Tạm hoãn phiên sơ thẩm vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tiền của gần 600 người

Ngày 23/12, Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khai mạc phiên xét xử sơ thẩm vụ án bị cáo Phạm Thị Tuyết Nhung (cựu Giám đốc Công ty Angel Lina và Công ty Thương mại Dịch vụ Hoàng Gia) cùng 9 đồng phạm lừa đảo bán "dự án ma," chiếm đoạt hơn 834 tỷ đồng của gần 600 người. Vụ án có hơn 17 luật sư cùng 592 bị hại và 230 cá nhân, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Bị cáo Phạm Thị Tuyết Nhung tại phiên tòa. (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN) 

Tuy nhiên, tại phần thủ tục, thư ký phiên tòa cho biết có nhiều bị hại vắng mặt. Sau khi hội ý, Hội đồng xét xử cho rằng do vụ án có nhiều bị hại, nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của những người này, Hội đồng xét xử đã hoãn phiên tòa, thời gian xét xử lại sẽ được ấn định sau.

Theo cáo trạng, Phạm Thị Tuyết Nhung là Giám đốc Công ty Angel Lina (trụ sở tại Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại dịch vụ Đất vàng Hoàng Gia (trụ sở tại R4-83 đường Hưng Gia 1, phường Tân Phong, quận 7). Từ ngày 11/4/2019 đến ngày 21/3/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã tiếp nhận đơn tố giác của nhiều cá nhân tố cáo Phạm Thị Tuyết Nhung cùng với một số đồng phạm đã có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng cách ký hợp đồng góp vốn, đặt cọc mua đất nền tại những dự án không có thật.

Quá trình điều tra xác định Nhung cùng Trần Thị Mỹ Hiền (cựu Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại dịch vụ Đất Vàng Hoàng Gia, thành lập Công ty tư vấn đầu tư Bất động sản Hoàng Kim Land) đã hợp tác tìm mua những thửa đất có diện tích lớn, mục đích sử dụng đất khác nhau (đất ở, đất trồng cây, đất trồng lúa, đất ao hồ...), rồi thỏa thuận mua bán, lập ký các hợp đồng đặt cọc, thanh toán một phần tiền cho chủ đất để làm tin. Tuy nhiên, Nhung viện nhiều lý do để kéo dài thời hạn thanh toán, không hoàn tất việc nhận chuyển nhượng, sang tên quyền sử dụng đất.

Mặc dù chưa hoàn tất việc nhận chuyển nhượng, không làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất thành đất ở, tách thửa và không được cơ quan có thẩm quyền cấp duyệt dự án, nhưng Trần Thị Mỹ Hiền vẫn thuê kiến trúc sư thiết kế các thửa đất thành dự án đất ở đô thị có tỷ lệ bản vẽ 1/500 hoàn chỉnh, đầy đủ cơ sở hạ tầng. Khi tìm được khách hàng, Hiền, Nhung và các đồng phạm ký hợp đồng đặt cọc, hợp đồng mua bán với tư cách đại diện các công ty gồm Công ty Angel Lina, Công ty Đất Vàng Hoàng Gia và Công ty Hoàng Kim Land để chiếm đoạt tiền.

Hồ sơ vụ án ghi nhận Tuyết Nhung, Mỹ Hiền cùng các đồng phạm đã lập 18 dự án khu dân cư không có thật, ký thỏa thuận chuyển nhượng dự án, 4 căn nhà (trong đó có 3 căn nhà bị trùng)... cho 592 cá nhân chiếm đoạt hơn 834 tỷ đồng.

Phạm Thị Tuyết Nhung được xác định là chủ mưu, chỉ đạo xuyên suốt đối với toàn bộ hoạt động của Công ty Angel Lina và Công ty Đất Vàng Hoàng Gia (hợp tác với Trần Thị Mỹ Hiền), chỉ đạo cấp dưới lập các dự án không có thật, phân lô trái pháp luật, bán nền không có thật, từ đó chiếm đoạt tổng số tiền 539,9 tỷ đồng. Trần Thị Mỹ Hiền cũng được xác định là chủ mưu, chỉ đạo xuyên suốt đối với toàn bộ hoạt động của Công ty Đất Vàng Hoàng Gia và Công ty Hoàng Kim Land, cùng đồng phạm chiếm đoạt tổng số tiền hơn 285 tỷ đồng.

Tuy nhiên, cơ quan điều tra đã đình chỉ điều tra đối với Trần Thị Mỹ Hiền do bị can này mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi theo kết luận giám định của Viện Pháp y Tâm thần Trung ương. Hiền đang thực hiện chữa bệnh bắt buộc tại Viện Pháp y Tâm thần Trung ương Biên Hòa. Khi Hiền điều trị bệnh xong, Cơ quan Cảnh sát điều tra sẽ phục hồi điều tra, xử lý theo quy định.

Gần một nửa cơ quan, doanh nghiệp tại Việt Nam bị tấn công mạng trong năm 2024

Ngày 23/12, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia đã công bố Báo cáo nghiên cứu, khảo sát an ninh mạng tại Việt Nam năm 2024 khu vực cơ quan, doanh nghiệp. Báo cáo do Ban Công nghệ, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia thực hiện trong tháng 12/2024, dựa trên khảo sát 4.935 đơn vị, tổ chức tại Việt Nam.

 Ảnh minh hoạ. (Nguồn: Hiệp hội An ninh mạng quốc gia)

Năm 2024 cơ quan, doanh nghiệp tại Việt Nam liên tục đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng trên không gian mạng, đặc biệt là sự gia tăng đáng kể về số lượng và quy mô các vụ tấn công. Nhiều vụ việc nghiêm trọng đã xảy ra, nhắm vào các doanh nghiệp, tổ chức lớn như VNDirect, PVOIL, Vietnam Post và các cơ sở y tế, giáo dục… cho thấy bất kỳ lĩnh vực nào cũng có thể là mục tiêu tấn công của tội phạm mạng.

Theo báo cáo của Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, có tới 46,15% cơ quan, doanh nghiệp cho biết đã từng bị tấn công mạng ít nhất 1 lần trong năm qua, trong đó 6,77% thường xuyên bị tấn công. Tổng số vụ tấn công mạng trong năm ước tính lên tới hơn 659.000 vụ. Theo báo cáo của Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), Bộ Công an, chỉ tính riêng các đơn vị trọng yếu đã có tới hơn 74.000 cảnh báo tấn công mạng, trong đó có 83 chiến dịch tấn công có chủ đích APT.

Cũng theo báo cáo, tấn công có chủ đích APT là hình thức tấn công phổ biến nhất năm 2024. Theo thống kê của Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, có tới 26,14% các vụ tấn công trong năm là tấn công APT sử dụng mã độc gián điệp nằm vùng.

Ngoài nguy cơ bị đánh cắp thông tin, dữ liệu, các cơ quan, doanh nghiệp còn phải đối mặt với mối đe dọa bị mã hoá dữ liệu tống tiền. Theo khảo sát, có tới 14,59% cơ quan, doanh nghiệp cho biết đã bị tấn công bằng mã độc ransomware trong năm qua. Đây là tỷ lệ đáng báo động bởi hình thức tấn công này rất nguy hiểm, mang tính “sát thương” cao. Khi đã bị mã hoá dữ liệu, không có cách nào để giải mã, hoạt động của cơ quan, doanh nghiệp bị gián đoạn, đặc biệt uy tín bị ảnh hưởng.

Hiệp hội An ninh mạng quốc gia khuyến cáo, để đảm bảo an ninh mạng, các tổ chức cần thực hiện rà soát lỗ hổng hệ thống thường xuyên, bao gồm việc quét và đánh giá toàn diện các ứng dụng, phần mềm và thiết bị mạng, đồng thời cập nhật các bản vá bảo mật kịp thời. Thực hiện giám sát an ninh mạng 24/7 để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường. Xây dựng và duy trì kế hoạch ứng phó sự cố rõ ràng, đảm bảo có phương án sao lưu và phục hồi dữ liệu định kỳ, giảm thiểu thiệt hại khi xảy ra sự cố.

Hàn Quốc hoàn tất thủ tục tống đạt hồ sơ xét xử luận tội Tổng thống

Chiều 23/12, Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc tổ chức họp báo công bố lập trường liên quan đến việc tống đạt hồ sơ xét xử luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol.

Tòa án cho biết dù đã 8 ngày trôi qua, Tổng thống Yoon vẫn chưa tiếp nhận hồ sơ. Vì vậy, cơ quan này coi thủ tục tống đạt đã hoàn thành vào thời điểm hồ sơ được gửi đến địa chỉ nhà riêng của Tổng thống qua đường bưu điện, có hiệu lực từ ngày 20/12.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Quyết định này được đưa ra nhằm tránh chậm trễ có thể ảnh hưởng đến lịch trình xét xử. Tòa án yêu cầu Tổng thống nộp bản giải trình vào ngày 27/12. Tuy nhiên, việc này không bắt buộc và phiên điều trần đầu tiên dự kiến được mở vào cùng ngày theo kế hoạch.

Trước đó, luật sư của Tổng thống Yoon Suk Yeol cho biết ông dự định tự trình bày lập trường trước Tòa án Hiến pháp. Vị luật sư khẳng định thân chủ của mình không kích động nổi loạn hay sử dụng bạo lực, do đó không đủ yếu tố cấu thành tội nổi loạn.

Tổng thống Yoon Suk Yeol bị đình chỉ nhiệm vụ từ ngày 14/12 sau khi Quốc hội thông qua nghị quyết luận tội ông, liên quan đến quyết định ban bố tình trạng thiết quân luật vào đêm 3/12. Theo quy định, Tòa án Hiến pháp có 180 ngày để ra phán quyết cuối cùng về việc phế truất hay phục chức cho ông.

Trong một diễn biến khác, ngày 23/12, Cơ quan Điều tra quan chức cấp cao về tham nhũng, cơ quan tiến hành điều tra riêng biệt, cho biết giấy triệu tập lần hai gửi Tổng thống đã bị trả lại với lý do "không rõ người nhận và từ chối nhận"./.