Thứ Ba, 25 tháng 3, 2025

Nhận diện âm mưu kích động kỳ thị dân tộc, phân biệt vùng miền trong việc sáp nhập tỉnh, thành phố hiện nay

Chủ trương sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, thành phố là vấn đề lớn, được dư luận đặc biệt quan tâm, tuy nhiên không ít người vì thiếu thông tin nên khi tiếp cận với những bài viết, video clip sai sự thật trên mạng internet đã tỏ ra hoang mang, lo lắng, từ đó có những phản ứng sai lệch, khiến một bộ phận người dân hiểu sai về chủ trương của Đảng, Nhà nước, gây khó khăn trong công tác quản lý, điều hành. Lợi dụng vấn đề này, các thế lực thù địch, các tổ chức, phần tử phản động gia tăng hoạt động chống phá, kích động kỳ thị, phân biệt vùng miền trên không gian mạng.

Các dân tộc ở nước ta bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển, Nhà nước nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. Tuy nhiên, các thế lực thù địch, các tổ chức, phần tử phản động vẫn luôn phủ nhận những thành quả của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Bên cạnh việc phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, các đối tượng chống phá trong và ngoài nước vẫn ráo riết lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, vùng miền để phá hoại khối đại đoàn kết, âm mưu gây chia rẽ, xung đột vũ trang, bạo loạn sắc tộc.

Vấn đề phân biệt vùng miền, sắc tộc tuy không mới nhưng khi mạng xã hội phát triển, các thế lực chống phá đã tán phát thông tin, hình ảnh, bình luận có tính công kích, miệt thị đăng tải trên nhiều nền tảng, trở thành “trend” để một số cá nhân bêu xấu lẫn nhau. Lướt các video trên nền tảng Tiktok hoặc các video Reels trên Facebook, không khó để bắt gặp những cụm từ như “Parky”, “Namki”, “Namkiki”... Được biết, các cụm từ này được một bộ phận người dùng tạo nên, dựa trên từ “Bắc kỳ” và “Nam kỳ” trước đây. Các đối tượng tung ra những câu thể hiện rõ sự kỳ thị, chống phá như “đuổi người Kinh, trả đất cho người dân tộc”; “sáp nhập tỉnh, thành là xoá đi lịch sử, đất đai của đồng bào”… Những hoạt động kỳ thị, phân biệt vùng miền trên được đưa trên trang tin của các tổ chức như Việt Tân, Chân trời mới Media, VOA Tiếng Việt…

Những hoạt động trên thể hiện rõ âm mưu lợi dụng vấn đề kỳ thị, phân biệt vùng miền kết hợp với chia rẽ dân tộc, tôn giáo, kích động ly khai, tự trị dân tộc để tập hợp lực lượng, lôi kéo quần chúng vào hoạt động chống chính quyền và hướng đến thành lập cái gọi là “vương quốc”, hay “nhà nước riêng - tôn giáo riêng”. Trọng tâm hoạt động kích động kỳ thị dân tộc, phân biệt chủng tộc của các thế lực thù địch tập trung ở các địa bàn Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam Bộ, vùng có đông đồng bào theo đạo. Trên phương diện quốc tế, chúng tuyên truyền sai lệch nội dung Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, xuyên tạc tình hình về tự do dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam. Lợi dụng các diễn đàn quốc tế để vu cáo Việt Nam “đàn áp người dân tộc”, kêu gọi quốc tế can thiệp, gây sức ép ngoại giao với Việt Nam.

Đối tượng mà các thế lực thù địch, các tổ chức phản động lưu vong nhắm đến là một bộ phận giới trẻ thiếu bản lĩnh chính trị và những đối tượng có tư tưởng chống đối trong nước, những người có định kiến với Đảng, Nhà nước, có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Tuyên truyền, lôi kéo người dân tham gia vào các hội nhóm do chúng lập ra; thâm nhập vào các diễn đàn, mạng xã hội để phát triển, tập hợp lực lượng, xây dựng ngọn cờ, tiến tới hình thành và công khai hóa tổ chức núp dưới danh nghĩa các tổ chức xã hội dân sự hay tổ chức phản biện xã hội.

Sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét