Ph.Ăngghen là người bạn thân thiết và người cộng sự thân tín của C.Mác. Sau khi C.Mác mất, nhiều bản thảo quan trọng còn dang dở của C.Mác đã được Ph.Ăngghen tập hợp, hoàn thành và xuất bản. Ông cũng bổ sung nhiều tư tưởng quan trọng vào hệ thống lý luận của chủ nghĩa Mác và hiện thực hóa nhiều tư tưởng vĩ đại của C.Mác khi tham gia các phong trào công nhân quốc tế. Một trong số đó là tư tưởng về xây dựng chính quyền. Tư tưởng Ph.Ăngghen về xây dựng chính quyền là một căn cứ lý luận nền tảng của các đảng cộng sản và có giá trị nhận thức luận quan trọng đối với thực tiễn xây dựng chính quyền ở các nước phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa như Việt Nam.
Tư
tưởng Ph.Ăngghen về xây dựng chính quyền có ý nghĩa nhận thức luận cực kỳ quan
trọng, bởi nó cung cấp những căn cứ lý luận cốt yếu để soi sáng nhiều vấn đề
căn bản trong thực tiễn xây dựng chính quyền của một nước phát triển theo con
đường xã hội chủ nghĩa như Việt Nam, cụ thể là ở các vấn đề: chế độ tư hữu, nhà
nước và đảng.
Thứ
nhất, chế độ tư hữu còn tồn tại lâu
dài với những giá trị lịch sử của nó trước khi bị thủ tiêu một cách tất yếu,
vậy nên cần có nhận thức và thái độ đúng đắn đối với vấn đề tư hữu trong quá
trình xây dựng chính quyền ở các nước phát triển theo con đường xã hội chủ
nghĩa.
Cả
C.Mác và Ph.Ăngghen luôn nhấn mạnh rằng việc xóa bỏ chế độ tư hữu trên thực tế
khác với việc xóa bỏ chế độ tư hữu trong tư tưởng. Xóa bỏ chế độ tư hữu về mặt
tư tưởng thực ra chỉ là một sự phủ định sạch trơn, một sự phủ định trừu tượng
một phần quan trọng trong thế giới văn hóa của lịch sử nhân loại. Kiểu xóa bỏ
chế độ tư hữu như thế chỉ kéo lùi lịch sử phát triển của xã hội mà thôi. Việc
xóa bỏ chế độ tư hữu trên thực tế chỉ có thể diễn ra khi sự tập trung tư liệu
sản xuất đạt đến một giới hạn mà cái vỏ tư bản chủ nghĩa không còn thích hợp
với nó nữa. Với lại, chế độ tư hữu cần phải bị xóa bỏ mà C.Mác và Ph.Ăngghen
nói đến là chế độ tư hữu tư bản chủ nghĩa chứ không phải là mọi quyền tư hữu
của người lao động đối với tư liệu sản xuất của họ. Vì vậy, giai cấp vô sản cần
phải có sự nhận thức và thái độ đúng đắn đối với chế độ tư hữu và quyền tư hữu trong khi xây dựng chính quyền
để tránh có những hành động chủ quan, duy ý chí làm tổn hại đến sức sản xuất và
sự phát triển của xã hội.
Thứ
hai, nhà nước còn tồn tại lâu dài
trước khi tự tiêu vong và là công cụ hữu hiệu để quản lý và tổ chức xã hội theo
kiểu mới cũng như để tiến hành các cuộc cách mạng kinh tế của xã hội, vậy nên
cần không ngừng cải thiện và nâng cao chất lượng của nhà nước trong quá trình
xây dựng chính quyền ở các nước phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa.
Cũng
như đối với chế độ tư hữu, cả C.Mác và Ph.Ăngghen đều khẳng định rằng nhà nước
có những giá trị và vai trò lâu dài trong lịch sử nhân loại cho đến khi nó tự
tiêu vong, chứ không phải là cần trừ bỏ nhà nước vì nó là cái ác chủ yếu như tư
tưởng vô chính phủ chủ nghĩa của những thành phần vô chính phủ. Bởi lẽ, xây
dựng chính quyền mới mà không có nhà nước thì giai cấp vô sản sẽ không có công
cụ để thực hiện quyền lực, trấn áp kẻ thù, quản lý và tổ chức xã hội cũng như
thực hiện các cuộc cách mạng kinh tế của xã hội. Tuy nhiên, để nhà nước thực
hiện được những chức năng mới đó thì giai cấp vô sản phải tiến hành cải biến
nhà nước theo lợi ích và yêu cầu của mình, nhất là ở vấn đề bản chất của nhà
nước. Bản chất đó phải khác biệt căn bản với bản chất của nhà nước trong chính
quyền do giai cấp tư sản xây dựng. Theo tư tưởng của Ph.Ăngghen về xây dựng
chính quyền, có một điều mà chúng ta cần nhận thức rõ, đó là các hình thức
chính quyền đã xuất hiện trong lịch sử nhân loại cho đến nay có mối liên hệ
biện chứng với nhau. Thế nên, việc giai cấp vô sản tiếp nhận, kế thừa và cải
biến trình độ phát triển của nhà nước mà nhân loại đã đạt được trong chính
quyền do giai cấp tư sản xây dựng là có tính lịch sử và tất yếu.
Thứ
ba, đảng chính trị có vai trò cực kỳ
quan trọng trong việc xây dựng chính quyền, vậy nên cần không ngừng xây dựng và
phát triển chính đảng của giai cấp công nhân trong quá trình xây dựng chính
quyền ở các nước phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa.
Ph.Ăngghen
từng nêu rõ, mọi mưu toan cổ vũ, kích động giai cấp công nhân từ bỏ chính trị
là đẩy giai cấp công nhân rơi vào vòng tay của chính trị tư sản. Đây là vấn đề
có ý nghĩa nhận thức luận cực kỳ quan trọng trong quá trình giai cấp vô sản đấu
tranh giành chính quyền và xây dựng chính quyền mới. Không có chính đảng của
giai cấp mình với những mục đích và chính sách riêng dẫn dắt thì giai cấp vô
sản không thể thực hiện được các nhiệm vụ cách mạng của mình cũng như không thể
hoàn thành được sứ mệnh lịch sử của mình là xây dựng thành công một chính quyền
mới mà ở đó con người được giải phóng hoàn toàn và có sự tự do đích thực. Không
có chính đảng của giai cấp mình với những mục đích và chính sách riêng dẫn dắt
thì giai cấp vô sản sẽ lại chỉ là một “công cụ” trong phong trào tự do chủ
nghĩa của giai cấp tư sản như trước đây.
Tựu
trung, tư tưởng Ph.Ăngghen về xây dựng chính quyền là một nội dung quan trọng
trong hệ thống lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin. Tư tưởng đó chỉ rõ những việc
cốt yếu mà giai cấp vô sản hiện đại cần phải thực hiện để có thể xây dựng thành
công một chính quyền mà ở đó con người được giải phóng một cách toàn diện và có
được sự tự do đích thực. Chính sự tham gia tích cực của Ph.Ăngghen trong phong
trào công nhân quốc tế đã cung cấp những dữ kiện thực tế giúp cho tư tưởng của
ông về xây dựng chính quyền có một sức sống đặc biệt cùng những giá trị về nhận
thức luận to lớn đối với các quốc gia lựa chọn con đường phát triển xã hội chủ
nghĩa như Việt Nam. Và tất nhiên, như đối với hệ thống lý luận của chủ nghĩa
Mác - Lênin nói chung, việc vận dụng tư tưởng Ph.Ăngghen về xây dựng chính
quyền vào điều kiện Việt Nam luôn cần phải có những sự bổ sung và sáng tạo cho
phù hợp với thực tiễn đất nước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét