Thứ Ba, 7 tháng 1, 2025

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng lối sống mới của sinh viên các trường đại học ở đồng bằng sông Cửu Long hiện nay.

 Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam giành độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội, Hồ Chí Minh rất quan tâm xây dựng lối sống mới trong các giai tầng xã hội để phù hợp với một xã hội mới tốt đẹp, văn minh, đồng thời là động lực thúc đẩy sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Người đã xây dựng hệ thống quan điểm về mục đích, chủ thể, đối tượng, nội dung, biện pháp, nhằm xây dựng lối sống mới của người dân Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ, “chủ nhân tương lai” của nước nhà. Bài viết phân tích những nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng lối sống mới của thanh niên và sự vận dụng trong xây dựng lối sống mới của sinh viên các trường đại học ở đồng bằng sông Cửu Long hiện nay.

Trường Đại học Tây Đô hình ảnh 1
Sinh viên trường Đại học Tây Đô _Ảnh: IT

1. Mở đầu

Theo Hồ Chí Minh, xây dựng lối sống mới của người dân, trong đó có thanh niên, là một yêu cầu quan trọng khi nước nhà giành được độc lập và thực hiện xây dựng xã hội mới. Ngay trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ (ngày 3-9-1945), Người đã chỉ rõ: “Chế độ thực dân đã đầu độc dân ta với rượu và thuốc phiện. Nó đã dùng mọi thủ đoạn hòng hủ hóa dân tộc chúng ta bằng những thói xấu, lười biếng, gian giảo, tham ô và những thói xấu khác”(1). Từ đó, Người xác định: “Chúng ta có nhiệm vụ cấp bách là phải giáo dục lại nhân dân chúng ta. Chúng ta phải làm cho dân tộc chúng ta trở nên một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động, một dân tộc xứng đáng với nước Việt Nam độc lập”(2). Xây dựng lối sống mới nhằm khắc phục lối sống lạc hậu trong xã hội cũ và tiến đến xây dựng lối sống văn minh, tiến bộ của mỗi cá nhân, tập thể và toàn xã hội.

Trong Di chúc, Người dặn lại: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết(3); xây dựng lối sống mới của thanh niên để họ trở thành lực lượng vừa “hồng” vừa “chuyên”, kế tục xứng đáng sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của thế hệ cha anh, là nhiệm vụ rất quan trọng, là trách nhiệm của Đảng, Chính phủ, các tổ chức đoàn thể và toàn xã hội.

2. Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng lối sống mới của thanh niên

Với cách nhìn biện chứng, Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, bản thân thanh niên, với vai trò là những chủ nhân của nước nhà trong tương lai, cần nêu cao tinh thần tự giáo dục, không ngừng xây dựng, hoàn thiện lối sống tốt đẹp trên các phương diện: lao động sản xuất, học tập, sinh hoạt, ứng xử… Trong bài nói chuyện tại Đại hội thanh niên tích cực lao động xã hội chủ nghĩa (17-3-1960), Người yêu cầu thanh niên phải thật xứng đáng là người chủ tương lai của một nước xã hội chủ nghĩa. Muốn vậy, thanh niên cần: “Phải thấm nhuần đạo đức cách mạng tức là khiêm tốn, đoàn kết, thực hành chủ nghĩa tập thể, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, người tiên tiến thì giúp đỡ người kém, người kém phải cố gắng để tiến lên, ra sức cần kiệm xây dựng nước nhà. Phải nghiêm khắc chống chủ nghĩa cá nhân như tự tư, tự lợi, tự kiêu tự mãn, chỉ tham việc gì có danh tiếng, xem khinh những công việc bình thường. Phải chống tham ô, lãng phí. Phải cố gắng học hỏi để không ngừng nâng cao trình độ chính trị, văn hóa và kỹ thuật để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân”(4).

Hồ Chí Minh khuyên thanh niên phải lao động tích cực với tinh thần “không có việc gì khó”, phải xem “lao động là sự nghiệp quang vinh, vẻ vang, vui thú và anh dũng(5) và “Lao động là một nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi người công dân đối với Tổ quốc. Ai cũng phải tùy khả năng mình mà tự nguyện tự giác tham gia lao động, góp phần xây dựng nước nhà”(6). Sự tích cực trong lao động chính là biểu hiện của lối sống văn minh, tiến bộ, là biểu hiện sinh động của tinh thần yêu nước, cần, kiệm, liêm, chính.

Trong học tập, Người cho rằng, thanh niên phải học tập với tinh thần của V.I. Lênin: “Học, học nữa, học mãi”, bởi lẽ chỉ có say mê học tập với phương pháp đúng đắn, “lấy tự học làm cốt”, thanh niên mới có đủ phẩm chất và năng lực làm chủ bản thân, làm chủ xã hội và làm chủ thiên nhiên.

Trong xây dựng lối sống mới, Hồ Chí Minh yêu cầu thanh niên phải thực hành lối sống lành mạnh về sinh hoạt như: ăn, mặc, ở, đi lại, làm việc. Các hoạt động này phải làm sao cho văn minh, tiến bộ, nhưng cũng phải hết sức giản dị, tiết kiệm để phục vụ nước nhà. Người nhiều lần phê bình hiện tượng chè chén lu bù, chẳng những gây tốn kém, lãng phí thì giờ và tiền bạc, mà còn hại đến sức khỏe của thanh niên. Đồng thời, Người cũng rất lưu ý xây dựng lối sống mới trong sinh hoạt chính trị, văn hóa, để phát huy tính tích cực chính trị và tạo ra sự phong phú trong đời sống tinh thần của thanh niên.

Theo Hồ Chí Minh, ứng xử là vấn đề rất khó, thể hiện trình độ và văn hóa của con người. Hồ Chí Minh yêu cầu mỗi thanh niên phải xây dựng cho mình lối ứng xử văn minh, trước hết là trong ứng xử với chính mình, phải tự cải tạo bản thân, tự phê bình, tự tu dưỡng, bởi mỗi người tốt thì xã hội sẽ tốt. Còn trong ứng xử với mọi người, “nên thành thực, thân ái, sẵn lòng giúp đỡ”(7), “phải hăng hái làm gương”(8), thực hành đức khoan dung độ lượng, thấu hiểu, không cố chấp hay định kiến trước những khác biệt với mình.

Trong ứng xử với môi trường, mỗi người phải có ý thức bảo vệ, giữ gìn và tái tạo môi trường sống. Người nhắc lại câu nói của C.Mác: “Người cộng sản hiểu biết thiên nhiên để buộc thiên nhiên phục vụ hạnh phúc loài người và hiểu biết xã hội để cải tạo xã hội cũ, xấu xa, thành một xã hội mới tốt đẹp, một xã hội cộng sản”(9). Chỉ có như thế mới giúp con người có được môi trường sống trong lành, bền vững và sức khỏe bảo đảm.

Để xây dựng lối sống mới trong thanh niên, Hồ Chí Minh đề ra các biện pháp cơ bản. Đó là:

Một là, tổ chức tuyên truyền, giải thích để thanh niên hiểu rõ về sự cần thiết phải xây dựng lối sống mới. Hồ Chí Minh cho rằng: “Tất cả chúng ta đều sinh trưởng trong xã hội cũ dưới sự thống trị của đế quốc phong kiến. Mọi người chúng ta dù muốn hay không muốn đều bị thói xấu của đế quốc phong kiến truyền vào người. Vì vậy, ai cũng có khuyết điểm, không nhiều thì ít”(10). Do đó, cần phải kiên trì tuyên truyền, giải thích cho thanh niên đến khi hiểu rõ và thực hành được lối sống mới. Trong tuyên truyền, giải thích cho thanh niên, Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh việc nêu gương “người tốt, việc tốt” trong xã hội và chính trong lực lượng thanh niên. Người viết: “Thanh niên phải xung phong làm gương mẫu trong công tác, trong học hỏi, trong tiến bộ, trong đạo đức cách mạng”(11).

Hai là, phải kế thừa lối sống tốt đẹp của dân tộc và tiếp thu lối sống tiến bộ của các dân tộc khác trên thế giới. Hồ Chí Minh đã nêu quan điểm phương pháp luận rằng: Không phải cái gì cũ cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng làm mới. Cái gì cũ mà xấu, thì phải bỏ. Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý. Cái gì cũ mà tốt, thì phải phát triển thêm. Làm thế nào cho đời sống của dân ta, vật chất được đầy đủ hơn, tinh thần được vui mạnh hơn(12). Do đó, phải biết chắt lọc, tiếp thu những giá trị truyền thống tốt đẹp trong lối sống của dân tộc và tinh hoa trong lối sống của nhân loại để xây dựng đời sống ngày càng tốt đẹp hơn.

Ba là, phát huy vai trò của giáo dục và đào tạo. Theo Hồ Chí Minh, giáo dục có vai trò to lớn trong việc hình thành nhân cách con người. Người cho rằng: “Hiền, dữ phải đâu là tính sẵn/ Phần nhiều do giáo dục mà nên”(13). Một chương trình giáo dục toàn diện sẽ góp phần quan trọng xây dựng lối sống mới cho thanh niên. Bởi vậy, phát huy vai trò của giáo dục và đào tạo là một tất yếu, vì sẽ rất khó để hình thành lối sống văn minh, tiến bộ nếu trình độ dân trí nói chung và của thanh niên nói riêng mãi thấp kém.

Bốn là, phát huy vai trò của pháp luật. Theo Hồ Chí Minh, thực hiện điều này nhằm từng bước hình thành cho nhân dân mà nhất là thế hệ trẻ hệ thống tri thức về pháp luật và thói quen sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật. Hồ Chí Minh nhắc nhở: “Chế độ bây giờ khác xã hội phong kiến trước, nếu vẫn còn xảy ra đánh vợ thì các cô và thanh niên phải đấu tranh chống lại, các cô và các cháu thanh niên có pháp luật trong tay”(14). Khi đã có thói quen sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật, thanh niên sẽ có nhu cầu học tập, hiểu biết pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích của mình và của người khác tốt hơn, cũng như tham gia vào hoạt động quản lý và kiểm soát nhà nước theo luật định.

Năm là, chú trọng khơi dậy, phát huy ý thức tự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của thanh niên. Theo Hồ Chí Minh, phải thường xuyên khơi dậy ý thức tự tu dưỡng, tự rèn luyện của thanh niên để họ trở thành người vừa có đức, có tài. Thanh niên phải trả lời cho kỳ được câu hỏi: “Mình đã làm gì cho nước nhà? Mình phải làm thế nào cho ích lợi nước nhà nhiều hơn? Mình đã vì lợi ích nước nhà mà hy sinh phấn đấu chừng nào?”(15). Người còn nói: “Thanh niên bây giờ là một thế hệ vẻ vang, vì vậy cho nên phải tự giác tự nguyện mà tự động cải tạo tư tưởng của mình để xứng đáng với nhiệm vụ của mình”(16). Việc khơi dậy, phát huy ý thức tự giác của thanh niên sẽ giúp thế hệ thanh niên thấy rõ hơn trách nhiệm của mình và theo đuổi những giá trị cao quý để cống hiến và phụng sự. Từ đó, thanh niên sẽ trưởng thành và sống tốt hơn với mình, với người, với việc bằng trí tuệ, trách nhiệm, tình thương và sự khiêm tốn, giản dị…

Sáu là, phát huy vai trò của Đoàn Thanh niên trong việc tập hợp và giáo dục đoàn viên, thanh niên. Đoàn với sứ mệnh là “trường học xã hội chủ nghĩa” của thanh niên, thông qua các phong trào thi đua yêu nước sôi nổi và thiết thực sẽ tạo ra môi trường tốt để thanh niên rèn luyện, góp phần nâng cao nhận thức, lẽ sống và định hướng hành động đẹp. Do vậy, Hồ Chí Minh yêu cầu: “Trung ương Đoàn cần phải tăng cường hơn nữa việc giáo dục tinh thần yêu nước, giác ngộ giai cấp và đạo đức cách mạng cho đoàn viên và thanh niên”(17).

Những chỉ dẫn nêu trên của Hồ Chí Minh là nền tảng định hướng cho công tác xây dựng lối sống mới của thanh niên, trong đó có sinh viên, góp phần xây dựng lối sống mới trong xã hội hiện nay.

3. Xây dựng lối sống mới của sinh viên các trường đại học ở đồng bằng sông Cửu Long theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Khu vực đồng bằng sông Cửu Long có 17 trường đại học được thành lập và đang hoạt động với 160.653 sinh viên(18), chiếm tỷ lệ 8,42% tổng số sinh viên đại học cả nước. Sinh viên các trường đại học ở đồng bằng sông Cửu Long có những đặc điểm chung của sinh viên Việt Nam, đồng thời họ cũng mang những đặc trưng riêng, như đa số xuất thân từ nông dân, nông thôn, sống nghĩa tình, thẳng thắn, thích ứng nhanh với văn hóa, môi trường. Tuy nhiên, trong họ vẫn còn tồn tại một số hạn chế, rất dễ dẫn đến sự lệch chuẩn về đạo đức, lối sống nếu không được định hướng kịp thời.

Trên nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng lối sống mới của thanh niên, trong thời kỳ đổi mới, Đảng và Nhà nước đã ban hành những văn bản quan trọng chỉ đạo việc xây dựng lối sống mới của thanh niên nói chung, thanh niên sinh viên nói riêng, như Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24-3-2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý luận cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015-2030; Quyết định số 1299/QĐ-TTg ngày 03-10-2018 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025”; Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 04-12-2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên; Quyết định số 1895/QĐ-TTg ngày 11-11-2021 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt chương trình Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021-2030. Quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh, thành trong khu vực, các trường đại học ở đồng bằng sông Cửu Long đã tích cực chỉ đạo, tổ chức xây dựng lối sống mới trong sinh viên bằng những chương trình, kế hoạch cụ thể, mang lại những kết quả tích cực.

Từ số liệu điều tra xã hội học thực hiện vào tháng 4-2024, với 436 sinh viên tại 6 trường đại học ở đồng bằng sông Cửu Long: Trường Đại học Cần Thơ (79 sinh viên), Trường Đại học Kiên Giang (53 sinh viên), Trường Đại học Trà Vinh (82 sinh viên), Trường Đại học Bạc Liêu (51 sinh viên), Trường Đại học Cửu Long (74 sinh viên), Trường Đại học An Giang (121 sinh viên), cho thấy có những điểm đáng chú ý:

Một là, lối sống của sinh viên trong lao động, học tập ngày càng có chiều hướng tích cực.

Trong lao động, được sự giáo dục của nhà trường về sự tôn trọng đối với lao động, tác phong lao động đúng đắn; biết yêu quý và giữ gìn sản phẩm do lao động tạo ra; rèn luyện kỷ luật, kỹ năng trong lao động; tiết kiệm trong tiêu dùng… nên đa số sinh viên nhận thức đúng đắn về sự cần cù, tiết kiệm, sáng tạo và lao động hiệu quả. Vì vậy, có 93,7% sinh viên mong muốn ra trường có cuộc sống lao động tự lập bằng chính sức lao động của mình. Đồng thời, có 42,6% sinh viên tham gia làm thêm để phụ giúp gia đình, trang trải cuộc sống và có 60,5% sinh viên tự nhận mình tự giác trong lao động. Bên cạnh đó, có 65,7% sinh viên có mong muốn tham gia hoạt động khởi nghiệp khi còn đang học tại trường. Đây là những kết quả tích cực trong quá trình xây dựng ý thức trong lao động, định hướng nghề nghiệp cho sinh viên các trường đại học ở đồng bằng sông Cửu Long.

Trong học tập, với phương châm tạo điều kiện, môi trường tốt nhất cho sinh viên trong quá trình học tập, các trường đã tăng cường công tác giáo dục tri thức, thành lập các câu lạc bộ học thuật, tổ chức các hội thảo, tọa đàm về phương pháp học tập, nghiên cứu khoa học. Nhờ đó, sinh viên xác định được mục đích và thái độ học tập ngày càng tốt hơn. Có 72% sinh viên cho rằng học là để cống hiến, phục vụ cho xã hội. Từ việc nhận thức đúng đắn, có 55,7% sinh viên có thời gian tự học từ 2-4 giờ và 14,3% có thời gian tự học trên 4 giờ ngoài thời gian học chính khóa.

Đặc biệt, khảo sát cho thấy, sinh viên các trường đại học ở đồng bằng sông Cửu Long có biểu hiện tích cực trong học tập như: 82,2% thực hiện tốt yêu cầu của giảng viên, 75,4% đi học đầy đủ, đúng giờ. Sinh viên cũng đã từng bước mạnh dạn hơn trong nghiên cứu khoa học. Nhiều công trình nghiên cứu của sinh viên đã đạt những giải thưởng cao. Đây là bước khởi đầu để các em trở thành những nhà khoa học trong tương lai.

Hai là, lối sống, sinh hoạt của sinh viên nhìn chung là lành mạnh và ngày càng được nâng cao.

Trong sinh hoạt cá nhân, do mức sống của khu vực ngày càng được nâng lên nên sinh viên cũng có điều kiện nâng cao chất lượng cuộc sống, điều kiện ăn ở, sinh hoạt được cải thiện, đồng thời vẫn giữ được tính chân chất, mộc mạc, giản dị của con người đồng bằng sông Cửu Long.

Trong sinh hoạt chính trị - xã hội, sinh viên đã tích cực tham gia các hoạt động như: “Thanh niên tình nguyện”, “Tuổi trẻ sáng tạo”, “Tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc”, cùng các phong trào: “Xuân tình nguyện”, “Mùa hè xanh”, “Tuổi trẻ xung kích đi đầu trong chuyển đổi số”… do Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên tổ chức. Những hoạt động ý nghĩa ấy đã khơi dậy khát vọng cống hiến, lẽ sống cao đẹp của sinh viên. Do vậy, có 81,8% sinh viên tự nguyện và mong muốn được tham gia các hoạt động xã hội. Đây là hiệu ứng tích cực trong lối sống, nó phá vỡ tính thụ động, khép kín của sinh viên đa phần xuất thân từ nông dân, nông thôn. Đặc biệt, đa số sinh viên các trường đại học ở khu vực quan tâm đến những vấn đề hiện nay của đất nước, có 79,2% sinh viên có mong muốn đứng vào hàng ngũ của Đảng.

Cùng với đó, việc thực hiện trách nhiệm công dân của sinh viên cũng khá tốt. Ở mức độ thường xuyên, có 77% sinh viên thực hiện trách nhiệm bảo vệ Đảng, Bác Hồ, chế độ chính trị; 70% sinh viên thực hiện trách nhiệm bảo vệ công lý và lẽ phải; 72% sinh viên tích cực bảo vệ môi trường; 70,7% quảng bá hình ảnh đẹp của đất nước. Những điều này đã biểu thị tinh thần yêu nước, yêu Đảng, yêu chế độ, yêu Bác Hồ của sinh viên.

Trong sinh hoạt văn hóa tinh thần, sinh viên các trường có sở thích và thị hiếu lành mạnh, hợp với định hướng giá trị hiện nay; tôn trọng tự do tín ngưỡng, nhưng không mê tín dị đoan; sử dụng thời gian rỗi cho các hoạt động văn hóa như đọc sách báo, thể thao, tự học thêm tin học, ngoại ngữ, tham gia các hoạt động xã hội... Ngoài ra, sinh viên còn tham gia câu lạc bộ sở thích, tham gia những hoạt động văn hóa - văn nghệ do nhà trường, địa phương tổ chức, tham gia hoạt động về nguồn, tự tổ chức tham quan, khám phá văn hóa các vùng miền của đất nước. Điều này đã giúp cho đời sống tinh thần của sinh viên trở nên phong phú, lành mạnh.

Ba là, lối sống của sinh viên trong giao tiếp, ứng xử ngày càng văn minh.

Trong ứng xử với chính mình, nhiều sinh viên đã thể hiện mong muốn luôn giữ vững những phẩm chất tốt đẹp, đồng thời không ngừng nỗ lực vươn lên. Đặc biệt, được sự quan tâm giáo dục của nhà trường và xã hội, nhiều sinh viên thể hiện sự cầu tiến trong học tập và lao động, chú trọng tự phê bình và phê bình, quan tâm tiếp thu ý kiến, góp ý liên quan đến bản thân để từng bước sửa chữa khuyết điểm. Sinh viên nhận thức ngày càng rõ về các giá trị như: trung thực, trách nhiệm; yêu chuộng hòa bình; cần, kiệm, liêm, chính; tôn trọng tự do, dân chủ; công bằng, bình đẳng; năng động, sáng tạo; có ý thức tổ chức kỷ luật; sống có nghĩa, có tình. Những giá trị quan trọng này là hành trang cần thiết để sinh viên làm người, làm việc trong tương lai.

Trong ứng xử với người khác, với cộng đồng, bằng các chương trình, kế hoạch hành động, bằng sự gương mẫu, thầy cô và nhà trường đã không ngừng bồi đắp, xây dựng, phát triển lối sống đẹp của sinh viên. Kết quả khảo sát cho thấy, có 87% sinh viên tham gia các hoạt động tình nguyện, phục vụ cộng đồng. Đây chính là sự thể hiện lối sống “mình vì mọi người và mọi người vì mình”, thể hiện trách nhiệm của cá nhân đối với cộng đồng và xã hội; đồng thời, cũng thể hiện nét hào hiệp, trượng nghĩa của con người đồng bằng sông Cửu Long.

Bên cạnh đó, sinh viên vẫn giữ được truyền thống “tôn sư trọng đạo” với 92,8% thể hiện quan điểm tôn trọng và rất tôn trọng thầy cô; đoàn kết, giúp đỡ bạn bè. Nhiều chương trình như: “Căn nhà tình nghĩa”, “Mái ấm sinh viên”, “Ngôi nhà 5000 đồng”, “Món quà tình bạn”, “Quỹ giúp bạn vượt khó”, “Chuyến xe tình bạn”, “Góc thực phẩm nghĩa tình”, “Hạt gạo nghĩa tình”, “Siêu thị 0 đồng”... đã phát huy được nghĩa cử cao đẹp trong sinh viên.

Trong ứng xử với môi trường, đa số sinh viên có ý thức cao về bảo vệ môi trường, quan tâm đến các vấn đề môi trường cấp bách như biến đổi khí hậu, sạt lở, xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Kết quả khảo sát cho thấy, có 82,8% sinh viên quan tâm đến vấn đề môi trường; 81,7% sử dụng các sản phẩm bảo vệ môi trường, không vứt rác bừa bãi; 80,2% tham gia trồng cây xanh và các hoạt động bảo vệ môi trường. Kết quả này là sự nỗ lực của các chủ thể trong việc chuyển hóa những yêu cầu về bảo vệ môi trường sống để tạo thành thói quen, ý thức, trách nhiệm của sinh viên đối với vấn đề bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, việc xây dựng lối sống mới của sinh viên các trường đại học ở đồng bằng sông Cửu Long còn tồn tại một số hạn chế. Vẫn còn một bộ phận sinh viên chưa có nhận thức đúng đắn về lao động và học tập, dẫn đến việc xác định mục tiêu, thái độ học tập chưa rõ ràng, cũng như các hành vi vi phạm quy chế của nhà trường, vi phạm quy định pháp luật. Trong sinh hoạt cá nhân còn tùy tiện, chạy theo lối sống đua đòi; ngại tham gia các phong trào chính trị - xã hội. Một bộ phận sinh viên tỏ ra thờ ơ với các vấn đề của đất nước; tinh thần tình nguyện, dấn thân vì cộng đồng và dũng cảm trong việc bảo vệ môi trường chưa cao; lối sống thực dụng vẫn còn tồn tại,…

Những hạn chế này có nguyên nhân từ sự nhận thức chưa đầy đủ về tầm quan trọng của việc xây dựng lối sống mới của sinh viên, chưa bám sát thực tiễn, chưa nắm bắt được nhu cầu, thị hiếu, đặc điểm lối sống của sinh viên hiện nay. Bên cạnh đó, còn do thiếu cơ chế phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội, cũng như nội dung và hình thức xây dựng lối sống mới của sinh viên chưa đi vào chiều sâu, thực chất, một bộ phận sinh viên thiếu sự tu dưỡng, rèn luyện trong đạo đức, lối sống, dễ sa ngã trước tác động tiêu cực từ cơ chế thị trường và quá trình toàn cầu hóa…

4. Một số giải pháp xây dựng lối sống mới của sinh viên các trường đại học ở đồng bằng sông Cửu Long theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Trên cơ sở tư tưởng Hồ Chí Minh, xuất phát từ thực trạng xây dựng lối sống mới của sinh viên các trường đại học ở đồng bằng sông Cửu Long, có thể xác định một số giải pháp như sau:

Một là, nâng cao nhận thức và phát huy vai trò của các chủ thể về tầm quan trọng của xây dựng lối sống mới của sinh viên theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Việc nâng cao nhận thức của các chủ thể sẽ góp phần quan trọng trong việc hiểu đúng và tích cực thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng lối sống mới, tạo cơ sở pháp lý, môi trường cho việc xây dựng lối sống mới của sinh viên. Đồng thời, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp trong xây dựng lối sống mới của sinh viên. Phát huy vai trò của tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên trong các hoạt động học tập, rèn luyện và khởi nghiệp để phát triển, hoàn thiện phẩm chất, tri thức, kỹ năng của thanh niên, sinh viên, góp phần vào sự phát triển chung của xã hội.

Hai là, kết hợp chặt chẽ gia đình, nhà trường và xã hội; thực hiện nêu gương của các chủ thể trong xây dựng lối sống mới của sinh viên. Việc kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội sẽ tạo sự thống nhất về mục tiêu, nội dung và phương pháp trong giáo dục. Điều đó sẽ giúp cho sinh viên được học tập và rèn luyện mọi lúc, mọi nơi theo một định hướng chung. Và quan trọng hơn hết trong giáo dục lối sống mới, đó chính là sự nêu gương của các chủ thể trong mọi hoạt động. Đây là cách tác động nhanh và mạnh nhất đến sinh viên, bởi việc lấy nhân cách để giáo dục nhân cách sẽ dễ chạm đến tâm tư, tình cảm của sinh viên nhất.

Trong thực hiện nêu gương, phải hết sức lưu ý đến việc giáo dục tấm gương về lối sống, tác phong, đạo đức Hồ Chí Minh vì Người là một mẫu mực tuyệt vời về lối sống giản dị, suốt đời vì dân, vì nước. Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò của những người có uy tín, có ảnh hưởng tích cực, những điển hình tiên tiến trong nhà trường và xã hội để giáo dục sinh viên trở thành công dân tốt, trí thức tương lai của dân tộc.

Ba là, tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, pháp luật, truyền thống cách mạng cho sinh viên. Làm tốt công tác này sẽ khơi dậy tính chủ động, tích cực trong sinh viên, định hướng mục đích, động cơ học tập đúng đắn, tinh thần lao động của người làm chủ, tích cực trong sinh hoạt chính trị - xã hội và văn hóa tinh thần cũng như trong ứng xử với mình, với người, với việc, với môi trường. Đặc biệt, cần thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, không chỉ trang bị cho người học tri thức lý luận, mà còn là phương pháp; không chỉ tác động tới nhận thức, mà còn hướng tới hành động; không chỉ lớn hơn về tri thức, mà còn làm phong phú tình cảm và niềm tin khi tự soi mình vào tấm gương đạo đức của Người(19). Việc học tập này sẽ tạo nên sự cộng hưởng trong giáo dục nhằm tăng thêm sức đề kháng và bài trừ lối sống tiêu cực trong sinh viên.

Bốn là, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phát huy vai trò của các phương tiện truyền thông, hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục thể thao. Việc phát huy tốt vai trò của những nhân tố này có tác động rất lớn đến xây dựng lối sống mới của sinh viên, tạo ra môi trường lý tưởng cho việc xây dựng lối sống lành mạnh, tích cực, góp phần nuôi dưỡng giá trị tâm hồn, thẩm mỹ và sự khỏe mạnh về thể chất, đồng thời đấu tranh dẹp bỏ những tàn dư, tiêu cực còn tồn tại.

Năm là, xây dựng các chuẩn mực lối sống mới của sinh viên. Xây dựng lối sống mới của sinh viên các trường đại học ở đồng bằng sông Cửu Long phải bám sát tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng lối sống cho thanh niên, phải thể hiện được giá trị chung của dân tộc và mang giá trị riêng của con người khu vực đồng bằng sông Cửu Long, như: tính trọng nghĩa, thẳng thắn, bộc trực, bao dung. Đồng thời, phải kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống đang diễn ra trong một bộ phận sinh viên, hướng sinh viên đến những giá trị tốt đẹp.

Sáu là, phát huy tính chủ động, năng động, sáng tạo của sinh viên trong học tập và rèn luyện lối sống mới. Phải thường xuyên giáo dục sinh viên phát huy tính chủ động, sự năng động, sáng tạo và ý chí vươn lên lập thân, lập nghiệp, cống hiến và phụng sự. Các cấp ủy Đảng, Ban Giám hiệu và các tổ chức đoàn thể trong nhà trường như Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên cần có sự động viên, khen thưởng kịp thời đối với những hành động tốt, việc làm tử tế; đồng thời kỷ luật nghiêm đối với những hành vi vi phạm đạo đức, lối sống trong sinh viên. Cùng với đó, tổ chức các buổi định hướng nhân cách để định vị, khai phóng tiềm năng của mỗi sinh viên, giúp sinh viên tự tin và trưởng thành hơn. Đặc biệt, cần đưa vấn đề xây dựng lối mới của sinh viên thành một nội dung quan trọng trong chương trình hành động, đặt ngang hàng với vấn đề đào tạo tri thức, nghề nghiệp để lối sống sinh viên ngày càng văn minh, lành mạnh.

5. Kết luận

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng lối sống mới của thanh niên có ý nghĩa hết sức to lớn trong giai đoạn hiện nay, trong đó có việc xây dựng lối sống mới của sinh viên các trường đại học ở đồng bằng sông Cửu Long. Xây dựng lối sống mới của sinh viên các trường đại học ở đồng bằng sông Cửu Long theo tư tưởng Hồ Chí Minh phải được xem là nhiệm vụ chính trị quan trọng, không chỉ của các chủ thể trong nhà trường, mà còn là nhiệm vụ của toàn xã hội và bản thân mỗi sinh viên.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét