Nghiên cứu khoa học (NCKH) là hoạt động quan trọng để làm chủ công nghệ, thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Tuy nhiên, hoạt động NCKH ở nước ta vẫn gặp nhiều rào cản khiến các nhà khoa học chưa thực sự phát huy hết khả năng vốn có. Đã đến lúc cần có thêm điểm tựa về cơ chế để các nhà khoa học tự tin dấn thân, theo đuổi những đam mê trong lĩnh vực nghiên cứu.
Tiền có, nhưng chi thì khó
Thực tế cho thấy, hoạt động NCKH tại nước ta còn gặp nhiều khó khăn, việc ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tế cũng chưa đạt hiệu quả cao. Lực cản chủ yếu đến từ 3 nhóm nguyên nhân chính, đầu tiên là yếu tố về ngân sách, kinh phí sử dụng cho NCKH; thứ hai là tâm lý sợ rủi ro đến từ các nhà khoa học; thứ ba là những vướng mắc gây khó khăn trong thương mại hóa kết quả nghiên cứu.
Hiện nay, chi cho nghiên cứu phát triển của nước ta còn thấp, khoảng 0,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), mới được 1/4 so với mục tiêu đến năm 2030, chi cho nghiên cứu phát triển đạt 2% GDP. Theo các chuyên gia, ngân sách dành cho nghiên cứu phát triển còn ít khiến nhiều nhà khoa học phải xoay xở đi xin tài trợ hoặc tự bỏ kinh phí cá nhân để theo đuổi đam mê.
Bên cạnh đó, quy trình xét duyệt đề tài mất nhiều thời gian, đến lúc được duyệt thì có khi đề tài đã mất tính thời sự. Đặc biệt, khoa học-công nghệ (KHCN) là lĩnh vực phát triển rất nhanh, nếu cứ tiếp tục quy trình xét duyệt như hiện tại sẽ lỡ mất những cơ hội trong nghiên cứu.
![]() |
Bên cạnh đó, thủ tục giải ngân thường phức tạp, những hướng dẫn đôi lúc chưa được chi tiết, cụ thể. Tại một số cơ sở nghiên cứu, tuy đã có kinh phí từ trên cấp để dùng cho hoạt động NCKH nhưng để chi được thì lại phải theo nguyên tắc chi tiêu nội bộ hoặc vướng mắc do nhiều cơ chế chồng chéo nhau.
Chia sẻ về vấn đề này, PGS, TS Hoàng Sĩ Hồng, Phó hiệu trưởng Trường Điện-Điện tử (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, việc mua sắm trang thiết bị tại một số cơ sở phải trải qua nhiều bước trong đấu thầu, tiền thì có nhưng chi thì khó vì vướng nhiều thủ tục. Ví dụ, khi một nhà khoa học cần mua sắm trang thiết bị phục vụ dự án nghiên cứu thì phải đề xuất với một đơn vị chuyên về mua sắm thiết bị để thực hiện đấu thầu. Điều này gây ra sự bó buộc đối với các nhà khoa học vì không thể tự mua sắm các thiết bị phục vụ cho nghiên cứu mà phải đợi được cấp, mặc dù ngân sách dành cho hoạt động nghiên cứu thì có, điều này khiến quá trình nghiên cứu bị kéo dài, các nhà khoa học phải chờ đợi gây tâm lý chán nản, các trang thiết bị phục vụ nghiên cứu có nguy cơ lạc hậu.
Mặt khác, hoạt động NCKH cần được ứng dụng trong thực tiễn để tránh tình trạng "đút ngăn kéo" kết quả các công trình khoa học. Tuy nhiên, việc thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu gặp rất nhiều khó khăn vì phần lớn nhà khoa học có thế mạnh là nghiên cứu chứ không phải kinh doanh, trong khi một sản phẩm muốn đi ra thị trường cần rất nhiều yếu tố như chiến lược phát triển, đầu tư tài chính, kế hoạch marketing... Vì vậy cần có một đội ngũ cùng nhau thực hiện; tuy nhiên, nếu các nhà khoa học muốn thành lập doanh nghiệp để tự thương mại hóa sản phẩm của mình lại gặp khó vì vướng các quy định hiện hành.
Trong khi đó, việc trông đợi vào các doanh nghiệp cũng không mấy khả quan. Hiện nay, chỉ có một số doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), VinFast, Samsung quan tâm, đầu tư, đặt hàng cho hoạt động NCKH trong nước; còn các doanh nghiệp nhỏ và vừa lại có xu hướng ưu tiên mua sẵn các sản phẩm đã hoàn thiện, trong đó nhiều sản phẩm đến từ nước ngoài. Điều này cũng dễ hiểu khi doanh nghiệp thường muốn tối ưu chi phí, nhưng nếu cứ mua sản phẩm của nước ngoài, các doanh nghiệp của Việt Nam sẽ khó làm chủ được công nghệ, nguy cơ phụ thuộc và tụt hậu là rất rõ ràng.
Giảm thuế cho doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu khoa học
Trước những lực cản đó, Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã có những định hướng quan trọng về các giải pháp thúc đẩy hoạt động NCKH ở nước ta. Tuy nhiên, để cụ thể hóa Nghị quyết 57, cơ quan chức năng cần khẩn trương đánh giá, bổ sung, chỉnh sửa những điều còn bất cập trong các quy định hiện hành liên quan đến hoạt động NCKH.
Dự kiến trong thời gian tới, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến về dự thảo Luật KHCN và đổi mới sáng tạo, điều này được kỳ vọng sẽ tạo thêm những trợ lực mới thúc đẩy đam mê và nhiệt huyết của các nhà khoa học. Các chuyên gia nhận định, dự thảo luật cần được xây dựng theo hướng hoàn thiện, đồng bộ các quy định pháp luật về ngân sách nhà nước, đầu tư, mua sắm để tháo gỡ những điểm nghẽn trong phát triển KHCN. Cùng với đó, có cơ chế cho phép và khuyến khích các tổ chức nghiên cứu, nhà khoa học thành lập và tham gia điều hành doanh nghiệp dựa trên kết quả nghiên cứu.
Theo PGS, TS Hoàng Sĩ Hồng, doanh nghiệp hay các nhà khoa học đều sợ rủi ro. Nhà khoa học thì sợ rủi ro khi đảm nhận những đề tài sử dụng ngân sách nhà nước. Doanh nghiệp thì sợ rủi ro khi đầu tư tài chính vào nghiên cứu cùng các nhà khoa học. Vì vậy cần tháo gỡ rủi ro cho nhà khoa học bằng cơ chế miễn truy cứu trách nhiệm dân sự; tháo gỡ rủi ro tài chính cho doanh nghiệp bằng cơ chế ưu đãi thuế nếu doanh nghiệp đó đầu tư cho hoạt động NCKH.
Bên cạnh đó, về vấn đề mua sắm trang thiết bị, cần có sự tin tưởng, trao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm cho các nhà nghiên cứu. Nhà nước cấp vốn và quản lý về kết quả công việc, không quản lý quy trình thực hiện của các nhà khoa học. Tuy nhiên, nhà khoa học cũng cần có trách nhiệm với việc mình làm, tránh lợi dụng cơ chế để thực hiện những hành vi vụ lợi cá nhân.
Mong muốn tạo ra một hệ sinh thái gắn kết giữa đơn vị nghiên cứu và các doanh nghiệp để có thể tự động chuyển giao những kết quả nghiên cứu, PGS, TS Trương Thu Hương, Chủ tịch Câu lạc bộ Nhà khoa học trẻ Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, các nhà khoa học thường ưu tiên làm đề tài với kiến thức thế mạnh của bản thân, nhưng chưa chắc đã phù hợp với nhu cầu thị trường.
Các công nghệ khi nghiên cứu cũng cần thời gian thử nghiệm và đánh giá, trong khi các doanh nghiệp thường thúc ép tiến độ khiến các nhà nghiên cứu khó theo kịp. Vì vậy cần tăng cường trao đổi để tạo mối liên kết giữa doanh nghiệp và nhà nghiên cứu thông qua các diễn đàn khoa học, đồng thời xây dựng cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các bên liên quan.
Bài và ảnh: HOÀNG CHUNG
nguồn báo quân đội nhân dân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét