Thứ Tư, 28 tháng 4, 2021

NGUY CƠ LÂY NHIỄM DỊCH BỆNH VÀO VIỆT NAM

Theo báo cáo của Bộ Y tế, đến ngày 27/4, thế giới ghi nhận trên 147 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có trên 3,1 triệu ca tử vong. Mỹ tiếp tục là quốc gia có số ca mắc COVID-19 cao nhất thế giới với trên 32,8 triệu ca mắc, khoảng 586.000 ca tử vong; tiếp đó là Ấn Độ với trên 17,3 triệu ca mắc, trên 195.000 ca tử vong; Brazil với trên 14,3 triệu ca mắc, khoảng 390.000 ca tử vong. Đáng chú ý, trong 4 tuần qua, thế giới ghi nhận trên 18 triệu ca mắc COVID-19, chiếm 12,4% tổng số ca nhiễm từ đầu mùa dịch, trong đó có trên 290.000 ca tử vong, chiếm 9,4%. Tại Ấn Độ, dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp với số ca mắc tăng cao, trong khi hệ thống y tế đang có nguy cơ sụp đổ. Chỉ tính riêng ngày 25/4, Ấn Độ ghi nhận thêm 349.313 ca mắc mới và thêm 2.761 ca tử vong, đánh dấu ngày thứ 8 liên tiếp Ấn Độ ghi nhận trên 200.000 ca/ngày. Các chuyên gia cho rằng, Ấn Độ mất cảnh giác khi dịch COVID-19 được kiểm soát trong thời gian dài (từ tháng 1 - 3/2021) và dỡ bớt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, cho phép tập trung đông người trở lại. Trong khi đó, Chính phủ Ấn Độ đã phát động chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 nhưng chỉ có một phần nhỏ trong số trên 1,3 tỷ dân được tiêm. Đến nay, một số quốc gia như Anh, Canada, Singapore, Các tiểu vương quốc Ả-rập đã tạm ngừng nhập cảnh đối với người đến từ Ấn Độ. Tại Việt Nam, tính đến ngày 27/4, cả nước ghi nhận tích lũy 2.854 ca mắc COVID-19, trong đó có 1.570 ca lây nhiễm trong nước (chiếm 55% tổng số ca mắc). Trong số các ca mắc, 2.516 ca được điều trị khỏi (chiếm 88,2%), còn 291 đang được điều trị (chiếm 10,2% tổng số ca mắc) và 35 ca tử vong. Tình hình dịch bệnh trong nước đến nay được kiểm soát tốt, cả nước đã có 33 ngày không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng. Tuy nhiên, Bộ Y tế nhận định, nhiều quốc gia đã ghi nhận ca mắc tăng trở lại sau khi nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, trong đó có một số quốc gia có chung đường biên giới hoặc ở gần Việt Nam như Thái Lan, Lào, Campuchia. Đáng chú ý, trong 1 tuần qua, có 16.607 trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam từ 3 nước Lào, Trung Quốc, Campuchia (tăng 3.838 trường hợp so với tuần trước đó), trong đó có 483 tường hợp nhập cảnh trái phép (tăng 160 trường hợp so với tuần trước đó, cụ thể: Trung Quốc 301 trường hợp, Lào 16 trường hợp và Campuchia 166 trường hợp). Trong khi đó, hiện có tình trạng người dân có tâm lý lơ là, chủ quan, tụ tập đông người, không đeo khẩu trang. Trên cả nước vẫn còn những trường hợp nhập cảnh trái phép hoặc các trường hợp nếu không quản lý tốt sẽ có thể có ca nhiễm với biến chủng lây lan tốc độ nhanh, dẫn đến nguy cơ ghi nhận ca mắc mới. Đặc biệt, đợt nghỉ lễ dài 30/4, 1/5 và nghỉ hè là thời điểm người dân đi du lịch, di chuyển và tập trung đông người nên nguy cơ lây nhiễm lớn. Bộ Y tế nhấn mạnh kiên trì nguyên tắc phòng chống dịch: Ngăn chặn, phát hiện, truy vết-cách ly, khoanh vùng - dập dịch, điều trị hiệu quả; thực hiện nghiêm túc phương châm bốn tại chỗ trong công tác phòng, chống dịch, nêu cao tinh thần cảnh giác; tiếp tục chiến lược 5K + vaccine. Về tiến độ triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, ở đợt 1, hiện có 92.446/107.000 liều vaccine được phân bổ, đạt tỷ lệ 86,4% cho các địa phương, lực lượng quân đội và công an. Đến nay, 8/13 tỉnh, thành phố hoàn thành triển khai, còn 5 tỉnh, thành phố đang triển khai và dự kiến sẽ kết thúc tiêm chủng đợt 1 trong tháng 4/2021; 18/21 cơ sở điều trị đã hoàn thành, 3 cơ sở còn lại đang triển khai tiêm chủng. Ở đợt 2, đã có 35/63 tỉnh, thành phố triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 đợt 2 với tổng số 119.376 liều vaccine đã sử dụng, trong đó có 117.654 mũi 1 và 1.722 mũi 2.

1 nhận xét: