Trong giai đoạn hiện nay, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ
trọng tâm của toàn Đảng, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, góp phần
nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, tăng cường hiệu quả quản lý của Nhà nước,
thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, đồng thời giữ vững niềm tin của nhân dân
đối với Đảng.
Hiện nay, không ít đảng viên có khuynh hướng xa rời chính trị, chạy
theo những giá trị vật chất, lợi dụng chức quyền và cương vị công tác để tham
nhũng, nhận hối lộ, làm giàu bất chính. Một bộ phận không nhỏ cán bộ sống buông
thả, thực dụng, xa hoa, hưởng lạc, coi đồng tiền là trên hết; tình trạng tham
nhũng trong cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao, trở thành vấn đề nhức nhối của Đảng,
của toàn xã hội, làm giảm sút nghiêm trọng niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Vì vậy, các cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn
vị phải coi trọng công tác phòng, chống tham nhũng; xem đây là một nhiệm vụ
trọng tâm, thường xuyên cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; phải cam kết
về sự liêm khiết và kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng một cách có
hiệu quả.
Thứ nhất, bổ sung, hoàn thiện chặt chẽ hệ thống thể chế, cơ chế, chính
sách, không tạo ra kẽ hở để cho những cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức
thoái hóa, biến chất lợi dụng thực hiện hành vi tham nhũng, lãng phí.
Thứ hai, thực hiện tốt công tác cán bộ. Một mặt, cán bộ là
nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, là gốc của mọi công việc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều
do cán bộ tốt hoặc kém”. Mặt khác, tham nhũng lại chủ yếu do người có chức
vụ đã lợi dụng quyền hạn để trục lợi, tham nhũng, diễn ra ở “một bộ phận không
nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản
lý, kể cả một số cán bộ cao cấp”.
Thứ ba, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng.
Đây là nhân tố quan trọng bảo đảm thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Cương lĩnh
chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, chính sách,
pháp luật của Nhà nước; đồng thời, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu
của Đảng; giữ gìn sự trong sạch về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của
đội ngũ cán bộ, đảng viên, ngăn chặn và đẩy lùi những biểu hiện suy thoái, tiêu
cực, góp phần quan trọng để thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tham
nhũng.
Thứ tư, Đảng phải nêu gương. Các tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng
viên phải tiên phong, gương mẫu trong đạo đức và lối sống, kết hợp hài hòa giữa
lợi ích riêng và lợi ích chung; khi lợi ích riêng mâu thuẫn với lợi ích chung
thì phải đặt lợi ích chung lên trên hết, trước hết. Đây là nhân tố góp phần tạo
nên uy tín của cán bộ, uy tín của Đảng với nhân dân và góp phần bảo đảm vị thế
cầm quyền của Đảng trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Nếu Đảng không vững
vàng về chính trị, không chặt chẽ về tổ chức, không trong sạch về đạo đức, lối
sống thì không thể đủ năng lực, uy tín để lãnh đạo cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí
Minh từng nhắc nhở: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn
văn tuyên truyền”, và “muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho
người ta bắt chước”.
T1
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét