Trong bài viết “Tổ chức tốt Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030”, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ một trong những vấn đề mang tính “cốt tử”, hệ trọng, đó là công tác nhân sự. Trong bối cảnh cả hệ thống chính trị bước vào cuộc sắp xếp, tinh gọn bộ máy mạnh mẽ và toàn diện, việc lựa chọn nhân sự vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp càng đặt ra những yêu cầu bức thiết...
Từ hành vi khôn lỏi đến kiểu
người cơ hội
Tôi
đặt cuốc xe taxi công nghệ từ bến xe Nước Ngầm đến tòa soạn Báo
Quân đội nhân dân ở phố Phan Đình Phùng (Hà Nội) với giá
180.000 đồng. Vừa bước lên xe đã nghe lời đề nghị của tài xế: “Bác hủy chuyến
giúp em với”! Thấy tôi ngạc nhiên, anh ta tiếp: “Em chở bác đến nơi và thu đúng
giá, chỉ là khi bác hủy chuyến thì em không bị hãng trừ phần trăm. Bác giúp em
kiếm thêm mớ rau, con cá”. Thế là tôi hủy chuyến ngay lập tức. Về tòa soạn, kể
chuyện này cho một anh bạn đồng nghiệp trẻ tuổi, có ý khoe rằng, hôm nay mình
đã làm được một việc tốt, giúp đỡ người lao động trong hoàn cảnh khó khăn.
Tưởng nhận được lời tán thán, nào ngờ lại bị anh bạn trẻ phê bình: “Bác đã vô
tình tiếp tay cho việc làm sai trái của một kiểu người khôn lỏi. Hãng xe tạo
việc làm cho tài xế thì phúc lợi cùng hưởng, khó khăn cùng chia. Kiểu tư duy và
lối làm ăn chụp giật, khôn lỏi, vi phạm đạo đức kinh doanh sớm muộn cũng bị
phát giác, tẩy chay. Ở chiều ngược lại, nếu ai đó hủy chuyến liên tục, sẽ bị hệ
thống chấm điểm khách hàng thấp, lần sau sẽ rất khó đặt qua app”.
Tôi
ngớ người trước lập luận của anh bạn trẻ. Quả thật, nhiều khi trong cuộc sống,
chỉ vì suy nghĩ đơn giản, bàng quan, mà ta đã vô tình tiếp tay cho cái xấu.
Nhìn rộng ra, đời sống xã hội không thiếu những hành vi khôn lỏi. Đó là biểu
hiện của tư duy, văn hóa tiểu nông đã có từ hàng trăm năm của một bộ phận người
Việt. Dù sự việc có thể rất nhỏ, chẳng chết ai nhưng điều đáng nói đó là biểu
hiện của một lối sống. Nó thể hiện tính nghiệp dư, ích kỷ, “bóc ngắn cắn dài”,
chỉ lo vun vén cho lợi ích cá nhân, vi phạm nguyên tắc làm việc. Nhiều chuyện
nhỏ tích lại sẽ thành chuyện lớn. Người có hành vi khôn lỏi kiểu ấy, nếu không
được giáo dục, uốn nắn, lâu ngày sẽ thành bản chất. Trong một tổ chức, cộng
đồng, nếu có những cá nhân khôn lỏi sẽ ảnh hưởng xấu đến tinh thần đoàn kết,
môi trường văn hóa...
Trong môi trường sản
xuất, kinh doanh, tư duy và lối làm ăn khôn lỏi chính là tác nhân gây ảnh hưởng
đến uy tín, thương hiệu, sớm muộn cũng bị tẩy chay, doanh nghiệp khó mà phát
triển bền vững. Có những doanh nghiệp vì doanh thu, lợi nhuận đã nghĩ ra đủ loại
chiêu trò “móc túi” khách hàng. Họ đưa ra những chương trình khuyến mãi, ra sức
mời mọc, dụ dỗ khách hàng tham gia. Khi đưa khách hàng “vào tròng” rồi thì tìm
mọi cách ép khách hàng phải thực hiện theo yêu cầu của doanh nghiệp.
Quy
luật nhận thức của con người đi từ thấp đến cao, từ nhỏ đến lớn. Khôn lỏi, khôn
vặt là biểu hiện của hành vi. Nó như một loại virus độc hại. Nếu không có cách
triệt tiêu, để nó tự do phát triển thì hành vi khôn lỏi sẽ sản sinh ra kiểu
người cơ hội, thực dụng, tráo trở, dối trá, lừa thầy phản bạn. Trong hệ thống
chính trị, hành vi khôn lỏi nếu không sớm được nhận diện, đấu tranh phê bình,
dần dần sẽ hình thành nên kiểu cán bộ “lươn chạch”, cơ hội chính trị, “thông
minh có hạn, thủ đoạn có thừa”, cục bộ, bè phái, tha hóa đạo đức, tha hóa quyền
lực, nguy hại khôn lường. Những biểu hiện suy thoái này là một bước ngắn dẫn
đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ.
Trong
bài viết như đã dẫn ở trên, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “... Cán bộ thiếu
năng lực, thiếu gương mẫu, cục bộ, bè phái... đều là những “miếng mồi” để các
thế lực thù địch, phản động lợi dụng tuyên truyền chống phá để thực hiện âm mưu
“diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội
bộ nhằm làm suy giảm lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, chế độ ta...”.
Đấu tranh quyết liệt, ngăn chặn
từ sớm, từ xa
Hệ
thống chính trị cả nước ta đang bước vào đợt sắp xếp, tinh gọn bộ máy một cách
toàn diện, mạnh mẽ chưa từng có. Mục tiêu phải đạt được đó là tạo ra một bộ máy
công quyền hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Sau khi sắp xếp, tinh gọn,
hệ thống chính trị các cấp phải giữ được người có đức, có tài, có nhiệt huyết
cống hiến trong bộ máy. Quá trình sắp xếp, sàng lọc, việc giải bài toán “ai đi,
ai ở” sẽ gặp rất nhiều thách thức, khó khăn. Nếu không tỉnh táo nhận diện,
thiếu kiên quyết đấu tranh, có biểu hiện dĩ hòa vi quý, cục bộ, bè phái...
trong công tác nhân sự thì rất dễ nảy sinh những hành động khôn lỏi, tạo kẽ hở
cho chủ nghĩa cá nhân xâm nhập, phát triển, chi phối, lũng đoạn. Người có đức,
có tài thì bị ra rìa, kẻ “lươn chạch”, cơ hội chính trị thì bám trụ, phát
triển.
Yêu
cầu của Đảng về công tác nhân sự trong tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ
2025-2030 là tuyệt đối không lựa chọn cán bộ không được quần chúng nhân dân tín
nhiệm, cũng không giới thiệu những cán bộ lãnh đạo dĩ hòa vi quý, “tròn
vo” để lấy phiếu bầu... kiên quyết chống các biểu hiện cơ hội, tham vọng quyền
lực, vận động cá nhân, phe cánh, lợi ích nhóm, tư tưởng cục bộ, địa phương,
thân quen...
Kết
luận 21, Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII cũng đã nhấn mạnh yêu cầu: Không để
lọt người không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, có biểu hiện cơ hội chính trị, tham
vọng quyền lực vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp...
Dù
người khôn lỏi, cơ hội chính trị có nhiều phương thức, mánh khóe để đạt được
mục tiêu cá nhân nhưng trong một tập thể, không khó để nhận diện. Vấn đề đặt ra
là thái độ của cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng, nhất là cấp ủy, người đứng đầu
đối với hành vi ấy như thế nào? Thực tế cho thấy, kẻ khôn lỏi, cơ hội chính trị
chỉ có “đất sống” khi có người “nâng đỡ không trong sáng”; cấp ủy, người đứng
đầu thiếu công tâm, khách quan, có biểu hiện cục bộ, bè phái; cán bộ, đảng viên
trong tổ chức đảng dĩ hòa vi quý, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu
tranh. Ngược lại, nếu tổ chức đảng đề cao tính chiến đấu, tinh thần phê bình,
tự phê bình; nhất quán nguyên tắc tập trung dân chủ; cấp ủy, người đứng đầu biết
lắng nghe, làm việc công tâm, khách quan thì kẻ khôn lỏi, cơ hội chính trị chắc
chắn sẽ bị tẩy chay, loại bỏ khỏi bộ máy. Theo tư duy biện chứng mà suy, nếu
cấp ủy, người đứng đầu có những biểu hiện ấy thì đó cũng chính là cơ hội chính
trị. Trong một tổ chức mà có nhiều người khôn lỏi, cơ hội chính trị thì đó là
mầm mống đại họa.
Vũ
khí để nhận diện, đấu tranh, loại bỏ những thành phần khôn lỏi, cơ hội chính
trị ra khỏi bộ máy đã được Đảng ta chỉ rõ, đó là: Đánh giá cán bộ theo hướng
xuyên suốt, liên tục, đa chiều, có tiêu chí và thông qua sản phẩm cụ thể; gắn
đánh giá cá nhân với tập thể...
Như
vậy, trong quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy, đặc biệt là trong đại hội đảng
bộ các cấp, công tác nhân sự phải được tiến hành một cách thận trọng, tỉ mỉ,
khách quan, toàn diện. Việc đánh giá cán bộ để giới thiệu nhân sự bầu vào cấp
ủy phải là công việc của cả quá trình, xuyên suốt, liên tục, gắn trách nhiệm cá
nhân với kết quả thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Cần tránh lối làm việc
áp đặt chủ quan, định kiến, cảm tính cá nhân, tạo môi trường cho những thành
phần cơ hội chính trị ẩn trú, thăng tiến...
Công
tác cán bộ là một trong những vấn đề “cốt tử” của Đảng. Để Đảng ta thực sự
trong sạch, vững mạnh, thực sự là đạo đức, là văn minh; cầm lái đưa dân tộc thực
hiện cuộc vươn mình tiến đến hùng cường, phồn vinh, nhất định phải thu hẹp,
tiến tới triệt tiêu tư duy tiểu nông, quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Công cuộc
chuyển đổi số tạo ra “thế giới phẳng” về thông tin chính là lợi thế lớn để lấy
cái đẹp dẹp cái xấu, lấy “xây” để “chống”. Dư luận xã hội, sức mạnh của tuyên
truyền, giáo dục, thuyết phục, đấu tranh phê bình, tự phê bình... trong tổ chức
đảng và hệ thống chính trị các cấp cần được khai thác, phát huy một cách tối đa
theo hướng tích cực để góp phần đấu tranh ngăn chặn từ sớm, từ xa những hành vi
khôn lỏi, kiểu người cơ hội chính
trị...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét