Hôm nay (26/3), kỷ niệm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, là thời điểm chúng ta cần dành thời gian để viết và suy ngẫm nhiều hơn về tuổi trẻ và tương lai của nước nhà. Trong bài viết “Tương lai cho thế hệ vươn mình”, Tổng Bí thư Tô Lâm nhắn nhủ: Khoảng thời gian từ 2025 đến 2045 chỉ còn đúng 20 năm.
Những em bé được sinh ra trong quãng thời gian này sẽ là lớp thanh - thiếu niên của thế hệ mới, là chủ nhân tương lai của đất nước Việt Nam phát triển hưng thịnh. Để hướng tới năm 2045 với tầm nhìn về một Việt Nam phát triển toàn diện, việc định hướng phát triển con người, đặc biệt là thế hệ trẻ, trở thành ưu tiên chiến lược. Trước hết, cần đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục và đào tạo nhằm phát triển trí tuệ và tri thức. Giáo dục trí tuệ cần đi đôi với giáo dục văn hóa, đạo đức và thẩm mỹ để hình thành những cá nhân toàn diện. Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ, văn hóa là yếu tố không thể thiếu trong chiến lược phát triển con người. Chúng ta cần tiếp tục đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, nghệ thuật, đồng thời đổi mới và hiện đại hóa để phù hợp với thời đại. Mục tiêu là xây dựng con người Việt Nam giàu bản sắc dân tộc: yêu nước, nhân ái, sáng tạo, hội nhập mà không hòa tan. Việc thúc đẩy công nghiệp văn hóa, đưa văn hóa trở thành một động lực kinh tế và sức mạnh mềm quốc gia cũng cần được chú trọng.
Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ
trưởng Bộ Công an chia sẻ: “Những hình ảnh thanh niên CAND dũng cảm dầm mình
trong bão lũ, bất chấp hiểm nguy để cứu giúp đồng bào, lặn lội trên mọi nẻo
đường, làng bản, vùng sâu, vùng xa, trong các hoạt động tình nguyện vì cộng
đồng; những gương mặt trẻ tiêu biểu trong nghiên cứu khoa học, những chiến sĩ
thấm đẫm mồ hôi rèn luyện để sẵn sàng chiến đấu; những tấm gương thanh niên
Công an anh dũng hy sinh hoặc mất đi một phần xương máu, vì cuộc sống bình yên,
hạnh phúc của nhân dân để lại tình cảm sâu sắc trong lòng nhân dân, trở thành
niềm tự hào của thanh niên Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh”.
Chúng ta đang sống trong môi trường số,
môi trường hội nhập, mọi thứ đều diễn ra sôi động và nhanh chóng. Bây giờ, nói
về mục tiêu đến năm 2045, khi tròn 100 năm thành lập nước, nhiều người nghĩ
khoảng thời gian đó còn xa lắm, tận giữa thế kỷ, lo gì, cứ đến đó rồi hãy tính.
Có 20 năm nữa cơ mà, lâu lắm! Cách nghĩ đó cũng giống như câu chuyện xưa, rằng
“mai chủ nhật tha hồ mà học”, còn hôm nay cứ tận hưởng, cứ vui sướng, cứ đi bắn
chim với lũ bạn. Song hãy ngẫm lại, nếu ai cũng nghĩ như vậy thì ai làm, ai trở
thành động lực thúc đẩy phát triển? 20 năm là dài, nhưng nếu không hành động từ
bây giờ mà vẫn nghĩ “còn xa lắm” thì chẳng mấy đã kết thúc “điểm hẹn”!
Còn nhớ, 20 năm trước, khi vào hiệu
sách, tôi thấy ngay bên quầy thu ngân là hai chồng nhật ký thời chiến Đặng Thùy
Trâm và Nguyễn Văn Thạc được sắp đặt dày dặn, bắt mắt. Rất nhiều thanh niên,
học sinh, cả những bậc phụ huynh sau khi mua sách giáo khoa, sách tham khảo cho
con cũng lật xem nhật ký và đưa ngay vào giỏ hàng. Những cuốn nhật ký thời
chiến gây sốt thị trường xuất bản, tái bản nhiều lần, trở thành đề tài được tìm
kiếm, bàn luận sôi nổi không chỉ trong giới trẻ, được xem là dấu ấn về văn hóa
đọc những năm đầu thế kỷ XXI. Mỗi lần đọc lại, ngẫm lại, tất thảy vẫn sống động
từng trang viết, từng nhịp thở thời đại. Nhiều bài viết so sánh lý tưởng, lối
sống của thanh niên thời chiến, những đại diện như Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn
Thạc với lối sống, hoài bão của thanh niên ngày nay. Đương nhiên, thế thời sau
hơn nửa thế kỷ đã quá nhiều đổi khác, suy nghĩ, lối sống của thanh niên cũng
bắt nhịp theo môi trường mới nhưng ở đâu, thời kỳ nào cũng có mẫu số chung bởi
tuổi trẻ là tuổi của khởi nghiệp, của hoài bão và khát vọng vươn tới. Thời bom
đạn, thanh niên với một lý tưởng, một hành trang cháy bỏng, đó là cầm súng
chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Một thời với nhật ký, sổ tay, bút máy luôn là vật bất
ly thân, đồng hành cùng người lính ra trận. Họ nắn nót ghi lên đó những câu
danh ngôn, những câu nói bất hủ của các danh hào, trở thành lý tưởng sống,
phương châm hành động cho tuổi trẻ. Chẳng hạn, ngay trang đầu cuốn nhật ký của
mình, bác sĩ Đặng Thùy Trâm ghi câu danh ngôn của văn hào N.A.Ostrotsky về lý
tưởng sống: “Đời người ta chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi phải xót
xa ân hận vì những năm tháng sống hoài, sống phí, để khi nhắm mắt xuôi tay ta
có thể nói rằng: Cả đời ta, cả sức ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất
trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người”...
Ngày nay, thanh niên không còn viết nhật
ký sổ tay, không còn những lá thư nhắn nhủ về lý tưởng sống, cách mạng gửi về
gia đình, người thân, gửi về “người em xóm nhỏ”. Thanh niên trở nên bận rộn hơn
với vòng quay công việc, lao động, học tập, nhanh nhạy hơn với sức mạnh của
công nghệ thông tin toàn cầu và cũng năng động hơn với xu thế hội nhập. Thật
khó để cưỡng lại những lối sống của một bộ phận bạn trẻ đang có xu hướng thị
trường, thực dụng hóa, lãng phí tuổi thanh xuân bằng sự hưởng thụ bốc đồng.
Nhưng không thể phủ nhận những thanh niên lường trước vận hội, đường xa phải tu
trí lực, tìm tòi và bắt đầu những bước khởi nghiệp trên chính đôi chân của
mình. Câu nói “lao động là vinh quang” không bao giờ lỗi thời, tương lai chỉ có
ý nghĩa nếu con đường hôm nay bạn biết bước đi theo lý trí của mình, biết lao
động để tìm tòi, tạo lực, khai mở cho chính con đường đó.
Và cũng đã 20 năm đi qua kể từ ngày hai
cuốn nhật ký gây sốt. Bây giờ, hẳn các thanh, thiếu niên thế hệ 2X không
nhiều người biết về những cuốn nhật ký từng là kỷ vật gối đầu giường này.
Thử nghĩ, cũng chỉ tầm đó thời gian, tức 20 năm nữa thôi là đến mốc 2045, lúc
đó thanh niên sinh ra từ hôm nay sẽ thế nào, am hiểu về sử sách và công nghệ
đến đâu?
Trong môi trường mạng bùng nổ hiện nay,
thanh niên nếu thiếu bản lĩnh rất dễ bị tiêm nhiễm bởi những luồng quan điểm,
thông tin sai trái, họ dễ là người bị kích động khi cái tôi và sự bốc đồng vốn
tồn tại rất lớn trong giới trẻ. Những trang Facebook hôm nay, thanh niên viết
lên đó những gì? Nếu tự tô vẽ mình, tự tâng bốc, huyễn hoặc mình là anh minh,
hơn thiên hạ, sĩ diện, ảo tưởng vì cái tôi cá nhân của mình thì chính họ dễ
trượt dốc quá đà vào làn sóng chỉ trích, phê phán đất nước, phỉ báng chính
quyền trên Facebook. Những suy nghĩ đó, những hành động dù nhỏ (như comment,
like) hay mức cao hơn là viết bài, tung ảnh, kêu gọi xuống đường… đều có thể là
sự cổ xuý, tương hỗ cho kẻ địch thực hiện mưu đồ chống phá đất nước, là hành
động “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trở thành quân cờ để các thế lực thù địch
lật đổ chế độ, phá bỏ nền độc lập, cuộc sống bình yên mà cha ông đã đổ bao máu
xương, bước trên bom đạn mới giành được.
Nhưng nhìn nhận trên phương diện chung,
chính thời đại công nghệ số đã định hình lớp thanh niên nhạy bén với thời cuộc,
ham mê và khám phá khoa học. Ngày trước nói đến lý tưởng là nói đến sự cống
hiến, hy sinh cho Tổ quốc, vì nền độc lập, tự do nước nhà. Ngày nay, lý tưởng
cũng không phải điều gì đó cao vợi mà xuất phát ngay từ ý nghĩ vươn lên để đóng
góp sức mình cho đất nước, xã hội, như mong muốn của Tổng Bí thư Tô Lâm: “Hơn
hết, chính thanh niên mới là lực lượng quyết định thành công của các mục tiêu,
tầm nhìn này. Mọi thanh niên Việt Nam cần chủ động học tập, rèn luyện và không
ngừng phấn đấu để khẳng định bản thân. Thế hệ trẻ cần tự tin bước ra thế giới,
mang theo hành trang là tri thức sâu rộng, thể chất khỏe mạnh và tâm hồn giàu
bản sắc văn hóa Việt Nam, đồng thời phải rèn luyện bản thân trở thành những
công dân toàn cầu mang hồn Việt, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét