Ngày 23/12, tại Hà Nội, Báo Đại biểu Nhân dân phối hợp với Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức Tọa đàm “Luật Bảo vệ môi trường - Hành lang pháp lý cho phát triển xanh và kinh tế tuần hoàn”.
Các đại biểu tham gia buổi tọa đàm. |
Phát biểu đề dẫn Tọa đàm, Phó Tổng biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Lê Thanh Kim nhấn mạnh, những năm gần đây, chúng ta đã chứng kiến những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên. Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống mà còn đe dọa đến sự ổn định và phát triển của nền kinh tế. Luật Bảo vệ môi trường được Quốc hội thông qua vào năm 2020 và hiệu lực thi hành đầu năm 2022 đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc xây dựng hành lang pháp lý để bảo vệ và cải thiện môi trường. Luật không chỉ để điều chỉnh các hoạt động bảo vệ môi trường mà còn là nền tảng pháp lý cho việc thúc đẩy phát triển xanh và mô hình kinh tế tuần hoàn – một xu hướng phát triển bền vững trong thế giới hiện đại.
Theo các chuyên gia tại tọa đàm, việc Quốc hội ban hành Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) năm 2020 đã tạo ra nền tảng pháp lý quan trọng nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và định hướng phát triển xanh tại Việt Nam. Luật có một số điểm đáng chú ý, liên quan trực tiếp đến phát triển xanh và kinh tế tuần hoàn.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của kinh tế tuần hoàn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi cho rằng, xu thế mới, với kỷ nguyên mới, chúng ta sẽ thúc đẩy tăng trưởng và phát triển, thực hiện các chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, thì việc phát triển kinh tế tuần hoàn ngày càng trở thành vấn đề cấp thiết. Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện tăng trưởng kinh tế, thực hiện mục tiêu giảm phát thải, tăng cường năng lực cạnh tranh, chất lượng hiệu quả của nền kinh tế. Chúng ta cũng đặt ra mục tiêu, đến giữa thế kỷ đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0.
Thực tế, mặc dù Luật Bảo vệ môi trường đã đặt những viên gạch đầu tiên tạo hành lang pháp lý cho phát triển xanh, phát triển bền vững và kinh tế tuần hoàn, nhưng con đường thực thi còn quá nhiều gian nan, thách thức: nhiều doanh nghiệp và người dân chưa hiểu rõ về kinh tế tuần hoàn cũng như lợi ích dài hạn của phát triển bền vững; thói quen tiêu dùng và sản xuất truyền thống; hạn chế về nguồn lực tài chính và công nghệ; hệ thống pháp luật chưa đồng bộ; sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng chưa chặt chẽ, trong khi năng lực giám sát và xử phạt vi phạm còn hạn chế; nhiều doanh nghiệp xem bảo vệ môi trường là trách nhiệm của Nhà nước, chưa tích cực áp dụng mô hình sản xuất bền vững. Vai trò của cộng đồng tham gia các chương trình tái chế của người dân vẫn còn thấp…
Nhấn mạnh về hạ tầng xanh, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, hiện nay chúng ta đang đứng ở vị trí thứ 94/160, ở mức thấp so với thế giới. Điều đó cho thấy, khó khăn đối với việc chuyển đổi xanh, chuyển đổi tuần hoàn, chuyển đổi carbon thấp… là rất lớn. Quy mô nền kinh tế "xanh" của chúng ta vẫn chỉ ở mức 2%, trong khi 98% còn lại vẫn là kinh tế "nâu". Vì vậy, chuyển dịch từ kinh tế “nâu” sang “xanh” chính là mô hình kinh tế tuần hoàn liên quan đến hiệu quả sử dụng năng lượng, ông Thọ nhấn mạnh.
Các đại biểu đều thống nhất quan điểm về tầm quan trọng của kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đối với sự phát triển của xã hội |
TS. Hoàng Dương Tùng, Ủy viên Thường vụ Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam nhận định, Việt Nam là nước nông nghiệp, do đó việc chuyển đổi xanh, chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp là rất cần thiết nhưng đang gặp khó bởi đòi hỏi vốn, công nghệ trong khi các ngân hàng, các tổ chức tài chính muốn cho doanh nghiệp “xanh” vay, nhưng chúng ta chưa có tiêu chí cụ thể để triển khai vấn đề này. “Vì vậy, cần sớm tháo gỡ những vướng mắc này để các doanh nghiệp có thể thuận lợi chuyển đổi sang kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Bên cạnh đó, cần có các hướng dẫn kỹ thuật về các tiêu chuẩn, quy chuẩn, thủ tục chuyển đổi như thế nào để các doanh nghiệp chuyển đổi, để thực hiện cho đúng và rộng khắp” - ông Tùng nói.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi đề ra giải pháp, trong việc hợp tác quốc tế, chúng ta cần tạo lập nền tảng thúc đẩy và tạo cơ hội hợp tác quốc tế, tranh thủ tri thức công nghệ, hỗ trợ về nguồn vốn thông qua các cơ chế liên quan chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) hay cơ chế khác thông qua tại Hội nghị COP26, Hội nghị COP 29, có các quỹ đầu tư phục vụ cho thúc đẩy sáng kiến, dự án về phát triển kinh tế tuần hoàn.
Tuy nhiên, để thực hiện các mục tiêu đề ra, cần phải có lộ trình, kế hoạch cụ thể, các bước đi phù hợp với điều kiện phát triển. “Tôi cho rằng, đến thời điểm này chúng ta cần phải hành động nhiều hơn, triển khai thực chất và hiệu quả ở các cấp độ, đặc biệt là cấp độ doanh nghiệp và địa phương, cơ sở” – ông Tạ Đình Thi đề xuất.
Các vị khách mời cũng đưa ra nhiều ý kiến, các góc nhìn mới mẻ về triển khai thực thi luật cụ thể về định hướng tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn và thực tiễn quản lý triển khai luật ở các ngành, các cấp, doanh nghiệp, cộng đồng; góp phần lan tỏa tinh thần trách nhiệm, sáng tạo trong kỷ nguyên phát triển mới của đất nước; vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của Nhân dân./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét