Thứ Năm, 16 tháng 1, 2025

Củng cố niềm tin của đồng bào các dân tộc vào các chính sách của Đảng, Nhà nước

 Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước và các cấp, các ngành luôn quan tâm giải quyết vấn đề nhà ở cho nhân dân, nhất là các hộ nghèo tại vùng đồng bào DTTS&MN - nơi được coi là “lõi nghèo”, khu vực có số lượng nhà tạm, nhà dột nát chiếm tỷ lệ cao của cả nước.

Theo thống kê khi xây dựng Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ 2021-2025 (gọi tắt là Chương trình) vào tháng 5/2020, cả nước có 18.338 hộ nghèo là người DTTS và dân tộc Kinh sinh sống ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn chưa có nhà ở hoặc nhà ở bị dột nát, hư hỏng cần được hỗ trợ. Do vậy, Chương trình đã đặt mục tiêu đến hết năm 2025, giải quyết xong vấn đề nhà ở với tiêu chí “3 cứng” (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng), đảm bảo cho các đối tượng thuộc diện được hỗ trợ có nhà ở an toàn, ổn định, có khả năng chống chịu tác động của thiên tai, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững. Tổng nguồn vốn dự kiến của nội dung hỗ trợ nhà ở là trên 733 tỷ đồng, từ nguồn vốn đầu tư của Dự án 1 trong Chương trình.

Ban đầu, việc triển khai Dự án 1 gặp một số vướng mắc về định mức, cơ chế. Sau đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành tích cực tháo gỡ. Theo đó, ngày 23/2/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 04/QĐ-TTg về mức hỗ trợ và cơ chế hỗ trợ sử dụng vốn đầu tư công để thực hiện một số nội dung thuộc Dự án 1 và Tiểu dự án 1, Dự án 4 của Chương trình. Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ngân sách Trung ương hỗ trợ tối đa 40 triệu đồng/hộ, ngân sách địa phương hỗ trợ tối thiểu 4 triệu đồng/hộ để xây dựng một căn nhà theo phong tục, tập quán của địa phương, bảo đảm “3 cứng”. Ngoài nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương và bố trí từ ngân sách địa phương, các tỉnh, thành phố huy động thêm các nguồn vốn hợp pháp để thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở, bảo đảm hoàn thành các mục tiêu của Chương trình.

Bên cạnh đó, tại Nghị định số 28/NĐ-CP ngày 26/4/2022 của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình, các gia đình còn có thể vay vốn ưu đãi với mức lãi suất bằng 50% lãi suất cho hộ nghèo vay theo quy định hiện hành với thời gian tối đa 15 năm từ Ngân hàng Chính sách xã hội là 40 triệu đồng, đồng thời, tự cân đối một phần vốn (khoảng 15% tổng số vốn xây dựng) để làm ngôi nhà đạt chuẩn theo quy định. Nghị định số 38/NĐ-CP ngày 24/6/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 27/NĐ-CP ngày 19/4/2022 quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia cho phép áp dụng cơ chế đặc thù: “Sử dụng vốn đầu tư công để hỗ trợ trực tiếp bằng tiền, theo định mức cho một số đối tượng chính sách thuộc nội dung đầu tư của chương trình mục tiêu quốc gia để tự thực hiện đầu tư, không quản lý theo hình thức dự án đầu tư. Tài sản hình thành sau đầu tư không là tài sản công”. Việc hỗ trợ giải quyết nhà ở trong Chương trình được hưởng cơ chế đặc thù này.

Khi các vướng mắc được tháo gỡ, các địa phương đã có đầy đủ hành lang pháp lý để tổ chức thực hiện. Theo báo cáo tổng hợp của Ủy ban Dân tộc, tính đến hết tháng 11/2024, cả nước đã hỗ trợ được 28.965 ngôi nhà cho các hộ nghèo người DTTS, người Kinh sinh sống ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS&MN chưa có nhà ở hoặc nhà ở bị dột nát, hư hỏng, đạt 158% so với kế hoạch đầu giai đoạn, hoàn thành sớm mục tiêu ban đầu đề ra của Chương trình. Toàn bộ nguồn vốn trên 733 tỷ đồng đầu tư cho nội dung hỗ trợ nhà ở đã được các địa phương giải ngân hết; đồng thời, điều chỉnh, bổ sung 385,52 tỷ đồng cho 9.638 hộ xây dựng nhà ở theo quy định tại Nghị quyết số 111/2024/QH15 ngày 18/1/2024 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Chúng tôi gặp Trưởng bản Lường Văn Tuân và được biết, bản Kéo, xã Chiềng Sơ, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên có 143 hộ, là bản thuần người Xinh Mun. Đa số các hộ dân trong bản là hộ nghèo, vì diện tích đất sản xuất vừa ít, vừa dốc nên chỉ trồng được ngô, sắn và một vụ lúa nương; trâu, bò cũng ít. Khi đang còn phải vật lộn với cái ăn hằng ngày thì mong mỏi có một căn nhà kiên cố, khang trang có lẽ là ước mơ xa vời với gia đình chị Lò Thị Quyển cùng các hộ nghèo trong bản.

Trong khó khăn mới thấu tỏ giá trị của chính sách hỗ trợ nhà ở từ nguồn vốn của Chương trình. Được Nhà nước hỗ trợ 40 triệu đồng, cộng với phần gỗ đã tích lũy từ trước, cùng sự chung tay giúp đỡ ngày công của cộng đồng, dòng họ, gia đình chị Quyển chỉ phải vay thêm 40 triệu đồng để hoàn thành căn nhà gỗ khang trang theo phong tục của người Xinh Mun đủ chỗ ở cho 8 khẩu, 3 cặp vợ chồng từ nay không còn lo cảnh dột về mùa mưa, lạnh về mùa Đông như trước nữa. Hạnh phúc trong căn nhà mới, cả gia đình cùng bảo nhau chịu khó làm ăn để sớm trả hết nợ nần, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Niềm hạnh phúc của gia đình chị Quyển và gần 29.000 hộ khác là minh chứng cho thành tựu đột phá đạt được trong thực hiện mục tiêu hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo là người DTTS và người Kinh ở xã, thôn đặc biệt khó khăn; đồng thời tạo ra động lực, khí thế mới để các địa phương bắt tay vào thực hiệdân ton nhiệm vụ này trong năm 2025. Theo tổng hợp của Ủy ban Dân tộc, năm nay, Chương trình dự kiến hỗ trợ 11.323 hộ nghèo xây mới nhà ở. Như vậy, tính cả giai đoạn 2021 - 2025, sẽ hỗ trợ được 40.288 hộ về nhà ở, đạt 219% mục tiêu đề ra.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét