Thứ Ba, 7 tháng 1, 2025

VỀ TRIẾT LÝ ĐƯỜNG LỐI NGOẠI GIAO “CÂY TRE VIỆT NAM”

Ngoại giao “Cây tre Việt Nam” được khái quát hóa từ biểu tượng cây tre “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển”; thể hiện triết lý, phương pháp luận và phương châm chỉ đạo của ngoại giao Việt Nam.

Về mặt cơ sở lý luận, đường lối ngoại giao “Cây tre Việt Nam” dựa trên mối quan hệ biện chứng giữa đối nội và đối ngoại, xuất phát từ nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh và truyền thống, bản sắc ngoại giao, văn hóa dân tộc. Đường lối đối ngoại của Việt Nam được Đại hội XIII của Đảng thống nhất về nhận thức và quyết tâm là: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hữu nghị hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại, đảm bảo cao nhất lợi ích quốc gia dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc, bình đẳng, hợp tác cùng có lợi, kết hợp sức mạnh dân tộc, sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Việt Nam là bạn là đối tác tin cậy và thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”. Theo đó, Đại hội XIII của Đảng đã xác định ngoại giao là một “mặt trận”, giữ vai trò “tiên phong”, tạo dựng môi trường quốc tế thuận lợi để xây dựng, phát triển đất nước, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước Việt Nam; ngăn ngừa nguy cơ xung đột, chiến tranh, “bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa”... Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng vững chắc của quan điểm và chính sách đối ngoại của Đảng ta, trong đó có trường phái ngoại giao “cây tre Việt Nam”. Để giải quyết đúng đắn vấn đề dân tộc và giai cấp, quốc gia và quốc tế, việc đứng vững trên lập trường của Chủ nghĩa Mác - Lênin là một yêu cầu có tính nguyên tắc. Cùng với nhận thức sâu sắc cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới; ngoại giao là một trong những mặt trận quan trọng để giành và giữ hòa bình, nội dung cốt lõi trong tư tưởng Hồ Chí Minh về đối ngoại - ngoại giao là: Độc lập tự chủ, tự cường gắn với đoàn kết quốc tế và mở rộng hợp tác quốc tế. Theo đó, trí tuệ và đường lối sáng suốt của Đảng, nền tảng sức mạnh đoàn kết của toàn dân kết hợp với sức mạnh thời đại là cội nguồn tạo nên những thành tựu vẻ vang trên mặt trận đối ngoại.

Về cơ sở thực tiễn, đường lối ngoại giao “Cây tre Việt Nam” là phù hợp với điều kiện đặc thù của Việt Nam và đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong lịch sử cũng như giai đoạn hiện nay. Lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta cho thấy, các hoạt động đối ngoại - ngoại giao luôn được coi trọng và gắn kết chặt chẽ với hoạt động quân sự. Trong đó nổi bật là phương châm “đem đại nghĩa thắng hung tàn”, “công tâm” - “đánh vào lòng người, không đánh mà thắng”... Trong mọi giai đoạn lịch sử, hoạt động ngoại giao của Việt Nam, nhất là đối với các quốc gia láng giềng luôn được coi trọng nhằm giữ yên bờ cõi, tạo sự hòa hiếu. Truyền thống tốt đẹp của ngoại giao Việt Nam là hòa bình, hữu nghị, độc lập, tự chủ, bảo vệ lợi ích quốc gia, bản sắc văn hóa, danh dự dân tộc. Đó là nền ngoại giao linh hoạt, kết hợp hài hòa giữa tính nguyên tắc và sách lược mềm dẻo, kết hợp chặt chẽ giữa mặt trận ngoại giao, mặt trận chính trị và mặt trận quân sự. Những tinh hoa của ngoại giao Việt Nam bắt nguồn từ chiều sâu bản sắc văn hóa của dân tộc; đồng thời, là sản phẩm của một quốc gia có vị trí địa chiến lược về chính trị, kinh tế, quân sự đặc biệt quan trọng của khu vực. Với tư tưởng ngoại giao chủ động, linh hoạt, mềm dẻo, kết hợp “cương với nhu” trên cơ sở giữ vững tính nguyên tắc đã giúp dân tộc ta bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Chúng ta đã kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh quân sự với đấu tranh ngoại giao; giữ đúng “lễ” với “binh”, “biết mình, biết người” cả trước và sau chiến tranh, nhằm đạt mục tiêu cao nhất trong công tác - hoạt động ngoại giao Việt Nam là: giành và giữ độc lập dân tộc, nâng cao vị thế của đất nước.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét