Thứ Tư, 25 tháng 12, 2024

ĐẤU TRANH LÀM THẤT BẠI ÂM MƯU, THỦ ĐOẠN CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH TRÊN LĨNH VỰC GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO HIỆN NAY

 

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, số hóa, nhất là xu thế phát triển từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã, đang tác động, ảnh hưởng mạnh mẽ, sâu rộng đến nhiều mặt, lĩnh vực đời sống xã hội, trong đó phải kể đến lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Từ lâu, song hành với quá trình phát triển, đi lên của đất nước, Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm, xác định rõ tầm quan trọng của giáo dục và đào tạo. Theo đó, với quan điểm không có sự đầu tư nào mang lại nhiều lợi ích như đầu tư cho giáo dục và đào tạo, bởi đây là lĩnh vực, nền tảng góp phần hình thành, tạo nên nhân cách chuẩn mực cho mỗi công dân, đào tạo lên những người lao động có trình độ, năng động, sáng tạo, là tiền đề cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Do đó, đây là lĩnh vực các thế lực thù địch thường xuyên tìm cách tác động để thực hiện âm mưu, diễn biến hòa bình, nhằm làm thay đổi tư tưởng, nhận thức trong thế hệ mầm non tương lai của đất nước. Từ đó làm suy giảm niềm tin của quần chúng vào sự lãnh đạo của Đảng, bộ máy chính quyền của nhà nước, dần đi đến thay đổi đường lối chính trị theo những mưu đồ của họ.

Đối với tỉnh Lai Châu, là địa phương miền núi, vùng cao, nhiều thành phần dân tộc sinh sống, trình độ dân trí còn thấp, nhiều hủ tục lạc hậu còn tồn tại trong đời sống. Trong khi đó, những năm gần đây, các thế lực thù địch thường xuyên đẩy mạnh các hoạt động chống phá thông qua việc xúi giục đồng bào bỏ bàn thờ tổ tiên, theo đạo, học đạo trái pháp luật, di cư tự do. Đặc biệt các thế lực thù địch lợi dụng việc cải cách đổi mới căn bản của giáo dục và đào tạo, cũng như lợi dụng những sai phạm trong ngành giáo dục để xuyên tạc đường lối lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của nhà nước về giáo dục và đào tạo, phủ nhận những thành quả to lớn của giáo dục đã đạt được. Mặt khác, chúng còn xuyên tạc là do thể chế chính trị tác động, giáo dục nặng về chính trị, tư tưởng cho nên chương trình, nội dung nặng nề và họ đòi bỏ phần giáo dục lý luận chính trị. Bên cạnh đó, chúng còn kích động tâm lý sùng ngoại, nói xấu chê bai giáo dục nước nhà, cho là lạc hậu, yếu kém, và xúi dục các em học sinh học xong không trở về địa phương để phục vụ, đóng góp sáng kiến cho quê hương phát triển. Nguy hiểm hơn, họ còn đòi hỏi loại bỏ các môn “Lý luận Mác Lênin”, “Tư tưởng Hồ Chí Minh”, “Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam” ra khỏi chương trình đào tạo. Đòi hỏi học sinh, sinh viên phải được tự do về tư tưởng, không bị chi phối hoặc phụ thuộc vào bất cứ  hệ tư tưởng nào. Do đó, chúng ta cần cảnh giác với một số luận điệu của các thế lực thù địch trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Từ thực tiễn của địa phương, để đấu tranh, phản bác có hiệu quả luận điệu chống phá của các thế lực thù địch trên lĩnh vực giáo dục và đào tạo, chúng ta cần đề cao cảnh giác với những luận điệu xuyên tạc trên, chủ động đấu tranh, ngăn chặn làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch, tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động đấu tranh ngăn chặn âm mưu thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch trên lĩnh vực giáo dục và đào tạo, coi đây là một mặt trận trọng yếu trong đấu tranh chống lại các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch. 

Hai là, làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa về đường lối, chính sách nói chung, các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục và đào tạo của Đảng và Nhà nước nói riêng. Đồng thời, phát huy vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng trong đấu tranh, nhận diện, vạch mặt những kẻ có mưu đồ đen tối nhằm làm suy giảm niềm tin của  nhân dân vào giáo dục nước nhà. Trên cơ sở đó, đề cao truyền thống đoàn kết, yêu nước, tinh thần cảnh giác, trách nhiệm công dân, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, sự đồng thuận của xã hội, ý thức, trách nhiệm cộng đồng, tự lực tự cường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ba là, nâng cao hiệu quả quản lý của Nhà nước đối với hoạt động giáo dục và đào tạo, nhất là đối với các cơ sở giáo dục hay hoạt động của các nhà giáo, giáo viên bằng những quy định cụ thể; đồng thời có chế tài nghiêm khắc để xử lý những trường hợp vi phạm quy định. Có cơ chế, chính sách phù hợp để huy động những nhà giáo, giáo viên tham gia đấu tranh chống lại các hoạt động lôi kéo, kích động, chống phá của các thế lực thù địch trên các diễn đàn, nhất là trên các trang mạng xã hội, phương tiện truyền thông đại chúng.

Bốn là, bản thân những người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo phải luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trước cộng đồng và xã hội; chấp hành nghiêm chỉnh những quy tắc đạo đức nghề nghiệp và quy định về văn hóa ứng xử; nêu cao tinh thần dân tộc, ý thức bảo vệ truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc ta, biết tận dụng lợi thế, uy tín của mình để tuyên truyền, quảng bá những giá trị tích cực; lên án, bài xích những biểu hiện sai trái, lệch lạc.

Năm là, tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân. Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả. Xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt; có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý, gắn với xây dựng xã hội học tập; bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng; chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế hệ thống giáo dục và đào tạo; giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa và bản sắc dân tộc./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét