Thứ Tư, 28 tháng 4, 2021

Tiếp thu ý kiến xác đáng, phê phán luận điệu xuyên tạc

Đã từ lâu ở Việt Nam, mỗi dịp Đại hội Đảng là một sự kiện chính trị trọng đại không chỉ của Đảng, mà thu hút sự quan tâm đông đảo của các tầng lớp nhân dân. Trong tình cảm, nhận thức của hầu hết người dân Việt Nam, việc Đảng cũng là việc dân, việc nước cũng là việc của mỗi người, mỗi nhà. Bởi vậy, mỗi khi Đảng ta kêu gọi, vận động, động viên các tầng lớp nhân dân tham gia ý kiến đóng góp vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội của Đảng, nhân dân ta coi đó là việc rất đỗi tự nhiên nên luôn có tinh thần hưởng ứng tham gia nhiệt tình, tâm huyết, trách nhiệm. Hơn nữa, việc Đảng ta đã công bố công khai các dự thảo văn kiện đại hội trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng không ngoài mục đích và mong muốn được tiếp nhận, tiếp thu, tập hợp nhiều ý kiến, hiến kế của các tầng lớp nhân dân, qua đó nhằm bổ sung, hoàn thiện các dự thảo văn kiện, bảo đảm cho văn kiện đại hội thực sự là kết tinh của “Ý Đảng, lòng dân”. Là đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam, Đảng ta đã nhiều lần khẳng định: Lấy mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” làm điểm tương đồng để tập hợp đại đoàn kết dân tộc, gắn kết 54 dân tộc anh em trong nước và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Trên cơ sở “cầu đồng tồn dị”, chúng ta chấp thuận ý kiến khác nhau, nhưng không trái, không đi ngược lại với mục tiêu cao cả đó. Có thể trong hàng ngàn, hàng vạn ý kiến đóng góp vào Dự thảo các văn kiện Đại hội XII của Đảng, cũng có ý kiến đúng, có cơ sở khoa học, hợp lý, hợp tình; nhưng cũng có ý kiến chưa đúng vì thiếu thông tin hay thiếu tầm nhìn cần thiết. Nếu các ý kiến đó đều xuất phát từ tình cảm tâm huyết, trách nhiệm, vì dân, vì nước thực sự, thì luôn được Đảng ta trân trọng, đón nhận, chứ không bao giờ có thái độ “phân biệt đối xử” với những góp ý chưa đúng. Đó là phương châm hành xử giàu chất văn hóa, đồng thời cũng là trách nhiệm chính trị và ý thức cầu thị của một đảng cách mạng đã được nhân dân quý trọng, nuôi dưỡng, đùm bọc, bảo vệ suốt 85 năm qua. Tuy nhiên, trong xã hội bùng nổ thông tin hiện nay, lợi dụng internet, mạng xã hội cũng đã xuất hiện những ý kiến đóng góp thiếu thiện chí, thiếu cơ sở khoa học, không phù hợp với tình hình thực tế ở Việt Nam, thậm chí có những ý kiến chỉ trích, chê bai, phản bác lồng ghép với dụng ý xuyên tạc, bôi nhọ, chống phá thì chúng ta cần phải đề cao cảnh giác và kịp thời ngăn chặn, phê phán. Chúng ta chỉ tiếp thu những ý kiến đóng góp có lợi cho quốc kế dân sinh, cho sự phát triển ổn định, bền vững của đất nước, chứ không chấp nhận những ý kiến làm phương hại đến sự ổn định chính trị, làm phân tâm tư tưởng nhân dân, gây xáo trộn đời sống tinh thần xã hội và cũng kiên quyết bác bỏ những luận điệu sai trái, thù địch muốn lợi dụng việc đóng góp ý kiến này để chống phá cách mạng nước ta. Bởi vì, suy cho cùng, việc phê phán, phản bác những ý kiến sai trái, thù địch cũng là một cách để trân trọng, bảo vệ những ý kiến đóng góp tâm huyết, trí tuệ, chính đáng của các tầng lớp nhân dân vào Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng.

1 nhận xét:

  1. Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng đối với cấp ủy, tổ chức đảng, của cả hệ thống chính trị và mọi cán bộ, đảng viên.

    Trả lờiXóa