Thời gian gần đây, các thế lực phản động, thù địch thường xuyên tung
những chiêu bài mang danh “phân tích”, “phản biện”, “bình phẩm” xuyên tạc chủ
trương, đường lối đối ngoại - ngoại giao “cây tre Việt Nam”. Nhận diện và đấu
tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc trường phái ngoại
giao “cây tre Việt Nam”, chúng ta cần thực hiện tốt một số nội dung cụ thể sau:
Một là, trường phái ngoại giao “cây tre
Việt Nam” phù hợp với cách mạng Việt Nam cả về lý luận và thực tiễn, thể hiện sự
khoa học, ý chí, niềm tin và mong muốn của nhân dân Việt Nam. Người Việt Nam đã
trải qua các cuộc chiến tranh với những mất mát và đau thương to lớn. Vì thế,
càng hiểu và trân trọng giá trị của hòa bình, độc lập, tự do; hiểu và trân trọng
tinh thần tự lực, tự cường “đem sức ta mà giải phóng cho ta” từ các cuộc đấu
tranh giải phóng dân tộc vào công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Việt
Nam luôn phấn đấu vì một nền hòa bình cho toàn nhân loại, không có chủ trương
xâm phạm chủ quyền của bất kỳ quốc gia nào; luôn lựa chọn đứng về hòa bình, lẽ
phải, công lý, luật pháp Quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc. Thế nên, những
luận điệu xuyên tạc rằng ngoại giao “cây tre Việt Nam” là “ngoại giao đu dây”,
“không mang lại lợi ích cho nhân dân”... là phản khoa học, phiến diện, thấy cây
mà không thấy rừng.
Hai là, ngoại giao “cây tre Việt Nam” thể
hiện sự tiến bộ, phù hợp với dòng chảy của thời đại. Trên thực tế, trong xu thế
toàn cầu hóa, hợp tác và cạnh tranh diễn ra đan xen, mối quan hệ giữa các quốc
gia trên thế giới cũng có nhiều biến đổi khó lường. Trong bối cảnh đó, ngoại
giao “cây tre Việt Nam” xác định độc lập dân tộc, lợi ích Tổ quốc là “gốc”, là
nguyên tắc “bất biến”; linh hoạt, uyển chuyển để cân bằng, giữ vững mối quan hệ
hữu nghị, hợp tác với các quốc gia trên thế giới, để không bị rơi vào “vòng
xoáy” của bất cứ một quốc gia nào, để khẳng định vị thế quốc gia - dân tộc và
khẳng định những giá trị của hòa bình, công lý... là hoàn toàn phù hợp với bối
cảnh và tình hình mới. Vì vậy, những giọng điệu xuyên tạc, phê phán trường phải
ngoại giao “cây tre Việt Nam” là “lạc hậu”, “không thức thời”.... là hết sức
phi lý và phản động.
Ba là, ngoại giao “cây tre Việt Nam”
luôn khẳng định sức mạnh dân tộc là yếu tố quyết định, là “gốc vững” cho “thân”
và “cành” lớn mạnh. Trong bất kỳ khó khăn, thử thách nào cũng luôn bản lĩnh,
kiên định, can trường vì mục tiêu độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân
dân. Củng cố các quan hệ đa phương một cách uyển chuyển, linh hoạt, sáng tạo,
bình đẳng, hợp tác cùng có lợi. Vì thế, chắc chắn không phải là những hoạt động
“tầm gửi”, “ăn bám” - lợi dụng, phụ thuộc vào nước khác như các đối tượng phản
động rêu rao.
Bốn là, ngoại giao “cây tre Việt Nam”
mang bản sắc riêng của dân tộc Việt Nam; được kế thừa, đúc rút và phát huy từ
những giá trị truyền thống ngoại giao của dân tộc qua ngàn năm lịch sử, sự vận
dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, được lãnh đạo, sáng tập bởi lãnh tụ Hồ Chí
Minh vĩ đại và được phát triển, hoàn thiện trong suốt quá trình cách mạng của đất
nước. Điều đó thể hiện nét riêng có của dân tộc Việt Nam xuất phát từ mục tiêu
“Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, vì tự do, hạnh phúc của nhân
dân”. Hơn nữa, xét về nội hàm, đặc trưng, ngoại giao “cây tre Việt Nam” so với
các trường phái ngoại giao của nhiều nước trên thế giới, trong đó có ngoại giao
“cây sậy” của Thái Lan khác nhau hoàn toàn. Do đó, những gán ghép, ngụy biện rằng
“ngoại giao “cây tre Việt Nam” là “cóp nhặt” từ các nước khác” là hoàn toàn ấu
trĩ, suy diễn thiếu căn cứ nhằm mục đích xấu.
Năm là, ngoại giao “cây tre Việt Nam”
hoàn toàn nhất quán với quan điểm, đường lối, chính sách đối nội, đối ngoại của
Đảng và Nhá nước, trong đó có chính sách quốc phòng “4 không”, hoàn toàn không
có “mâu thuẫn” như giọng điệu xuyên tạc của các thành phần, thế lực phản động.
Trên tinh thần tích cực triển khai các hoạt động hội nhập quốc tế, đảm bảo quyền
lợi giữa các bên, ngoại giao “cây tre Việt Nam” luôn đảm bảo phương châm chủ động,
tỉnh táo, không mơ hồ, mất cảnh giác, không bị áp đặt; hội nhập kinh tế, văn
hóa gắn liền với bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền đất nước, giữ vững an ninh
- quốc phòng. Đó là sự thống nhất giữa “độc lập, tự chủ” với “đa phương hóa, đa
dạng hóa các mối quan hệ”. Đó cũng chính là vai trò tiên phong của đối ngoại
trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, huy động các nguồn
lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước.
Chính sách quốc phòng “4 không” cũng thể hiện quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà
nước ta là nhằm mục đích bảo vệ hòa bình, giữ gìn độc lập dân tộc, bảo vệ Tổ quốc
từ sớm, từ xa... chứ hoàn toàn không phải là “theo chủ nghĩa dân tộc vị kỷ, hẹp
hòi”.
Trong thời gian tới, chắc chắn các thế lực phản động và thành phần
thù địch, bất mãn sẽ không ngừng tung ra những luận điệu xuyên tạc, chống phá
tinh vi, nham hiểm hơn về đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, trong đó
có trường phái ngoại giao “cây tre Việt Nam”. Do vậy, toàn Đảng, toàn quân,
toàn dân ta cần khôn ngừng nâng cao nhận thức, tiếp tục phát huy mạnh mẽ bản sắc
ngoại giao “cây tre Việt Nam” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những
thành tựu về hoạt động đối ngoại là minh chứng rõ nhất củng cố niềm tin của
nhân dân với Đảng, Nhà nước cũng như đập tan mọi luận điệu xuyên tạc. Chắc chắn,
ngoại giao “cây tre Việt Nam” sẽ tiếp tục phát huy vai trò và đem lại những
thành tựu quan trọng trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc,
phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh, sánh vai với các cường quốc năm châu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét