Thứ Tư, 28 tháng 4, 2021

Quyền lập hội luôn được tôn trọng, thực thi tại Việt Nam

Quyền lập hội cũng không phải chỉ được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1946 và Hiến pháp năm 2013 như một số người lầm tưởng. Đây là một trong những quyền cơ bản của công dân Việt Nam được ghi nhận xuyên suốt trong tất cả các bản Hiến pháp được Quốc hội Việt Nam thông qua từ trước đến nay. Khi Quốc hội Việt Nam đang chuẩn bị xem xét Luật về hội theo quy trình, trong dư luận xuất hiện một số ý kiến mang tính "chọc gậy bánh xe", cho rằng, Việt Nam vẫn còn "e dè" về quyền tự do lập hội, bởi ý tưởng xây dựng Luật về hội đã có từ rất lâu nhưng đến nay vẫn đang trong quá trình xây dựng! Thậm chí, có những tư tưởng mang danh "dân chủ" đề nghị cần có “không gian dân sự” cho xã hội và không cần “kiểm soát” mọi hội, nhóm trong xã hội, đặc biệt là các “hội có chung sở thích”. Thực tế, “không gian dân sự” cho xã hội đã và vẫn đang tồn tại, chưa có Luật về hội thì trong xã hội Việt Nam cũng đã có rất nhiều hội, nhóm dân sự hoạt động và các hội, nhóm ấy không hề bị “kiểm soát” hoạt động. Đương nhiên, hoạt động của các hội, nhóm đều phải tuân thủ luật pháp, vì lợi ích của tập thể và các thành viên. Người nào lập hội, nhóm để hoạt động đi ngược lại lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, lợi ích cộng đồng hoặc xâm phạm lợi ích, bí mật của cá nhân, tổ chức khác thì ở xã hội nào, quốc gia nào cũng sẽ bị xử lý trách nhiệm… “Không gian dân sự” không thiếu Theo thống kê của Bộ Nội vụ, tính đến tháng 12-2014, cả nước có 52.565 hội với 483 hội hoạt động trên phạm vi cả nước và 52.082 hội hoạt động trên phạm vi từng địa phương. Trong đó có 8.792 hội có tính chất đặc thù, gồm 28 hội hoạt động trên phạm vi cả nước và 8.764 hội hoạt động trên phạm vi từng địa phương. Về phân loại, một số hội được xác định là tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp và 10 hội được thành lập đảng, đoàn để lãnh đạo hoạt động của tổ chức. Các hội còn lại được xác định là tổ chức xã hội-nghề nghiệp, tổ chức xã hội-nhân đạo, hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự bảo đảm kinh phí hoạt động. Có 31 tổ chức hội hoạt động trên phạm vi cả nước được Nhà nước cấp kinh phí để tạo điều kiện hoạt động vì đó là những lĩnh vực Nhà nước cũng có trách nhiệm thực hiện hoặc khuyến khích thực hiện, như để thúc đẩy nền văn học nước nhà, bảo vệ công lý, phát triển phúc lợi xã hội... Đây là con số thống kê những tổ chức hội có đăng ký hoạt động và được cấp có thẩm quyền cho phép. Tất nhiên, trong xã hội còn tồn tại cực kỳ nhiều loại hội, nhóm khác nhau, từ hội đồng hương, đồng ngũ, đồng niên, đồng khóa, cho đến các hội có chung sở thích như cổ động viên, chơi các môn thể dục-thể thao, làm thơ, trồng trọt… Bản thân người viết bài này cũng như rất nhiều người khác trong xã hội đang cùng lúc tham gia hàng chục hội, nhóm như vậy. Tất nhiên, những hội, nhóm ấy cũng có tổ chức đàng hoàng, cũng thu-chi quỹ lớn, quỹ bé, cách thức hoạt động hẳn hoi. Thực tế, chưa hề có ai ngăn cản việc các cá nhân, tổ chức thành lập hội, nhóm hay kiểm soát, hạn chế các hội, nhóm ấy hoạt động, trừ phi các hội, nhóm có vi phạm pháp luật, như các hội, nhóm giang hồ, trộm cướp, cờ bạc, hành nghề mê tín dị đoan hoặc nguy hại hơn là chống phá Đảng, chính quyền, đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc… Quyền lập hội cũng không phải chỉ được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1946 và Hiến pháp năm 2013 như một số người lầm tưởng. Đây là một trong những quyền cơ bản của công dân Việt Nam được ghi nhận xuyên suốt trong tất cả các bản Hiến pháp được Quốc hội Việt Nam thông qua từ trước đến nay. Điều 10 Hiến pháp năm 1946 nêu rõ, công dân Việt Nam có quyền tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức và hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài. Điều 25 Hiến pháp năm 1959: “Công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hòa có các quyền tự do ngôn luận, báo chí, hội họp, lập hội và biểu tình. Nhà nước bảo đảm những điều kiện vật chất cần thiết để công dân được hưởng các quyền đó”. Điều 67 Hiến pháp năm 1980: “Công dân có các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do lập hội, tự do biểu tình, phù hợp với lợi ích của chủ nghĩa xã hội và của nhân dân. Nhà nước tạo điều kiện vật chất cần thiết để công dân sử dụng các quyền đó. Không ai được lợi dụng các quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích của Nhà nước và của nhân dân”. Điều 69 Hiến pháp năm 1992: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật”. Và Điều 25 Hiến pháp năm 2013: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Như vậy, quyền tự do hội họp, tự do lập hội của công dân Việt Nam luôn được Hiến pháp của Việt Nam ghi nhận. Không những thế, những quyền được các công ước quốc tế coi là quyền cơ bản của con người, trong đó có quyền tự do hội họp, lập hội, còn được Nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ bảo đảm và bảo vệ. Bộ luật Hình sự Việt Nam cũng quy định rất rõ tội xâm phạm quyền hội họp, lập hội, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân. Làm luật mới để bảo đảm tốt hơn quyền lập hội Thực tế, không phải Việt Nam “e dè” nên chưa xây dựng Luật về hội như một số ý kiến thiếu thiện chí, thậm chí đối nghịch, luôn tìm cách hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý của Nhà nước, xuyên tạc, bịa đặt "lập lờ đánh lận con đen" trên các diễn đàn, trang mạng xấu độc. Luật Quy định quyền lập hội năm 1957 đã được Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa thông qua, Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh ban bố cho đến nay vẫn còn hiệu lực thi hành. Trên cơ sở luật này, ngày 21-4-2010, Chính phủ Việt Nam đã ra Nghị định số 45/2010/NĐ-CP quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội. Những người luôn hô to và đòi các quyền "tự do, dân chủ" đã cố tình lờ đi một thực tế: Quyền hội họp, lập hội của công dân Việt Nam vẫn được Hiến pháp, pháp luật Việt Nam ghi nhận, bảo đảm và bảo vệ, vẫn được thực thi bình thường trong cuộc sống. Các vướng mắc nảy sinh chưa đến mức cấp thiết phải sửa đổi hay xây dựng luật về hội mới ngay lập tức trong các thời điểm trước đây. Trong khi đó, với sự chuyển mình mạnh mẽ trong lĩnh vực kinh tế, việc ưu tiên sửa đổi, xây dựng các luật để vận hành trơn tru nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hay bảo đảm tinh thần cải cách tư pháp là tất yếu. Bởi vậy, việc đến nay Quốc hội Khóa XIII mới xem xét Luật về hội để thay thế luật năm 1957 cũng là bình thường. Việc Quốc hội Khóa XIII quyết định xây dựng Luật về hội mới là để bảo đảm, bảo vệ tốt hơn quyền lập hội, tham gia hội của công dân, đồng thời đáp ứng tinh thần mới của Hiến pháp năm 2013 là việc hạn chế quyền con người, quyền công dân chỉ được quy định tại các văn bản luật, các văn bản dưới luật (như nghị định) không được quy định hạn chế quyền con người, quyền công dân. Đương nhiên, theo đúng tinh thần của Hiến pháp năm 2013 và theo thông lệ quốc tế, quyền lập hội của công dân cũng sẽ bị Luật về hội hạn chế trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng… Ai lập hội hay lợi dụng việc tham gia hội để có các hoạt động vi phạm pháp luật chắc chắn cũng vẫn phải chịu trách nhiệm dân sự, hành chính, hay thậm chí là hình sự cho hành vi vi phạm của mình. Xin nêu dẫn chứng mà hẳn nhiều người đã biết, đó là thời gian qua, một phụ nữ lợi dụng trang mạng xã hội, lập hội nhóm “Tập đoàn thánh bóc” công khai trên mạng xã hội để xâm phạm bí mật đời tư, xâm phạm lợi ích của các cá nhân khác đã bị lực lượng chức năng bắt giữ để phục vụ công tác điều tra, truy cứu trách nhiệm hình sự… Rõ ràng, những ý kiến đề nghị “phải có không gian dân sự” cho các hội, nhóm ở Việt Nam, đặc biệt là "các hội, nhóm có chung sở thích", “không được kiểm soát hoạt động của mọi hội, nhóm trong xã hội” hoặc là do người đề xuất chưa tìm hiểu kỹ lịch sử lập hiến, lập pháp cũng như thực tiễn ở nước ta, hoặc là do một số kẻ cố tình bóp méo sự thật, chống phá Đảng, chính quyền, gây hiểu lầm, hồ nghi không đáng có trong nhân dân về việc bảo đảm, bảo vệ và thực thi quyền lập hội tại Việt Nam./.

1 nhận xét: