Lãnh đạo huyện Trà Bồng đến từng nhà vận động đồng bào dân tộc Cor xây dựng đời sống mới. 

Dấu ấn đổi mới phương thức lãnh đạo

Chủ trương đổi mới phương thức lãnh đạo làm mục tiêu, động lực phát triển đang trở thành dòng chảy xuyên suốt, nhất quán trong nguyên tắc lãnh đạo, chỉ đạo đối với hệ thống chính trị thời gian qua ở Đảng bộ huyện Trà Bồng.

Tinh thần chủ động, bám sát thực tiễn, lãnh đạo bằng đường lối, nghị quyết, chỉ thị là phương thức lãnh đạo cơ bản của Đảng đối với hệ thống chính trị, vì vậy Đảng bộ huyện chú trọng cải tiến việc ra nghị quyết, chỉ thị, kết luận, thông báo… theo hướng ngắn gọn, súc tích, có trọng tâm, trọng điểm, sát với tình hình thực tiễn; từng bước khắc phục tình trạng ban hành nhiều văn bản, hoặc chồng chéo, khó thực hiện.

Đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Trà Bồng chia sẻ, xác định yếu tố con người - cán bộ là nhân tố quyết định nên Đảng bộ huyện đổi mới phương thức lãnh đạo bằng công tác tổ chức, cán bộ. Yêu cầu đội ngũ cán bộ phải có số lượng, cơ cấu hợp lý, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ, phẩm chất, năng lực, có quyết tâm đổi mới, sáng tạo, có tâm huyết, khát vọng cống hiến. Từ đó thực hiện công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ đúng chủ trương, quy trình dân chủ, công khai, bảo đảm phương châm “mở” và “động”. Đồng thời, cấp ủy thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm trong công tác cán bộ, sắp xếp tinh gọn tổ chức, bộ máy, tinh giản biên chế, nhất là triển khai thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng, xây dựng tổ chức đảng và phát triển đảng viên.

Đảng bộ huyện Trà Bồng ban hành Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; Quy chế đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với nhân dân. Đồng chí Hồ Thị Vân, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện cho rằng, các quy định này đã góp phần phát huy vai trò, trách nhiệm, nêu gương, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ, đảng viên, xây dựng và củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong cấp ủy, đồng thuận trong xã hội, góp phần làm sâu hơn mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân và phương châm: “Đảng nói dân tin; Mặt trận, đoàn thể vận động dân theo; Chính quyền làm dân ủng hộ”.

Quan điểm thống nhất, xuyên suốt trong thảo luận, quyết định các chủ trương, chính sách đó là phát huy quyền làm chủ của nhân dân, lấy dân là gốc, làm trung tâm, đặt lợi ích, nguyện vọng của người dân lên trên hết, trước hết.

Nhận thức rõ việc cán bộ các cấp gần dân, sát dân là kênh hữu hiệu để nắm bắt, lắng nghe và chỉ đạo giải quyết những khó khăn, vướng mắc tại cơ sở. Từ đó, các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành, Ủy viên Ban Thường vụ chủ động xây dựng kế hoạch và thực hiện nghiêm túc chế độ sát địa bàn, dự sinh hoạt chi bộ tại nóc (làng, thôn). Đi cơ sở, dự sinh hoạt chi bộ khu dân cư vừa là nhiệm vụ, vừa là giải pháp nhằm đổi mới phương thức lãnh đạo, giúp cấp ủy nắm bắt đầy đủ, kịp thời tình hình từ mỗi nóc để từ đó có sự lãnh đạo, điều hành phù hợp với thực tế.

“Từ những việc làm đó, phương thức lãnh đạo, lề lối làm việc của cấp ủy các cấp được đổi mới theo hướng sâu sát cơ sở, nắm chắc thông tin, bàn bạc công khai, dân chủ; xác định kế hoạch, công việc, mục tiêu rõ ràng, cụ thể; công tác giám sát, kiểm tra trong chỉ đạo, điều hành được tăng cường”, Bí thư Đảng ủy xã Trà Thủy Lê Anh Chiến bày tỏ.

Có thể thấy dấu ấn rõ nét nhất trong đổi mới phương thức lãnh đạo thời gian qua của Đảng bộ huyện Trà Bồng là chủ trương, nghị quyết, văn bản… được xây dựng trên tinh thần dân chủ, được lấy ý kiến góp ý, phản biện của các cơ quan chuyên môn, khảo sát thực tế từ tổ chức đảng, đảng viên và nhân dân; nhận định rõ tình hình, dự báo được hiệu quả khi thực hiện; câu từ cụ thể, cô đọng, ngắn, gọn, rõ, đưa ra giải pháp khả thi trước khi trình cấp ủy quyết định.

 Khi nghị quyết, chỉ thị được ban hành, các đồng chí trong ban thường vụ, huyện ủy viên có trách nhiệm quán triệt, chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc thực hiện và sơ kết, tổng kết. Cùng với đó, công tác phổ biến, tuyên truyền các nghị quyết của Đảng được Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Phòng Văn hóa - Thông tin đẩy mạnh trên Đài Truyền thanh, zalo, facebook… theo phương châm “sớm nhất, nhanh nhất và sâu rộng nhất”. Qua đó, nhiều nghị quyết, chương trình, đề án quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội được triển khai mang lại kết quả rõ nét; nhiệm vụ, giải pháp được lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thông suốt, đồng bộ, linh hoạt.

Bí thư Huyện ủy Trà Bồng Nguyễn Văn Dũng (hàng đầu bên trái) kiểm tra tiến độ xây dựng nông thôn mới. 

Thành tựu từ quyết tâm, đồng lòng, dốc sức

Nhờ đổi mới phương thức lãnh đạo, hoạch định chủ trương, xác định giải pháp, lựa chọn hướng đi phù hợp nên bức tranh trên vùng cao Trà Bồng thời gian qua đã có những chuyển biến khá toàn diện, tiến những bước vững chắc.

Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Trần Hoàng Vĩnh cho biết, năm 2024, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Trà Bồng đã nỗ lực thực hiện đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đề ra. Tổng giá trị sản xuất khoảng trên 2.686.814 triệu đồng, đạt 101,4% kế hoạch, tăng 10,3% so với năm 2023. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 1.452 tỷ đồng, bằng 229% so với dự toán năm và 116% dự toán UBND tỉnh giao. Thêm 2 xã về đích nông thôn mới, nâng tổng số xã nông thôn mới lên 4 xã; số tiêu chí bình quân/xã ước đạt đến cuối năm 2024 là 14,6 tiêu chí, tăng bình quân 2 tiêu chí/xã.

Theo Trưởng Phòng Kinh tế - hạ tầng Nguyễn Thanh Tuấn, đến nay, điện lưới quốc gia đến 100% số xã với 99% hộ dân được sử dụng; 100% đường giao thông từ huyện về trung tâm xã được nhựa hóa; 92,4% tuyến đường từ xã về nóc được bê tông theo chuẩn nông thôn mới. Hệ thống thủy lợi ổn định nước tưới cho trên 82% diện tích ruộng lúa nước. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Trà Bồng giảm xuống còn khoảng 20% theo chuẩn mới, trung bình mỗi năm giảm 4 đến 5%. Đây được coi là dấu ấn nổi bật thời gian qua.

Trà Bồng được coi là xứ xở của cây quế. Từ bao đời nay, đồng bào dân tộc Cor sản xuất nhiều loại cây trồng, nhưng quế vẫn được coi là cây trồng chủ lực và là một trong những nguồn thu nhập chủ yếu. Toàn huyện hiện có 5.240ha quế. Quế được trồng trong vườn nhà, trên nương cao, dọc theo các triền núi, sông, suối... Vào mùa thu hoạch, hương quế ngào ngạt, thơm lừng theo gió bay xa… Không chỉ có vậy, cùng với chiêng, ché, nồi đồng, quế còn được xem là tiêu chuẩn để đánh giá sự giàu, nghèo của các gia đình người Cor.

Mặc dù hiện nay, do giá cả và đầu ra không ổn định nhưng người Trà Bồng vẫn quyết tâm “bám” cây quế, đầu tư mở rộng diện tích. Gia đình người Cor nào cũng trồng quế, hộ ít nhất cũng có vườn quế với vài trăm cây, có gia đình trồng đến hàng nghìn cây quế. Ông Hồ Văn Sinh ở xã Trà Thủy cho biết: Trước kia, cây quế chưa mang lại hiệu quả do canh tác chỉ mang tính tự phát. Gần đây, thực hiện chủ trương nâng cao giá trị cây quế, nhiều gia đình đã đầu tư, chăm sóc vườn quế theo hướng thâm canh tăng năng suất. Nhờ đó, nhiều hộ gia đình không những thoát được nghèo mà còn vươn lên làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.

Bên cạnh cây quế là chủ đạo, cây gừng, chè tiếp tục được tăng dày tại các xã Sơn Trà, Hương Trà, Trà Tây. Đang xúc tiến phát triển một số cây dược liệu đặc hữu như tam thất, sâm bảy lá, sả, sâm cau, đẳng sâm, thiên niên kiện, mật nhân... UBND tỉnh Quảng Ngãi đã cho phép sử dụng địa danh “Trà Bồng” và xác nhận bản đồ khoanh vùng sản xuất đăng ký bảo bộ nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm “Gừng sẻ”. Đặc biệt, sản phẩm quế Trà Bồng được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý.

Đã lộ rõ bước đi, cách làm trong hành trình đổi mới, hội nhập. Theo đó, Đảng bộ huyện Trà Bồng không chỉ xác định tăng trưởng kinh tế một cách đơn thuần mà còn phải gắn liền với xây dựng xã hội nhân ái, nghĩa tình trong từng chính sách, trong từng giải pháp căn cơ, khoa học. Công tác an sinh xã hội luôn luôn được chú trọng, các phong trào tương thân, tương ái tiếp tục được phát động rộng rãi và thực chất.

Trong hành trình dựng xây, kiến thiết, lấy đổi mới phương thức lãnh đạo làm động lực phát triển đã và đang trở thành dòng chảy xuyên suốt, nhất quán trên vùng đất quế Trà Bồng. Sự gương mẫu, nêu gương từ những người đứng đầu cấp ủy với phương châm “không kêu khó, chỉ bàn làm” đã lan tỏa, thu hút, “kéo” cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc vì một tiền đồ rộng mở…

Mỗi nghị quyết là một chủ trương sát hợp yêu cầu thực tiễn nên nhanh chóng bắt nhịp cùng cuộc sống và khơi dậy các nguồn lực trong tổ chức thực hiện. Bước đi, cách làm với tầm nhìn của đội ngũ cán bộ biết kiến tạo, lo cho dân đã và đang mang lại bước tiến đồng bộ, vững chắc cho Trà Bồng.

Đảng bộ huyện Trà Bồng luôn chú trọng chăm lo người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. 

Khai thác tiềm năng, nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội

Bí thư Huyện ủy Nguyễn Văn Dũng khẳng định: “Đảng bộ huyện đề ra mục tiêu phấn đấu đưa vùng đất phía Tây tỉnh Quảng Ngãi xứng đáng với quê hương Trà Bồng khởi nghĩa. Tập trung phát triển, khơi thông mọi nguồn lực, tiềm năng, dẫn dắt đồng bào các dân tộc thoát nghèo, làm giàu; đưa vùng quê cách mạng với trên 70% đồng bào dân tộc Cor phấn đấu tiến những bước vững chắc, toàn diện”.

Theo đồng chí Bí thư Huyện ủy, trong thời gian tới, huyện sẽ có nhiều chủ trương mới, tập trung thu hút đầu tư; chú trọng phát triển hạ tầng nông thôn, xây dựng thị trấn Trà Xuân thành đô thị loại IV. Tập trung lãnh đạo có trọng tâm, trọng điểm triển khai 3 nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, đó là: Phát triển các sản phẩm từ dược liệu, Bảo tồn văn hóa và Xây dựng đô thị.

"Trà Bồng tiếp tục đẩy mạnh phân công, phân cấp, phân quyền thực hiện công việc cho cán bộ, địa phương, đơn vị gắn với trách nhiệm của người đứng đầu. Tập trung thực hiện tốt khâu đột phá trong nêu gương. Cán bộ, công chức phải sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công, nhất là trong sắp xếp, tinh gọn bộ máy tới đây, không kén chọn vị trí công tác, chọn việc dễ, bỏ việc khó; tâm huyết, tận tụy, gương mẫu làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao”, đồng chí Bí thư Huyện ủy bày tỏ.

Những ngày cuối năm 2024, chúng tôi vượt chặng đường xa đến xã Trà Lãnh, nay được nhập vào xã Hương Trà nằm ở phía Nam núi Eo Chim - một địa danh lịch sử gắn với cuộc khởi nghĩa Trà Bồng. Dưới gốc quế già, già làng Hồ Văn Bốn, nguyên xã đội trưởng trong thời kỳ chống Mỹ nắm chặt tay chúng tôi, mừng mừng tủi tủi: “Người Cor quê mình nay đã đổi khác nhiều. Cán bộ sát dân, lo việc cho dân, mừng lắm…”.

Trong ngôi nhà nhỏ mới xây, ông đặt trang trọng ảnh Bác Hồ trên bàn thờ rồi lấy khăn cẩn thận lau những hạt bụi trên tấm ảnh Bác, nhẹ nhàng đặt lại trên nóc tủ, lấy 3 nén nhang thành khẩn thắp lên. Ông luôn tâm niệm, người Cor quê ông thật tự hào vì được mang họ của Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ kính yêu mà người Cor vừa vinh dự, vừa biết ơn từ trong sâu thẳm trái tim mình.

Trong dòng chảy của thời gian, tinh thần Trà Bồng quật khởi 65 năm qua kết tinh với truyền thống đoàn kết, niềm tin son sắt vào Đảng, Bác Hồ của người Cor trung dũng, kiên cường đã và đang viết tiếp trang sử hào hùng của thế hệ đi trước, tạo nên gạch nối sống động giữa quá khứ và hiện tại; vững tin về một Trà Bồng sáng tạo, đổi mới.

Rời đất quế Trà Bồng, theo mãi chúng tôi là hình ảnh những mầm xanh của keo, quế, chè, cây trái… mơn mởn, tươi non trải dài khắp núi rừng miền Tây Quảng Ngãi. Những bản làng xa thẳm chốn non cao từng chịu mưa bom bão đạn trên đỉnh Cà Đam đang được thay da đổi thịt từng ngày.

Cuộc trò chuyện về tương lai, tiền đồ của Trà Bồng cuốn mãi về chiều muộn... Bí thư Nguyễn Văn Dũng siết chặt tay chúng tôi như một lời cam kết, niềm tin, khát vọng về cuộc đổi đời sẽ nhanh đến với đồng bào các dân tộc trên vùng đất quế thân yêu./.