Thứ Năm, 29 tháng 4, 2021

Không ai có thể đánh đổ biểu tượng niềm tin của một dân tộc

Mỗi quốc gia, dân tộc trên thế giới đều có biểu tượng niềm tin của mình. Biểu tượng niềm tin kết tụ sức mạnh tinh thần, tình cảm, sự xác tín thiêng liêng của cả dân tộc và trở thành một trong những trụ lực vững vàng, bền chắc nhất để cộng đồng dân tộc ấy tồn tại, phát triển. Đụng chạm đến biểu tượng niềm tin của một dân tộc là đụng chạm đến tình cảm thiêng liêng, sâu đậm của hàng triệu con người. Thế nên, một vài tiếng nói “lạc bầy”, cố ý bôi nhọ, xuyên tạc Chủ tịch Hồ Chí Minh, sẽ không bao giờ được lòng dân Việt Nam chấp thuận. Bởi lẽ… Bác Hồ - biểu tượng niềm tin của dân tộc Việt Nam Từ hàng nghìn đời nay, nhân dân Việt Nam luôn nặng nghĩa ân tình, biết ơn tất cả những ai có công khai thiên lập địa, mở mang bờ cõi, xây dựng đất nước và giữ gìn giang sơn gấm vóc Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Đạo lý biết ơn các bậc tiên hiền, tiên liệt đã ăn sâu vào tâm thức của mỗi người Việt, trở thành một trong những nét tâm lý tính cách văn hóa đặc trưng tiêu biểu của dân tộc Việt Nam. Sau nhiều năm nghiên cứu, các nhà sử học, nhà văn hóa, chuyên gia lịch sử quân sự đã thống nhất khẳng định: Cùng với nhân vật lịch sử huyền thoại Quốc tổ Hùng Vương, còn có 13 nhân vật kiệt xuất trong lịch sử dựng nước và giữ nước đã đi vào lòng dân, xứng đáng được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch quy hoạch xây dựng tượng đài, đó là: Hai Bà Trưng, Lý Nam Đế, Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn, Lý Công Uẩn, Lý Thường Kiệt, Trần Nhân Tông, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ (Quang Trung) và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vì 14 vị trên đã đáp ứng được một trong ba tiêu chí: Người khởi xướng, lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống lại ách đô hộ ngoại xâm, giành độc lập dân tộc; người đứng đầu một vương triều có đóng góp đặc biệt xuất sắc, lãnh đạo dân tộc giành được những thành tựu to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước; nhà quân sự, chính trị, văn hóa lỗi lạc. Tất cả 14 nhân vật lịch sử đó được nhân dân tôn kính, thờ phụng ở rất nhiều nơi. Trong đó, Quốc tổ Hùng Vương được thờ phụng ở hơn 1.400 di tích; “Đức thánh Trần” Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn được thờ phụng ở hơn 400 làng xã và di tích lịch sử tại nhiều địa phương. Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, theo thống kê của các cơ quan chức năng, hiện cả nước đã có hơn 600 di tích, địa điểm di tích lưu niệm Bác Hồ tại gần 30 tỉnh, thành phố; 103 tượng đài Bác Hồ được xây dựng trong khuôn viên, trụ sở của các cơ quan, đơn vị trên toàn quốc. Tại sao các vị anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, đặc biệt là Quốc tổ Hùng Vương, Trần Quốc Tuấn và Chủ tịch Hồ Chí Minh lại được nhân dân ta tôn kính, thờ phụng ở khắp nơi như vậy? Bởi vì, các vua Hùng đã có công khai cơ lập quốc, xây nền đắp móng cho giang sơn Việt Nam từ buổi bình minh của lịch sử dân tộc để Tổ quốc ta trường tồn đến hôm nay và mai sau. Trần Quốc Tuấn là vị anh hùng dân tộc gắn liền với 3 lần chiến thắng quân xâm lược Mông-Nguyên, để lại một dấu son chói lọi trong lịch sử giữ nước của dân tộc Việt Nam và mang tầm thời đại ở thế kỷ XIII. Chủ tịch Hồ Chí Minh là anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất ở thế kỷ XX; người sáng lập, rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam; người khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, chế độ dân chủ công-nông đầu tiên ở Đông Nam Á; người cha thân yêu của các LLVT nhân dân Việt Nam; người đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và mang lại tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân Việt Nam. Lịch sử vốn khách quan, lòng dân là công tâm nhất. Không ai có thể phong “thánh” cho ai, mà “thánh” xuất phát từ lòng dân, sống mãi trong lòng dân. Thế nên, dân gian mới có câu “Thương dân, dân lập đền thờ…”. Lòng dân Việt Nam đối với Bác Hồ, có lẽ không câu nào sâu sắc hơn câu đối mà ông Nguyễn Văn Từ đã viết cách nay 55 năm, nhân dịp mừng sinh nhật Bác tròn 70 tuổi (19-5-1960): Lo vì Dân, nghĩ vì Dân, vui khổ cũng vì Dân, dốc chí thờ Dân, công Bác với Dân thiên thu bất tận/ Bố gọi Bác, con gọi Bác, cháu chắt lại gọi Bác, nối dòng theo Bác, lòng Dân mong Bác vạn thọ vô cương.

1 nhận xét: