Thứ Tư, 18 tháng 9, 2024

Vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ.

 Hội thảo làm rõ những vấn đề nổi bật trong việc nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh nhằm xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

TS. Đặng Xuân Thanh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng tư vấn chính sách kinh tế - xã hội Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, phát biểu đề dẫn Hội thảo.

Sáng 18/9, tại thành phố Đà Nẵng, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với Viện Khoa học xã hội Vùng Trung bộ tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam từ giai đoạn đổi mới đến nay (1986 - 2023)”.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, TS. Đặng Xuân Thanh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng tư vấn chính sách kinh tế - xã hội Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết: Sau hơn 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và gần 40 năm Đổi mới, từ nhận thức lý luận và hoạt động thực tiễn, Đảng ta đã nhận rõ nhiều mối quan hệ đan xen nhau rất phức tạp đòi hỏi phải giải quyết, xử lý đúng đắn, hiệu quả. Trong Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta xác định phải đặc biệt chú trọng nắm vững và giải quyết tốt 8 mối quan hệ lớn, trong đó có mối quan hệ “giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế”. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, giải quyết tốt mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; thúc đẩy hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, linh hoạt, hiệu quả vì lợi ích quốc gia - dân tộc". Để nhận thức đúng và xử lý tốt mối quan hệ đó, Đảng đã chỉ rõ nguyên tắc và phương châm, phải xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn đất nước, chú trọng nghiên cứu dự báo xu hướng phát triển của đất nước và thế giới, những diễn biến của khu vực, quốc tế tác động tới nước ta trên cả hai mặt thuận lợi và khó khăn, tích cực và tiêu cực để đón kịp, tận dụng thời cơ, chủ động vượt qua thách thức và nguy cơ, tôn trọng quy luật khách quan, “không phiến diện, cực đoan, duy ý chí”.

Trước yêu cầu của thực tiễn cách mạng nước ta, trong Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam nhấn mạnh: “Đảng phải nắm vững, vận dụng sáng tạo, góp phần phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, không ngừng làm giàu trí tuệ, nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực tổ chức để đủ sức giải quyết các vấn đề do thực tiễn cách mạng đặt ra”. Theo đó, Đảng đã ban hành nhiều Chỉ thị, Nghị quyết chỉ đạo thực hiện điều này, trong đó có Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Thực tiễn cũng cho thấy tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc và hợp tác quốc tế luôn chính xác về mặt khoa học khi áp dụng vào việc xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ và hội nhập kinh tế quốc tế thời kỳ đổi mới ở nước ta. Các quan điểm như “thêm bạn, bớt thù”, “dĩ bất biến ứng vạn biến” hay “ngoại giao tâm công” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được vận dụng sáng tạo, linh hoạt và đem lại nhiều thành quả trong quá trình gần 40 năm Đổi mới của kinh tế Việt Nam.

TS. Đặng Xuân Thanh cho rằng, bối cảnh trong nước và quốc tế hiện nay được đánh giá là đang trải qua những biến động lớn, chưa từng có từ trước đến nay như sự xuất hiện của đại dịch COVID-19, Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư, xung đột địa chính trị giữa các nước, cường quốc lớn trên thế giới... đòi hỏi phải có những nhận thức và kiến giải mới về quá trình xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ và hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta hiện nay. Tư tưởng đối ngoại của Hồ Chí Minh có tầm quan trọng vô cùng to lớn đối với lịch sử đấu tranh giành độc lập, thống nhất và phát triển của đất nước trong gần một thế kỷ qua, đặc biệt trong việc nghiên cứu, vận dụng sáng tạo để xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

TS. Đặng Xuân Thanh khẳng định: Hội thảo với chủ đề: "Vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam từ giai đoạn đổi mới đến nay (1986 - 2023)" là vô cùng cần thiết và có ý nghĩa đối với đất nước trong giai đoạn phát triển hiện nay. Hội thảo nhằm làm rõ những vấn đề nổi bật trong việc nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh nhằm xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Trên cơ sở đó có những đề xuất quan điểm, định hướng, giải pháp nhằm tiếp tục nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo hơn, phù hợp hơn, đạt hiệu quả cao hơn trong xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ cho giai đoạn phát triển mới, góp phần phục vụ việc xây dựng dự thảo các văn kiện Đại hội lần thứ XIV của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Quang cảnh Hội thảo.

Theo chương trình làm việc, Hội thảo diễn ra trong 02 phiên. Trong đó phiên 1 sẽ được nghe và trao đổi xoay quanh 3 tham luận: “Nền kinh tế Việt Nam độc lập tự chủ: Từ nhận thức đến thực tiễn vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển kinh tế từ năm 1986 đến nay”; “Vận dụng và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ và hội nhập kinh tế quốc tế trong phát triển kinh tế biển giai đoạn đổi mới (1986 - 2023)”; “Vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong quan hệ đối ngoại của Việt Nam với các đối tác truyền thống: nghiên cứu trường hợp Mỹ và Trung Quốc”.

Ở phiên thứ 2, Hội thảo nghe và thảo luận xoay quanh nội dung 02 tham luận: “Phát triển kinh tế vùng Trung bộ độc lập, tự chủ và hội nhập kinh tế quốc tế: Thực trạng và giải pháp”; “Quá trình phát triển kinh tế thành phố Đà Nẵng, những rào cản và động lực thúc đẩy kinh tế thành phố tự chủ, phát triển và hội nhập thành công vào nền kinh tế toàn cầu”.

Trước đó, trong quá trình chuẩn bị, Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được 25 bài viết từ các nhà khoa học và chuyên gia đóng góp cho nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, trong đó 05 bài viết được lựa chọn trình bày trong Hội thảo lần này.

Trên cơ sở các bài tham luận khoa học và các ý kiến trao đổi, thảo luận và đóng góp tại Hội thảo, Ban Tổ chức sẽ tổng hợp, chắt lọc các ý kiến đóng góp để hoàn thiện hơn các kiến nghị chính sách của Đề tài, đóng góp các luận cứ khoa học mới về nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh nhằm xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam./.

Đẩy nhanh tiến độ Dự án đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh.

 Để Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM) không bị chậm trong thời gian tới, Sở GTVT TP. HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long và Bến Tre tiếp tục yêu cầu các đơn vị liên quan đẩy nhanh thủ tục cấp phép khai thác và cung cấp cát đắp nền đường như kế hoạch đã cam kết.

 Phối cảnh đường Vành đai 3 TP. HCM.

Ngày 18/9, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM có báo cáo gửi Bộ GTVT về tình hình triển khai Dự án đường Vành đai 3 TP. HCM nhằm phục vụ cuộc họp của Ban chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải.

Theo báo cáo, đoạn Vành đai 3 đi qua địa bàn TP. HCM, chiều dài 47 km, được chia thành 14 gói thầu, trong đó có 10 gói thầu xây lắp chính, 4 gói thầu phục vụ vận hành, khai thác.

Tính đến tháng 9/2024, tiến độ chung của 10 gói thầu xây lắp chính đạt tiến độ 16% giá trị hợp đồng. Trong đó, gói thầu đạt tiến độ cao nhất là gói XL 3 đạt tiến độ 32%; còn gói thầu đạt tiến độ thấp nhất là gói XL 10 mới đạt 5% tiến độ so với hợp đồng ký kết.

Hiện nay, các nhà thầu đang tăng tốc thi công các hạng mục cầu, hầm và nền đường. Một số gói thầu khởi công đầu năm 2024, các nhà thầu đang tập trung xử lý đất yếu và kết cấu phía dưới nền đường.

Vấn đề khó khăn nhất hiện tại của các nhà thầu là thiếu cát đắp nền đường, dù Chính phủ đã chỉ đạo và nhận được sự hỗ trợ từ các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long và Bến Tre trong việc cấp phép khai thác mỏ cát nhưng tiến độ vẫn chưa đạt yêu cầu. Hơn nữa, khối lượng cát cam kết cung cấp cho dự án trong năm 2024 cũng chưa đáp ứng theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà.

Để đảm bảo tiến độ thi công, chủ đầu tư đã chỉ đạo các nhà thầu tìm kiếm nguồn cát thương mại trong nước và nhập khẩu cát từ Campuchia để xử lý nền đất yếu.

Theo đánh giá của Sở GTVT TP. HCM, tiến độ đoạn đi qua TP. HCM hiện vẫn đảm bảo tiến độ đề ra. Tuy nhiên, để dự án không bị chậm trong thời gian tới, Sở GTVT TP. HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long và Bến Tre tiếp tục yêu cầu các đơn vị liên quan đẩy nhanh thủ tục cấp phép khai thác và cung cấp cát đắp nền đường như kế hoạch đã cam kết. Còn tỉnh Bình Dương khẩn trương nghiên cứu mở rộng đoạn Mỹ Phước - Tân Vạn dài 15,3 km để đồng bộ với Dự án đường Vành đai 3, TP. HCM khi đưa vào khai thác./.


Khai mạc Triển lãm giao thương quốc tế ngành chế tạo Hà Nội 2024.

 Triển lãm giao thương quốc tế ngành chế tạo Hà Nội 2024 là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam quảng bá sản phẩm tới các bạn hàng quốc tế.

Triển lãm giao thương quốc tế ngành chế tạo Hà Nội 2024 (FBC ASEAN 2024) chính thức được khai mạc.

Sáng 18/9, tại Hà Nội, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã chính thức khai mạc triển lãm giao thương quốc tế ngành chế tạo Hà Nội 2024 (FBC ASEAN 2024) với chủ đề “Hành trình từ linh kiện đến sản phẩm hoàn chỉnh”.

Triển lãm có hơn 300 gian hàng trưng bày, trong đó hơn 80% là của các nhà máy sản xuất Việt Nam, Nhật Bản.

Bên cạnh đó, hơn 20 doanh nghiệp quốc tế uy tín như: Panasonic, Fujifilm, Tiger, Taisei Holdings cũng có gian hàng riêng tại triển lãm lần này mang đến giá trị kết nối lớn.

Tại triển lãm, các doanh nghiệp có cơ hội giới thiệu các sản phẩm cơ khí, gia công kim loại, các linh kiện, sản phẩm cao su, nhựa, sản phẩm điện, điện tử, các thiết bị và giải pháp tự động hóa, máy công cụ, thiết bị đo lường.

FBC ASEAN 2024 cũng là cơ hội để Intech Group quảng bá sản phẩm, tăng cường trao đổi kinh nghiệm, nắm bắt cơ hội đầu tư, mở rộng tìm kiếm thị trường mới.

Ông Hoàng Hữu Yên, Tổng Giám đốc Intech Group - đơn vị tham gia triển lãm cho biết: Triển lãm là cơ hội để Intech bứt phá trong những tháng cuối năm 2024, tạo tiền đề cho năm 2025 với những giải pháp mới, cơ hội mới thông qua việc chủ động mở rộng thị trường trong và ngoài nước. Đến với triển lãm lần này, Intech Group mang đến các sản phẩm, giải pháp bao gồm: Gia công cơ khí chính xác; sản phẩm con lăn chuyên nghiệp; hệ thống kho Shuttle; xe tự hành line từ; hệ thống phân loại tự động line shorting. Đây là các dòng sản phẩm, giải pháp thế mạnh của Intech Group, thu hút được sự chú ý đầu tư của đối tác, khách hàng trên thị trường.

FBC ASEAN 2024 cũng là cơ hội để Intech quảng bá sản phẩm, tăng cường trao đổi kinh nghiệm, nắm bắt cơ hội đầu tư, mở rộng tìm kiếm thị trường mới, liên doanh liên kết và chuyển giao công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Triển lãm diễn ra từ ngày 18 đến hết ngày 20/9 tại số 91 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội./.

“Tạo động lực cho tăng trưởng bền vững: tối ưu hoá kinh tế, công nghệ và năng lượng”.

 Đối thoại Chính sách 2024 (VBF) với chủ đề: “Tạo động lực cho tăng trưởng bền vững: tối ưu hoá kinh tế, công nghệ và năng lượng” là cơ hội tốt để các địa phương và doanh nghiệp trao đổi thông tin về các chính sách liên quan nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững, tối ưu hóa kinh tế, công nghệ và năng lượng, đồng thời định hướng và xác định kế hoạch đầu tư, hợp tác trong thời gian tới.

Ngày 18/9, UBND TP Hồ Chí Minh và Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam phối hợp tổ chức chương trình Đối thoại Chính sách 2024 (VBF) với chủ đề: “Tạo động lực cho tăng trưởng bền vững: tối ưu hoá kinh tế, công nghệ và năng lượng”. Sự kiện đã thu hút hơn 200 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và lãnh đạo các tỉnh, thành khu vực phía Nam.

Các đại biểu tham dự chương trình. (Ảnh: CM).

Chương trình là cơ hội tốt để các địa phương và doanh nghiệp FDI trao đổi thông tin về các chính sách liên quan nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững, tối ưu hóa kinh tế, công nghệ và năng lượng, đồng thời định hướng và xác định kế hoạch đầu tư, hợp tác trong thời gian tới.

Đây là lần đầu tiên Ủy ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh phối hợp cùng VBF xây dựng một diễn đàn để các lãnh đạo ở các địa phương, chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp cùng thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, và đề xuất những giải pháp chiến lược nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Sự kiện tập trung vào các khu vực kinh tế trọng điểm như TP Hồ Chí Minh, Đồng bằng sông Cửu Long và vùng Đông Nam Bộ.

Với hai phiên thảo luận chính, các diễn giả là Trưởng Nhóm Công tác của VBF và các chuyên gia quốc tế trình bày chuyên sâu về các chủ điểm: Tối ưu hóa Hệ sinh thái kinh tế, với trọng tâm thảo luận về phát triển logistics và chuỗi cung ứng, nguồn nhân lực, và cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư và thuế; Thúc đẩy tương lai bền vững, chú trọng vào các giải pháp năng lượng thay thế và công nghệ thông minh.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, đứng trước xu hướng thời đại, TP Hồ Chí Minh với truyền thống năng động, sáng tạo, tư duy đột phá, luôn nỗ lực không ngừng để xứng đáng là đầu tàu kinh tế, trung tâm tài chính của cả nước, là cầu nối kinh tế với các vùng phụ cận, đặc biệt các tỉnh thành vùng Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Võ Văn Hoan thông tin, TP đã ban hành "Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh giai đoạn 2024 – 2030" nhằm thực hiện thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh hướng đến phát triển bền vững trên địa bàn TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2030. Đồng thời TP đã và đang xây dựng các định hướng và chính sách nhằm tạo động lực cho tăng trưởng bền vững, tối ưu hóa kinh tế, công nghệ và năng lượng; trong đó, về thúc đẩy các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao, đặc biệt là các lĩnh vực công nghệ.

“TP Hồ Chí Minh cùng các tỉnh, thành vùng Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long có các thỏa thuận hợp tác liên quan cơ chế, chính sách phát triển vùng, việc đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục, quy hoạch phát triển vùng, thúc đẩy phát triển khoa học - công nghệ, chuyển đổi số và phát triển nguồn nhân lực cao, thu hút nhân tài cho Vùng. Cùng với đó ,TP Hồ Chí Minh cùng các tỉnh, thành vùng Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long đã và luôn sẵn sàng để hợp tác, đồng hành cùng các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp FDI trong giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc liên quan đến chính sách; đồng thời tiếp thu những ý kiến đóng góp từ cộng đồng doanh nghiệp FDI về môi trường đầu tư, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; khuyến khích nhà đầu tư có sự cam kết đầu tư dài hạn, chiến lược tại Thành phố và vùng Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.”- ông Võ Văn Hoan nhấn mạnh.

Nâng cao nhận thức của thanh niên nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số toàn diện.

 Dự án "Thanh niên trong các Hợp tác xã là chủ thể của chuyển đổi số tại cộng đồng địa phương – YOUCOOL” được triển khai trong 3 năm nhằm nâng cao vai trò của các tổ chức xã hội trong việc tăng cường các kỹ năng số và nâng cao nhận thức của thanh niên nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số toàn diện.

 Đoàn chủ toạ buổi lễ khởi động (từ phải sang): Ông Marco Della Seta, Đại sứ Italia tại Việt Nam; ông Julien Guerrier, Đại sứ Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam; TS Cao Xuân Thu Vân, Chủ tịch VCA; bà Francesca Ottolenghi, Chủ tịch Halieus (Ảnh: HNV)

Chiều 18/9, tại Hà Nội, Lễ Khởi động Dự án "Thanh niên trong các Hợp tác xã là chủ thể của chuyển đổi số tại cộng đồng địa phương – YOUCOOL” đã thu hút đông đảo đại biểu tham dự. Dự án do Liên minh HTX Việt Nam (VCA), Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam và Halieus (Tổ chức Hợp tác quốc tế Italia trực thuộc Liên đoàn HTX quốc gia Legacoop) đồng triển khai. 

Theo đó, Dự án sẽ được hỗ trợ hơn nữa bởi sự hợp tác của Legacoop, Liên minh HTX quốc tế khu vực châu Á-TBD, Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam, Văn phòng đại diện Liên đoàn quốc gia HTX CHLB Đức tại Việt Nam (DRGV – Germany), Tổ chức Phát triển Hợp tác Hà Lan (Agriterra – Vietnam), 06 Trường Cao đẳng trực thuộc Liên minh HTX Việt Nam, 63 Liên minh HTX tỉnh/thành phố và các HTX mục tiêu của dự án tại Việt Nam. 

 Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch VCA Cao Xuân Thu Vân phát biểu (Ảnh: HNV)

Các hoạt động của dự án tập trung vào việc áp dụng phương pháp tiếp cận tích hợp để giải quyết những thách thức liên quan đến sự tham gia của thanh niên vào cách quản trị và phát triển HTX, đào tạo về số hóa và quy trình chuyển đổi số trong các hợp tác xã, xây dựng các chiến lược về chuyển đổi số trong các lĩnh vực và cụ thể có sự tham gia của các HTX cà phê sản xuất theo chuỗi giá trị để chia sẻ các mô hình thành công với mạng lưới hợp tác xã thanh niên của Italia và trên thế giới. 

Cuộc họp khởi động dự án được tổ chức bằng 2 hình thức trực tiếp và trực tuyến với sự tham gia của Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, ICA-AP, Halieus, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ban Đối ngoại Trung ương, các đối tác quốc tế và đại diện của 25 tỉnh hưởng lợi của dự án gồm Hà Nội, Ninh Bình, Bình Định, Quảng Ngãi, Lâm Đồng, Đak Nông, Bạc Liêu, Trà Vinh, Kon Tum, Bình Phước, Bình Thuận, Cà Mau, Cần Thơ, Đak Lak, Hà Giang, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Long An, Nam Định, Quảng Nam, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Tiền Giang, Vĩnh Long cùng 6 trường trực thuộc VCA. 

 Tổng quan về Dự án (Nguồn: BQL Dự án)

Phát biểu tại buổi lễ, TS Cao Xuân Thu Vân, Chủ tịch Liên minh Hợp tác  xã Việt Nam nhấn mạnh, trong suốt  quá trình thực hiện dự án , chúng tôi cam kết sẽ tạo ra một môi trường hỗ trợ  tối đa,  cung cấp đầy đủ các  nguồn lực  và kiến thức cần thiết để các bạn thanh niên  trong khu vực HTX có thể phát huy hết khả năng của mình. Chúng tôi  tin tưởng rằng,  bằng sự  kết hợp giữa công nghệ  và  sự sáng tạo,  dự án sẽ mở ra những cơ hội mới,  thúc đẩy sự phát triển bền vững cho các HTX và cộng đồng địa phương. 

“Kết quả của dự án sẽ tạo cơ hội lớn hơn cho đổi mới và số hóa, hỗ trợ 9,4 triệu thành viên HTX có được kiến thức và cơ hội thực hiện chuyển đổi số vì sự phát triển bền vững. Dự án cũng giúp đối tượng là thanh niên tiếp cận thông tin dễ dàng hơn để có thể trở thành thành viên và người lao động trong HTX” – Bà Trần Thu Hằng, Phó ban Phụ trách Ban Hợp tác quốc tế, VCA đã phát biểu. 

 “Liên minh Châu Âu rất vui mừng hỗ trợ dự án này để thúc đẩy chuyển đổi số cho thanh niên trong các HTX tại cộng đồng địa phương tại Việt Nam. Sáng kiến này sẽ tạo ra cơ hội phát triển bền vững và nâng cao năng lực cho khu vực HTX. Chúng tôi rất vui mừng được phối hợp với Liên minh HTX Việt Nam,  Halieus  và các đối tác dự án để khởi động dự án ngày hôm nay” – Ngài Julien Guerrier, Đại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam phát biểu.

 Thông tin khái quát về dự án (Nguồn: BQL Dự án)

Dịp này, ông Marco Della Seta, Đại sứ Italia tại Việt Nam khẳng định Dự án là một phần kết nối quan hệ hợp tác truyền thống lâu đời giữa hai bên mà nền tảng hợp tác là dựa trên sự hỗ trợ lẫn nhau. Italia có mô hình HTX mạnh mẽ và muốn chia sẻ, nhân rộng tới các bạn Việt Nam. Đồng quan điểm này, bà Francesca Ottolenghi, Chủ tịch Halieus bày tỏ tự hào khi được góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững trên toàn cầu mà dự án là một phần được dẫn dắt trong tiến trình đó, trong đó hỗ trợ các HTX phát triển hiệu quả ở góc độ toàn cầu trong đó có Việt Nam./.


Ra mắt bộ sách “Dám mơ - Biết nói - Giỏi làm”.

 Nhân dịp năm học mới, với mong muốn giúp bạn đọc trẻ trang bị những kĩ năng mềm, Nhà xuất bản Kim Đồng giới thiệu bộ sách “Dám mơ - Biết nói - Giỏi làm” gồm 2 cuốn sách Tiệm sữa “Chào buổi sáng” và “Người biết đi đường dài”.

Bộ sách kĩ năng giúp các bạn trẻ đã và đang loay hoay trong cách nhận diện và ứng xử với những cảm xúc hỗn độn của mình, tìm thấy câu trả lời trong hành trình khám phá bản thân và ý nghĩa của cuộc sống.

Mỗi cuốn sách gồm hơn 20 mẩu chuyện nhỏ với những bài học về giá trị cuộc sống và triết lí nhân sinh sâu sắc. Cuốn sách mang đến những thông điệp tốt đẹp về cuộc sống và cách phát triển trí tuệ cảm xúc tạo một nguồn năng lượng tích cực để các bạn trẻ dám mơ - biết nói - giỏi làm.

Ra mắt bộ sách kĩ năng dành cho bạn trẻ. 

Với giọng văn giản dị cùng những câu chuyện gần gũi, cuốn “Người biết đi đường dài” được thể hiện qua 3 chủ đề lớn “Kiểm soát cảm xúc”, “Tạo mối quan hệ tốt đẹp với những người xung quanh” và “Kiến tạo một thế giới tử tế”. Thông qua những câu chuyện trong “Người biết đi đường dài”, giúp các bạn trẻ hiểu được tầm quan trọng của việc tạo lập, gìn giữ và phát triển các mối quan hệ trong hành trình trưởng thành của mình.

Tiệm sữa "Chào buổi sáng” hướng đến khía cạnh cá nhân hiểu mình, sửa mình và rèn mình qua 3 chủ đề chính là “Tạo dựng cuộc sống nền nếp”, “Những bài toán nan giải” và “Trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình”. Cuốn sách tập trung trang bị cho bạn trẻ khái niệm đơn giản để nhận diện được bản thân và những giải pháp cụ thể để cải thiện các vấn đề cá nhân, tạo nên một phiên bản tốt hơn của chính mình mỗi ngày.

Bộ sách “Dám mơ - Biết nói - Giỏi làm” giống như cẩm nang tư vấn, trợ giúp bạn trẻ. Cách viết đơn giản dễ hiểu, đề cập trực diện không né tránh, đối mặt với những khó khăn và đưa ra các giải pháp hợp lý dễ dàng áp dụng, thực hành trong cuộc sống. Bộ sách sẽ giúp các bạn trẻ học cách rèn kỉ luật bản thân, hình thành những thói quen tốt, rèn luyện kỹ năng sống và phát triển toàn diện./.

Chương trình nghệ thuật “Việt Nam kiên cường” chung tay vì đồng bào vùng bão lũ.

 Chương trình “Việt Nam kiên cường” được tổ chức với mong muốn thông qua nghệ thuật khơi dậy những tấm lòng nhân ái, những nghĩa cử cao đẹp từ các nhà đồng hành, các mạnh thường quân, các nghệ sĩ và đặc biệt là những tấm lòng hảo tâm của khán giả để qua đó, góp phần cùng Đảng, Nhà nước nhanh chóng khắc phục hậu quả bão lũ, khôi phục đời sống của nhân dân.

Với tinh thần “Tương thân tương ái”, “Lá lành đùm lá rách”, Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC, Oscar Media và Báo Hànộimới tổ chức thực hiện chương trình nghệ thuật “Chung tay vì đồng bào vùng bão lũ” với chủ đề “Việt Nam kiên cường”.

Chương trình diễn ra vào 20h10 ngày 17/9/2024 tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ (8 Huỳnh Thúc Kháng, Ba Đình, Hà Nội); được truyền hình trực tiếp trên kênh VOVTV, VTC1, VTC3; tiếp sóng trên các nền tảng số VTC Now, Báo Điện tử VTC News, Báo Hànộimới điện tử; phát trực tiếp trên kênh YouTube Tự Hào Việt Nam và hơn 30 đài phát thanh – truyền hình trên cả nước. Toàn bộ ê kíp thực hiện chương trình, các nghệ sĩ tham gia đều không nhận thù lao để ủng hộ khắc phục hậu quả bão lũ.

Nhiều nghệ sĩ tham gia chương trình nghệ thuật "Việt Nam kiên cường" chung tay vì đồng bào vùng bão lũ. 

Chương trình “Chung tay vì đồng bào vùng bão lũ” chủ đề “Việt Nam Kiên Cường” do đạo diễn Mai Thanh Tùng tổng đạo diễn, biên đạo Uyên Chi tổng biên đạo, nhà báo Dương Hà biên kịch, nhà báo Trần Hướng tổ chức sản xuất, giám đốc sáng tạo Quang Hưng – Trần Chương…

“Việt Nam kiên cường” được dàn dựng công phu, gồm 3 chương “Thương lắm Việt Nam”, “Việt Nam đồng lòng”, “Việt Nam – Kiên cường vững bước”; sử dụng nhiều thủ pháp nghệ thuật như thơ, múa, âm nhạc…, đem đến khán giả những tiết mục nghệ thuật về tình yêu thương con người, yêu thương đồng loại và cổ vũ mọi người vươn lên.

Trong chương trình, khán giả sẽ được thưởng thức những ca khúc “Quê hương”, “Việt Nam tôi”, “Quê mẹ”, “Lào Cai mến thương”, “Khoảng trời của bé”, “Ru bão”, “Vẽ lại bức tranh”, “Để gió cuốn đi”, “Điều tuyệt vời”, “Người gieo mầm xanh”, “Một đời người, một rừng cây”, “Sống như những đóa hoa”, “Việt Nam tử tế”, “Việt Nam trong tôi là”, “Hòa nhịp con tim”, “Việt Nam kiên cường”…

Góp mặt trong “Việt Nam kiên cường” là các nghệ sĩ được yêu mến như: NSƯT Việt Hoàn, NSƯT Phương Anh, Anh Thơ, Minh Quân, Vy Oanh, Ngọc Anh, Đinh Hiền Anh, Quách Mai Thy, Nguyễn Thu Thủy, Nguyễn Minh Quân, Tuấn Ngọc, Lê Anh, Lê Trang, Ngọc Khánh Chi, Huy Quyết, Nguyễn Vân Anh, An Thu An, Thúy Nga, Thái Sơn, NSƯT Ngọc Anh, nghệ sĩ cello Bùi Hà Miên, nghệ sĩ piano Mỹ Dung, nhóm Thanh Âm Xanh, Vũ đoàn Lavender, Vũ đoàn Oscar, Vũ đoàn Emmy, Trung tâm nghệ thuật Be Singer, CLB Sao Tuổi Thơ… Dẫn chương trình là 2 MC nổi tiếng Nguyên Khang – Hồng Nhung.

Chương trình còn hứa hẹn đem lại những cảm xúc đặc biệt qua các phóng sự về sự tàn phá của bão số 3 qua các địa phương, cũng như những câu chuyện về các lực lượng chung tay giúp đỡ, các đoàn cứu trợ, thiện nguyện hướng về miền Bắc trong những ngày qua.

Đặc biệt, chương trình còn có phần đấu giá chiếc xe máy điện – một món quà của Vinfast có vẽ logo “Việt Nam kiên cường” của chương trình và bức tranh của họa sĩ Đoàn Nguyên để ủng hộ đồng bào bị thiệt hại.

Đạo diễn Mai Thanh Tùng - tổng đạo diễn chương trình chia sẻ: “Chứng kiến những thiệt hại nặng nề mà bão số 3 để lại, tôi và các cộng sự ngay lập tức nảy ra ý tưởng về một chương trình nghệ thuật, không chỉ để đồng cảm cùng khán giả mà còn nhằm kêu gọi sự chung tay của những tấm lòng hảo tâm giúp đỡ đồng bào vượt qua khó khăn. Điều may mắn là chúng tôi nhận được sự ủng hộ vô cùng nhiệt tình. Toàn bộ ê kíp và các nghệ sĩ tham gia đều không nhận thù lao, với mong muốn gửi gắm qua nghệ thuật thông điệp yêu thương, sẻ chia với đồng bào vùng lũ, cùng nhau vượt qua những mất mát, tiếp thêm sức mạnh cho mọi người trong giai đoạn khó khăn này”.

Khai mạc Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ năm 2024.

 Điểm nhấn của Lễ hội là phần biểu diễn nghệ thuật ánh sáng với 250 máy bay không người lái để tái hiện những hình ảnh đặc trưng của Lễ hội Nghinh Ông, Lăng Ông Thủy Tướng và hình ảnh về Cần Giờ.

 Tiết mục mở màn khai mạc Lễ hội.

Tối 16/9, tại huyện Cần Giờ, UBND huyện Cần Giờ và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh tổ chức Lễ mừng công ngư dân Cần Giờ năm 2024 và phát động quyên góp ủng hộ đồng bào vùng bão lũ ở các tỉnh miền Bắc trong Lễ hội truyền thống Ngư dân Cần Giờ. 

Phát biểu báo cáo mừng công ngư dân Cần Giờ năm 2024, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Nguyễn Ngọc Xuân cho biết, Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ đã trở thành Tết biển - một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Lễ hội là sự kiện văn hóa đặc biệt của người dân Thành phố Hồ Chí Minh; được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia vào năm 2013. Đây còn là niềm vui và tự hào của người dân thành phố nói chung và người dân Cần Giờ nói riêng, cần được tiếp tục bảo tồn và phát huy.

Theo đồng chí Nguyễn Ngọc Xuân, Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ năm 2024 dự kiến sẽ thu hút đông đảo người dân và du khách đến tham gia. Điều này là động lực cổ vũ tinh thần, tiếp thêm sự tự tin cho ngư dân, tạo tâm thế vững tin để ngư dân bước vào vụ sản xuất mùa mới hiệu quả cao hơn.

 Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Nguyễn Ngọc Xuân phát biểu tại Lễ hội.

Năm nay, Lễ hội hội Nghinh Ông Cần Giờ diễn ra từ ngày 16 - 18/9 với nhiều hoạt động thiết thực, nội dung mang đậm nét truyền thống dân gian, văn hóa. Điểm nhấn của Lễ hội là phần biểu diễn nghệ thuật ánh sáng với 250 máy bay không người lái để tái hiện những hình ảnh đặc trưng của Lễ hội Nghinh Ông, Lăng Ông Thủy Tướng và hình ảnh về Cần Giờ.

Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ cho biết, thủy sản là ngành kinh tế chủ lực trong sản xuất nông nghiệp của huyện, vì vậy, huyện Cần Giờ tiếp tục triển khai kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển thủy sản và nghị quyết phát triển thủy sản đến năm 2030. Trong 9 tháng đầu năm 2024, tổng sản lượng ngành thủy sản của huyện đạt hơn 42.300 tấn, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Trên địa bàn huyện có hơn 683 phương tiện tàu cá đồng loạt vươn khơi bám biển, với tinh thần vượt khó, thường xuyên thay đổi ngư lưới cụ, nâng cấp công suất máy, lắp đặt máy dò tìm hải sản, tìm ngư trường mới, do đó sản lượng được nâng lên với hơn 12.300 tấn trong 9 tháng đầu năm. Các tàu cá đều chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Nhằm chia sẻ những mất mát do bão số 3 gây ra tại các tỉnh phía Bắc, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Cần Giờ đã kêu gọi các tầng lớp nhân dân cùng hưởng ứng tích cực đợt vận động cứu trợ đồng bào miền Bắc.
 Các văn nghệ sĩ tham gia ủng hộ đồng bào miền Bắc bị ảnh hưởng lũ lụt.

Thực hiện chủ trương của UBND TP Hồ Chí Minh về việc giảm quy mô các hoạt động lễ hội, sự kiện nhằm chia sẻ khó khăn với bà con đồng bào khu vực phía Bắc bị ảnh hưởng bởi bão số 3, Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ năm 2024 sẽ chỉ giữ các hoạt động truyền thống như lễ thượng đại kỳ, lễ cúng tiền hiền hậu hiền bạn cũ lái xưa, lễ đưa Nghinh và rước Nghinh trên biển, lễ hội mừng công ngư dân Cần Giờ.

Một số hoạt động văn hóa, nghệ thuật như: đờn ca tài tử; biểu diễn trống kèn thiếu nhi; biểu diễn lân - sư - rồng; trò chơi dân gian; hội thi trang trí, diễu hành xe hoa Lễ hội Nghinh Ông - Đêm hội trăng rằm; bắn pháo hoa hỏa thuật, chương trình nghệ thuật sẽ không diễn ra…

Các hoạt động thể dục thể thao biểu diễn võ nhạc; giải bắn súng 3 môn phối hợp; đua xuồng chèo; biểu diễn dù lượn có động cơ; xiếc đường phố; giải đua cà kheo; bóng đá cà kheo… cũng ngừng tổ chức.

Dịp này, UBND huyện Cần Giờ trao tặng giấy khen và phần thưởng cho nhiều cá nhân có thành tích lao động, sản xuất tốt và các cá nhân, đơn vị đã có hoạt động trùng tu, bảo tồn gìn giữ Lăng Ông Thủy Tướng.

Bên cạnh đó, người dân và du khách tham gia Lễ hội cũng đóng góp ủng hộ đồng bào các tỉnh phía Bắc bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3./.