Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng gần gũi, có chung đường biên giới cả trên đất liền và trên biển, có quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp được nhiều thế hệ lãnh đạo hai nước dày công vun đắp và trở thành tài sản quý báu của cả hai dân tộc. Hai nước đã xác định phương châm 16 chữ: “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần 4 tốt: “Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”…
Tuy nhiên, thời gian gần đây, trên một số báo đài, trang mạng xã hội, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị không ngừng đăng tải, phát tán các bài viết, video clip chứa nhiều nội dung xuyên tạc về mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị, hợp tác toàn diện Việt Nam - Trung Quốc. Chẳng hạn, lợi dụng sự kiện ngày 5-2-2025, trong chương trình thăm và làm việc tại tỉnh Hà Giang, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng đoàn công tác Trung ương đã đến dâng hoa, dâng hương viếng các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên, trên một vài trang mạng bình luận rằng, “hành động viếng Nghĩa trang Liệt sĩ Vị Xuyên của Tổng Bí thư thể hiện sự chuyển dịch đường lối đối ngoại”... Hay trong bài “Việt Nam kỷ niệm hải chiến Gạc Ma (14/3): Chính quyền “cởi mở” hơn về sự kiện chống Trung Quốc” đăng trên VOA Tiếng Việt mới đây. Nội dung bài viết này đã dẫn ý kiến của một số người cho rằng, “sự thay đổi của chính quyền trong thái độ đối với những sự kiện liên quan đến Trung Quốc có thể xuất phát từ việc “đường lối của Tô Lâm ngả về phương Tây và những nước khác”…
Thực chất những nội dung này vẫn là chiêu bài “chọc gậy bánh xe” nhằm xuyên tạc, phủ nhận đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam; kích động gây mâu thuẫn ngoại giao, chia rẽ mối quan hệ truyền thống giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc. Trước hết chúng ta cần phải thấy, việc Tổng Bí thư Tô Lâm và đoàn công tác viếng Nghĩa trang Liệt sĩ Vị Xuyên cũng như các hoạt động tưởng nhớ 64 cán bộ, chiến sĩ Gạc Ma hy sinh bảo vệ chủ quyền biển, đảo là thể hiện đạo lý truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc trước anh linh các anh hùng liệt sĩ đã chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì sự toàn vẹn của lãnh thổ đất nước và hạnh phúc, ấm no đời đời của nhân dân. Tất cả các hoạt động ấy đều nằm trong chương trình, kế hoạch cụ thể. Đây vừa là hoạt động chính trị, vừa mạng ý nghĩa nhân văn sâu sắc chứ không phải là “… sự chuyển dịch đường lối đối ngoại” hay “ngả về phương Tây” như một số kẻ hàm hồ bình luận, suy diễn, xuyên tạc.
Trên thực tế những năm qua, quan hệ giữa Việt Nam - Trung Quốc ngày càng được vun đắp, phát triển theo hướng thực chất, hiệu quả với những thành tựu nổi bật trên mọi lĩnh vực. Bước vào giai đoạn mới, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc không ngừng mở rộng và đi vào chiều sâu. Trong bối cảnh thế giới nhiều biến động, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc thời gian qua được nhìn nhận như một nguồn ổn định hiếm hoi, là minh chứng cho sức mạnh của hợp tác và mục tiêu chung. Trong chuyến thăm gần đây đến Trung Quốc, Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp tục nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc phát triển hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện trên tầm cao mới, tăng cường và phát huy các lĩnh vực hợp tác thực chất... Hiện nay, lãnh đạo cấp cao hai nước duy trì trao đổi chặt chẽ, kết quả hợp tác cùng có lợi đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Có thể thấy rằng, quan hệ giữa hai nước đang ở thời kỳ tốt đẹp nhất trong lịch sử. Những kết quả ấy đã góp phần quan trọng vào việc củng cố hơn nữa nền tảng vững chắc cho quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc, đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển, nâng cao vị thế của mỗi nước và hòa bình, ổn định, thịnh vượng chung của khu vực và thế giới.
Đảng và Nhà nước Việt Nam đã nhiều lần khẳng định: Coi trọng phát triển quan hệ hợp tác, hữu nghị, truyền thống với các nước láng giềng, trong đó có Trung Quốc. Theo Việt Nam, mối quan hệ đó phải được coi trọng đúng tầm trong tổng thể hoạt động đối ngoại, theo tinh thần hợp tác bình đẳng, cùng có lợi, trên cơ sở tuân thủ nguyên tắc bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Với chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ Việt Nam không bảo giờ nghiêng bên này hay ngả bên kia. Việt Nam chủ trương không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Những thành tựu đối ngoại và vị thế, uy tín quốc tế mà Việt Nam có được những năm qua là nhờ đường lối đối ngoại đúng đắn, phù hợp. Trong một thế giới đầy biến động, Việt Nam ý thức rất rõ rằng, nếu không giữ vững đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế thì sẽ rất phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh khu vực và thế giới.
Việt Nam chẳng lạ trong thực hiện “diễn biến hòa bình”, xuyên tạc chủ trương, đường lối đối ngoại, chia rẽ Việt Nam với các nước trên thế giới, nhất là các nước láng giềng là mục tiêu mà các thế lực thù địch, phản động, cơ hội tập trung chống phá. Những luận điệu của chúng như đã nêu vẫn chỉ là “bổn cũ soạn lại” nhưng vẫn rất nguy hiểm dễ gây ra sự hoang mang, dao động trong nhân dân, tạo chia rẽ từ nội bộ, ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ đối ngoại của Việt Nam với các nước, nhất là các nước đối tác, đối tác chiến lược, khiến dư luận trong và ngoài nước hiểu sai lệch về đường lối, chính sách đối ngoại của Việt Nam. Vì vậy, hơn lúc nào hết chúng ta phải luôn đề cao cảnh giác, vạch trần để cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động, từ đó kiên quyết đấu tranh phản bác không cho phép bất kỳ thế lực nào, bằng bất cứ luận điệu, chiêu trò gì nhằm chia rẽ mối quan hệ Việt Nam - Trung Quốc./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét