Thứ Hai, 1 tháng 8, 2022

"Cú lừa" ngoạn mục trong chiến dịch Tây Nguyên

 

Anh hùng LLVTND Khuất Duy Tiến - người làm nên "cú lừa" ngoạn mục trong chiến dịch Tây Nguyên: 85% xương thịt của tôi là của các liệt sĩ

Trung tướng, Anh hùng LLVTND Khuất Duy Tiến là một vị tướng dạn dày trận mạc. Ông đã cầm súng ở các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cho đến các cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc tại biên giới.

Trung tướng Khuất Duy Tiến tham gia Cách mạng từ những năm 1946, ông chính thức nhập ngũ năm 1950 và từ năm 1971, ông cùng các đồng đội đã lập nhiều chiến công. Đặc biệt trong những chiến công ấy, điều khiến người ta ghi nhớ và nhắc về ông mãi mãi sau này chính là nghệ thuật nghi binh của ông trong chiến dịch Tây Nguyên. Nghệ thuật ấy đã tạo nên chiến thắng thần tốc 1 ngày bằng 20 năm.

Nói đến chiến thắng của chiến dịch Tây Nguyên thì không thể không nhắc đến Trung tướng Khuất Duy Tiến. Đơn giản vì một điều ông chính là tác giả của "cú lừa" đầy ngoạn mục của chiến dịch lịch sử này.

Chính nghệ thuật nghi binh ông tạo ra đã làm nên chiến thắng thần tốc 1 ngày bằng 20 năm. Thời điểm đó, Anh hùng LLVTND Khuất Duy Tiến là Trưởng phòng tác chiến mặt trận Tây Nguyên và ông là người đặt bút soạn thảo kế hoạch nghi binh.

Trên 10 trang giấy ấy, một kế hoạch tác chiến hoàn hảo đã được tạo ra. Kế hoạch nghi binh của Trung tướng Khuất Duy Tiến khi ấy đã đánh lừa địch, khiến chúng tưởng ta chuẩn bị đánh Kon Tum - Gia Lai nhưng trên thực tế, ta lại điều quân xuống phía Nam Tây Nguyên, chuẩn bị đánh Buôn Ma Thuột. Đây được coi là cuộc nghi binh hoàn hảo trong kháng chiến chống Mỹ, khiến quân địch và chính quyền Sài Gòn bất ngờ, trở tay không kịp.

Với nghệ thuật nghi binh của mình, Trung tướng Khuất Duy Tiến đã tạo ra một cú lừa ngoạn mục - khiến quân địch bị động, hoảng hốt rồi tan rã.

Trận đánh ấy giành thắng lợi vẻ vang, nhưng cũng không ít người nằm lại và "chưa có trận chiến đấu nào hy sinh cao đến như vậy" trong cuộc đời chiến đấu của ông. Để sau này, mỗi khi nhắc về những chiến công, ông vẫn luôn tâm niệm:

"Danh hiệu anh hùng này là của tất cả các đồng chí liệt sĩ Sư đoàn 320 gắn cho tôi chứ bản thân tôi, tôi chỉ là người tham gia, đại diện cho anh em tôi".

"Công của mình là công của các anh em liệt sĩ".

"Ơn đó sâu sắc lắm".

"Trả bao giờ cho hết".

Và tất cả những hồi ức ấy như vẫn còn mới, vẹn nguyên dù đã nhiều chục năm qua đi. Hoà bình của chúng ta là xương máu biết bao người.

Những hy sinh ấy đã nằm lại mãi mãi trong tim ông, trong tâm trí ông, để đến bây giờ, khi nhìn lại tất cả, ông khảng khái nói rằng: "Bố mẹ tôi sinh ra tôi xương thịt chỉ còn 15% thôi. Còn 85% của các liệt sĩ. Anh em đã hy sinh cho mình sống". St

 

 

NGHỆ THUẬT TÁC CHIẾN HIỆP ĐỒNG PHÒNG KHÔNG ĐÁNH THẮNG TRẬN ĐẦU


Thắng lợi trong trận đầu ngày 05/8/1964 có ý nghĩa lớn, thể hiện ý chí quyết tâm dám đánh, biết đánh và quyết đánh thắng giặc Mỹ xâm lược của quân và dân ta; đồng thời để lại những bài học kinh nghiệm quý, trong đó nổi bật là nghệ thuật tác chiến hiệp đồng phòng không đánh thắng trận đầu.
Nhằm chuẩn bị chiến tranh phá hoại đối với miền Bắc nước ta, từ tháng 02/1964, không quân Mỹ huy động máy bay trinh sát, đồng thời sử dụng các đội biệt kích nhảy dù, đột nhập từ biển vào phá hoại các cơ sở kinh tế, thiết bị quân sự ven biển với mức độ ngày càng gia tăng. Đầu tháng 4/1964, thông qua kế hoạch dùng không quân đánh phá 94 mục tiêu ở miền Bắc, đặc biệt, Mỹ dựng lên sự kiện vịnh Bắc Bộ (tháng 8/1964) để tạo cớ mở cuộc tiến công đánh phá miền Bắc.
Theo dõi chặt chẽ, nắm được âm mưu và hành động chuẩn bị chiến tranh ngày càng trắng trợn của Mỹ, tháng 6/1964, Bộ Chính trị ra Chỉ thị “Tăng cường sẵn sàng chiến đấu, đập tan âm mưu khiêu khích, đánh phá miền Bắc của không quân Mỹ”. Đồng thời chỉ thị cho cấp ủy, chính quyền các địa phương tăng cường công tác phòng không nhân dân, coi đây là nhiệm vụ cấp bách trước mắt. Thực hiện chỉ thị của Bộ Chính trị, các lực lượng vũ trang miền Bắc, nòng cốt là lực lượng phòng không và hải quân bảo vệ những khu vực, mục tiêu quan trọng, phát động rộng rãi phong trào bắn máy bay Mỹ bằng súng bộ binh trong các lực lượng phòng không và dân quân tự vệ. Đến giữa năm 1964, mọi công tác chuẩn bị của quân và dân miền Bắc cơ bản hoàn thành, sẵn sàng bước vào cuộc chiến đấu chống kẻ thù xâm lược.
Trên cơ sở nhận định rõ âm mưu, thủ đoạn đánh phá của địch, xác định những khu vực, mục tiêu chúng sẽ đánh phá để bảo vệ là vấn đề rất quan trọng trong nghệ thuật tác chiến phòng không. Ngay từ khi địch tăng cường dùng máy bay trinh sát, tung các toán biệt kích ra phá hoại ở cầu Hàng (Thanh Hóa), tập kích nhà máy nước Đồng Hới (Quảng Bình), đảo Hòn Mê (Thanh Hóa), Hòn Ngư (Nghệ An), cuối tháng 7/1964, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam chỉ đạo Quân chủng Phòng không-Không quân và Quân chủng Hải quân nâng cao công tác sẵn sàng chiến đấu, nhất là ở những khu vực vùng ven biển dự kiến địch sẽ đánh phá, trong đó có cảng sông Gianh (Quảng Bình); Cửa Hội, Vinh-Bến Thủy (Nghệ An); Lạch Trường (Thanh Hóa) và Bãi Cháy (Quảng Ninh).
Theo sự chỉ đạo của trên, Quân chủng Phòng không-Không quân bố trí Trung đoàn Phòng không 280 bảo vệ TP Vinh (Nghệ An); Tiểu đoàn Phòng không 217 thuộc Trung đoàn Phòng không 240 bảo vệ khu công nghiệp Hòn Gai-Cẩm Phả (Quảng Ninh); các tiểu đội súng máy phòng không bảo vệ trạm radar, căn cứ, kho tàng, sẵn sàng phối hợp với lực lượng phòng không của Quân chủng Hải quân, cùng bộ đội địa phương và dân quân tự vệ ở từng địa phương đánh địch. Trên cơ sở nhận định các khu vực, mục tiêu địch sẽ đánh phá, lực lượng phòng không bảo vệ từng khu vực đã chuyển vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu.
Nhờ chuẩn bị chu đáo, các lực lượng phòng không ở từng khu vực đã phát huy hiệu quả tác chiến hiệp đồng đánh trả máy bay địch. Trận mở đầu diễn ra ở Cửa Hội-Vinh lúc 12 giờ 30 phút ngày 05/8/1964, Trung đoàn Phòng không 280 tổ chức hiệp đồng chặt chẽ với các tàu của Phân đội 5, Phân đội 7 Hải quân, lực lượng phòng không trên đảo Hòn Ngư và dân quân tự vệ các địa phương, đơn vị khu vực lân cận kiên quyết, dũng cảm chiến đấu. Ở cảng sông Gianh, các tàu thuộc các phân đội hải quân, hiệp đồng với các trận địa phòng không trên hai bờ sông Gianh, tự vệ ngư trường sông Gianh, đồn công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng), lực lượng dân quân một số xã thuộc hai huyện Quảng Trạch và Bố Trạch (Quảng Bình) đánh chặn các đợt ném bom, bắn phá của máy bay địch.
Tiếp đó, các tàu thuộc Phân đội 2 Hải quân tổ chức hiệp đồng với dân quân các huyện Hậu Lộc, Hoằng Hóa, tự vệ thủy sản Lạch Trường (Thanh Hóa), Đồn 74 Công an nhân dân vũ trang và Trạm Ra-đa 19 kiên cường chiến đấu ở Lạch Trường. Trong khi đó, Tiểu đoàn Phòng không 217 hiệp đồng với lực lượng súng pháo phòng không của Khu tuần phòng 1 cùng các tàu hải quân, lực lượng tự vệ nhà máy, xí nghiệp khu mỏ liên tục đánh trả các đợt đánh phá của máy bay địch ở Bãi Cháy. Nhờ tổ chức hiệp đồng chặt chẽ, linh hoạt giữa các lực lượng phòng không, trận đánh (từ 12 giờ 30 phút đến 17 giờ ngày 05/8/1964) đã kết thúc thắng lợi. Kết quả, ta bắn rơi 8 máy bay địch, bắn bị thương một số chiếc, bắt sống phi công Mỹ, đánh bại cuộc hành quân “Mũi tên xuyên”, khiến giới lãnh đạo Mỹ bất ngờ, choáng váng.
Chiến công đánh thắng trận đầu thể hiện bước phát triển về nghệ thuật tác chiến phòng không, trong đó nổi bật là nắm âm mưu, thủ đoạn của địch, xác định chính xác những khu vực, mục tiêu bảo vệ và tổ chức hiệp đồng tác chiến chặt chẽ, linh hoạt, hiệu quả giữa các lực lượng phòng không ba thứ quân. Kinh nghiệm trận đầu được quân và dân ta tiếp tục vận dụng, phát huy sáng tạo lên tầm cao mới trong cả hai lần chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc./. #HY

QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU VÀ ĐỊNH HƯỚNG CHIẾN LƯỢC BẢO VỆ TỔ QUỐC TRONG TÌNH HÌNH MỚI

 

Tư duy mới của Đảng ta về bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới phản ánh cô đọng, sâu sắc, hàm chứa tầm tư tưởng lớn, được Đảng ta tiếp tục bổ sung, hoàn thiện ở các Nghị quyết Đại hội XII, Đại hội XIII và các Chiến lược quân sự, Chiến lược quốc phòng, Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng; Chiến lược Bảo vệ biên giới quốc gia và một số bộ luật, pháp lệnh có liên quan đến công tác quân sự, quốc phòng..., trong khoảng 10 năm gần đây.
Qua đó, Đảng ta xác định ngày càng đầy đủ, toàn diện và sâu sắc hơn mục tiêu, quan điểm chỉ đạo, phương châm, nhiệm vụ và các giải pháp cụ thể để thực hiện nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh mới, trước tác động đa chiều của tình hình thế giới, khu vực và trong nước với những diễn biến phức tạp, khó lường. Đồng thời, nhấn mạnh toàn Đảng, toàn dân và toàn quân cần phải nhận thức đầy đủ, sâu sắc tình hình đang diễn biến hết sức phức tạp, lấy “bất biến ứng vạn biến” để có quyết tâm chính trị cao và biện pháp mạnh mẽ, kiên quyết đấu tranh, chủ động phòng ngừa, bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”, không để xảy ra những tình huống xấu trong bất cứ tình huống nào.
Quan điểm nhất quán, xuyên suốt, bao trùm của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc; bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và nền văn hóa, con người Việt Nam; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội và môi trường hòa bình để thực hiện khát vọng phát triển, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế, xây dựng đất nước giàu đẹp, phồn vinh theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Tất cả vì hạnh phúc của nhân dân.
Trước yêu cầu nhiệm vụ mới về bảo vệ Tổ quốc, các ban, bộ, ngành, địa phương, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân cần thấm nhuần sâu sắc quan điểm của Đảng, tạo được sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức và hành động, nhất là trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và chính quyền các cấp vững mạnh; ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến” “tự chuyển hóa” trong nội bộ; khắc phục tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong một bộ phận cán bộ, đảng viên.
Ra sức xây dựng, củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ. Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, dân chủ, kỷ cương, đồng thuận; “chung sức đồng lòng” thực hiện tốt “ý Đảng - lòng Dân”; xây dựng “thế trận lòng dân”, tạo nền tảng vững chắc để xây dựng nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân vững mạnh, đủ sức đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược.
Tập trung thực hiện có hiệu quả việc cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, đưa nền kinh tế nước ta có tốc độ tăng trưởng cao, phát triển bền vững; không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân. Chủ động ngăn ngừa, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn, hoạt động “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ và sự chống phá của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị. Phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả các nguy cơ xung đột, chiến tranh mạng; không để xảy ra bạo loạn, khủng bố, hình thành tổ chức chính trị đối lập trong nước.
Bảo đảm an ninh, an toàn trên các lĩnh vực, các hoạt động văn hóa - xã hội. Từ nay đến năm 2025, xây dựng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân tinh, gọn, mạnh; phấn đấu đến năm 2030, xây dựng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, có chất lượng tổng hợp và sức chiến đấu cao, bảo đảm giành thắng lợi trong mọi tình huống. Giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho sự phát triển bền vững đất nước; nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam ở khu vực và trên thế giới.
Để tư duy mới về bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới được tổ chức triển khai thực hiện thắng lợi trong bối cảnh mới, từ nay đến 2025 và những năm tiếp theo, cần thực hiện tốt các nội dung sau:
Một là, Giữ vững sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và sự nghiệp quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc.
Hai là, Xây dựng Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh. Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước.
Ba là, Không ngừng củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, coi đó là nguồn lực nội sinh, nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bốn là, Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam là xây dưng thành công chủ nghĩa xã hội, bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Phát huy cao nhất sức mạnh của dân tộc kết hợp với sức mạnh của thời đại.
Năm là, Phát huy mạnh mẽ nội lực là nhân tố quyết định...; đồng thời, tranh thủ tối đa mọi thuận lợi từ bên ngoài. Nắm chắc và thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường là trung tâm, xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh là then chốt, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên. Kết hợp chặt chẽ các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Quán triệt sâu sắc đường lối độc lập, tự chủ, đồng thời, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế.
Sáu là, Vận dụng đúng đắn và sáng tạo quan điểm về đối tác, đối tượng và xử lý tốt mối quan hệ giữa đối tác và đối tượng. Trong tình hình diễn biến nhanh chóng, phức tạp hiện nay, đặc biệt là sau sự kiện xung đột giữa Nga và Ucraina, cần có cách nhìn biện chứng và giải quyết thấu đáo vấn đề trên, bởi vì trong mỗi đối tượng vẫn có thể có mặt cần tranh thủ, hợp tác, phát huy; trong mỗi đối tác có thể có mặt bất đồng, mâu thuẫn với lợi ích của quốc gia - dân tộc cần phải đấu tranh, giải quyết theo hướng có lợi cho cách mạng.
Bảy là, Thực hiện tốt phương châm chỉ đạo của Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới là kiên định mục tiêu, nguyên tắc chiến lược; linh hoạt, mềm dẻo về sách lược, lấy “bất biến ứng vạn biến”. Kiên quyết đấu tranh giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế. Chủ động đấu tranh với các âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang của các thế lực thù địch và chống “giặc nội xâm” hiệu quả. Thường xuyên bám sát cơ sở, nắm chắc tình hình, chủ động xử lý đúng đắn, kịp thời, hiệu quả mọi tình huống gây mất ổn định chính trị - xã hội. Tuyệt đối không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống./.
ST

QUY ĐỊNH MỚI VỀ THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH TRỢ CẤP NGƯỜI CÓ CÔNG

 

Các trường hợp hưởng sai chế độ chính sách ưu đãi người có công với cách mạng thì truy thu, truy lĩnh theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 44/2022 quy định quản lý và sử dụng kinh phí chi thường xuyên thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng và người trực tiếp tham gia kháng chiến do ngành LĐ-TB&XH quản lý.
Theo Thông tư, kinh phí thực hiện chế độ ưu đãi với người có công với cách mạng, thân nhân người có công với cách mạng, người trực tiếp tham gia kháng chiến; chi phí quản lý thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng do ngân sách trung ương đảm bảo được bố trí trong dự toán chi ngân sách nhà nước của Bộ LĐ-TB&XH.
Cụ thể, Bộ LĐ-TB&XH ủy quyền cho Sở LĐ-TB&XH thực hiện nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương tại địa phương; cơ quan LĐ-TB&XH hoặc cơ quan được cấp có thẩm quyền giao quản lý và sử dụng kinh phí mở tài khoản dự toán tại Kho bạc Nhà nước và thực hiện rút dự toán theo quy định.
Thông tư nêu rõ, hai đối tượng được hưởng trợ cấp hàng tháng gồm: (1) Cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân tham gia kháng chiến chống Mỹ có dưới 20 năm công tác trong ngành công an nhân dân đã thôi việc, xuất ngũ về địa phương theo Quyết định số 53/2010 của Thủ tướng; (2) quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước có dưới 20 năm công tác trong quân đội, đã phục viên, xuất ngũ về địa phương theo Quyết định 142/2008 và Quyết định 38/2010 của Thủ tướng.
Ngoài ra thực hiện trợ cấp hàng tháng và trợ cấp một lần đối với người tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30-4-1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc theo Quyết định 62/2011 của Thủ tướng.
Thực hiện trợ cấp một lần đối với một số đối tượng.
Cụ thể, (1) quân nhân, cán bộ đi chiến trường B, C, K trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước không có thân nhân phải trực tiếp nuôi dưỡng và quân nhân, cán bộ được Đảng cử lại miền Nam sau Hiệp định Geneva năm 1954 theo Nghị định 23/1999.
(2) Người trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước nhưng chưa được hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước theo Quyết định 290/2005 và Quyết định 188/2007 của Thủ tướng.
(3) Thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến theo Quyết định 40/2011, thanh niên xung phong cơ sở ở miền Nam tham gia kháng chiến theo Nghị định 112/2017.
(4) Người được cử làm chuyên gia sang giúp Lào và Campuchia theo Quyết định 57/2013 và Quyết định 62/2015 của Thủ tướng.
Thông tư cũng hướng dẫn cụ thể các khoản chi trực tiếp cho người thụ hưởng, như chi điều dưỡng, phục hồi sức khỏe tại nhà; hỗ trợ mua phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng cần thiết…
Các khoản chi giao cho cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng thuộc ngành LĐ-TB&XH thực hiện, gồm điều dưỡng, phục hồi sức khỏe tập trung; hỗ trợ thuốc, điều trị và bồi dưỡng phục hồi sức khỏe cho người có công với cách mạng…
Thông tư còn quy định việc truy thu, truy lĩnh đối với các trường hợp hưởng sai chế độ chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.
Theo đó, khi đã chi đúng đối tượng được hưởng nhưng phải điều chỉnh giảm mức trợ cấp thì phải nộp trả ngân sách trung ương phần chênh lệch đã hưởng mức trợ cấp cao hơn mức trợ cấp được điều chỉnh. Trường hợp đối tượng lợi dụng chính sách của Nhà nước để được hưởng chế độ không đúng quy định thì phải nộp trả ngân sách trung ương toàn bộ số tiền đã được hưởng.
Trong trường hợp đối tượng chưa được hưởng hoặc chưa được hưởng đầy đủ mức trợ cấp thì được truy lĩnh theo quyết định của cấp có thẩm quyền. Cơ quan LĐ-TB&XH thực hiện chi trả một lần cho đối tượng vào tháng liền sau với tháng ghi trong quyết định điều chỉnh mức trợ cấp.
Thông tư 44/2022 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 5-9-2022.

ĐẠO LÀM TƯỚNG PHẢI : " TRÍ, DŨNG, NHÂN, TÍN, LIÊM,TRUNG " .

 


Tại hội nghị quân sự lần thứ 5(Tháng 8 - 1948) Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ dạy mỗi tướng lĩnh phải " Trí, Dũng, Nhân, Tín, Liêm, Trung ".
Theo quan điểm tư tưởng của Bác kính yêu thì làm tướng không phải hưởng lợi cá nhân,mà phải tuyệt đối trung thành,phụng sự sự nghiệp cách mạng của Đảng,Tổ quốc và Nhân dân được tốt hơn.Vinh dự thật to lớn nhưng trách nhiệm hết sực nặng nề.
Mỗi sĩ quân cấp tướng phải thực sự tiêu biểu về trí tuệ, bản lĩnh,nhân cách,tuân thủ kỷ luật,Hiến pháp,pháp luật.
Người làm tướng phải có trí thức,đạo lý,nhân cách,có dũng khí,sống nhân văn,liêm chính,chí công vô tư, thực sự là chỗ dựa tin cậy của Đảng,Nhà nước và Nhân dân.
Dưới con mắt của Nhân dân, người làm tướng cũng phải thực sự là hình mẫu tiêu biểu của sự khiêm nhường,cầu thị, trọng dân,gần dân, vì dân phục vụ,có khả năng dẫn dắt cán bộ, Đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong sự nghiệp xây dựng,bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa...
ST
Có thể là hình ảnh về 3 người và văn bản

XÂY DỰNG CHÍNH QUY, DUY TRÌ KỶ LUẬT, SỰ CẦN THIẾT VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN NẮM VỮNG

 

Xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại là quan điểm cơ bản, nhất quán của Đảng, Nhà nước trong lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng vũ trang, có ý nghĩa quyết định đối với sự trưởng thành, phát triển của Quân đội ta.
Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại là bốn nội dung quan trọng trong xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam thời kỳ mới. Tuy mỗi nội dung có vị trí, vai trò khác nhau, song có mối quan hệ chặt chẽ, tác động, ảnh hưởng, ràng buộc và chi phối lẫn nhau trong quá trình xây dựng và phát triển của Quân đội ta. Nếu thiếu một trong những nội dung trên hoặc một mặt nào đó kém chất lượng thì không thể xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Trong các nội dung ấy, xây dựng quân đội chính quy, duy trì kỷ luật là những nhân tố có ý nghĩa rất quan trọng đối với xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Xem nhẹ công tác xây dựng quân đội chính quy, duy trì kỷ luật, tất yếu sẽ dẫn đến những hệ lụy tiêu cực khó tránh khỏi.
Yêu cầu cao nhất của xây dựng quân đội chính quy là tạo được sự đồng bộ, thống nhất, nền nếp. Tuy nhiên, sự đồng bộ, thống nhất và nền nếp chỉ có thể đạt được nếu tính cách mạng và sự tinh nhuệ của Quân đội ta đã được xây dựng và ngày càng phát triển. Trên cái nền gốc vững chắc ấy, ý thức tự giác trong xây dựng nền nếp chính quy, duy trì kỷ luật tự giác, nghiêm minh được củng cố và phát triển bền vững. Nếu ý thức xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật của cán bộ, chiến sĩ được nâng cao, sự giác ngộ tốt thì chính nó là điều kiện thuận lợi để thực hiện “tinh binh, tinh cán”, tinh nhuệ về chính trị; phòng tránh và loại trừ được hiện tượng “trên nóng, dưới lạnh”, “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”.
Quân đội chính quy là quân đội được xây dựng theo những tiêu chuẩn, tiêu chí thống nhất, được pháp luật Nhà nước, điều lệnh quân đội quy định chặt chẽ về tổ chức, biên chế, trang bị; hệ thống chỉ huy; chế độ huấn luyện, giáo dục; các chế độ công tác và sinh hoạt trên cơ sở xây dựng vững chắc tính tổ chức, tính kỷ luật, tính tập trung và tính khoa học.
Xây dựng quân đội chính quy là quá trình thống nhất về xây dựng cơ cấu tổ chức, biên chế trang bị; nền nếp, chế độ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, công tác quản lý bộ đội, công tác bảo đảm các sinh hoạt là cơ sở để duy trì nghiêm kỷ luật quân đội, làm cho hai nội dung này hòa quyện vào nhau, ngày càng phát huy tác dụng, hiệu quả. Mục đích xây dựng Quân đội ta chính quy là tạo sự thống nhất cao về tư tưởng và hành động của cán bộ, chiến sĩ toàn quân, bảo đảm cho Quân đội ta có tổ chức chặt chẽ, thống nhất về mọi mặt: từ trang phục, lễ tiết, tác phong đến việc chấp hành nghiêm minh về kỷ luật, khoa học trong hiệp đồng tác chiến, huấn luyện, học tập và công tác...
Vì lẽ đó, trong xây dựng chính quy, duy trì kỷ luật bắt buộc phải tiến hành đồng bộ, toàn diện nhiều mặt, giải quyết nhiều mối quan hệ; trong đó, ban hành thống nhất hệ thống văn bản, các luật, điều lệnh, điều lệ, quy chế, quy định và thực hiện cải cách hành chính quân sự có ý nghĩa quan trọng. Theo đó, biên chế, tổ chức của quân đội phải được xây dựng “tinh, gọn, mạnh”; phải loại bỏ những tổ chức, những bộ phận không rõ chức năng, nhiệm vụ hoặc hoạt động kém hiệu quả. Đồng thời, thành lập mới một số tổ chức theo yêu cầu, nhiệm vụ với những quy định chặt chẽ về chức năng, nhiệm vụ, số lượng thành viên, cơ chế vận hành, tầm ảnh hưởng. Điều đó có nghĩa là phải vì công việc, vì nhiệm vụ mà đặt tổ chức, đặt người; không vì người mà đặt tổ chức, gây áp lực về giải quyết sự chồng chéo, trùng lặp.
Để thực hiện yêu cầu, nhiệm vụ trên cần quán triệt và thực hiện tốt ba khâu đột phá trong xây dựng chính quy, duy trì kỷ luật và bảo đảm tính hài hòa, hợp lý, hợp hiến giữa các mặt: (1) Điều chỉnh về tổ chức, biên chế và lực lượng; (2) Nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ; (3) Chấp hành kỷ luật và cải cách hành chính. Trong đó, điều chỉnh tổ chức, biên chế theo hướng “tinh, gọn, mạnh”, bảo đảm cơ cấu cân đối giữa các lực lượng, quân binh chủng, ưu tiên quân số cho các đơn vị chủ lực làm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, các đơn vị trên tuyến biên giới, biển, đảo; giảm quân số ở một số cơ quan trung gian và các đơn vị làm nhiệm vụ bảo đảm, phục vụ; phù hợp với điều kiện thời bình; giảm tỷ lệ kỷ luật thông thường và hạn chế thấp nhất các vụ việc vi phạm kỷ luật nghiêm trọng. Muốn vậy, cần nắm vững và thực hiện tốt các điểm sau:
Một là, rà soát kỹ công tác quản lý bộ đội, tình hình thực hiện các chế độ trong ngày, trong tuần gắn với công tác quản lý vũ khí, trang bị, phương tiện quân sự; đánh giá kết quả thực hiện mang mặc thống nhất về trang phục, lễ tiết, tác phong quân nhân; thực hiện nghiêm chức trách, nhiệm vụ và chế độ quy định; có biện pháp kịp thời chấn chỉnh sự lệch chuẩn, các sai phạm; không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
Hai là, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực quân sự, quốc phòng, góp phần bảo đảm chỉ huy thông suốt; giải quyết mọi công việc thống nhất, nhanh, gọn, hiệu quả. Xây dựng nền hành chính dân chủ trong từng đơn vị và toàn quân, bảo đảm: trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiệu quả. Thông qua việc rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các cơ quan, đơn vị kịp thời phát hiện sự bất cập, những mâu thuẫn, điểm trùng lặp, chồng chéo để kịp thời sửa đổi, bổ sung; loại bỏ những văn bản quy phạm không còn phù hợp. Đề xuất phương án giảm bớt các hội nghị, cuộc họp không cần thiết; tăng hội nghị trực tuyến và các phương án tối ưu.
Ba là, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác quản lý kỷ luật quân đội về bảo quản, sử dụng vũ khí, trang bị và chấp hành các chế độ, thời gian, nhất là sử dụng thời gian trong hai ngày nghỉ cuối tuần, những ngày nghỉ lễ, tết; chế độ sinh hoạt trong ngày, tuần; coi trọng công tác giáo dục, phổ biến pháp luật, công tác quản lý kỷ luật ở các đơn vị cơ sở hoạt động độc lập, phân tán, đơn vị huấn luyện chiến sĩ mới. Xử lý nghiêm các vụ vi phạm kỷ luật và làm tốt hơn nữa công tác bảo vệ chính trị nội bộ; thực hiện nghiêm Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25-10-2021 khóa XIII của Đảng về những điều đảng viên không được làm.
Bốn là, có chủ trương, biện pháp quyết liệt hơn nữa để không ngừng đổi mới công tác xây dựng nền nếp chính quy, duy trì nghiêm kỷ luật trong huấn luyện, đào tạo, công tác và sẵn sàng chiến dấu trong toàn quân, nhất là ở các học viện, trường sĩ quan quân đội; các đơn vị đủ quân làm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Quân tâm hơn nữa việc đổi mới quy trình, chương trình, nội dung, hình thức, biện pháp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, diễn tập, dã ngoại cho phù hợp với từng đối tượng, khắc phục tình trạng lúng túng, bị động đối với sĩ quan trẻ sau khi tốt nghiệp và chiến sĩ mới sau khóa huấn luyện tân binh về đơn vị công tác.
Năm là, đề cao việc nêu gương, nhất là sự mẫu mực về nền nếp chính quy, rèn luyện kỷ luật, đảm bảo sự chuẩn mực trong giao tiếp, lễ tiết, tác phong, chú trọng bảo đảm tính chính quy trên mọi mặt công tác, từ mệnh lệnh chỉ huy, ban hành văn bản, chỉ thị, hướng dẫn đến việc duy trì nền nếp chế độ báo cáo, xây dựng quy trình, nền nếp làm việc khoa học, tính kế hoạch trong tổ chức hội thi, hội thao điều lệnh đội ngũ, bắn súng, thể thao quân sự.
Sáu là, tăng cường giáo dục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của Nhà nước, kỷ luật của quân đội, quy định của đơn vị cho cán bộ, chiến sĩ; đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục pháp luật trong quân đội, nâng cao trình độ nhận thức về luật pháp, văn hóa pháp lý cho cán bộ, chiến sĩ, công nhân và viên chức quốc phòng; nâng cao hiệu lực của cơ quan bảo vệ pháp luật nhà nước trong Quân đội. Thực hiện tốt phương châm: “Sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật”, “toàn quân hành động theo Điều lệnh”; làm cho nó thực sự trở thành phong cách, đạo đức, nếp sống tốt đẹp của mỗi cán bộ, chiến sĩ “Bộ đội Cụ Hồ”.

KHÔNG THỂ XUYÊN TẠC, PHỦ NHẬN SỨ MỆNH LỊCH SỬ CỦA GIAI CẤP CÔNG NHÂN

 

Sứ mệnh lịch sử (SMLS) toàn thế giới của giai cấp công nhân (GCCN) hiện đại là phát kiến vĩ đại của C.Mác. Bằng cái nhìn duy vật lịch sử, C.Mác và Ph.Ăngghen đã luận chứng về sứ mệnh của GCCN trong toàn bộ học thuyết của mình, song tập trung nhất là ở lý luận về chủ nghĩa xã hội (CNXH) khoa học.
Tuy nhiên, thời gian qua, một số người nhận thức chưa đầy đủ hoặc sai lệch về SMLS của GCCN, thậm chí, có đối tượng còn cố tình xuyên tạc, phủ nhận SMLS của GCCN. Góp phần phê phán các nhận thức này và bảo vệ, phát triển Chủ nghĩa Mác là nhiệm vụ chung của chúng ta hiện nay.
Nhận thức phiến diện, luận điệu xuyên tạc
Giải phóng giai cấp, dân tộc, nhân loại thoát khỏi bóc lột, áp bức, bất công để mọi người và mỗi người được sống trong công bằng, bình đẳng, dân chủ và tự do. Những khát vọng cao đẹp ấy của nhân loại đã có từ bao đời. Nhưng chỉ đến thế kỷ 19, khi xuất hiện nền đại công nghiệp và cùng với đó là sự trưởng thành của GCCN và chính đảng của nó thì những cơ sở thực tiễn để hiện thực hóa khát vọng ấy mới xuất hiện đầy đủ.
CNXH khoa học đã làm rõ những tất yếu, quy luật cùng những điều kiện, lực lượng, động lực, lộ trình để thực hiện SMLS của GCCN. Xã hội hóa trong sản xuất kinh tế và dân chủ hóa trong đời sống chính trị-xã hội là những tiền đề của CNXH do chính quá trình phát triển của chủ nghĩa tư bản (CNTB) tạo ra. Một trong những đặc điểm tiêu biểu của CNXH là nền sản xuất phát triển cao được xây dựng trên cơ sở xác lập chế độ công hữu những tư liệu sản xuất chủ yếu. Đây là một tất yếu xuất phát từ yêu cầu xã hội hóa của sản xuất công nghiệp, được thực hiện thông qua tự giác thực hiện quy luật quan hệ sản xuất phải phù hợp với trình độ của lực lượng sản xuất. Lý luận về SMLS của GCCN là cốt lõi của lý luận về CNXH khoa học.
Tuy nhiên, thời gian qua, một số người nhận thức chưa đầy đủ hoặc sai lệch về SMLS của GCCN, thậm chí, nhiều đối tượng còn cố tình xuyên tạc, phủ nhận SMLS của GCCN với ý đồ không lành mạnh.
Có ý kiến cho rằng, “GCCN trên thế giới hiện nay không khác mấy GCCN của những năm 70 của thế kỷ 20”; đó chỉ là những nhóm người “trực tiếp lao động sản xuất của cải vật chất trong công nghiệp”, “trong xã hội hiện đại, công nhân đang ít đi và không chiếm đa số trong lao động”. Một nhận thức phiến diện khác cho rằng, hiện nay, vị thế của công nhân ở nhiều nước không có gì khác so với thế kỷ 19-tức là công nhân “làm thuê, không có quyền định đoạt sản xuất và phân phối”... Hoặc cũng có nhận xét rằng “hiện nay trên thế giới không thấy phong trào công nhân, chỉ thấy các phong trào xã hội”. Bên cạnh đó, một số người cho rằng, hiện nay, “SMLS của GCCN chỉ còn được tiếp tục ở một vài nước đang phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa”...
Trong cuộc đấu tranh tư tưởng hiện đại, vấn đề SMLS của GCCN là trọng điểm đấu tranh của cả GCCN và giai cấp tư sản, CNXH và CNTB cùng nhiều sắc thái chính trị-xã hội khác nhau. Họ biết rõ rằng, SMLS của GCCN là cốt lõi của CNXH khoa học và phủ nhận được sứ mệnh này là phủ nhận vai trò lãnh đạo cách mạng của GCCN và đảng cộng sản. Gần đây, trong xu thế phát triển của thế giới với trình độ kinh tế tri thức và hướng tới cách mạng công nghiệp 4.0, cũng có ý kiến cho rằng, “trong kinh tế tri thức thì SMLS là của trí thức chứ không phải của công nhân”. Đây là một nhận thức không đầy đủ.
Những phân tích sau đây có thể góp phần làm rõ hơn nhận thức liên quan đến vấn đề trí thức và SMLS của GCCN trong thời đại ngày nay.
Trí thức có vai trò rất quan trọng nhưng không thể thay thế sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân
Thứ nhất, cho dù tri thức, kiến thức khoa học có vai trò to lớn, nhưng phát triển hiện đại không vì thế mà không cần đến sản phẩm vật chất để thỏa mãn các nhu cầu thiết yếu của mình (chẳng hạn ăn, mặc, ở, đi lại, học hành, xây dựng, chữa bệnh...). Tất cả nhu cầu ấy lại chỉ có thể được thỏa mãn thông qua sản xuất vật chất và thường là thông qua sản xuất công nghiệp. Chỉ có sản xuất vật chất bằng phương thức công nghiệp mới có đủ năng lực đáp ứng nhu cầu của gần 8 tỷ người trên thế giới hiện nay. Vì vậy, nhân loại hiện nay vẫn cần tới sản xuất vật chất và lao động của GCCN để tồn tại và phát triển.
Thứ hai, GCCN hiện đại đang được trí thức hóa, trí tuệ hóa trong các cuộc cách mạng công nghiệp. Yêu cầu khách quan của sản xuất, dịch vụ hiện đại và vận hành nền sản xuất công nghiệp hiện đại đòi hỏi GCCN không ngừng nâng cao năng lực lao động, làm chủ khoa học và công nghệ. Hiện nay, khoảng 40% công nhân của các nước G7 có trình độ đại học. Theo thống kê của Tổ chức Lao động quốc tế (năm 2002), gần 70% công nhân Nhật Bản có trình độ đại học. Với trình độ như vậy, trên thực tế, người ta dùng khái niệm công nhân-trí thức để chỉ nhóm lao động trình độ cao này. Thế nên, quan niệm công nhân “là người lao động thừa hành, trình độ học vấn thấp” đã lạc hậu và bất cập với thực tế.
Thứ ba, SMLS của GCCN tự nó đã mang một hàm lượng tri thức rất lớn và bản thân GCCN cũng đang trí tuệ hóa, đang tạo ra một lớp trí thức-công nhân trong lực lượng lao động của mình. Họ là các chuyên gia, nhà khoa học và công nghệ đang hằng ngày hoàn thiện, phát triển để tăng năng suất lao động, bảo đảm các yêu cầu ngày càng cao về kinh tế-xã hội và môi trường. Xã hội gọi nhóm lao động này là trí thức-công nhân hay nguồn nhân lực trình độ cao. Theo đó, cả về lý luận và thực tiễn, SMLS của GCCN không xa lạ gì với tri thức, trí thức, khoa học hiện đại. Việc tách rời tri thức với quá trình thực hiện SMLS của GCCN là một cái nhìn phiến diện.
Thứ tư, trí thức là nhóm lao động sản xuất ra các giá trị tinh thần; còn công nhân là nhóm lao động sản xuất vật chất. Sản xuất vật chất, các quá trình kinh tế xét đến cùng, bao giờ cũng là yếu tố quyết định nhất. Tri thức và lao động của họ, có vai trò rất quan trọng trong phát triển hiện đại nhưng bao giờ cũng cần đến việc chuyển hóa những giá trị tinh thần đó vào thực tiễn. Những công thức, ý tưởng sáng tạo, phần mềm (software) hay nói chung là phát kiến khoa học đều cần tới công nghệ để thể hiện ra giá trị của mình. Trên thực tế, nhiều sản phẩm tinh thần chỉ có thể bộc lộ giá trị thông qua việc hóa thân vào những ứng dụng công nghệ. Khoa học cần công nghệ để thể hiện ra, công nghệ cần khoa học để tiến hóa. Hai quá trình thực tiễn này hiện nay đã gần gũi lại trong một lĩnh vực hoạt động mà hiện nay thường gọi là “cách mạng khoa học và công nghệ”. Thông qua thực tiễn đó có thể nhận định: Sản xuất vật chất là cái quyết định, sản xuất tinh thần là để phục vụ cho quá trình tồn tại của xã hội. Sáng tạo tinh thần như khoa học, văn hóa, nghệ thuật có vai trò rất quan trọng trong phát triển xã hội hiện đại, nhưng nếu chỉ tinh thần thôi thì chưa đủ nền tảng cho phát triển bền vững của xã hội loài người.
Thứ năm, SMLS thực chất là sự nghiệp của một giai cấp đảm nhận trách nhiệm lãnh đạo xã hội xây dựng một hình thái kinh tế-xã hội mới. Để làm tròn trách nhiệm ấy, đòi hỏi giai cấp có SMLS phải đạt được những yêu cầu, đặc điểm riêng. Điều đó tập trung ở 4 nội dung: Phải là giai cấp đại diện cho lực lượng sản xuất tiến bộ xã hội, bao gồm cả về kinh tế (xu thế phát triển sản xuất) và chính trị (đại diện cho xu thế dân chủ hóa); phải là đại diện cho lợi ích chung của xã hội, các giai tầng và cả dân tộc; phải có một hệ tư tưởng riêng vừa phản ánh nhận thức về quy luật vận động đương thời, vừa thể hiện tính tiền phong về lý luận; phải có kết cấu, tổ chức chặt chẽ với một hạt nhân là chính đảng của giai cấp...
Một giai cấp muốn đảm nhận sứ mệnh xác lập một hình thái kinh tế-xã hội mới, nhất thiết phải đáp ứng các điều kiện trên. Đội ngũ trí thức không hội đủ các điều kiện ấy. Ngộ nhận về sự tăng lên của vai trò trí thức trong phát triển hiện đại đôi khi khiến người ta lãng quên những mối quan hệ, các đặc điểm và vị thế của trí thức trong tồn tại xã hội. Trí thức có công khái quát những tri thức lý luận và nâng cao trình độ nhận thức của phong trào công nhân. Trí thức có thể cùng với GCCN và nhân dân làm nên lực lượng của cách mạng XHCN. Thực hiện SMLS của mình, GCCN cần đến sự hợp tác của trí thức và tự mình nâng cao tri thức, kỹ năng lao động hiện đại. Nhưng đảm nhận vai trò lãnh đạo cách mạng XHCN thì chỉ có GCCN mới đủ cơ sở, điều kiện, năng lực thực tế.
Tiếp tục thực hiện sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân
Cách mạng XHCN coi việc giải phóng con người thoát khỏi áp bức, bóc lột, bất công và để con người phát triển trong công bằng, bình đẳng, dân chủ và tự do là mục tiêu cao nhất. Sứ mệnh hàng đầu của GCCN là bằng phương thức lao động công nghiệp để sản xuất ra của cải vật chất ngày càng nhiều hơn, tốt hơn cho quá trình phát triển của nhân loại. Từ đó, họ tạo ra các tiền đề, điều kiện vật chất cho xã hội mới.
Theo quan điểm của Chủ nghĩa Mác và từ thực tiễn hiện nay, GCCN ở tất cả quốc gia với trình độ phát triển khác nhau vẫn đang tiếp tục thực hiện SMLS của mình với nhiều trình độ, cách thức khác nhau. Thậm chí, dưới góc nhìn của chủ nghĩa duy vật lịch sử, hiện nay, chính GCCN ở các nước TBCN phát triển, bằng việc làm chủ khoa học và công nghệ hiện đại, bằng năng suất lao động cao lại đang đóng góp tích cực cho việc thực hiện nội dung kinh tế kỹ thuật của SMLS của GCCN.
Có thể khẳng định rằng, SMLS toàn thế giới của GCCN là một học thuyết về giải phóng và phát triển hiện đại do C.Mác, Ph.Ăngghen và V.I.Lênin luận giải một cách khoa học, hệ thống. Đây là vũ khí tư tưởng của các đảng cộng sản, của GCCN trong cuộc đấu tranh với ý thức hệ tư sản và các thế lực thù địch với CNXH. Chúng ta cần luôn cảnh giác phát hiện và đấu tranh với những tư tưởng sai lầm, xuyên tạc để bảo vệ tính khoa học, tính cách mạng của lý luận về SMLS của GCCN và qua đó, bảo vệ chế độ XHCN cần được xem là nhiệm vụ thường trực.
Ở Việt Nam, chúng ta cần thấm nhuần sâu sắc rằng, thực hiện thành công sự nghiệp “đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa phát triển đất nước nhanh và bền vững” để tạo ra cơ sở vật chất cho CNXH và “xây dựng GCCN hiện đại, lớn mạnh” cần được xem là những cơ sở hiện thực, phương hướng chính để làm rõ và khẳng định SMLS của GCCN Việt Nam đối với dân tộc và sự nghiệp xây dựng CNXH ở Việt Nam.

SỰ NGHIÊM MINH ĐỂ LOẠI TRỪ TIÊU CỰC, THAM NHŨNG


Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn nhấn mạnh yêu cầu về tính nghiêm minh, kỷ luật đối với các tổ chức đảng và đảng viên. Bên cạnh Điều lệ Đảng, Đảng đã ban hành nhiều quy định để tạo “trụ cột”, “hành lang pháp lý” xử lý tổ chức đảng, đảng viên vi phạm với hình thức kỷ luật tương ứng.
Ngày 6/7/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 69-QĐ/TW về xử lý kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm. Nếu như trước đây, kỷ luật tổ chức đảng và kỷ luật đảng viên được quy định tại Quy định số 07-QĐi/TW, ngày 28/8/2018 và Quy định số 102-QĐ/TW, ngày 15/11/2017, thì với Quy định 69, kỷ luật đảng đã được hệ thống và đặt trong một quy định thống nhất, đồng bộ để soi chiếu, xác định mức độ vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên.
Với 4 chương, 58 điều, Quy định 69 đã kế thừa nội dung của các Quy định trước đây, bên cạnh đó, bổ sung nhiều điểm mới, cụ thể hóa các hình thức kỷ luật đối với những vi phạm mà thời gian vừa qua nổi lên như một xu hướng, một mối đe dọa, một thách thức nguy hiểm. Chỉ nói về nội dung kỷ luật đảng viên vi phạm, Quy định 69 đã bổ sung hàng loạt trường hợp đảng viên có thể vi phạm trong các lĩnh vực như quản lý, sử dụng đất đai, nhà ở; quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, khoa học công nghệ, chuyển giao công nghệ. Cùng với đó là những quy định nhằm bảo vệ những đảng viên dám nghĩ, dám làm, vì lợi ích chung mà thực hiện đổi mới, sáng tạo. Đặc biệt đã bổ sung vi phạm quy định về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Điều 39).
Quy định 102 trước đây chỉ ra hành vi “Tạo điều kiện để bố, mẹ, vợ (chồng), con, anh, chị, em ruột thực hiện các dự án, kinh doanh các ngành nghề thuộc lĩnh vực mình hoặc đơn vị mình trực tiếp phụ trách trái quy định nhằm trục lợi” sẽ bị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo, hoặc cách chức thì tại Quy định 69 là “Tạo điều kiện để vợ (chồng), bố, mẹ, con, con dâu, con rể, anh, chị, em ruột mình hoặc bên vợ (chồng) hoặc người khác thực hiện dự án, kinh doanh ngành nghề thuộc lĩnh vực, đơn vị do mình trực tiếp phụ trách, theo dõi trái quy định nhằm trục lợi”, bổ sung thêm cụm từ “hoặc bên vợ (chồng) hoặc người khác”. Đây được coi là bước để thắt chặt, phòng chống tham nhũng từ xa. Quy định 69 bổ sung 05 hành vi bị kỷ luật cảnh cáo hoặc cách chức, gồm: Để xảy ra tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng tại cơ quan, đơn vị, tổ chức do mình trực tiếp phụ trách; Tiết lộ thông tin, đe dọa, trả thù, trù dập người phản ánh, tố cáo, tố giác, báo tin, cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng, tiêu cực; Lợi dụng việc phản ánh, tố cáo, tố giác, báo tin, cung cấp thông tin về tham nhũng, tiêu cực để vu khống cơ quan, tổ chức, cá nhân; Nhờ người khác đứng tên hoặc đứng tên hộ người khác mua bất động sản, tài sản có giá trị nhằm trục lợi, che giấu kê khai tài sản, thu nhập; Chỉ đạo, ép buộc cấp dưới đầu tư xây dựng công trình giao thông, công trình công cộng gần nhà mình không đúng quy hoạch nhằm trục lợi.
Một số sai phạm chưa có trong Quy định 102, như: Không bồi hoàn, giao nộp tiền, tài sản đã sử dụng, chiếm đoạt do tham nhũng. Không chủ động thu hồi hoặc cản trở thu hồi tài sản tham nhũng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vị trí công tác để chiếm dụng tài sản công; Thành lập, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã trái quy định của pháp luật; Lợi dụng công việc có liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật công tác, công việc thuộc thẩm quyền giải quyết để trục lợi… thì với Quy định 69 sẽ bị hình thức kỷ luật rất nặng đó là khai trừ ra khỏi Đảng.
Tất cả những điều này xuất phát từ thực tế từ công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung và đấu tranh phòng, chống tham nhũng nói riêng do Đảng khởi xướng và lãnh đạo trong những năm qua. Có thể nói, với tinh thần lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, bài bản của Trung ương, phòng chống tham nhũng đã được kết quả rất quan trọng, toàn diện, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả thì có thể thấy rằng trên nhiều lĩnh vực, tham nhũng còn nghiêm trọng, phức tạp với biểu hiện ngày càng tinh vi hơn, cố tình lợi dụng những kẽ hở của kỷ luật Đảng, của luật pháp để trục lợi.
Từ đó cho thấy ban hành Quy định 69 thể hiện tính kịp thời, sự kiên quyết của Đảng trong loại bỏ, đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực của các tổ chức và cá nhân. Nó đã cho thấy Đảng ta trong quá trình lãnh đạo, không hề xa rời thực tiễn, luôn nêu cao tính cách mạng, tính khoa học. Hy vọng Quy định 69 cùng với những khác quy định của Đảng, hệ thống pháp luật của Nhà nước sẽ đủ sức ngăn ngừa, răn đe, để dù ai có ý đồ nhưng nhìn vào sẽ “không dám tham nhũng”, “không thể tham nhũng”. Từ đó, củng cố, nâng cao niềm tin, sức mạnh của nhân dân trong thời kỳ đổi mới, làm cho Việt Nam ngày càng giàu mạnh, có vị thế xứng đáng trên trường quốc tế./.