng chiến nhất định thắng lợi!”.
Xuân Tân Mão
(năm 1951), thơ chúc Tết của Bác là lời động viên toàn dân chuẩn bị chuyển mạnh
sang tổng phản công: “Xuân này kháng chiến đã năm xuân/ Nhiều xuân thắng lợi
càng gần thành công/ Toàn dân hăng hái một lòng/ Thi đua chuẩn bị, tổng phản
công kịp thời”.
Thơ chúc Tết
của Bác trong những năm sau đều tập trung vào động viên quân dân cả nước kháng
chiến thắng lợi. Xuân Nhâm Thìn (năm 1952): “Chiến sĩ thì giết giặc/ Đồng
bào thì tǎng gia/ Nǎm mới thi đua mới/ Thắng lợi ắt về ta Mấy lời thành thật
nôm na/ Vừa là kêu gọi/ Vừa là mừng xuân”.
Xuân Quý Tỵ
(năm 1953), thơ Bác mừng Xuân đã động viên nhân dân hậu phương phấn khởi đóng
góp cho tiền tuyến. Năm 1953, nông dân được giảm tô, giảm tức, tiến tới người
cày có ruộng. Bộ đội hồi đó hầu hết là con em nông dân, được tin quê hương, cha
mẹ, bà con được giảm tô nên càng hăng say chiến đấu. Đón Xuân, Tết đến, Bác
không quên nhắc nhở đồng bào làm tốt nhiệm vụ mới để phục vụ kháng chiến thắng
lợi.
Xuân Giáp Ngọ
(năm 1954), thơ chúc Tết của Bác chỉ rõ, đây là năm quân dân ta có hai nhiệm vụ
quan trọng, là lúc chúng ta đang tích cực chuẩn bị mọi mặt cho Chiến dịch Điện
Biên Phủ lịch sử: “Năm mới, quân dân ta có hai nhiệm vụ rành rành: Đẩy mạnh
kháng chiến để giành độc lập, tự do/ Cải cách ruộng đất là công việc rất to/ Dần
dần làm cho người cày có ruộng khỏi lo nghèo nàn/ Quân và dân ta nhất trí kết
đoàn/ Kháng chiến, kiến quốc nhất định hoàn toàn thành công/ Hòa bình, dân chủ
thế giới, Nam Bắc Tây Đông/ Năm mới thắng lợi càng mới, thành công càng nhiều”.
Xuân Ất Mùi (năm
1955) là niềm vui chiến thắng, là lời chúc trong hòa bình được lập lại ở miền Bắc
sau khi quân dân ta đã giành thắng lợi: “Chúc toàn thể đồng bào và kiều bào/
Chúc toàn thể bộ đội, cán bộ và nhân viên/ Chúc các chiến sĩ thi đua/ Chúc các
cụ phụ lão/ Các cháu thanh niên và nhi đồng/ Nǎm mới mạnh khỏe, vui vẻ, cố gắng
và tiến bộ”.
Xuân Bính
Thân (năm 1956), sau chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa
cầu, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, bước vào thời kỳ quá độ lên CNXH, khẩn
trương bắt tay vào xây dựng, củng cố hậu phương vững chắc; miền Nam tiếp tục cuộc
đấu tranh lật đổ ách thống trị của đế quốc Mỹ và tay sai, giải phóng miền Nam,
bảo vệ miền Bắc. Cách mạng Việt Nam phải tiến hành đồng thời cả hai nhiệm vụ
chiến lược ở hai miền: Cách mạng XHCN ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ
nhân dân ở miền Nam, tiến tới hòa bình, thống nhất Tổ quốc, thơ chúc Tết của
Bác viết: “Thân ái mấy lời chúc Tết/ Toàn dân đoàn kết một lòng/ Miền Bắc thi
đua xây dựng/ Miền Nam giữ vững thành đồng/ Quyết chí, bền gan phấn đấu/ Hòa
bình, thống nhất thành công”.Xuân Kỷ Hợi (năm 1959), như đã thành thông lệ, Bác
Hồ gửi đến nhân dân cả nước những vần thơ chúc Tết trên sóng Đài Tiếng nói Việt
Nam: “Chúc mừng đồng bào năm mới/ Đoàn kết thi đua tiến tới/ Hoàn thành kế hoạch
ba năm/ Thống nhất nước nhà thắng lợi”.
Bài thơ ngắn
gọn, Bác chúc Tết đồng bào năm mới phải đoàn kết thi đua thực hiện thành công
hai nhiệm vụ chính: Hoàn thành kế hoạch 3 năm và đấu tranh thống nhất đất nước…
Thời gian này, Đảng lãnh đạo Nhân dân ta tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến
lược cách mạng: Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam và cách mạng XHCN
ở miền Bắc. Xây dựng miền Bắc trở thành hậu phương lớn cho tiền tuyến lớn miền
Nam.
Xuân Canh Tý
(năm 1960), kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Đảng, Bác có thơ gửi đồng bào chiến sỹ
cả nước: “Mừng Nhà nước ta 15 xuân xanh!/ Mừng Đảng chúng ta 30 tuổi trẻ!/ Chúc
đồng bào ta đoàn kết thi đua/ Xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa/ Chúc đồng bào
ta bền bỉ đấu tranh/ Thành đồng miền Nam vững bền mạnh mẽ/ Cả nước một lòng,
hǎng hái tiến lên/ Thống nhất nước nhà, Bắc Nam vui vẻ!”.
Xuân Tân Sửu
(năm 1961): “Mừng năm mới, mừng Xuân mới/ Mừng Việt Nam, mừng Thế giới/ Đường
lên hạnh phúc rộng thênh thênh/ Kế hoạch năm năm thêm phấn khởi”.
Xuân Nhâm Dần
(năm 1962), thời kỳ này miền Bắc mở rộng phong trào thi đua lao động sản xuất
vì miền Nam ruột thịt, trong bài thơ Xuân, Bác chúc: “Chúc miền Bắc thi đua phấn
khởi/ Bốn mùa hoa Duyên Hải, Đại Phong/ Chúc miền Nam đấu tranh tiến tới/ Sức
triệu người hơn sóng biển Đông”.
Xuân Quý Mão
(năm 1963), Bác Hồ viết: “Mừng năm mới/ Cố gắng mới/ Tiến bộ mới/ Chúc Quý Mão
là năm nhiều thắng lợi!”.
Xuân Giáp
Thìn (năm 1964), Bác thấy tương lai sum họp: “Bắc Nam như cội với cành/ Anh em
ruột thịt, đấu tranh một lòng/ Rồi đây thống nhất thành công/ Bắc Nam ta lại
vui chung một nhà/ Mấy lời thân ái nôm na/ Vừa là kêu gọi, vừa là mừng Xuân”.
Xuân Ất Tỵ
(năm 1965), chào Xuân, Bác Hồ động viên cả nước: “Chào mừng Ất Tỵ xuân năm mới/
Nhà nước ta vừa tuổi hai mươi/ Miền Bắc xây dựng đời sống mới vui tươi/ Miền
Nam kháng chiến ngày càng tiến tới/ Ðồng bào hai miền thi đua sôi nổi/ Ðấu
tranh anh dũng cả nước một lòng/ Chủ nghĩa xã hội nhất định thắng lợi/ Hòa bình
thống nhất ắt hẳn thành công”.
Xuân Bính Ngọ
(năm 1966), Bác Hồ viết: “Mừng miền Nam rực rỡ chiến công/ Nhiều Dầu Tiếng, Bầu
Bàng, Plây-me, Ðà Nẵng.../ Mừng miền Bắc chiến đấu anh hùng/ Giặc Mỹ leo thang
ngày càng thua nặng/ Ðồng bào cả nước đoàn kết một lòng/ Tiền tuyến hậu phương,
toàn dân cố gắng/ Thi đua sản xuất chiến đấu xung phong/ Chống Mỹ, cứu nước, ta
nhất định thắng”.
Xuân Đinh Mùi
(năm 1967), Bác có bài thơ chúc Tết với cảm hứng tươi trẻ, âm hưởng sôi động:
“Xuân về xin có mấy vần thơ/ Gửi chúc đồng bào cả nước ta/ Chống Mỹ hai miền đều
đánh giỏi/ Tin mừng thắng trận nở như hoa”.
Xuân Mậu Thân
(năm 1968), Bác Hồ đã vào tuổi 78, sức khỏe yếu đi nhiều, là năm thứ 4 Bác tiến
hành công việc viết và sửa chữa Di chúc. Thơ Xuân - chúc Tết hằng năm trong sự
ngóng đợi của toàn dân là một việc Bác Hồ không quên: “Xuân này hơn hẳn mấy
xuân qua/ Thắng trận tin vui khắp nước nhà/ Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ/ Tiến
lên! Toàn thắng ắt về ta”.
Xuân Kỷ Dậu
(năm 1969) là mùa Xuân thứ 79 của Bác Hồ, mặc dù linh cảm mình “sẽ đi gặp cụ
Các Mác, cụ Lê-nin”, nhưng Tết năm đó, Người vẫn làm thơ chúc Tết phấn khích và
hào sảng, rung động trái tim của đồng bào, chiến sỹ cả nước: “Năm qua thắng lợi
vẻ vang/ Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to/ Vì độc lập, vì tự do/ Đánh cho
Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào/ Tiến lên chiến sĩ, đồng bào/ Bắc Nam sum họp, Xuân
nào vui hơn!”.
Theo Báo Xây dựng Đảng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét