Thứ Hai, 31 tháng 5, 2021
Đảm bảo tốt nhiệm vụ trong khu cách ly tập trung
Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát cuối tháng 2-2020 đến nay, cùng với Bộ CHQS các tỉnh, thành phố, Trường Quân sự Quân khu 9 đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch; đồng thời chủ động, tích cực, sẵn sàng đón công dân từ nước ngoài về nước, đảm bảo điều kiện sinh hoạt tốt nhất trong suốt thời gian cách ly tập trung. Gần đây nhất là ngày 12-5, nhà trường đã tiếp nhận 195 công dân Việt Nam về từ Australia.
Trong tổng số 195 công dân từ Australia về nước, có 94 công dân nam, 101 nữ và 5 trẻ em. Đại tá Phạm Quang Dự, Phó hiệu trưởng Trường Quân sự Quân khu 9 cho biết, sau khu nhận được chỉ thị tiếp nhận công dân của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Quân khu 9, nhà trường đã làm mọi công tác chuẩn bị như: Thành lập các tổ, đội phục vụ; sửa chữa lại các khu nhà ở, thay mới, bổ sung các thiết bị điện, nước; phối hợp với Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Bộ CHQS tỉnh Sóc Trăng trao đổi, rút kinh nghiệm về công tác tiếp nhận, phục vụ công dân. Nhà trường, đã lắp đặt hệ thống camera quan sát tại 22 vị trí trong khu cách ly, do Ban Giám hiệu và một bộ phận chỉ huy trong khu cách ly điều hành. Nhờ sự chủ động, tích cực đó, công tác phục vụ cho đến thời điểm này đều rất thuận lợi.
Đảm bảo tốt nhiệm vụ trong khu cách ly tập trung
Qua 3 đợt tiếp nhận, Thiếu tá QNCN Nguyễn Thị Hạnh, Nhân viên quản lý Tiểu đoàn 2 và Thiếu tá QNCN Nguyễn Hoàng Liên Phương, Nhân viên Phòng Chính trị đều tạm gác công việc gia đình để phục vụ từng bữa ăn cho công dân. “Hằng ngày, các thành viên trong tổ nấu ăn phải thức dậy từ 2 giờ sáng, làm mọi công tác chuẩn bị. Từ khâu tiếp nhận nhu yếu phẩm, chế biến thực phẩm, chia khẩu phần và chuyển thức ăn vào khu cách ly phải làm sao cho kịp thời gian. Nhiều thành viên trong tổ phải làm việc trong điều kiện thời tiết nóng nực, oi bức, tuy nhiên không một ai kêu than. Tất cả đều hăng hái phục vụ, mục đích là làm sao cho bà con được ăn những bữa cơm ngon”, Thiếu tá QNCN Nguyễn Thị Hạnh tâm sự. Còn Thiếu tá QNCN Nguyễn Hoàng Liên Phương chia sẻ thêm: “Tổ phục vụ nấu ăn đều là cán bộ, giáo viên thuộc các khoa, phòng, ban, nhiều người có con còn nhỏ. Đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn, nhưng chúng tôi cố gắng bảo đảm những điều kiện tốt nhất để bà con yên tâm. Đợt này có 8 người ăn chay nên chúng tôi phải nấu riêng các món chay. Những bữa đầu còn khó khăn, nhưng được sự góp ý nên chúng tôi đã làm các món chay phong phú, đẹp mắt, giàu chất dinh dưỡng hơn. Ai cũng cảm thấy ấm lòng khi được các công dân khen nấu ăn ngon, lại chu đáo tận tình phục vụ”.
Đảm bảo tốt nhiệm vụ trong khu cách ly tập trung
Vào khu cách ly trong đơn vị quân đội, bà con được bố trí nơi sinh hoạt theo tiêu chuẩn như một “quân nhân”. Mới nghe qua điều này có thể sẽ khiến nhiều người lo ngại rằng sẽ không được thuận tiện và thoải mái như ở nhà. Thế nhưng, với nhiều người đang được cách ly thì không hề đáng ngại. Đại úy QNCN Nguyễn Thị Thanh Thảo, Điều dưỡng bệnh xá, Trường Quân sự Quân khu 9 cho biết: “Khi công dân về cách ly, bộ phận quân y sẽ lập danh sách theo từng đối tượng để theo dõi và quản lý. Những người cao tuổi, trẻ em đều có chế độ thăm khám và dinh dưỡng hợp lý mỗi ngày nên ai cũng đều cảm nhận được sự quan tâm nhiệt tình, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ, nhân viên. Sức khỏe, tinh thần của các công dân đều đảm bảo tốt, tinh thần lạc quan, vui vẻ”.
Chị Trần Thị Kha (tỉnh Tây Ninh) và chị Đoàn Thị Huỳnh Như (tỉnh Đồng Nai) cùng bày tỏ: “Khi chuẩn bị về nước chúng tôi khá lo lắng, chưa hình dung về điều kiện sinh hoạt trong khu cách ly ra sao. Nhưng khi vừa đặt chân về đây, chúng tôi không nghĩ điều kiện sinh hoạt lại tuyệt vời như vậy, không gian sạch sẽ, thoáng mát, ngày nào cũng được kiểm tra sức khỏe ít nhất 2 lần; mỗi bữa ăn lại có nhiều món đầy đủ dinh dưỡng. Mọi người trong khu cách ly thường xuyên thăm, hỏi, không một ai cảm thấy bị cô lập hay “cách ly” như một số tờ báo đưa tin”.Làm tốt công tác tuyên truyền về cuộc bầu cử
Với thời gian cách ly 21 ngày, căn cứ Khoản 4, Điều 29 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) năm 2015, tất cả các công dân trong khu cách ly cũng sẽ tham gia bầu cử vào ngày 23-5.
Đảm bảo tốt nhiệm vụ trong khu cách ly tập trung.Chuẩn bị công tác bầu cử tại khu cách ly Trường Quân sự Quân khu 9.
Trung tá Nguyễn Hoàng Quý, Chính trị viên Tiểu đoàn chuyên môn kỹ thuật, Trường Quân sự Quân khu 9 cho biết, khu vực cách ly là khu vực bầu cử số 1 của Ủy ban bầu cử thành phố Sóc Trăng. Theo quy định, các công dân tại khu cách ly sẽ bỏ phiếu bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND cấp tỉnh. Do vậy, ngoài niêm yết đầy đủ tiểu sử các ứng cử viên và danh sách cử tri, công tác tuyên truyền, giới thiệu về cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được tổ tuyên truyền đặc biệt chú trọng. “Thông qua loa truyền thanh trong khu cách ly, hằng ngày tổ tuyên truyền thực hiện từ 3 đến 4 lần để quán triệt các quy định, văn bản, hướng dẫn của các cấp nhằm giúp cho công dân hiểu rõ về quyền lợi, nghĩa vụ, tầm quan trọng của ngày hội toàn dân. Công dân trong khu cách ly đều hưởng ứng rất nhiệt tình, háo hức thực hiện nghĩa vụ của công dân”, Trung tá Nguyễn Hoàng Quý chia sẻ.
Anh Hà Văn Hoàng (tỉnh Hải Dương) tâm sự: “Nhờ loa truyền thanh thông tin mỗi ngày nên chúng tôi nắm rất rõ cách nhận biết về các loại phiếu bầu, nội quy, nguyên tắc khu vực bỏ phiếu, phiếu không hợp lệ, cũng như việc thực hiện nghiêm các quy định trong phòng, chống dịch Covid-19 khi đi bỏ phiếu”. Ông Nguyễn Phùng Sang (tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu) phấn khởi bày tỏ: “Tôi rất xúc động không nghĩ khi vào khu cách ly lại có điều kiện tham gia bỏ phiếu bầu cử. Để bầu được những đại biểu đủ đức, đủ tài, tôi thường xuyên tìm hiểu tiểu sử của các ứng cử viên được treo trước cửa phòng. Đợt bỏ phiếu này sẽ là một kỷ niệm rất đặc biệt đối với chúng tôi”.
Đảm bảo tốt nhiệm vụ trong khu cách ly tập trung. Công dân tìm hiểu tiểu sử các ứng cử viên tại khu cách ly. Theo Đại tá Nguyễn Văn Rạng, Phó chính ủy Trường Quân sự Quân khu 9, ngoài các cử tri và thành viên tổ bầu cử, còn có những người đang làm nhiệm vụ tại khu cách ly, khi đi bầu tất cả đều phải thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch bệnh. Đối với các thành viên tổ bầu cử đều phải trang bị phòng hộ cá nhân như mặc đồ phòng hộ, đeo khẩu trang, găng tay, kính chắn giọt bắn, bảo đảm khoảng cách với các thành viên khoảng 2 mét… Riêng, đối với công dân phải đeo khẩu trang, khử khuẩn tay và trình thẻ cử tri khi đi bỏ phiếu. Mặt khác, sau khi công dân nhận, ghi và bỏ phiếu vào thùng phiếu thì toàn bộ bút, thước đều được bỏ vào túi đựng rác thải theo quy định của ngành y tế. Khi kết thúc kiểm phiếu tại khu cách ly, thùng phiếu sẽ được bọc kín, sau đó tổ vệ sinh dịch tễ tiến hành khử khuẩn, niêm phong, bảo quản, lưu giữ tại khu vực riêng. “Với sự nỗ lực của cán bộ, chiến sĩ, giáo viên, công nhân viên Trường Quân sự Quân khu 9 nói riêng, lực lượng Quân khu 9 nói chung; sự đồng lòng, trách nhiệm của mỗi công dân Việt Nam sẽ góp phần cùng cả nước thực hiện thành công cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026”, Đại tá Nguyễn Văn Rạng khẳng định.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét