Từ xa xưa, đồng bào các DTTS và miền núi đã có thói quen uống rượu. Vui cũng uống rượu, buồn cũng uống rượu, từ việc ma chay, hiếu hỷ, phiên chợ, lễ hội, ngay cả khi kết thúc buổi lên nương, ra đồng của bà con đều dùng đến rượu. Có thể nói, rượu từ lâu đã trở thành người bạn đồng hành, uống rượu là thói quen không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt của người dân vùng cao.
Thực tế, tỷ lệ sử dụng rượu ở cả nam và nữ của bà con đồng bào DTTS chiếm đến 80%, cao hơn mức trung bình cả nước. Tỷ lệ trẻ hóa người uống rượu, nghiện rượu cũng không ngừng tăng lên theo cấp số nhân. Thói quen uống rượu bừa bãi không chỉ gây thiệt hại về kinh tế cho gia đình, làm tổn thương người thân, ảnh hưởng trật tự bản làng do chửi bới, đánh, cãi nhau, mà còn gây ra những căn bệnh liên quan đến rượu và những cái chết thương tâm do bệnh tật, tai nạn giao thông.
Làm thế nào để người dân hiểu được tác hại của rượu? Làm thế nào để họ loại bỏ đi những phong tục có hại cho sức khỏe này? Hiện nay, từ ý thức, thói quen, tập quán sử dụng thực phẩm của bà con DTTS, cũng như công tác quản lý chất lượng thực phẩm, nhất là các loại rượu tự nấu của ngành chức năng còn nhiều hạn chế, dẫn tới nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm tập thể ở vùng đồng bảo DTTS vẫn còn cao. Và mặc dù công tác tuyên truyền đã được đẩy mạnh, song do nhận thức của người dân còn hạn chế; thêm vào đó, rượu đã trở thành thói quen sinh hoạt, ăn sâu vào tiềm thức của người dân nên vẫn xảy ra những cái chết đau lòng vì rượu.
Trước những tác hại từ rượu gây ra, thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm khắc, mạnh tay hơn nữa với các hành vi buôn bán rượu lậu, rượu giả, rượu kém chất lượng. Ngoài bị xử phạt hành chính, khi xem xét về mức độ, tính chất, hành vi, hậu quả của việc bán rượu giả, thì người vi phạm có thể bị xử lý hình sự về tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm" được quy định tại Điều 193 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, thay đổi thói quen đã ăn sâu vào tiềm thức của họ, trong đó có vai trò quan trọng của già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo... trong tuyên truyền, vận động. Có như vậy, ngộ độc rượu mới được quan tâm đúng mức, ngăn chặn kịp thời, tránh xảy ra những hệ lụy, rủi ro, hay những cái chết oan uổng vì rượu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét