Thứ Tư, 25 tháng 12, 2024

Sự quy chụp tráo trở của Việt Tân

Liên tục trong các ngày gần đây, tổ chức phản động, khủng bố Việt Tân liên tục đăng tải các bài viết xung quanh sự việc Thích Minh Tuệ bộ hành sang Ấn Độ tu tập. Bằng những lời lẽ mang tính chất phiến diện, quy chụp tráo trở, mưu đồ của chúng không gì khác ngoài việc kích động nhân dân trong nước và gây chia rẽ trong xã hội, nhất là một bộ phận nhân dân còn mơ hồ về sự việc

Ngày 16/12/2024, Việt Tân cho đăng trên trang facebook của tổ chức này với nội dung: “Nhà cầm quyền Việt Nam tìm mọi cách đẩy thầy Minh Tuệ ra khỏi nước. Và bắt đầu “tẩy trắng lịch sử” về thầy”. Trước đó, vào ngày 14/12/2024, Việt Tân cũng đăng tải bài viết trên trang facebook và cho rằng, việc Thích Minh Tuệ sang Ấn Độ là biểu hiện của “tị nạn tu tập” từ việc “áp bức tôn giáo” của Việt Nam. Mới nhất, vào chiều ngày 18/12, Việt Tân lại tiếp tục rêu rao trên trang facebook rằng “Công an phải đẩy sư Minh Tuệ đi Ấn Độ thì các chùa công an mới có cơ may hồi sinh”…

Việc tổ chức Việt Tân cho rằng việc Thích Minh Tuệ sang Ấn Độ là “biểu hiện của việc áp bức tôn giáo” và “tị nạn tu tập”, do nhà cầm quyền đẩy ra khỏi nước là nhận định phiến diện, thiếu cơ sở và không phản ánh đúng bản chất của sự việc. Tự do tôn giáo tại Việt Nam được pháp luật bảo đảm tại Điều 24 Hiến pháp năm 2013. Hiện nay, Việt Nam có hơn 53 tổ chức tôn giáo thuộc 16 tôn giáo khác nhau được công nhận hoạt động hợp pháp, với hàng triệu tín đồ sinh hoạt tôn giáo bình thường; Nhà nước Việt Nam không cản trở việc tu tập, hành đạo chính đáng của các cá nhân, tổ chức tôn giáo. Việc đi học tập, nghiên cứu hay tu tập tại nước ngoài của các chức sắc tôn giáo hoàn toàn là quyền tự do cá nhân, không thể được suy diễn thành “tị nạn tôn giáo” hay “áp bức”. Bên cạnh đó, Ấn Độ là cái nôi của Phật giáo và là điểm đến của nhiều tăng ni, phật tử trên toàn thế giới để học tập và hành đạo. Nhiều tăng ni, phật tử Việt Nam vẫn thường xuyên được cử sang các quốc gia như Ấn Độ, Sri Lanka, Myanmar… để học tập, nghiên cứu Phật pháp. Đây là một hoạt động phổ biến, thể hiện sự kết nối quốc tế trong tôn giáo, hoàn toàn không liên quan đến “tị nạn”. Việc Thích Minh Tuệ lựa chọn sang Ấn Độ để tu học là điều bình thường, phản ánh nguyện vọng cá nhân và con đường tu tập của ông, không hề có chuyện “công an phải đẩy sư Minh Tuệ đi Ấn Độ” hay  “tị nạn tu tập” như cách mà Việt Tân quy chụp.

Một thực tế ai cũng nhận ra là trên dải đất hình chữ S của chúng ta hoàn toàn không có “chùa công an” như cái cách mà Việt Tân suy diễn. Đó là chưa kể đến việc hồi sinh hay phát triển của một tôn giáo hoặc hệ thống tín ngưỡng không phụ thuộc vào sự hiện diện hay vắng mặt của một cá nhân mà bởi niềm tin của cộng đồng, sự quản lý minh bạch, và việc tôn trọng giá trị cốt lõi của tôn giáo đó. 

Ngày nay, các tổ chức quốc tế và nhiều quốc gia trên thế giới đã ghi nhận những tiến bộ của Việt Nam trong việc đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Hàng năm, Việt Nam tổ chức nhiều sự kiện tôn giáo mang tầm quốc tế như Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc, thu hút hàng nghìn chức sắc và phật tử từ khắp nơi trên thế giới; qua đó khẳng định Việt Nam luôn tôn trọng và tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động tôn giáo. Việc Thích Minh Tuệ sang Ấn Độ được Việt Tân “chụp mũ” là “đẩy đuổi,” “áp bức tôn giáo” hay “tị nạn tu tập” là hoàn toàn sai lệch, mang tính suy diễn và chỉ nhằm mục đích xuyên tạc, kích động và gây chia rẽ trong xã hội./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét