Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị tiếp tục đẩy mạnh thực hiện, ngày càng quyết liệt ở tất cả các cấp, các ngành với quan điểm “không có vùng cấm”, “không có hạ cánh an toàn” và đã đạt được những kết quả rõ rệt, được người dân đồng tình, ủng hộ, các tổ chức quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Trước thành quả đó, một số phần tử thù địch, phản động lợi dụng bôi nhọ, xuyên tạc công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta. Nhận diện và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc, bóp méo chủ trương, kết quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ cần thiết, có ý nghĩa quan trọng trong bảo vệ Đảng, Nhà nước.
Những luận điệu xuyên tạc đó là:
Một là, chúng xuyên
tạc rằng “tham nhũng là bản chất của chế độ cộng sản” và cho rằng “chỉ có ở các
nước tư bản nạn tham nhũng mới được dẹp bỏ”
Thực tế, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí không phải bây giờ mới có, mà đây
là căn bệnh xấu đã có từ lâu trong xã hội. Ở đâu có quyền lực, ở đó có tham
nhũng. Ngay từ rất sớm, các triều đại phong kiến đã xác định tham nhũng là hành
vi xâm hại trật tự pháp luật, đạo đức và sự tồn vong của triều đại, phải bị lên
án và trừng trị nghiêm khắc.
Phòng, chống tham nhũng trở thành một nhiệm vụ cấp bách trong chính sách
cai trị của nhà Lê sơ (1428-1527), đặc biệt dưới triều vua Lê Thánh Tông. Năm
1483, Lê Thánh Tông cho ban hành Quốc triều hình luật (hay Lê triều hình
luật/Luật Hồng Đức) - bộ luật quan trọng và chính thống nhất dưới triều Lê sơ,
cũng là bộ luật tiến bộ và hoàn chỉnh nhất ở Việt Nam thời phong kiến. Một
trong những nội dung chủ yếu trong bộ luật là phòng, chống tham ô, tham nhũng.
Đến thời nhà Nguyễn (1802-1945), sau khi lên ngôi, vua Gia Long
(1762-1820) đã ban hành Hoàng Việt luật lệ (Luật Gia Long), bao gồm 22 quyển,
chia thành 7 chương, 398 điều và 30 điều tỷ dẫn; trong đó, 17 quyển và 79 điều
quy định riêng về luật hình đối với các tội tham ô, nhũng nhiễu và gần 20 điều
khoản quy định cụ thể về vấn đề này với những quy định rất hà khắc. Những quy
định đó cho thấy, ý thức, chủ trương và quyết tâm của các vị vua và triều đại
phong kiến Việt Nam trong việc loại trừ một cách kiên quyết tệ nạn này.
Ở các nước tư bản phát triển có tham nhũng không? Theo một số nghiên cứu
mới đây, vấn nạn tham nhũng ở gần một nửa số quốc gia trên thế giới không được
cải thiện nhiều. Thậm chí ở nhiều quốc gia, nạn tham nhũng đang ngày càng tăng
lên, ảnh hưởng đến hầu hết mọi khía cạnh của cuộc sống ở các dân tộc, ở mọi
châu lục.
Như vậy, ở các nước tư bản, ngay cả một số nước tư bản phát triển, vẫn có
tình trạng tham nhũng và thậm chí ở cấp cao nhất, do đó, luận điểm “chỉ có ở
các nước tư bản thì nạn tham nhũng mới được dẹp bỏ” đã trở nên vô giá trị ngay
trên chính thực tiễn của nó. Tham nhũng xuất hiện và tồn tại ở tất cả các hình
thức, các kiểu nhà nước đã từng tồn tại và đang tồn tại trong lịch sử nhân
loại. Tất cả các hình thức, các kiểu nhà nước muốn tồn tại và phát triển đều
phải đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng. Đó là lý do vì sao ở các quốc
gia đều có luật phòng, chống tham nhũng.
Hai là, luận điệu
xuyên tạc rằng chống tham nhũng là “đấu đá”, là “thanh trừng nội bộ”
Thời gian qua, trên không gian mạng đã xuất hiện những bài viết xuyên tạc
về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta, trong đó,
có luận điệu “đấu tranh phòng, chống tham nhũng là đấu đá, thanh trừng nội bộ”.
Gần như mỗi khi trong nước có sự kiện chính trị gì thì các trang mạng phản động
như: Việt Tân, VOA Tiếng Việt, Dân làm báo, RFA, BBC... lại tìm mọi cách tung
những luận điệu xuyên tạc, bóp méo thông tin, sự thật và tầm quan trọng của vấn
đề này. Đáng chú ý là các trang mạng này dẫn lại những bình luận mang tính võ
đoán, xuyên tạc, bịa đặt, những thông tin được “thêu dệt” bởi những thế lực
phản động, như: Nguyễn Tường Thụy, Lã Việt Dũng, Lê Công Định... Chúng xuyên
tạc rằng, “chống tham nhũng thực chất là đấu đá, thanh trừng nội bộ, phe phái”,
là “ông ấy tập trung vào phe kia, ông ấy chưa dám động vào những người thuộc
phe ông ấy”.
Không chỉ vẽ ra cảnh đấu đá nội bộ ở cấp Trung ương, các thế lực thù địch
còn vẽ ra cảnh đấu đá nội bộ ở các địa phương, dựng lên cái gọi là “cuộc chiến
chiếm lĩnh quyền thống trị”. Chúng còn bịa ra những lực lượng, cá nhân được
hưởng lợi từ sự đấu đá nội bộ trong Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự bịa đặt này cũng
không nằm ngoài âm mưu, thủ đoạn chia rẽ nội bộ, làm giảm sút lòng tin của nhân
dân với Đảng. Trước đây, chúng hay công kích nước ta yếu kém trong phòng, chống tham
nhũng, thờ ơ, bao che hành vi tham nhũng, nhưng giờ đây, khi công cuộc chống
tham nhũng của Đảng ta đang vào giai đoạn nóng bỏng, nạn tham nhũng dần được
đẩy lùi, thì chúng lại xuyên tạc nhiều hơn.
Chống tham nhũng trong bất cứ thời đại nào cũng nhằm mục đích giữ ổn định
chính trị, phát triển kinh tế, lành mạnh xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân
đối với chế độ, đối với nhà nước. Thế nhưng, các thế lực thù địch, phản động
đứng dưới mác là “nhà báo độc lập”, “nhà dân chủ” cố tình xuyên tạc mục tiêu,
động cơ của công cuộc phòng, chống tham nhũng. Với những luận điệu xuyên tạc,
họ đã quy chụp, đánh tráo khái niệm để lôi kéo, dẫn dắt dư luận chống đối. Mục
đích của bọn chúng là chia rẽ nội bộ Đảng, làm suy yếu sức mạnh của Đảng và
giảm lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước ta, thực hiện các mưu đồ chính
trị như phủ nhận chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; xuyên tạc, phủ
định các quan điểm, chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta; phủ
định giá trị lịch sử dân tộc và thành quả cách mạng; xuyên tạc, bóp méo các sự
kiện chính trị, xã hội, các vụ việc phức tạp, nhạy cảm; hạ bệ, bôi nhọ, nói xấu
các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Thực tế chống tham nhũng nước ta thời gian qua có phải là “thanh trừng
nội bộ”? Những kẻ tham nhũng bị xét xử đều là những quan chức vì lòng tham, đã
tìm mọi cách đục khoét của công, cuối cùng đều phải cúi đầu nhận tội, “tâm
phục, khẩu phục” và thừa nhận rằng pháp luật Việt Nam đã xử đúng người, đúng
tội. Khi cuộc chiến chống tham nhũng ở nước ta càng đi vào chiều sâu, diễn ra
ngày càng mạnh mẽ, quyết liệt, các cơ quan thi hành pháp luật càng đưa ra ánh
sáng những vụ án tham nhũng lớn, xét xử những cán bộ cao cấp ở trong bộ máy nhà
nước thì nhân dân càng tin tưởng, ủng hộ và hệ thống chính trị nước ta càng ổn
định.
Chúng ta phải cảnh giác với các âm mưu phản động, phải nhận thức rõ rằng,
đây không phải là “một cuộc đấu đá nội bộ” mà là một trong những biện pháp quan
trọng để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, để cho Đảng
trong sạch hơn, bộ máy nhà nước hoạt động hiệu quả hơn. Đó cũng chính là thực
hiện tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh
đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối
sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, giữ vững và
nâng cao niềm tin của nhân dân với Đảng, với chế độ.
Ba là, chúng cho rằng “để bài trừ tham
nhũng ở Việt Nam thì phải thay đổi chế độ”
Đến đây, những kẻ xuyên tạc cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của
nước ta đã phơi bày bộ mặt thật của họ là những kẻ phản động, tuyên truyền cho
việc thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, lật đổ chế độ XHCN ở nước ta.
Đặc biệt, trong thời gian gần đây, khi Đảng và Nhà nước ta chủ động đấu
tranh phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những
biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, các thế lực thù địch đã
tìm mọi cách để bóp méo, bịa đặt với mục đích cản trở sự nghiệp cách mạng và công
cuộc đổi mới; xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phá hoại
Đảng và chế độ, làm tan rã mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân.
Môi trường mà các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đã, đang
và sẽ tập trung chủ yếu là các nền tảng mạng xã hội. Thông qua việc thiết lập
các website, blog để truyền tải thông tin xấu, độc, nhằm phá hoại tư tưởng, đời
sống văn hóa tinh thần của các tầng lớp nhân dân, gây nhiễu loạn thông tin, làm
phức tạp về chính trị - xã hội, làm suy giảm niềm tin của nhân dân với Đảng và
Nhà nước. Chiêu bài chủ yếu của chúng là lợi dụng những vụ việc tham nhũng,
tiêu cực xảy ra trong đời sống để xuyên tạc, thổi phồng; lấy hiện tượng quy kết
thành bản chất; đăng tải thông tin thật, giả lẫn lộn, đưa ra cái gọi là “tài
liệu chứng minh” để xuyên tạc vai trò lãnh đạo, đường lối của Đảng, chính sách,
pháp luật của Nhà nước; bịa đặt về bí mật theo kiểu hé lộ những “thâm cung bí
sử” trong Đảng... Qua đó, tác động, “dương Đông kích Tây” làm gia tăng các biểu
hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và kích động xã hội nảy sinh
quan điểm tùy tiện, phản biện vô nguyên tắc, phản đối chủ trương của Đảng,
chính sách, pháp luật của Nhà nước, kêu gọi từ bỏ Đảng, chủ nghĩa Mác - Lênin;
thúc đẩy lối sống thực dụng, thẩm thấu tư tưởng văn hóa ngoại lai vào đời sống
văn hóa, tinh thần của nhân dân (nhất là thế hệ trẻ), làm phai nhạt lý tưởng
cách mạng, băng hoại đạo đức xã hội... Lợi dụng các sự kiện chính trị - xã hội
“nhạy cảm”, việc bắt, xử lý những cán bộ cao cấp về tội tham nhũng; xét xử số
đối tượng chống đối vi phạm pháp luật, để lôi kéo, kích động người dân tập
trung đông người gây rối an ninh, trật tự, biểu tình, bạo loạn, lật đổ; tuyên
truyền kích động các hoạt động ly khai. Móc nối, lôi kéo các đối tượng cơ hội chính
trị, có cả cán bộ đương chức, tướng lĩnh đã nghỉ hưu và thành phần chống đối là
trí thức, văn nghệ sĩ, tăng cường chống Đảng, cổ xúy cho “dân chủ tư sản”, “xã
hội dân sự”, “xã hội dân chủ”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét