Thứ Sáu, 30 tháng 4, 2021

Thủ tướng: 'Chỉ một người lơ là, cả xã hội vất vả'

Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu xem xét trách nhiệm, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân chủ quan, mất cảnh giác và thực hiện không đúng quy định, để dịch bệnh lây lan. Chủ trì họp khẩn về phòng chống Covid-19 sáng 30/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu quan điểm "chỉ một người lơ là, cả xã hội vất vả". Do vậy, cùng với việc biểu dương các đơn vị làm tốt, "hy sinh hết mình vì cộng đồng thời gian qua", ông nêu rõ trong số những nguyên nhân dẫn đến chùm ca bệnh vừa bùng phát có tâm lý chủ quan của một số tổ chức, cá nhân. Ngoài ra, việc quản lý cách ly y tế chưa nghiêm, nhất là khâu quản lý tại nhà sau 14 ngày tập trung; ý thức, hợp tác của gia đình, người thân trong việc theo dõi cách ly tại nhà chưa tốt. Theo Thủ tướng, nguy cơ lây nhiễm từ bên ngoài rất cao, luôn rình rập, đặc biệt là từ các nước xung quanh và khi Chính phủ tiếp tục thực hiện các chuyến bay giải cứu đưa công dân từ nước ngoài về, mầm bệnh từ đó có thể thâm nhập. Trong bối cảnh đó, ông lưu ý khâu tổ chức thực hiện các quy định, quy chế liên quan đến phòng, chống dịch "cần phải siết chặt hơn nữa, làm hiệu quả hơn nữa". "Phải hết sức bĩnh tĩnh, sáng suốt, phát huy thành tích, kinh nghiệm của quá trình phòng chống dịch thời gian qua, những bài học từ các nước trên thế giới", Thủ tướng nói và nhấn mạnh vẫn có thể xử lý tốt tình hình, không hoang mang, không lo sợ, không chủ quan, không cầu toàn và không nóng vội. Nhắc lại mục tiêu cao nhất là đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân, cộng đồng, thực hiện "mục tiêu kép", Thủ tướng yêu cầu trước mắt phải khẩn trương, thần tốc hơn nữa truy vết, phát hiện, khoanh vùng, cách ly, nhanh chóng khắc phục hậu quả xảy ra. "Kiểm tra, truy vết, quản lý chặt chẽ với tinh thần đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người", Thủ tướng nói và kêu gọi người dân chung tay cùng Chính phủ, gác lại việc chưa cần thiết, ngay lập tức thực hiện các quy định phòng chống dịch và thực hiện "5K + Vaccine". "Qua hơn một năm, chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm nhưng cũng cần đánh giá lại những mặt được, chưa được, nguyên nhân và rút ra bài học để tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn công tác phòng chống dịch", ông nêu rõ. Bộ Y tế rà soát, hoàn thiện các tiêu chí về dịch bệnh, nguy cơ lây nhiễm như quy định cụ thể thế nào là nguy cơ cao, thấp, trung bình; thế nào là có dịch... và thiết kế công cụ giám sát, kiểm tra; phân cấp cho các địa phương căn cứ vào tiêu chí đó để quyết định các biện pháp, "không trông chờ, ỷ lại". Các đơn vị dự báo tình hình, xây dựng kịch bản xấu nhất có thể xảy ra để khống chế dịch bệnh hiệu quả.   Tại cuộc họp, một số ý kiến cho rằng, các ca bệnh trong cộng đồng ở một số địa phương "đe dọa nỗ lực của chúng ta, nếu không kiểm soát tốt, dịch sẽ xô đổ mọi thành quả". Vì vậy, các cơ quan chức năng cần siết chặt việc giám sát khâu cách ly tập trung và tại nhà; các trường hợp cách ly tại nhà cần có hồ sơ theo dõi y tế. Theo thống kê, chỉ 1% bệnh nhân có thời gian ủ bệnh hơn 14 ngày, vì vậy "theo dõi cách ly tại nhà chính là kiểm soát những trường hợp này". "Bệnh nhân 2899" cũng có khả năng rơi vào diện 1%. Sau hơn một tháng không có lây nhiễm cộng đồng, ngày 29/4, Việt Nam ghi nhận ca bệnh 2899, ở thôn Quan Nhân, xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Người này từ Nhật về ngày 7/4, cách ly tập trung tại phòng 1.203 khách sạn Alisia Beach Đà Nẵng. Ngày 21/4, sau khi hết 14 ngày cách ly tập trung và có 3 lần kết quả âm tính, anh đi xe Tân Kim Chi (giường cuối cùng bên phải xe) từ 20h ngày 21/4 đến 7h30 ngày 22/4 xuống nút giao Liêm Tuyền, Hà Nội, đi xe về nhà. Hai ngày sau anh sốt, ho, đau họng, ngày 29/4 xét nghiệm dương tính. Ngành y tế đã ghi nhận 10 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với nCoV liên quan đến "bệnh nhân 2899".

1 nhận xét: